Tóm tắt: Giúp việc gia đình hiện nay đã trở thành một nghề có vai trò quan trọng đối với xã hội. Để giúp việc gia đình trở thành một công việc có tính chất ổn định, lâu dài, thì quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là rất cần thiết đối với lao động giúp việc gia đình. Pháp luật Việt Nam đã có quy định nhằm đảm bảo quyền được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho đối tượng này, tuy nhiên, quy định pháp luật và thực tiễn thực thi vẫn còn nhiều hạn chế.
Abstract: Domestic help becomes an important job for the society. Social insurance, medical insurance are, therefore, very necessary for domestic worker to ensure a stable, long-term job. Current Vietnamese law ensures the right of social insurance, medical insurance entitlement for this subject. Legal provisions and the practice are, however, still very limited.
1. Quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với lao động giúp việc gia đình
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là những quyền lợi mà người lao động luôn hướng tới khi tham gia quan hệ lao động. Bởi trong quá trình lao động, người lao động không thể tránh được những lúc gặp rủi ro như bị ốm đau, tai nạn, mất việc làm, sinh đẻ,… Khi gặp những khó khăn ấy, người lao động rất cần sự san sẻ, tương trợ từ quỹ bảo hiểm xã hội để giúp họ đảm bảo cuộc sống. Đối với lao động giúp việc gia đình, đây cũng là một trong những quyền quan trọng đã được ghi nhận tại khoản 2 Điều 181 Bộ luật Lao động về “Nghĩa vụ của người sử dụng lao động”. Theo đó, người sử dụng lao động có nghĩa vụ “trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm”. Mặc dù, Bộ luật Lao động không trực tiếp quy định về việc người giúp việc gia đình có quyền được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tuy nhiên, thông qua quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động cũng có thể khẳng định pháp luật Việt Nam đã chính thức ghi nhận quyền được hưởng bảo hiểm xã hội của lao động giúp việc gia đình. Tuy nhiên, quy định pháp luật về vấn đề này vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải trao đổi.
Thứ nhất, về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Điều 19 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình quy định “người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm”. Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH ngày 15/8/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 của Chính phủ hướng dẫn cụ thể hơn về số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phải tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo tháng thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động. Nếu để người lao động tự lo bảo hiểm xã hội thì người lao động chỉ có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong khi đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người lao động là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 tháng đến dưới 03 tháng (từ 01/01/2018)[1]. Vậy nếu người lao động giúp việc gia đình ký hợp đồng lao động bằng văn bản có thời hạn từ 03 tháng trở lên nhưng phải tự lo bảo hiểm xã hội có mâu thuẫn với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 hay không?[2]. Khi giúp việc gia đình trở thành một công việc thường xuyên, được đào tạo bài bản, người làm công việc này cũng muốn gắn bó với nghề thì việc tự lo bảo hiểm xã hội sẽ không thể đảm bảo được hết các quyền lợi cho người lao động. Bởi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện người lao động chỉ được hưởng quyền lợi từ chế độ hưu trí và tử tuất những quyền lợi khác như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ không được hưởng. Ngoài ra, mặc dù pháp luật có quy định người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc nghĩa vụ của người sử dụng lao động để người lao động tự lo bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhưng lại không quy định chế tài cho trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện. Đồng thời, hiện nay cũng chưa có quy định về việc ai là người kiểm tra, giám sát nên rất khó để kiểm soát và thực thi trên thực tế.
Thứ hai, đối với trường hợp người lao động khi bị ốm đau, Điều 20 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định “trường hợp người lao động sống cùng gia đình người sử dụng lao động bị ốm, bị bệnh, người sử dụng lao động tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, khám, chữa bệnh. Chi phí khám, chữa bệnh do người lao động chi trả, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. Người sử dụng lao động không phải trả lương cho những ngày người lao động phải nghỉ việc do bị ốm, bị bệnh”. Thực tế khi người lao động bị ốm đau không thể tham gia quan hệ lao động, người lao động không có thu nhập nhưng những chi phí cho việc điều trị, bồi dưỡng sức khỏe lại thường rất tốn kém nên sẽ là khó khăn, gánh nặng cho lao động giúp việc gia đình. Hơn nữa, nếu người giúp việc gia đình có tham gia bảo hiểm y tế thì họ cũng chỉ được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh, còn trợ cấp từ bảo hiểm xã hội trong những ngày họ bị ốm đau để duy trì cuộc sống thì họ lại không được hưởng. Bởi hiện nay, lao động giúp việc gia đình đang thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (chỉ gồm hai chế độ là hưu trí và tử tuất). Như vậy, quy định như trên là chưa thể đảm bảo quyền lợi của người lao động giúp việc gia đình khỏi những rủi ro thường gặp phải trong cuộc sống.
