Luật Tố cáo năm 2018 ra đời, với những quy định mới về căn cứ, trình tự, thủ tục áp dụng, cách thức thực hiện các biện pháp bảo vệ và chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong việc bảo vệ người tố cáo được xác định cụ thể hơn. Đồng thời, có sự đổi mới theo hướng bảo đảm yêu cầu bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo trong toàn bộ quá trình giải quyết tố cáo. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, trong đó, Chương VI quy định cụ thể về bảo vệ người tố cáo như: Họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo, người được bảo vệ theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 cũng được đưa vào Danh mục bí mật nhà nước độ mật của Ngành Thanh tra theo Quyết định số 774/QĐ-TTg ngày 05/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Qua đó, góp phần xây dựng cơ chế bảo vệ thông tin người tố cáo ngày càng hoàn thiện hơn, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện quyền tố cáo, công tác bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, một số quy định về bảo vệ bí mật thông tin tại Luật Tố cáo năm 2018 vẫn còn tồn tại những “khoảng trống” cần được làm rõ.
1. Quy định pháp luật về bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo
1.1. Đối tượng được bảo vệ bí mật thông tin khi thực hiện tố cáo
Theo quy định tại Điều 47 Luật Tố cáo năm 2018, người được bảo vệ bí mật thông tin khi thực hiện tố cáo bao gồm: Người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Có thể thấy, đối tượng được bảo vệ bí mật thông tin trong Luật Tố cáo năm 2018 chủ yếu tập trung vào những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người thực hiện tố cáo nếu chiếu theo Bộ luật Dân sự năm 2015. So sánh cùng vấn đề với Luật Tố cáo năm 2011, có thể thấy, chủ thể được bảo vệ bí mật thông tin khi thực hiện việc tố cáo trong Luật Tố cáo năm 2018 hẹp hơn so với Luật Tố cáo năm 2011. Cụ thể, Luật Tố cáo năm 2011 bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo, người cung cấp thông tin có liên quan đến việc tố cáo. Như vậy, Luật Tố cáo năm 2018 đã giản lược nội dung này khi chỉ liệt kê một số chủ thể được bảo vệ thay vì theo nội hàm “người thân thích với người tố cáo, người cung cấp thông tin có liên quan đến việc tố cáo” so với Luật Tố cáo năm 2011.
Theo quan điểm của tác giả, chủ thể được bảo vệ theo Luật Tố cáo năm 2011 mang tính khả thi, hiệu quả hơn so với Luật Tố cáo năm 2018, khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo của mình. Bởi lẽ, có những chủ thể tuy không nằm trong hàng thừa kế thứ nhất vẫn có thể gặp nguy hiểm nếu thực hiện hành vi tố cáo. Thực tế cho thấy, theo tập quán sinh hoạt hiện nay ở nước ta, vẫn tồn tại nhiều gia đình có truyền thống “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường”, “gia đình đa thế hệ” sống cùng nhau. Trong đó, giả định người tiến hành tố cáo thuộc hàng con, cháu trong một gia đình nhưng pháp luật lại chỉ có những biện pháp bảo vệ bí mật thông tin cho cha, mẹ, vợ hoặc chồng mà không có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin cho cô, chú, ông, bà, do vậy, chưa bảo đảm sự an tâm cho người tiến hành tố cáo, đây là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. Bên cạnh đó, Luật Tố cáo năm 2018 chỉ tập trung bảo vệ người tiến hành tố cáo và một số đối tượng thân thích của người tố cáo mà chưa có những biện pháp, cơ chế bảo vệ bí mật thông tin cho người làm chứng trong tố cáo hoặc giả thông tin của những đối tượng trực tiếp, gián tiếp cung cấp thông tin liên quan đến tố cáo.
1.2. Chủ thể có trách nhiệm tiếp nhận thông tin và bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo
Theo quy định tại Điều 56 Luật Tố cáo năm 2018, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định áp dụng biện pháp giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp. Như vậy, quy định này chỉ ghi nhận về trách nhiệm của cơ quan bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo một cách khái quát và chưa xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, cơ quan trong việc tiếp nhận, xử lý tố cáo, trách nhiệm phối hợp nhằm bảo đảm thông tin về người tố cáo không bị tiết lộ ra bên ngoài. Bên cạnh đó, quy định này cũng chưa xác định rõ cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ, cũng như chưa quy định cụ thể về thời gian áp dụng các biện pháp, quy trình để bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo[1].
