Abstract: This article analyses the term “torture” and the shortcomings of regulations on anti-torture in the Penal Code of 1999, especially the Penal Code of 2015, thereby proposes recommendations to ensure the feasibility of criminal legislation, as well as its conformity with the context of Vietnam joining the Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment.
Điều 5 Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 đã khẳng định: “Không ai có thể bị tra tấn hoặc dùng nhục hình, bị đối xử hoặc chịu hình phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo”. Điều 7 Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 cũng nhắc lại một cách mạnh mẽ: “Không một người nào có thể bị tra tấn, đối xử hoặc áp dụng hình phạt một cách tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc dùng nhục hình”. Đặc biệt, đến năm 1984, một Công ước của Liên hợp quốc riêng về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người[1](gọi tắt là CAT) đã được thông qua. Ngày 28/11/2014, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn CAT với việc bảo lưu quy định tại Điều 20 và khoản 1 Điều 30 CAT và không coi quy định tại khoản 2 Điều 8 CAT là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ (việc dẫn độ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam trên cơ sở các hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc nguyên tắc có đi có lại).
Theo Điều 1 CAT: “Thuật ngữ “tra tấn” có nghĩa là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc khổ đau nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe dọa hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và khổ đau đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức. Khái niệm tra tấn không bao gồm những đau đớn hoặc đau khổ xuất phát từ, gắn liền với, hoặc có liên quan đến, các biện pháp trừng phạt hợp pháp”. CAT cũng đòi hỏi mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp hoặc các biện pháp hiệu quả khác để ngăn chặn các hành vi tra tấn trên bất cứ khu vực lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình. Ở phương diện lập pháp hình sự, Điều 4 CAT yêu cầu tội phạm hóa hành vi tra tấn, quy định những hình phạt thích đáng với người thực hiện hành vi tra tấn.
Như vậy, từ Điều 1 và Điều 4 của CAT, có thể phân tích khái niệm “tra tấn” với các yếu tố cấu thành sau:
- Hành vi khách quan: Gây đau đớn hoặc khổ đau nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người (không gắn liền hoặc có liên quan đến các biện pháp trừng phạt hợp pháp).
- Mặt chủ quan: Lỗi cố ý, mục đích của tội phạm: (i) Lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba; (ii) Để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện; (iii) Để đe dọa hay ép buộc người đó hay người thứ ba; (iv) Vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức.
- Chủ thể thực hiện: Chủ thể đặc biệt - do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra hoặc với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức.
Để đấu tranh trực diện với hành vi tra tấn, phải thừa nhận Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa có quy định tội phạm hóa hành vi tra tấn như mô tả tại Điều 1 CAT. Tuy nhiên, không phải đợi đến khi Việt Nam phê chuẩn CAT thì chúng ta mới có các công cụ pháp lý hình sự để phòng chống và trừng trị hành vi tra tấn. Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng đã thể hiện tinh thần của CAT, đó là không chấp nhận, không dung túng cho hành vi tra tấn, trong đó quy định 04 tội danh liên quan trực tiếp đến hành vi tra tấn: Tội dùng nhục hình (Điều 298), tội bức cung (Điều 299), tội làm nhục, hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới (Điều 321), tội ngược đãi tù binh, hàng binh (Điều 340)[2].
Quá trình nội luật hóa CAT được đẩy mạnh ngay tại thời điểm Việt Nam chuẩn bị cho việc ký kết, phê chuẩn Công ước này. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định mọi người không bị tra tấn, bạo lực với việc bổ sung nội dung này trong quy định tại khoản 1 Điều 20. Ngày 27/11/2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 được thông qua đã tiếp tục quy định về hành vi dùng nhục hình, bức cung trong hoạt động tư pháp[3], đồng thời đã có sự sửa đổi, bổ sung đáng kể sau để phù hợp với tinh thần của CAT:
- Mở rộng hơn phạm vi hoạt động tư pháp: Không chỉ trong số các hoạt động được liệt kê tại Bộ luật Hình sự năm 1999 bao gồm hoạt động của cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã khái quát thành “hoạt động tố tụng và thi hành án” (Điều 367);
- Mở rộng phạm vi chủ thể một số tội phạm: Chủ thể của tội dùng nhục hình (Điều 373) là “người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án và thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”, chủ thể của tội bức cung là “người nào trong hoạt động tố tụng” (Điều 374);
- Mô tả rõ hành vi khách quan của tội dùng nhục hình (dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào) gần hơn với cách quy định của CAT;
- Nâng hình phạt: Loại hình phạt cao nhất đối với tội dùng nhục hình và tội bức cung là tù chung thân (trước đây chỉ là tù có thời hạn với mức cao nhất 10 năm và 12 năm);
- Bổ sung khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội dùng nhục hình, tội bức cung;
- Quy định cụ thể về các tình tiết định tội, tình tiết định khung tăng nặng hình phạt, đặc biệt, với tội bức cung, điểm d khoản 2 Điều 374 quy định rõ “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung” là tình tiết định khung tăng nặng.
Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân” vào tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điểm b khoản 3 Điều 157) với những nạn nhân của hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định tình tiết này để xử lý hành vi “tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân” đối với người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật trong các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực tư pháp. Đây là một sự mở rộng đáng kể, đáng ghi nhận của Bộ luật Hình sự. Điều 157 cũng được áp dụng để xử lý đối với “công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức”. Cách xử lý của Bộ luật Hình sự năm 2015 là không đưa nguyên hành vi tra tấn theo CAT thành một tội danh độc lập mà thể hiện trong nhiều tội phạm, nhiều tình tiết định khung tăng nặng. Hành vi tra tấn chủ yếu xảy ra trong hoạt động tư pháp, vì vậy, việc bổ sung tội dùng nhục hình đã giải quyết được căn bản nhu cầu xử lý hình sự hành vi tra tấn xảy ra trên thực tế.
Tuy nhiên, hành vi tra tấn theo quy định tại Điều 1 CAT không chỉ trong lĩnh vực tư pháp. Hành vi tra tấn chưa được quy định nếu nạn nhân bị tra tấn trong quá trình bị giữ hợp pháp nhưng việc giữ người này không phải trong lĩnh vực tư pháp. Ví dụ: Nạn nhân bị tra tấn trong khi bị tạm giữ hành chính tại các cơ quan nhà nước. Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, phạm vi công chức có thẩm quyền tạm giữ hành chính rất rộng[4], việc tạm giữ hành chính này là hợp pháp nhưng xử lý hành vi tra tấn người bị tạm giữ hợp pháp trong thời gian bị tạm giữ hành chính tại các buồng tạm giữ hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính bằng việc áp dụng Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì quá khiên cưỡng do Điều 157 giới hạn trong phạm vi bắt, giữ, giam người trái pháp luật.
Điều 292 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định khái niệm các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp theo hướng hẹp, chỉ trong phạm vi hoạt động của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án và do đó, chưa bao quát hết phạm vi các chủ thể tham gia hoạt động tư pháp. Đến năm 2015, hoạt động tư pháp được mở rộng hơn, bao gồm “những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án” (Điều 367 Bộ luật Hình sự năm 2015), nhưng không bao gồm hoạt động thi hành tạm giữ, tạm giam vì hoạt động thi hành tạm giữ, tạm giam không phải là hoạt động tố tụng. Bởi lẽ, hoạt động tố tụng là hoạt động giải quyết vụ án hình sự mà trọng tâm là giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của người phạm tội, truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Thi hành tạm giữ, tạm giam với các hoạt động như quản lý giam giữ người bị tạm giữ, người bị tạm giam và chế độ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam về ăn, ở, mặc, tư trang, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, gặp thân nhân… rõ ràng mang tính chất hành chính tư pháp nhiều hơn là mang tính chất tố tụng. Hoạt động thi hành tạm giữ, tạm giam cũng không phải là hoạt động thi hành án hình sự do người bị tạm giữ, tạm giam chưa bị kết án, chưa chuyển sang chế độ thi hành án. Sẽ là gần hơn, hợp lý hơn nếu coi hoạt động thi hành tạm giữ, tạm giam là một trong số các hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, dù hoạt động thi hành tạm giữ, tạm giam thuộc lĩnh vực hoạt động nào thì nguy cơ tra tấn trong quá trình tạm giữ, tạm giam không do người tiến hành tố tụng gây ra mà do các công chức trong các cơ sở giam giữ gây ra là rất cao, rất nghiêm trọng. Đặc biệt là khi khó có một cơ chế giám sát chặt chẽ, thường xuyên các cơ sở giam giữ, khi cán bộ quản giáo có thể sử dụng chính những đối tượng cùng buồng giam giữ như những công cụ tra tấn, những đối tượng này thực hiện hành vi tra tấn theo sự chỉ đạo hoặc ngầm cho phép của cán bộ quản giáo, hay nói theo ngôn ngữ của CAT là “với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức”. Chính vì vậy, về mặt luật thực định, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đã phải đặt ra nguyên tắc bảo đảm nhân đạo, không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại khoản 3 Điều 4 Luật này.
Mặt khác, mặc dù về phạm vi chủ thể theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bao gồm những “người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án và thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”, chúng tôi cho rằng vẫn cần thiết phải bổ sung cả “người nào trong thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh”. Tại nhiều nước trên thế giới, người ta e ngại việc dùng nhục hình như đánh, nhốt, trói đối với người trong cơ sở bắt buộc chữa bệnh, nếu xảy ra dù là hãn hữu, hậu quả cũng sẽ rất nghiêm trọng do tội ác khó có thể được biết đến, nhất là trong một môi trường khép kín, cách ly với thế giới bên ngoài, nạn nhân là những người đã bị hạn chế cả về mặt pháp lý và mặt thực tế để tố giác hành vi ngược đãi xảy ra đối với họ. Mặt khác, cũng cần nhận thức rằng, bản thân biện pháp bắt buộc chữa bệnh nếu không được áp dụng đúng người, đúng thời điểm cũng đã là sự tra tấn về tinh thần và thể xác đối với họ. Trong quá trình áp dụng, người bị áp dụng nếu đã có dấu hiệu khỏi bệnh hoặc chuyển sang một dạng, mức tâm thần khác tích cực hơn, nhưng sự cố ý giữ nguyên tình trạng của họ, đối xử với họ như với những bệnh nhân khác, không thừa nhận họ là người bình thường cũng là một thái độ đối xử đặc biệt vô nhân đạo.