Thứ ba, trong trường hợp người giúp việc gia đình bị tai nạn lao động, Điều 20 Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH quy định người sử dụng lao động phải có trách nhiệm: “1. Sơ cứu và tìm mọi biện pháp đưa người lao động đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời; 2. Chăm sóc chu đáo và tạo mọi điều kiện cần thiết để người lao động điều trị ổn định thương tật; 3. Thông báo ngay và thường xuyên cho người thân của người lao động biết về tình trạng sức khỏe của người lao động bị tai nạn lao động; 4. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế hoặc một phần chi phí y tế tư khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật theo thỏa thuận với người với người lao động chưa tham gia bảo hiểm y tế. 5. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động trong thời gian điều trị. 6. Bồi thường cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động…”. Các quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với lao động giúp việc gia đình khi bị tai nạn lao động về cơ bản là phù hợp với các quy định hiện hành trong Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015. Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong việc đảm bảo điều kiện an toàn nghề nghiệp cho lao động giúp việc gia đình. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 20 Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTTXH quy định đối với trường hợp lao động giúp việc gia đình chưa tham gia bảo hiểm y tế thì người sử dụng lao động chỉ phải thanh toán một phần chi phí y tế theo thỏa thuận với người lao động. Quy định này là chưa hợp lý và đảm bảo công bằng giữa lao động giúp việc gia đình và những người lao động khác bởi lẽ đối với những người lao động khác nếu chưa tham gia bảo hiểm y tế thì Bộ luật Lao động năm 2012 cũng yêu cầu người sử dụng lao động phải thanh toán toàn bộ chi phí y tế[3]. Thực tế, đa số người giúp việc gia đình không tham gia bảo hiểm y tế và nếu họ là người bị tai nạn lao động thì sẽ gặp vô vàn khó khăn về tài chính để cứu chữa, phục hồi sức khỏe vì họ sẽ không được người sử dụng lao động chi trả toàn bộ chi phí y tế chữa trị, đồng thời, không nhận được quyền lợi từ bảo hiểm xã hội.
Thứ tư, hiện nay người lao động giúp việc gia đình thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện do đó, họ cũng không được hưởng chế độ thai sản. Pháp luật lao động chỉ có một quy định về việc cho phép người sử dụng lao động và người giúp việc gia đình tạm hoãn hợp đồng lao động trong trường hợp lao động nữ mang thai theo chỉ định của thầy thuốc phải nghỉ việc để điều trị. Như vậy, pháp luật hiện hành thiếu vắng các quy định liên quan đến sử dụng lao động giúp việc gia đình trong thời gian mang thai như nghỉ thai sản hay việc đảm bảo việc làm cho người giúp việc gia đình sau khi nghỉ thai sản. Trong khi đó, phần lớn lao động giúp việc là nữ và đa số đang trong độ tuổi sinh đẻ. Trên thế giới, cũng đã nhiều quốc gia quy định cho phép người giúp việc gia đình được nghỉ thai sản như Đức; Thụy Sĩ; Colombia; Uruguay; Peru; Bolivia; Philippines; Hồng Kông;… Ví dụ, đạo luật về quyền con người của Nam Phi cho phép người giúp việc gia đình nghỉ thai sản ít nhất là bốn tháng liên tục; các bên có thể thỏa thuận người lao động sẽ được nhận một phần hoặc toàn bộ tiền lương trong thời gian nghỉ thai sản[4]. Điều 14 Công ước 189 của ILO cũng quy định các quốc gia thành viên phải có các biện pháp thích hợp, phù hợp với luật pháp và quy định quốc gia và có quan tâm thích đáng tới những đặc tính cụ thể của công việc giúp việc gia đình, nhằm đảm bảo rằng những người lao động giúp việc gia đình được hưởng điều kiện mà không kém thuận lợi hơn so với những điều kiện được áp dụng đối với những người lao động nói chung về bảo đảm an sinh xã hội, bao gồm cả chế độ thai sản. Mặc dù, do tính chất đặc thù của công việc giúp việc gia đình nên quyền lợi về chế độ thai sản đối với người lao động sẽ rất khó để khả thi. Tuy nhiên, để đảm bảo sự bình đẳng giữa những người lao động, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ và góp phần đưa lao động giúp việc gia đình trở nên chuyên nghiệp hơn thì cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định liên quan đến quyền lợi của lao động giúp việc gia đình trong thời gian mang thai và sinh con.
