1. Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về biển đảo
Ngày 12/5/1977, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tuyên bố này từng bước mở rộng các vùng biển đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, chấm dứt tình trạng không rõ ràng của lãnh hải Việt Nam từ thời thực dân và chế độ Sài Gòn. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên và là nền tảng cho các văn bản pháp luật quy định về biển, đảo sau này.
Ngày 23/6/1994, Việt Nam tham gia Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Công ước quy định các vấn đề về biển, đảo, đại dương và các vấn đề về quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các nước đối với vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia và vùng biển ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Ngày 04/11/2002 tại Campuchia, các nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (viết tắt là DOC). Đây là văn kiện chính trị chung đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc trực tiếp liên quan đến vấn đề Biển Đông. Văn kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN, phản ánh nguyện vọng chung của các quốc gia trong khu vực về giữ gìn hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông, giúp thúc đẩy việc tăng cường hợp tác, xây dựng lòng tin và giảm căng thẳng, tránh nguy cơ xung đột. Mục đích quan trọng nhất của DOC là tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình và lâu dài cho tranh chấp ở Biển Đông, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác hiện có giữa các bên ký kết. Ngoài ra, DOC còn tạo bước đệm cho việc tiếp tục xây dựng và tiến tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (viết tắc là COC).
Cho đến nay, Việt Nam đã thông qua đàm phán giải quyết được vấn đề phân định ranh giới thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế với Thái Lan (Hiệp định ký ngày 09/8/1997, có hiệu lực từ 26/02/1998); phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc (Hiệp định ký ngày 25/12/2000, có hiệu lực từ 30/6/2004); phân định ranh giới thềm lục địa với Indonesia (Hiệp định ký ngày 26/6/2003, có hiệu lực từ 29/5/2007).
Năm 2003, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biên giới quốc gia khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 04/3/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2008/NĐ-CP giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo với sự ra đời của Tổng Cục biển và hải đảo. Đến năm 2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là một dấu mốc quan trọng, một văn bản quy phạm pháp luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Bằng việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, Việt Nam đã chuyển một thông điệp quan trọng tới thế giới: Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Ngoài ra, còn thể hiện quyết tâm của Nhà nước Việt Nam phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới. Cùng với đó còn có rất nhiều các bộ luật, luật, nghị định, quy định liên quan đến biển, đảo trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo như: Luật Bảo vệ môi trường; Bộ luật Hàng hải Việt Nam; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Thủy sản; Luật Quy hoạch; Luật Cảnh sát biển Việt Nam…
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên các vùng biển đảo Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đặc biệt, trước bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm về biển, đảo: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước”. Đồng thời, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nêu “nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững”. Ðây sẽ là cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc bảo vệ, khai thác, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam
2.1. Thực trạng vấn đề biển đảo Việt Nam thời gian qua
Từ lâu, vấn đề Biển Đông đã trở thành tâm điểm tập hợp lực lượng của các nước lớn. Khi Chiến tranh lạnh kết thúc (1974 - 1990), cơ bản chỉ là tranh chấp lãnh thổ giữa một số nước trong khu vực và Trung Quốc. Từ năm 1990 - 2010, từ tranh chấp lãnh thổ mở rộng thành vấn đề an ninh khu vực. Các nước quanh khu vực Biển Đông thời gian này liên tục đưa ra những yêu sách về quyền chủ quyền ở Biển Đông, dẫn đến hình thành những khu vực biển chồng lấn rộng lớn. Biển Đông trở thành vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Các bên liên quan đến vấn đề Biển Đông bắt đầu sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả quân sự, chính trị, ngoại giao, pháp lý... để bảo vệ lợi ích của mình. Từ năm 2010 - 2015, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp và càng trở nên căng thẳng hơn khi Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động nhằm thực thi yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý ở Biển Đông. Trước tình hình trên, một số nước ngoài khu vực như: Mỹ, Nhật Bản, Ôxtrâylia (Australia)... bắt đầu “can dự” vấn đề Biển Đông nhân danh an ninh, an toàn hàng hải, hàng không bằng nhiều biện pháp khác nhau, chủ yếu là thông qua các biện pháp ngoại giao đa phương và trên thực địa. Với việc Nhóm các nước Công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm: Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada nhiều lần ra tuyên bố chung về vấn đề an ninh, an toàn hàng hải, trong đó đề cập đến vấn đề Biển Đông và Tòa Trọng tài Biển Đông ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016 cho thấy, vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hóa ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Ở nước ta, sức mạnh tổng hợp và lực của Việt Nam trên các vùng biển, đảo trong thời gian gần đây đã tăng lên nhiều. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, thế trận lòng dân trên biển, đảo không ngừng được củng cố, tăng cường. Các lực lượng quản lý, tuần tra, kiểm sát, bảo vệ biển, đảo như: Cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư… từng bước được xây dựng, phát triển ngày một vững mạnh. Trong đó Hải quân Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước từ "ưu tiên" tiến thẳng lên "hiện đại". Với sự trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc, Hải quân Việt Nam có đủ sức mạnh làm nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo; là điểm tựa tin cậy cho nhân dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế. Phần lớn đại bộ phận các tầng lớp nhân dân có tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, luôn có ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc đặc biệt là thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, vẫn còn một vài bộ phận người dân chưa có sự phối hợp, thống nhất nhận thức và hành động về chủ quyền biển, đảo nên các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước vẫn đang ra sức lợi dụng vấn đề này nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Mặt khác, do điều kiện kinh tế và ngân sách có hạn, chúng ta chưa thể cùng lúc đầu tư xây dựng ngay được các lực lượng quản lý, bảo vệ biển đảo đủ mạnh; trang thiết bị, phương tiện còn thiếu thốn nên khó duy trì sự hiện diện thường xuyên, liên tục trên toàn bộ vùng biển, đảo rộng lớn. Cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất các lực lượng quản lý, thực thi, bảo vệ chủ quyền biển, đảo còn có những bất cập nhất định. Chính vì vậy, cần thiết phải có những biện pháp cụ thể nhằm tăng cường bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
2.2. Biện pháp tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trong tình hình mới
Trải qua quá trình lao động và sản xuất từ ngàn đời xưa, ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm sống “trong ấm, ngoài êm”. Đây không chỉ là bài học sâu sắc về đối nhân, xử thế trong mỗi gia đình mà còn có thể áp dụng cho cả quốc gia. Điều này đã được lịch sử nhiều lần chứng minh trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Khi nội bộ đoàn kết, lòng dân thuận hòa thì biên cương, bờ cõi nước non sẽ yên ổn. Khi trên dưới bất hòa, nội bộ mất đoàn kết, lòng dân ly tán, thì ngoại bang sẽ nhòm ngó, xâm lăng. Trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo cũng vậy, “trong bờ có ấm, ngoài biển mới yên” - đất nước có ổn định, nhân dân đoàn kết một lòng mới tạo ra thế và lực để bảo vệ biển, đảo và ngược lại “ngoài biển có yên, trong bờ mới ấm” - có bảo vệ được bình yên biển, đảo thì trong nước mới ổn định, phát triển được. Chính vì vậy, để bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo. Củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận giữa hệ thống chính trị với các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế biển, đảo và tạo chỗ dựa vững chắc cho ngư dân ra khơi bám biển. Khi ý Đảng hợp với lòng dân sẽ tạo nên sức mạnh phá tan những âm mưu của các thế lực thù địch. Đồng thời, tạo nên hệ thống chính trị ổn định để phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong bờ, ngoài biển. Từ đó sẽ khơi dậy được truyền thống yêu nước, lòng tự hào, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc; hình thành mặt trận chính trị rộng lớn của nhân dân cả nước hướng về biển, đảo và cùng chung sức đồng lòng bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.
Hai là, phát huy tinh thần tự lực, tự cường; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nêu cao tính chính nghĩa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước trong khu vực và quốc tế. Cần xác định, vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề lâu dài và phức tạp, không thể nóng vội. Vì vậy, phải luôn kiên trì hợp tác nhằm tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề tranh chấp về biển đảo, tránh làm phức tạp thêm tình hình; luôn bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia, tôn trọng lợi ích chính đáng của các nước, tuân thủ luật pháp quốc tế. Để làm được điều đó, Đảng và Nhà nước cần phải tăng cường công tác ngoại giao, đối ngoại với các nước trong khu vực và các nước có vùng biển giáp ranh, chồng lấn nhằm giảm bớt căng thẳng, xây dựng lòng tin, tạo sự hiểu biết lẫn nhau, kịp thời phối hợp giải quyết những bất đồng cũng như các vấn đề nảy sinh trên biển. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, tránh xảy ra xung đột, không để đất nước bị cô lập trong giải quyết tranh chấp Biển Đông; cùng các nước xây dựng vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững, ổn định lâu dài.