Đối chiếu vấn đề này trong quy định của pháp luật Úc, Luật Công khai lợi ích công năm 2013 xác định Thanh tra Khối Thịnh vượng chung chịu trách nhiệm trước Quốc hội và chịu trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết đơn tố giác. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm về một số vấn đề như: Cung cấp thông tin cho người tố cáo về cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố cáo; tư vấn cho các cơ quan công quyền có liên quan về việc thực hiện quy trình giải quyết tố cáo; thông qua thu thập dữ liệu từ các cơ quan công quyền và công bố báo cáo thường niên; thúc đẩy nhận thức và hiểu biết về Luật Công khai lợi ích công năm 2013. Đồng thời, Luật cũng trao cho người tố cáo vai trò chủ chốt trong việc giám sát và thực thi bảo mật thông tin người tố giác. Bên cạnh đó, Tổ chức Minh bạch Quốc tế và một nghiên cứu của Quốc hội Úc (năm 2017) đã nhấn mạnh sự cần thiết và đưa ra đề xuất thành lập một cơ quan bảo vệ người tố cáo với vai trò hỗ trợ người tố cáo, cơ quan điều tra và cơ quan quản lý, hỗ trợ việc thực thi pháp luật và đưa ra lời khuyên, biện pháp khắc phục.
2. Một số bất cập trong quy định về bảo vệ thông tin người tố cáo và kiến nghị hoàn thiện
Nhìn chung, có thể thấy, liên quan đến vấn đề bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để điều chỉnh như: Hiến pháp năm 2013, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật Tố cáo năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)… Trong đó, bí mật thông tin người tố cáo được phân loại ở cấp độ mật theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định liên quan đến bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo vẫn tồn tại những “khoảng trống” cần được làm rõ. Cụ thể:
Thứ nhất, các thông tin cần được bảo vệ có liên quan đến người tố cáo chưa có sự thống nhất và đầy đủ. Đơn cử: Điều 8 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về các hành vi bị cấm bao gồm: Tiết lộ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo. Khi đối sánh cùng vấn đề với Điều 8 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì Luật này chỉ cấm duy nhất một hành vi đó là tiết lộ thông tin về người tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng. Có thể thấy, phạm vi bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo được quy định tại Luật Tố cáo năm 2018 có nội hàm rộng hơn, do đó, cần có sự đồng nhất về các hành vi bị cấm liên quan đến thông tin người tiến hành tố cáo trong Điều 8 Luật Tố cáo năm 2018 và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 nhằm tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Thứ hai, Điều 22 Luật Tố cáo năm 2018 chỉ cho phép người tố cáo được tiến hành bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Về bản chất, hình thức tố cáo này sẽ dễ dẫn đến lộ lọt thông tin người tố cáo. Bởi suy cho cùng, người tố cáo luôn muốn thực hiện tố cáo thông qua các hình thức mang tính bảo mật cao hơn so với hình thức trực tiếp tố cáo như email, fax, điện thoại trực tiếp… Các hình thức này sẽ giảm thiểu số lượng người biết được thông tin người tố cáo, tránh lộ lọt thông tin, cũng như dễ truy xuất người có trách nhiệm bảo vệ thông tin người tố cáo. Từ vấn đề này, theo tác giả, cần có sự thay đổi trong hình thức tiến hành tố cáo theo hướng mở rộng các hình thức như: Email, fax, điện thoại…
Thứ ba, theo quy định tại Điều 49 Luật Tố cáo năm 2018, có nhiều chủ thể có thể nắm bắt và truy xuất được thông tin người tố cáo như: Người giải quyết tố cáo, cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo; công an chủ trì phối hợp với cơ quan, tổ chức bảo vệ tính mạng, sức khỏe người tố cáo; cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Ủy ban nhân dân các cấp; công đoàn các cấp…, tuy nhiên, Điều 56 Luật Tố cáo năm 2018 chỉ xác định cơ quan tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo sẽ có trách nhiệm giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo.
Từ vấn đề trên, theo tác giả, cần có biện pháp bảo mật thông tin người tố cáo, thay đổi cách nhìn nhận về tố cáo nặc danh và thừa nhận hình thức tố cáo này trong quy định của pháp luật, bởi đây cũng là một kênh hữu hiệu để phát hiện và xử lý hành vi tiêu cực, là biện pháp để bảo vệ người tố cáo khỏi sự đe dọa, trả thù, trù dập. Tổ chức Minh bạch Quốc tế khuyến nghị rằng, cần phải thừa nhận việc tố cáo nặc danh, cơ quan tiếp nhận và xác minh tố cáo không nên bỏ qua hình thức tố cáo nặc danh, bởi suy cho cùng, đây là biện pháp an toàn nhất để bảo vệ thông tin người tiến hành tố cáo. Trên thế giới, đã có một số quốc gia chấp nhận và xem xét đơn thư tố cáo nặc danh như: Colombia, Brazil, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc..., người tố cáo thực hiện hình thức tố cáo nặc danh bởi họ lo sợ hình thức tố cáo chính danh thông thường sẽ dễ bị lộ lọt thông tin. Vì vậy, việc tố cáo nặc danh sẽ là biện pháp tối ưu, đồng thời, cơ quan có thẩm quyền sẽ không cần áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo[2].