2. Thực tiễn áp dụng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với lao động giúp việc gia đình
Mặc dù, pháp luật đã có quy định ghi nhận quyền được hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động giúp việc gia đình, nhưng trên thực tế, đa số người sử dụng lao động và người lao động đều chưa quan tâm đến vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Theo kết quả điều tra của ILO và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có 2,8% người giúp việc gia đình có bảo hiểm xã hội (tương ứng với 16 trường hợp trên tổng số 600 người). Trong đó, có 05 trường hợp mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, 04 trường hợp người sử dụng lao động mua cho, một số trường hợp được trung tâm giới thiệu việc làm mua. Có 22,2% số lao động giúp việc gia đình có bảo hiểm y tế (trong tổng số 559 người được điều tra). Phần lớn những người có bảo hiểm y tế là do họ tự chi trả hoặc thuộc diện Nhà nước chi trả (hộ nghèo, gia đình chính sách). Chỉ có 8,3% trong số những người giúp việc gia đình có bảo hiểm y tế là do được người sử dụng mua cho (nếu tính trong tổng số 600 người chỉ có 2% người lao động giúp việc gia đình được chủ nhà mua bảo hiểm y tế)[5]. Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân có thể kể tới như:
Một là, nhận thức và tâm lý của đa số mọi người trong xã hội, kể cả người lao động giúp việc gia đình đều cho rằng giúp việc gia đình chỉ là một công việc tạm thời, không phải là công việc ổn định, thường xuyên, một nghề nghiệp “đàng hoàng” mà họ sẽ gắn bó. Do đó, cả phía người sử dụng lao động và người lao động đều chưa quan tâm thích đáng đến trách nhiệm cũng như quyền lợi của mỗi bên trong quan hệ lao động. Đồng thời, việc tìm kiếm người giúp việc gia đình phần lớn được thực hiện thông qua quan hệ cá nhân, quen biết. Nhiều người giúp việc lại là người đồng hương, họ hàng với gia đình người sử dụng lao động, cộng thêm tâm lý, thói quen giải quyết các vấn đề của quan hệ lao động bằng tình cảm nên các bên thường chỉ thỏa thuận hợp đồng lao động bằng lời nói với những nội dung rất sơ sài về công việc phải làm, thời giờ làm việc, tiền lương. Các trách nhiệm và quyền lợi khác của cả hai bên thường không được các bên thỏa thuận trong đó có cả quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hơn nữa, lao động giúp việc gia đình đa phần có trình độ hạn chế nên còn thiếu hiểu biết pháp luật. Nhiều người lao động không biết đến quyền lợi bảo hiểm xã hội hoặc có biết nhưng cũng vì e ngại nên cũng không dám nói ra yêu cầu, mong muốn của mình.