Ba là, cần phải có hệ thống chính sách, pháp luật chặt chẽ, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế. Dựa trên cơ sở các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đặc biệt là Luật Biển Việt Nam, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... các bộ, ban, ngành cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bên cạnh đó, cần chú trọng nghiên cứu xây dựng các chính sách về phát huy tiềm năng, thế mạnh của biển và xây dựng các chính sách kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh, bảo vệ biển, đảo. Sự kết hợp đó phải thể hiện rõ trong quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của quốc gia và của từng vùng, từng ngành, từng địa bàn nhất định. Đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp với các lực lượng, các mặt trận để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong trường hợp có tình huống bất ngờ xảy ra.
Bốn là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng - an ninh, giữa sức mạnh khai thác biển và sức mạnh bảo vệ biển. Nếu kinh tế biển mạnh sẽ tạo điều kiện vật chất để tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh. Ngược lại, nếu quốc phòng - an ninh vững mạnh sẽ tạo ra môi trường an toàn và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển bền vững giúp bảo vệ được biển, đảo. Do đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt, thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển. Quá trình phát triển kinh tế biển phải gắn liền với tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội biển, đảo. Mặt khác, phải có những chính sách và giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đời sống của người dân vùng biển và hải đảo như: Đầu tư phát triển du lịch biển; hỗ trợ tàu thuyền, trang thiết bị, cầu cảng cho ngư dân khai thác hải sản; xây dựng công trình phòng thủ, bố trí dân cư... đặc biệt ưu tiên đầu tư phát triển cho những vùng biển tiền tiêu và hải đảo xa xôi còn nhiều khó khăn để góp phần tạo thế và lực cho đất nước trong hành trình bảo vệ và khai thác biển, đảo.
Trước những diễn biến mau lẹ, khó lường của tình hình thế giới cũng như trong khu vực và trên Biển Đông, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn phải nâng cao cảnh giác, chủ động nắm chắc tình hình trên các vùng biển nhất là vùng biển trọng điểm, nhạy cảm; dự báo chính xác mọi động thái không để bị động, bất ngờ nhằm ngăn ngừa nguy cơ xung đột từ sớm, từ xa; kiên quyết, khôn khéo bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định biển đảo.
Có thể khẳng định, Biển đảo là bộ phận lãnh thổ không tách rời của Việt Nam. Đây cũng là địa bàn chiến lược về quốc phòng - an ninh, là tuyến phòng thủ hướng Đông của đất nước và là cửa ngõ giao lưu, hội nhập quốc tế; đồng thời cũng là nơi tiếp cận với các nền văn hóa. Từ lâu, biển đảo đã đi vào tình cảm, tâm thức của đồng bào ven biển nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người dân Việt Nam. Trước tình hình quốc tế và khu vực đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều nhân tố mới xuất hiện tác động trực tiếp đến tình hình Biển Đông. Do đó, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức nhất định. Chính vì vậy, để bảo vệ chủ quyền biển, đảo chúng ta cần phải có những chủ trương, biện pháp hết sức mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và thời điểm cụ thể. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc đối với biển, đảo là bảo vệ quê hương đất nước, bảo vệ hòa bình và chính nghĩa và cũng là bảo vệ sự trọn vẹn lãnh thổ cũng như tình cảm chân chính của nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Duy Chiến, Nội dung của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 12 (197), tháng 6/2011, tr. 25-29.
2. Lê Minh Phiếu, Hướng đến một công cụ pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm hòa bình trên Biển Đông, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 6 (214), tháng 3/2012, tr.19-26.
3. Trung tâm nghiên cứu chính sách Đông Á, Vượt qua tình trạng bế tắc ở Biển Đông: cùng nhau xác định các tuyên bố chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế, Thông tấn xã Việt Nam, tháng 9/2015.
4. Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 664.
5. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.