1. Khái niệm biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới
Bình đẳng giới là việc nam, nữ được ghi nhận và bảo đảm các quyền con người như nhau trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình mà không bị phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, xu hướng tính dục hay bản dạng giới. Bình đẳng giới được xác định là một trong những tiêu chí căn bản để đánh giá công bằng xã hội cũng như nền văn minh của nhân loại. Vì vậy, bình đẳng giới luôn là vấn đề mang tính thời sự được cộng đồng quốc tế cũng như mỗi quốc gia đặc biệt quan tâm.
Mặc dù đã có nhiều công ước quốc tế về quyền con người quy định rõ về quyền bình đẳng nam, nữ trong các lĩnh vực chính trị, dân sự nhưng trên thực tế, cho đến những năm 70 của thế kỷ XX, tình trạng bất bình đẳng giữa nam và nữ vẫn diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, năm 1979, Liên Hợp quốc đã ban hành Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Đây là một văn bản pháp lý quốc tế chuyên biệt về quyền của phụ nữ mà trọng tâm vấn đề được giải quyết là xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. CEDAW đã nhận diện được nguyên nhân gây ra tình trạng phụ nữ bị đối xử bất bình đẳng là do có sự phân biệt trên cơ sở giới tính. Công ước xác định rõ, các quốc gia thành viên phải tiến hành tất cả những biện pháp thích hợp kể cả pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa để bảo đảm sự phát triển và tiến bộ đầy đủ của phụ nữ vì mục đích bảo đảm cho họ thực hiện và được hưởng những quyền con người và tự do cơ bản trên cơ sở bình đẳng với nam giới[1]. Vì vậy, cho đến nay, CEDAW vẫn được đánh giá là một công ước đầy đủ và toàn diện nhất về quyền con người của phụ nữ. CEDAW không chỉ nhận diện được nguyên nhân gây ra tình trạng phụ nữ không được hưởng đầy đủ các quyền con người trên thực tế mà còn chỉ rõ cách thức mà các quốc gia thành viên phải tiến hành nhằm bảo đảm bình đẳng giới.
Như vậy, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới là cách thức mà các quốc gia tiến hành nhằm đạt được bình đẳng giới. Biện pháp này được xây dựng căn cứ vào thực tế vấn đề bình đẳng giới của mỗi quốc gia. Mặt khác, mỗi quốc gia, tùy theo tình hình thực tế ở mỗi thời kỳ sẽ tiến hành những cách thức phù hợp để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Là thành viên của nhiều công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có CEDAW, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực chuyển hóa tinh thần của các công ước vào hệ thống pháp luật quốc gia. Vì vậy, trước khi có Luật Bình đẳng giới, nhiều biện pháp thích hợp đã được Việt Nam cụ thể hóa trong pháp luật và chính sách về bình đẳng giới. Việc áp dụng các biện pháp này đã mang lại những hiệu ứng khá tích cực, quyền của phụ nữ được bảo đảm, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội được coi trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, định kiến giới vẫn còn tồn tại, sự phát triển của đời sống xã hội trong bối cảnh mới, bạo lực trên cơ sở giới, sự tác động của việc biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… đã tác động sâu sắc đến bình đẳng giới, kết quả là phụ nữ vẫn chưa được bình đẳng trên thực tế. Với tinh thần đó, Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua vào ngày 29/11/2006. Lần đầu tiên, các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới được quy định một cách đầy đủ và hệ thống trong một điều luật cụ thể. Các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới bao gồm: Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới[2]; biện pháp bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật; biện pháp lồng ghép giới trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới; biện pháp bảo đảm nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới.
Các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới có mối liên hệ với nhau, tạo thành một hệ thống các cách thức phải thực hiện để đạt được bình đẳng giới. Vì vậy, để bảo đảm bình đẳng giới phải tiến hành đồng bộ tất cả các biện pháp này. Biện pháp bảo đảm bình đẳng giới theo đó cũng yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình buộc phải thực hiện để đạt được mục tiêu bình đẳng giới.
Biện pháp bảo đảm bình đẳng giới được xây dựng dựa trên cơ sở phân tích các vấn đề giới, căn cứ vào tình hình thực tế ở Việt Nam cũng như các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Biện pháp bảo đảm bình đẳng giới có thể thay đổi cho phù hợp với thực trạng bình đẳng giới. Vì vậy, các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới không mang tính bất di, bất dịch mà có thể được xem xét để thay đổi cho phù hợp với thực tế bảo đảm bình đẳng giới.