Hai là, người lao động giúp việc gia đình phần lớn là những người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp nên họ mới đi làm nghề giúp việc để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình họ. Vì vậy, việc họ trích ra một khoản tiền từ tiền lương của người sử dụng lao động trả để tự đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là không khả thi trên thực tế. Nếu để họ tự đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, họ sẽ chi dùng cho gia đình hoặc tích lũy chứ không nghĩ tới việc mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để được hưởng chế độ. Hơn nữa, thời gian đóng bảo hiểm xã hội lâu dài nên người giúp việc gia đình khó có đủ năng lực tài chính để đảm bảo. Trong khi đó, phần lớn lao động giúp việc gia đình là những người ở độ tuổi trung niên, thậm chí nhiều người ở độ tuổi trên 55 nên việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong một khoảng thời gian dài (20 năm đóng bảo hiểm mới được hưởng trợ cấp hưu trí) là rất khó. Đồng thời, những quyền lợi ngắn hạn, sát sườn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… người lao động có nhu cầu được hưởng nhưng không được hưởng do lao động giúp việc gia đình hiện nay chỉ là đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Ba là, việc quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động để người lao động tự lo bảo hiểm là không khả thi trong thực tiễn. Bởi lẽ, nếu thực hiện quy định này, ngoài khoản tiền lương trả cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng thì người sử dụng lao động phải trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động. Số tiền trả thêm với mức lương tối thiểu vùng hiện nay (3.980.000 đồng/tháng với địa bàn thuộc vùng I) là hơn 800.000 đồng/tháng. Như vậy, chi phí người sử dụng lao động phải trả thêm hàng tháng sẽ bị tăng lên rất nhiều. Trong khi đó, vấn đề ký kết hợp đồng lao động bằng hình thức văn bản chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Thực tế, hầu hết hợp đồng lao động đều được các bên thỏa thuận miệng nên không thể kiểm soát được việc người sử dụng lao động có trả thêm cho người giúp việc gia đình một khoản tiền thuộc nghĩa vụ của họ để người lao động tự lo bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật không.
3. Một số kiến nghị
Hiện nay, giúp việc gia đình đã trở thành một công việc không thể thiếu trong xã hội, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Giúp việc gia đình đã được pháp luật thừa nhận là một nghề và người lao động đã được pháp luật bảo vệ thông qua các quy định tương đối đầy đủ và toàn diện, trong đó có quyền được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện cho thấy người lao động giúp việc gia đình còn chưa được hưởng quyền này. Chính vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cũng như có các biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của lao động giúp việc gia đình, sớm đưa giúp việc gia đình trở thành việc làm bền vững cho người lao động.
Thứ nhất, theo quy định pháp luật hiện nay, lao động giúp việc gia đình thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả một khoản tiền cùng với kỳ trả lương để người lao động tự lo bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, từ những phân tích ở trên cho thấy nếu chỉ dừng lại ở đó thì quy định này chỉ mang tính hình thức mà không thể khả thi trên thực tế, không đảm bảo sự bảo vệ một cách toàn diện về an sinh xã hội cho lao động giúp việc gia đình. Thiết nghĩ, cần quy định hình thức tham gia bảo hiểm xã hội cho lao động giúp việc gia đình là bảo hiểm xã hội bắt buộc. Có như vậy thì người lao động mới được bảo vệ trong các trường hợp rủi ro như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động thay vì chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, hằng tháng người sử dụng lao động và người lao động đều có trách nhiệm trích đóng một khoản tiền theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội tính trên cơ sở tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vào quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Như vậy, các quyền lợi của người lao động về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đều được đảm bảo. Đồng thời, để thực hiện được vấn đề này cần có những quy định hướng dẫn cụ thể cách thức để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động và chế tài nếu họ không thực hiện nghĩa vụ của mình.
Thứ hai, ngoài việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với lao động giúp việc gia đình, cũng cần thực hiện đồng bộ với các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật về lao động giúp việc gia đình nói chung và pháp luật về bảo hiểm xã hội nói riêng đến người lao động và các hộ gia đình có thuê mướn, sử dụng lao động là người giúp việc gia đình nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cả người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời, qua đó cũng giúp lao động giúp việc gia đình có khả năng tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động giúp việc gia đình, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, cũng cần tăng cường vai trò của Ủy ban nhân dân trong công tác quản lý về lao động giúp việc gia đình, khuyến khích, tạo điều kiện cho người giúp việc gia đình được tham gia vào tổ chức đại diện, qua đó người lao động có thể được chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ về pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh thuộc Đại học Thái Nguyên
[1]. Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
[2]. Đào Mộng Điệp (2014), “Pháp luật về lao động là người giúp việc gia đình và kiến nghị hoàn thiện”, Tạp chí Luật học số 12/2014, tr. 3-8.
[3]. Khoản 1 Điều 144 Bộ luật Lao động năm 2012.
[4]. Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (2013), Báo cáo rà soát pháp luật, chính sách, nghiên cứu quốc tế và Việt Nam liên quan đến lao động giúp việc gia đình, Hà Nội, tr. 23-24.
[5]. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (2012),“Việc làm bền vững đối với lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam”, Nxb. Lao động - Xã Hội, Hà Nội, tr. 103-104.