Dùng nhục hình là sự trừng phạt về thể xác, là sự trừng phạt bằng vũ lực, do đó, không nên quan niệm chỉ có dùng nhục hình trong hoạt động tư pháp mà cả các lĩnh vực quản lý nhà nước khác, trong đó có hoạt động quản lý hành chính quân sự. Vì vậy, Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định tội làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới trong Chương các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân (Chương 32). Tuy nhiên, do nhiều quan điểm lập pháp khác nhau, hành vi dùng nhục hình đối với cấp dưới đã được đưa vào tội hành hung đồng đội quy định tại Điều 397 Bộ luật Hình sự năm 2015. Từ quan điểm cá nhân, tác giả cho rằng việc đưa hành vi này vào trong tội hành hung đồng đội là chưa thật sự hợp lý vì dùng nhục hình là sự trừng phạt của người có chức vụ, cấp bậc của quyền lực nhà nước đối với cấp dưới hay đối tượng bị quản lý. Trong mối quan hệ giữa chủ thể của hành vi dùng nhục hình và nạn nhân của hành vi dùng nhục hình thường không có sự bình đẳng. Hành vi dùng nhục hình thể hiện thái độ của cấp trên coi thường tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cấp dưới, vì cấp dưới là thuộc cấp của mình, lệ thuộc mình nên tự cho mình quyền dùng nhục hình để bắt cấp dưới phải phục tùng, tự cho mình quyền trừng phạt “gây đau đớn hoặc khổ đau nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần” cho cấp dưới. Do đó, tính nguy hiểm của hành vi này là rất lớn, nhất là trong một môi trường khép kín và thượng tôn kỷ luật quân đội, thượng tôn vai trò của người thủ trưởng, người đứng đầu như môi trường quân đội, cần tội phạm hóa với một cấu thành riêng, qua đó trừng trị, răn đe những ai có ý định tự biến mình thành một người chỉ huy có quyền sinh, quyền sát với cấp dưới. Hành vi dùng nhục hình và hành vi hành hung người khác đều gây ra những đau đớn về thể xác nhưng bản chất của hai hành vi là khác nhau. Dùng nhục hình là sử dụng những biện pháp trừng phạt về thể chất (theo nguyên nghĩa Hán Việt, “nhục” có nghĩa là xác thịt, “hình” có nghĩa là hình phạt) của người trên với kẻ dưới, của người có quyền với kẻ bị lệ thuộc theo ý chí của người trên, trong khi đó hành hung chỉ thuần túy là đánh người, làm việc ác (“hành” có nghĩa là làm, “hung” có nghĩa là ác) bằng đánh, bằng dùng ngoại lực, hung khí tác động lên thân thể nạn nhân. Do vậy, có thể là hành vi hành hung với cấp trên, cấp dưới hoặc đồng cấp nhưng dùng nhục hình chỉ có thể là hành vi của cấp trên với cấp dưới. Hai khái niệm hành hung và dùng nhục hình liên quan với nhau nhưng nội hàm của dùng nhục hình không nằm trong nội hàm của hành hung và tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi dùng nhục hình đối với cấp dưới lớn hơn so với hành vi hành hung đồng đội và nên xem xét tách thành hai cấu thành tội phạm khác nhau như trở lại với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999.
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
[1].Nguồn trích dẫn: http://btnn.moj.gov.vn/qt/tintuc/Lists/TinHoatDong/Attachments/769/CAT%20-%201984%20-%20ban%20tieng%20Viet.pdf.
[2]. Tội phạm này thường được nhìn nhận là để hiện thực hóa Công ước Genevơ về đối xử nhân đạo với tù binh, hàng binh chiến tranh nếu là quốc gia thành viên của Công ước.
[3]. Xem các điều 373, 374 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội dùng nhục hình, tội bức cung.
[4]. Theo Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì những người sau đây có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính: a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an phường; b) Trưởng Công an cấp huyện; c) Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh của Công an cấp tỉnh; Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; d) Thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên, Trạm trưởng Trạm công an cửa khẩu; đ) Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động; e) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục hải quan; g) Đội trưởng Đội quản lý thị trường; h) Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng, Chỉ huy trưởng biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng, Chỉ huy trưởng Hải đội biên phòng, Trưởng đồn biên phòng và Thủ trưởng đơn vị bộ đội biên phòng đóng ở biên giới, hải đảo; i) Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển, Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển, Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển; k) Người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa đã rời sân bay, bến cảng, nhà ga; l) Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.