Là một biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp đặc biệt hay còn gọi là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng thực chất. Theo cách hiểu thông thường, thúc đẩy là việc kích thích tiến lên[3]. Với cách hiểu này, thúc đẩy được xem là việc thực hiện các giải pháp tăng cường nhằm bảo đảm cho kết quả của một hoạt động cụ thể sẽ tốt như mong đợi. Như vậy, dưới góc độ ngôn ngữ, thúc đẩy bình đẳng giới được hiểu là việc tăng cường các giải pháp để đạt được bình đẳng giới.
Dưới góc độ khoa học về giới, các nhà nghiên cứu về giới cho rằng, giới chỉ đặc điểm xã hội của nam và nữ. Giới mang tính tập nhiễm, do học hỏi, bắt chước mà có nhưng các khuôn mẫu giới được hình thành xuất phát từ chính sự khác biệt về giới tính. Vì vậy, sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới cũng hình thành các khuôn mẫu giới. Khuôn mẫu giới là sự khái quát hóa giản đơn về đặc điểm, tính cách, vai trò của các cá nhân hoặc nhóm người dựa trên giới tính của họ[4]. Khuôn mẫu giới có ảnh hưởng đến vấn đề bình đẳng giới. Bởi vì, các khuôn mẫu giới mang định kiến giới sẽ làm cho nam, nữ không được bình đẳng thực sự như những gì mà pháp luật ghi nhận. Từ đó, các nhà nghiên cứu về giới đã đặt nền tảng về mặt lý luận để giải quyết các vấn đề giới một cách khoa học. Quan điểm Giới và phát triển (GAD) là một phương pháp tiếp cận, theo đó, quan điểm GAD giải quyết vấn đề giới trong mối tương quan giữa nam và nữ mà không chỉ xem xét và giải quyết vấn đề phụ nữ một cách riêng biệt. GAD xem phụ nữ như là chủ thể của quá trình biến đổi mà không coi phụ nữ như nhóm đối tượng thụ hưởng bị động. Phương thức thực hiện là thông qua trao quyền, tăng cường sức mạnh nội tại của phụ nữ, thực hiện năng lực cải tạo xã hội của phụ nữ. Vì vậy, GAD coi trọng việc tạo điều kiện, cơ hội cho nam hoặc nữ để bảo đảm rằng, nam, nữ thực sự được bình đẳng về vị trí, vai trò, cơ hội trên thực tế. Với cách tiếp cận này, để bảo đảm bình đẳng thực chất, khi có sự chênh lệch lớn về khoảng cách, việc áp dụng biện pháp cần thiết để tăng cường cơ hội cho nam hoặc nữ nhằm thu hẹp khoảng cách giới để bảo đảm bình đẳng giới trên thực tế là điều cần phải đặt ra. Đây cũng là phương châm để các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm để giải quyết tốt các vấn đề giới.
Như vậy, dưới góc độ giới, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được hiểu như một phương pháp tiếp cận để giải quyết triệt để vấn đề bất bình đẳng giới nhằm tạo ra cơ hội để nam hoặc nữ tham gia một cách bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Dưới góc độ pháp lý, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được hiểu là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được[5]. Với cách giải thích này, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được quy định trong pháp luật là nhằm mục đích bảo đảm bình đẳng giới thực chất, biện pháp này chỉ được áp dụng khi thỏa mãn các điều kiện được quy định trong pháp luật và chỉ được áp dụng đến khi khoảng cách giới được thu hẹp. Do vậy, đây còn gọi là biện pháp đặc biệt tạm thời. Bởi vì, biện pháp này sẽ bị gỡ bỏ khi không còn sự chênh lệch lớn về khoảng cách giữa nam và nữ về cơ hội và sự thụ hưởng.
Như vậy, có thể định nghĩa biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới như sau: Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp bảo đảm bình đẳng giới nhằm tăng cơ hội cho nam hoặc nữ để thu hẹp khoảng cách giới, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này.
