Theo Nghị quyết số 34/180 ngày 18/12/1979, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua CEDAW và ngày 03/9/1981, Công ước đã chính thức có hiệu lực. Tính đến nay, đã có 185 quốc gia trên thế giới phê chuẩn hoặc ký kết Công ước, chiếm hơn 90% thành viên Liên Hợp Quốc. Công ước chính thức có hiệu lực với Việt Nam ngày 19/3/1982. Sự ra đời của Công ước CEDAW xuất phát từ nhận thức quan trọng của cộng đồng quốc tế về quyền con người, đó là bình đẳng trở thành thước đo giá trị phẩm giá và quyền cơ bản của con người trong xã hội. Sự ra đời của Công ước CEDAW là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài của nhân loại tiến bộ vì một xã hội công bằng, dân chủ, nhân đạo và văn minh.
Ngoài ra, theo Nghị quyết A/54/4 ngày 6/10/1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị định thư không bắt buộc của Công ước CEDAW về Uỷ ban Xoá bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ để xem xét các kháng thư của cá nhân và nhóm cá nhân khiếu nại về việc quyền lợi của họ hoặc của người do họ đại diện bị quốc gia thành viên vi phạm. Nghị định thư này chính thức có hiệu lực từ ngày 22/12/2000. Đến tháng 9/2005, Nghị định thư đã có 72 quốc gia tham gia và Việt Nam chưa gia nhập Nghị định thư này.
Về tổng thể, Công ước CEDAW là một trong số những điều ước quốc tế quan trọng nhất thuộc hệ thống điều ước quốc tế đa phương được ký kết trong lĩnh vực nhân quyền. Nội dung cơ bản của Công ước CEDAW là hướng vào những cách thức, biện pháp nhằm loại trừ mọi sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong thụ hưởng các quyền con người cơ bản đã được xác định bởi các điều ước quốc tế về nhân quyền khác. Với tính chất này, thì thực chất Công ước CEDAW nhằm trao cho phụ nữ trên toàn thế giới những quyền con người đã được Luật Quốc tế và luật pháp của các quốc gia ghi nhận, nhưng phụ nữ chưa được hưởng hoặc chưa được hưởng một cách đầy đủ trên thực tế, bởi sự phân biệt đối xử với phụ nữ ở các quốc gia. Ngoài ra, khác với các điều ước quốc tế về quyền con người khác, trong đó vấn đề bình đẳng giới được quy định chung, Công ước CEDAW đã chỉ ra cụ thể những lĩnh vực hiện đang tồn tại sự phân biệt đối xử với phụ nữ một cách nặng nề, để từ đó xác định những biện pháp thích hợp, nhằm loại bỏ hoàn toàn tình trạng bất bình đẳng của phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Nói cách khác, đây là loại hình công ước quốc tế chuyên biệt về chống phân biệt đối xử với phụ nữ, hướng đến mục tiêu xác lập thực tế địa vị bình đẳng của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Từ đó, Nhà nước Việt Nam đã làm rất nhiều việc để thực hiện trách nhiệm của một quốc gia thành viên Công ước CEDAW, đặc biệt là việc thiết lập sự bảo vệ bằng pháp luật các quyền của phụ nữ trên cơ sở không phân biệt đối xử và bình đẳng nam, nữ. Sự ban hành Luật Bình đẳng giới năm 2007 là một minh chứng về quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng nam, nữ, xoá bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ, thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người nói chung, quyền bình đẳng của phụ nữ nói riêng. Luật Bình đẳng giới được xây dựng với quan điểm chỉ đạo: Nội luật hoá các quy định phù hợp trong các Công ước quốc tế về quyền con người, đặc biệt là Công ước CEDAW, khẳng định Việt Nam nghiêm túc thực hiện cam kết tại Điều 2a của Công ước CEDAW.
Về mặt pháp lý: Việc tham gia Công ước CEDAW và thực hiện Công ước CEDAW mang lại những ý nghĩa sau đây:
Thứ nhất, Công ước CEDAW tạo cơ sở pháp lý mang tính quốc tế về thực thi bình đẳng giới, xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ ở Việt Nam.
Thứ hai, Công ước CEDAW đặt ra yêu cầu và cơ hội để Việt Nam tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quyền phụ nữ hiện hành, xây dựng các thiết chế pháp lý cần thiết, tương ứng về bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử với phụ nữ theo nguyên tắc của Công ước CEDAW. Luật Bình đẳng giới được ban hành đã khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết cùng cộng đồng quốc tế tham gia Công ước CEDAW.
Thứ ba, Công ước CEDAW là cơ sở pháp lý để Việt Nam tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong thực thi bình đẳng chống phân biệt đối xử với phụ nữ ở Việt Nam.