Thứ tư, pháp luật chưa có các quy định về bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, người làm chứng, cung cấp thông tin về những hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức khi mà trên thực tế, trong quá trình xác minh tố cáo, cơ quan chức năng có thể triệu tập người làm chứng nhằm làm sáng tỏ thông tin tố cáo. Bên cạnh đó, Điều 96 Luật Thanh tra năm 2022 có quy định các hoạt động về tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra, tuy nhiên, Luật Tố cáo năm 2018 chỉ đề cập đến phạm vi bảo vệ bí mật thông tin người tiến hành tố cáo mà chưa bao hàm nội dung tiến hành phản ánh hay kiến nghị. Do vậy, việc đồng nhất trong việc bảo vệ bí mật thông tin cá nhân cho người thực hiện tố cáo, phản ánh, kiến nghị là vấn đề cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, cần có quy định hướng dẫn biện pháp bảo mật thông tin của người tố cáo, đặc biệt là người tố cáo hành vi tham nhũng là biện pháp bắt buộc mà tất cả các cơ quan tiếp nhận tố cáo, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo hay cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ đều phải thực hiện mà không cần có sự yêu cầu của người tố cáo hay đề xuất của cơ quan có thẩm quyền như khoản 5 Điều 56 Luật Tố cáo năm 2018. Điều 20 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ về quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh có quy định việc người xử lý đơn tố cáo có trách nhiệm phải giữ bí mật về thông tin của người tố cáo, thiết nghĩ, nội dung này cần được đưa vào luật để có hiệu lực pháp lý cao nhất[3].
Thứ năm, hướng đến bảo đảm an toàn thông tin người tiến hành tố cáo, cần quy định chế tài nghiêm khắc hơn đối với trường hợp vi phạm việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo cũng như người được bảo vệ, có sự phân biệt các mức độ vi phạm khác nhau. Theo đó, có thể giữ nguyên mức độ xử lý kỷ luật đối với hành vi vô ý làm lộ bí mật thông tin của người tố cáo hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, đối với các trường hợp cố ý tiết lộ thông tin của người tố cáo sẽ có hình thức kỷ luật hạ bậc lương với công chức, giáng chức với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; việc tiết lộ thông tin làm cho người tố cáo chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hành vi trả thù, đe dọa thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời, phải chịu liên đới việc bồi thường những thiệt hại mà người tố cáo hành vi tham nhũng phải gánh chịu do hành vi cố tình hay vô ý tiết lộ thông tin mà mình thực hiện[4]. Bí mật thông tin người tố cáo là bí mật nhà nước và theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 thì thông tin này được phân loại ở độ “mật”. Do vậy, trong trường hợp thông tin của người tố cáo bị lộ lọt, gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người tố cáo thì dù vô ý hay cố ý cũng cần phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 337 hoặc khoản 1 Điều 338 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)5.
TS. Trần Lê Đăng Phương
Trường Đại học An Giang
[1]. Cao Vũ Minh & Nguyễn Công Tây (2021), Hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo, http://tapchimattran.vn/thuc-tien/hoan-thien-cac-quy-dinh-phap-luat-ve-bao-ve-nguoi-to-cao-41901.html, truy cập ngày 28/02/2023
[2]. Nguyễn Thành Phương & Nguyễn Phan Quốc Kiệt (2022), Bất cập trong Luật Tố cáo 2018 và hướng hoàn thiện, Tạp chí Thanh tra, Thanh tra Chính phủ, 2022, Số 07, tr. 32.
[3]. Nguyễn Thành Phương & Đinh Trần Ngọc Huyền, Pháp luật về bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo - Thực trạng và hướng hoàn thiện, Kỷ yếu Hội thảo pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kỷ nguyên số: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam hiện nay, Trường Đại học Mở Hà Nội, ngày 28/3/2013.
[4]. Cao Vũ Minh & Nguyễn Công Tây (2021), Tlđd.
[5]. Lê Tiến Đạt (2020), Pháp luật về bảo vệ người tố cáo và một số vấn đề đặt ra hiện nay, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phap-luat-ve-bao-ve-nguoi-to-cao-va-mot-so-van-de-dat-ra-hien-nay-78526.htm, truy cập ngày 29/02/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 384), tháng 7/2023)