Dự thảo quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau: “Người nào có hành vi trái pháp luật xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác” (Điều 600).
Xem xét điều khoản trên, có thể nhận thấy rõ mối quan hệ giữa “hành vi trái pháp luật” và việc “xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân” (dưới đây gọi là “quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm”) với “thiệt hại”. Mối quan hệ này thể hiện rằng, nội dung của thiệt hại được quyết định bằng chất và lượng của hai yếu tố nêu trước đó. Đồng thời, thiệt hại được xác định để bồi thường phải cân bằng với “quyền và lợi ích bị xâm phạm” và phải đủ để khôi phục được quyền và lợi ích đó. Theo đó, thiệt hại cũng là một giá trị trừu tượng và nó bằng với “quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm” nhưng việc bồi thường trên thực tế thì không thể thực hiện đối với một giá trị trừu tượng nên người ta phải hữu hình hóa thiệt hại bằng những thiệt hại cụ thể quy ra bằng tiền để bồi thường (thiệt hại này gọi là thiệt hại cụ thể). Dù vậy, bản chất của thiệt hại cũng không bị biến dạng và nó vẫn phải được cân đong bằng quyền và lợi ích bị xâm phạm. Do đó, việc bồi thường phải bảo đảm nguyên tắc bồi thường đầy đủ và thực tế sao cho khôi phục được nguyên trạng quyền và lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm.
Với ý nghĩa đó, thiệt hại được phân loại thành thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần (nếu như người bị xâm phạm là pháp nhân thì đây không hẳn là thiệt hại về tinh thần mà là hư tổn về uy tín trong quá trình kinh doanh nên được có cách gọi khác là “thiệt hại vô hình”). Thiệt hại về vật chất được chia thành hai loại: Thiệt hại về người và thiệt hại về tài sản. Cả hai loại thiệt hại này lại được cấu thành từ: (i) Thiệt hại tích cực và (ii) Thiệt hại tiêu cực.
(i) Thiệt hại tích cực là sự mất mát cụ thể về những tài sản mà người bị thiệt hại đang sở hữu (như: Tiền nhập viện, tiền chữa bệnh, tiền sửa chữa tài sản hay giá trị hư tổn của các loại tài sản so với tài sản ban đầu…). Những tài sản (khoản chi phí) nêu trên vốn là tài sản mà người bị thiệt hại đang có nhưng do xảy ra thiệt hại nên phải chi ra để khắc phục thiệt hại.
(ii) Thiệt hại tiêu cực là lợi ích mà người bị xâm phạm lẽ ra sẽ có được trong tương lai nhưng do bị thiệt hại nên những lợi ích đó cũng mất đi. Ví dụ: Sự mất hoặc giảm thu nhập lẽ ra có được nếu không bị rơi vào hoàn cảnh bị xâm phạm, hoa lợi, lợi tức lẽ ra thu được từ tài sản nếu tài sản đó không bị hư hỏng.
Dựa trên nền tảng lý luận trên, tác giả sẽ phân tích một trường hợp cụ thể về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm để làm rõ hơn các vấn đề lý luận đó. Điều 607 Dự thảo quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:
“1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
b) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng”.
Thứ nhất, đối với “chi phí hợp lý cho việc mai táng”
Theo cách phân loại như đã đề cập trên, chi phí này được chi trả cho tài sản của người bị xâm phạm và có thể xếp vào loại thiệt hại tích cực. Tuy nhiên, việc đưa chi phí này vào các khoản thiệt hại được bồi thường khi tính mạng bị xâm phạm là một điều không hợp lý về mặt lý luận. Bởi lẽ, bất cứ ai đến một thời điểm nhất định cũng sẽ phải đối mặt với cái chết. Khi chết, đương nhiên sẽ phải bỏ ra chi phí tổ chức tang lễ và mai táng. Do đó, chi phí mai táng là chi phí chắc chắn sẽ mất trong tương lai đối với tất cả mọi người, đây không phải chi phí chỉ xuất hiện khi có thiệt hại về tính mạng xảy ra. Như vậy, sự cố gây thiệt hại xâm phạm tính mạng của người chết chỉ có tác động nhân quả đến thời điểm chi trả chi phí mai táng sớm hơn so với bình thường chứ không có tác động nhân quả đối với việc phải chi trả mai táng phí. Tức là, về mặt lý thuyết, chi phí mai táng không phải là thiệt hại trong việc tính mạng bị xâm phạm.