Về cơ chế thực hiện: Việc thực hiện nghĩa vụ thành viên của Công ước CEDAW giúp cho Nhà nước Việt Nam tạo lập cơ chế đồng bộ và thống nhất trong thực thi quyền bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử với phụ nữ. Về nguyên tắc, thực hiện bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử với phụ nữ là trách nhiệm chung của toàn bộ hệ thống chính trị nói chung, của các cơ quan nhà nước nói riêng. Trong đó, nòng cốt là Uỷ ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Uỷ ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở cấp trung ương và Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở địa phương, các ngành, các cấp đã được thành lập, trong đó có nhiệm vụ thực hiện Công ước CEDAW.
Về nhận thức: Công ước CEDAW đã giúp cho mọi người, đặc biệt là các cơ quan và các cá nhân có thẩm quyền thay đổi nhận thức và hành vi về bình đẳng giới. Trên cơ sở đó, giúp họ có cách hiểu đầy đủ, chính xác và toàn diện hơn về phân biệt đối xử với phụ nữ, những hình thức đa dạng của sự phân biệt đối xử đó, để có thái độ loại bỏ sự phân biệt đối xử.
Điều 2 của Công ước CEDAW quy định trách nhiệm của quốc gia thành viên trong việc đặt ra pháp luật và bảo đảm thực hiện pháp luật loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Trong các văn bản pháp luật của Việt Nam từ sau Hiến pháp năm 1946 đều nhất quán ở chính sách nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, sự hiện diện của chính sách pháp luật này mới chỉ đạt được một bước cơ bản, đó là coi mọi sự phân biệt đối xử với phụ nữ là trái nguyên tắc pháp luật (De jure); chưa chú trọng nhiều tới những hình thức phân biệt đối xử trên thực tế (De facto). Thống nhất với tinh thần Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới được ban hành đã trở thành văn bản pháp lý nền tảng trong thực hiện bình đẳng giới trong lập pháp và thực thi pháp luật ở nước ta. Luật đã cụ thể hoá nguyên tắc cấm phân biệt đối xử trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình theo tinh thần của Điều 3 Công ước CEDAW về “các biện pháp bảo đảm sự phát triển và tiến bộ đầy đủ của phụ nữ”.
Điều 4. Công ước CEDAW quy định:
“1. Việc các nước tham gia Công ước thông qua những biện pháp đặc biệt tạm thời nhằm thúc đẩy nhanh sự bình đẳng trong thực tế giữa nam và nữ sẽ không bị coi là phân biệt đối xử theo định nghĩa đề ra tại Công ước này nhưng sẽ không vì thế mà đưa đến việc duy trì những tiêu chuẩn không bình đẳng hoặc khác nhau. Những biện pháp này sẽ chấm dứt khi các mục tiêu bình đẳng về cơ hội và đối xử đã đạt được.
2. Việc các nước tham gia Công ước thông qua những biện pháp đặc biệt, kể cả những biện pháp nêu trong Công ước này nhằm bảo về người mẹ sẽ không bị coi là phân biệt đối xử”.
Công ước xuất phát từ cách tiếp cận bình đẳng giới dựa trên nguyên tắc “bình đẳng nam, nữ có tính đến sự khác biệt giới”, theo mô hình bình đẳng giới thực chất. Với cách tiếp cận và mô hình nói trên, để tiến tới sự bình đẳng giới về thực chất, Luật Bình đẳng giới đã dành hẳn Chương III quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, nhằm tạo cơ hội phát triển cho cả nam và nữ, bao gồm: Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, thông tin, giáo dục, truyền thống về giới và bình đẳng giới, nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới. Khoản 6 Điều 5 Luật Bình đẳng giới quy định: “Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đạt được”.
Quy định trên xuất phát từ mục tiêu bình đẳng giới là bình đẳng giới thực chất, vì vậy cần phải áp dụng một biện pháp nào đó để khắc phục những bất lợi có sự khác biệt về giới mang lại cho nam hoặc nữ, mà cụ thể trong bầu cử, ứng cử. Một biện pháp như vậy trong Luật Bình đẳng giới được gọi là biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Thực chất, đây là những quy định bất bình đẳng (còn có tên gọi khác là phân biệt đối xử tích cực), được áp dụng trong một thời gian nhất định nhằm đạt được bình đẳng thực chất.