2. Đặc điểm của biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới
Thứ nhất, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp bảo đảm bình đẳng thực chất. Bởi vì, biện pháp này tiếp cận và giải quyết vấn đề giới theo mô hình bình đẳng thực chất. Áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới thì vấn đề giới mới được giải quyết một cách triệt để. Vì biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới yêu cầu phải xây dựng các quy phạm pháp luật và nhóm chính sách thể hiện tính “ưu đãi” khi cần thiết để thu hẹp khoảng cách giới. Do đó, nam và nữ mới được bình đẳng trên thực tế.
Thứ hai, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp bảo đảm bình đẳng giới do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là tạo ra “sự phân biệt đối xử”, bởi vì, để thu hẹp khoảng cách giới thì phải xây dựng nhóm chính sách “ưu đãi” cho nam hoặc nữ. Vì thế, một trong những nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới đã nêu rõ, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới “không bị coi là phân biệt đối xử về giới”. Như vậy, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới phải do cơ quan có thẩm quyền ban hành, các cơ quan, tổ chức không được tự ý quy định việc áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Ví dụ, hiện nay, Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định, áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, trên cơ sở này, các chính sách ưu đãi nhằm rút ngắn khoảng cách giới sẽ được cơ quan có thẩm quyền ban hành phù hợp với quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức không có thẩm quyền không được phép tự ý xây dựng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
Thứ ba, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp chỉ được áp dụng khi thỏa mãn điều kiện cần thiết được pháp luật quy định. Theo quy định của pháp luật hiện hành, biện pháp này chỉ được áp dụng khi có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò và sự thụ hưởng mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch đó. Mục đích của việc áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là nhằm bảo đảm bình đẳng giới trên thực tế. Vì vậy, khi pháp luật ghi nhận quyền bình đẳng cho nam và nữ trên mọi phương diện nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà trên thực tế, các quyền đó không được bảo đảm thực hiện đối với một nhóm, tạo ra sự chênh lệch lớn về khoảng cách đối với nhóm kia. Do đó, về nguyên tắc, để bảo đảm bình đẳng giới, nhóm chưa đạt được bình đẳng giới sẽ được tạo điều kiện, cơ hội để thực hiện các quyền của mình nhằm thu hẹp khoảng cách giới. Vì vậy, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới chỉ được áp dụng khi thỏa mãn điều kiện cần thiết mà pháp luật quy định là có sự chênh lệch lớn về khoảng cách giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, cơ hội và sự thụ hưởng. Do đó, khi không có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò và sự thụ hưởng thì không được áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
Thứ tư, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp đặc biệt tạm thời, khi khoảng cách giới được thu hẹp, mục tiêu bình đẳng giới đạt được thì biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới sẽ được gỡ bỏ. Bởi vì, xét về tính chất, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp thể hiện tính ưu đãi. Áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới sẽ tạo ra nhóm chính sách mang tính ưu đãi, việc ưu đãi có thể đặt ra với nhóm nam hoặc nhóm nữ nhằm thu hẹp khoảng cách giới. Do đó, khi khoảng cách giới đã được thu hẹp mà vẫn tiếp tục áp dụng thì lại tạo ra bất bình đẳng giới. Vì vậy, khi khoảng cách giới được thu hẹp, mục đích bình đẳng giới đã đạt được, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, xét về tính chất cũng thể hiện tính ưu đãi, tuy nhiên, khác với các quy phạm và nhóm chính sách có tính ưu đãi được sử dụng để thực hiện chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ. Bởi vì, tính ưu đãi trong biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới có thể đặt ra đối với nam hoặc nữ, tùy thuộc khoảng cách giới chênh lệch đang tạo ra bất lợi cho nhóm nào trong việc thực thi quyền. Tuy nhiên tính ưu đãi của chính sách bảo vệ, hỗ trợ người mẹ thì chỉ đặt ra đối với phụ nữ. Mặt khác, việc ưu đãi trong chính sách bảo vệ hỗ trợ người mẹ là giải pháp dài hạn mà không có tính chất là biện pháp đặc biệt tạm thời như biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Cần phân biệt để nhận diện rõ, tránh nhầm lẫn đối với các nhóm chính sách ưu đãi thuộc biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và nhóm chính sách ưu đãi nhằm bảo vệ, hỗ trợ người mẹ.