Đây có thể coi là quy định thể hiện rõ nhất tinh thần “nội luật hoá” Điều 4 Công ước CEDAW. Cần chú ý, giữa biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và các biện pháp đặc biệt tạm thời có điểm khác nhau là: Biện pháp đặc biệt tạm thời chỉ áp dụng cho nữ, còn biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới thì có thể áp dụng cho cả nam và nữ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Bình đẳng giới, có 6 biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
Tại Chương II Luật Bình đẳng giới đã có một số biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được quy định. Cụ thể là khoản 5 Điều 11, khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 13 và khoản 5 Điều 14. Nhưng tất cả các quy định này đều còn ở dạng nguyên tắc. Để có thể thực hiện được cần các cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể. Do đó, Luật Bình đẳng giới đã quy định tại khoản 2 Điều 19 là: “Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có thẩm quyền quy định biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Đây cũng là cơ quan có trách nhiệm xem xét việc thực hiện biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và quyết định chấm dứt thực hiện khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được”.
Về vai trò giới và định kiến thiên vị về đàn ông và đàn bà trong xã hội (Điều 5 Công ước CEDAW): Công ước CEDAW xuất phát từ quan điểm cho rằng, cho dù phân biệt đối xử có thể bị cấm bằng pháp luật nhưng trên thực tế, sự phân biệt có thể xảy ra do văn hoá truyền thống, quan niệm về xã hội về vai trò của nam và nữ trong xã hội, gia đình, nghề nghiệp... Do đó, Công ước CEDAW yêu cầu các quốc gia thành viên cần có biện pháp can thiệp để loại bỏ dần phong tục, tập quán mang đậm màu sắc định kiến, thiên vị về giới như các tư tưởng trọng nam khinh nữ, thuyết tam tòng, các hủ tục lạc hậu như tảo hôn, ép hôn, kết hôn nối dây... Pháp luật Việt Nam và Luật Bình đẳng giới đã chú trọng chính sách xây dựng nếp sống mới, chống hủ tục, đề cao nam nữ bình đẳng... được thể hiện qua Điều 7 Luật Bình đẳng giới.
Điều đáng ghi nhận là lần đầu tiên, ở tư cách một đạo luật, vấn đề “tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình” đã được quy định.
Từ Điều 7 đến Điều 16 Công ước CEDAW quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử, bảo đảm bình đẳng cho phụ nữ trong đời sống xã hội và chính trị (Phần II, các Điều 7 - 9); trong lĩnh vực giáo dục, lao động, sức khoẻ, kinh tế, xã hội và văn hoá (Phần III các Điều 10 - 14) và trong lĩnh vực dân sự pháp lý (Điều 15, Điều16). Nội luật hoá Công ước CEDAW, Luật Bình đẳng giới Việt Nam đã có những quy định cụ thể để loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử bằng những quy định cụ thể về bình đẳng giới trong các lĩnh vực cụ thể: Chính trị; kinh tế; lao động; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao, y tế và lĩnh vực gia đình... Đặc biệt, Điều 14 Công ước CEDAW quy định riêng về phân biệt đối xử với phụ nữ nông thôn. Đây là quy định có tính đến địa vị và hoàn cảnh cụ thể, nhu cầu đặc biệt của phụ nữ nông thôn tiềm ẩn những kỳ thị và phân biệt đối xử, nhất là khi sự phân hoá giàu nghèo không tránh khỏi trong điều kiện phát triển tất yếu dẫn đến vị thế không cân xứng của các đối tượng yếu thế trong xã hội do phân bổ dân cư, cơ cấu lao động ở những vùng kém phát triển hơn, đó là nông thôn, miền núi, hải đảo. Điều 14 còn quan tâm đặc biệt tới phụ nữ nông thôn vì vai trò của họ chưa được đánh giá thoả đáng trong khu vực kinh tế không trên cơ sở tiền tệ (non-monetized sector) nói chung và trong kinh tế gia đình nói riêng. Pháp luật Việt Nam, trước khi Luật Bình đẳng giới ra đời không có những quy định ưu tiên tạm thời cho phụ nữ nông thôn. Do đặc thù về điều kiện tự nhiên và xã hội, nhìn chung phụ nữ nông thôn Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận và hưởng thụ quyền. Khắc phục nhược điểm này, Luật Bình đẳng giới đã có những quy định hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ nông thôn, phụ nữ cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số, như: Khoản 2 Điều 12: “Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật”; khoản 3 Điều 17: “Phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số... khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ”.
Nhằm thực hiện có hiệu quả hơn các quy định của Công ước CEDAW và các quy định của Luật Bình đẳng giới về bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ thì cần có các giải pháp cụ thể, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của quyền bình đẳng của phụ nữ và các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng đó.
Trong thời gian qua, mặc dù công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta đã chú trọng đến vấn đề lồng ghép quyền bình đẳng của phụ nữ để từng bước hiện thực hoá quy định của Luật Bình đẳng giới vào cuộc sống. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong tất cả các quy trình soạn thảo văn bản pháp luật.
TS. Nguyễn Lan Nguyên