3. Kiến nghị
Có thể nói, việc áp dụng các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong trường hợp cần thiết có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc bảo đảm bình đẳng giới. Khác với các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới khác, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp được sử dụng để tăng cường việc trao cơ hội cho nam hoặc nữ nhằm bảo đảm cho quyền của họ được thực hiện. Khác với các giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, cách thức thực hiện nhằm trao quyền cho nam hoặc nữ trong khuôn khổ của biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới luôn hướng sự “ưu tiên” vào nhóm nam hoặc nhóm nữ để đạt được sự bình đẳng trên thực tế. Do đó, cần phân biệt rõ các khái niệm thúc đẩy bình đẳng giới, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới để tránh sự nhầm lẫn.
Thúc đẩy bình đẳng giới được hiểu là tổng hợp mọi hoạt động mà các chủ thể trong phạm vi quyền hạn của mình phải tiến hành để bảo đảm bình đẳng giới. Theo nghĩa này, việc thúc đẩy bình đẳng giới bao gồm việc thực hiện mọi biện pháp, trong đó có biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới cũng là một biện pháp bảo đảm bình đẳng giới. Tuy nhiên, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là một biện pháp đặc biệt. Bởi vì, đây là một biện pháp chỉ được áp dụng khi thỏa mãn các điều kiện được quy định trong pháp luật và việc áp dụng biện pháp này xét về tính chất là tăng cường cơ hội cho nam hoặc nữ nhằm thu hẹp khoảng cách giới. Tuy nhiên, trong nghiên cứu về bình đẳng giới, việc sử dụng thuật ngữ “biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới” dễ dẫn đến việc đồng nhất khái niệm “thúc đẩy bình đẳng giới” với “biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới”. Điều này dẫn đến cách hiểu không chính xác về biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
Vì vậy, tác giả cho rằng, việc sử dụng thuật ngữ “biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới” với tư cách là một biện pháp bảo đảm bình đẳng giới được quy định trong pháp luật hiện hành dễ dẫn đến sự nhầm lẫn trong nghiên cứu, phát hiện cũng như thi hành, áp dụng pháp luật về bình đẳng giới. Bởi vì, tên gọi này dễ gây nhầm lẫn giữa việc thực hiện trong nhiều trường hợp sự đánh đồng về mặt ngôn ngữ sẽ dẫn đến việc hiểu không chính xác về biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Ví dụ, việc áp dụng biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới thực chất cũng sẽ thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới. Bởi vì, sự thay đổi về nhận thức sẽ giúp các cá nhân thay đổi về hành vi ứng xử và hành động có trách nhiệm giới. Tuy nhiên, thúc đẩy bình đẳng giới theo nghĩa này không thể hiểu đó là thực hiện biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Vì theo pháp luật, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới chỉ được áp dụng như là một biện pháp đặc biệt tạm thời, mặt khác, khi biện pháp này được áp dụng thì sẽ tạo ra các chính sách ưu tiên cho nhóm nam hoặc nhóm nữ nhằm thu hẹp khoảng cách giới.
Từ phân tích trên, tác giả cho rằng, cần sử dụng thuật ngữ chính xác hơn để gọi đúng tên của biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, với ý nghĩa là một biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất được quy định trong pháp luật để tránh sự nhầm lẫn trong nghiên cứu, áp dụng pháp luật, tạo cơ sở để thực hiện biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới một cách hiệu quả. Theo quan điểm của tác giả, cần sử dụng thuật ngữ “biện pháp đặc biệt nhằm thúc đẩy bình đẳng giới” thay cho “biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới” được quy định trong Luật Bình đẳng giới năm 2006. Việc thay đổi này sẽ khắc phục được những tồn tại nêu trên, bảo đảm sự thuận tiện trong việc tiếp cận và giải quyết các vấn đề về giới, góp phần thu hẹp khoảng cách giới, thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới./.
TS. Bùi Thị Mừng
Khoa Pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội
[1]. Điều 3 Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.
[2]. Điều 19 Luật Bình đẳng giới năm 2006.
[3]. Viện Ngôn ngữ, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa, 2009, tr. 802.
[4]. Tài liệu Hướng dẫn về bình đẳng giới cho các ấn phẩm của UNESCO, 2012.
[5]. Khoản 6 Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 404), tháng 5/2024)