Thứ hai, đối với “tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng”
Xem xét khoản tiền này với các thiệt hại đã trình bày ở trên, có thể thấy khoản tiền này không thuộc một trong hai thiệt hại tích cực hoặc thiệt hại tiêu cực. Trong trường hợp này, quyền được cấp dưỡng không phải là quyền của người bị xâm phạm tính mạng mà là trái quyền của người có quyền yêu cầu cấp dưỡng đối với người bị xâm phạm tính mạng. Do vậy, về nguyên tắc, không có căn cứ để liệt kê khoản tiền này vào khoản tiền được bồi thường theo quy định tại Điều 600 Dự thảo. Trừ trường hợp người gây thiệt hại cố tình xâm phạm tính mạng của người bị thiệt hại và cố ý ngăn cản việc nhận cấp dưỡng của người được người bị thiệt hại cấp dưỡng thì người gây thiệt hại phải bồi thường cả khoản tiền này theo một phạm trù độc lập, bằng cách áp dụng Điều 600 một cách riêng biệt.
Từ những phân tích trên đây, có một hoài nghi rất rõ là thiệt hại vật chất được quy định trong điều 607 Dự thảo đều không liên quan hoặc khó có thể liên quan đến những thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại.
Vậy những thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại trong trường hợp tính mạng bị xâm phạm là những khoản thiệt hại nào?
Vấn đề mấu chốt trong những thiệt hại về thực tế của người bị xâm phạm tính mạng chính là “thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại”. Khi có thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm thì thiệt hại tiêu cực chính là thu nhập mà lẽ ra người chết sẽ thu được nếu còn sống. Vậy khoản thu nhập này có được tính là khoản thiệt hại được bồi thường hay không?
Vấn đề này hầu như không được nhắc đến trong các giải thích cho đến nay của các học giả Việt Nam. Nguyên nhân có thể là do khi chia tách “thiệt hại” và “quyền và lợi ích bị xâm phạm” thành hai phạm trù khác nhau. Tuy nhiên, như những gì đã trình bày, “thiệt hại” chính là biểu hiện của “quyền và lợi ích bị xâm phạm”. Do đó, chúng có quan hệ tỷ lệ thuận với nhau, “quyền và lợi ích bị xâm phạm” càng cao, càng nghiêm trọng thì “thiệt hại” càng lớn và ngược lại. Hoàn toàn vô lý nếu như “tính mạng” bị xâm phạm lại được bồi thường thấp hơn so với “sức khỏe” bị xâm phạm. Theo Điều 19 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Tại đây, Hiến pháp công nhận giá trị cao nhất của quyền sống và tính mạng của con người. Quy định này được bố trí trước quy định về quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 20 Hiến pháp2 [2]). Bên cạnh đó, Điều 16 Hiến pháp cũng nhấn mạnh: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Từ những quy định của Hiến pháp có thể thấy, quyền được bảo hộ về tính mạng của con người là quyền dân sự cơ bản và được ghi nhận cao hơn so với quyền về thân thể và sức khỏe dựa trên nguyên lý bình đẳng trước pháp luật. Do đó, một điều đương nhiên phải thừa nhận là thiệt hại khi “tính mạng” bị xâm phạm phải ở mức cao hơn so với thiệt hại khi “sức khỏe” bị xâm phạm. Tuy nhiên, xem xét một số bản án của Việt Nam thì giá trị của tính mạng khi bị xâm phạm lại được bồi thường một cách không đầy đủ, thậm chí thấp hơn giá trị của thân thể và sức khỏe. Có ý kiến cho rằng: “Theo Điều 610 [3] Bộ luật Dân sự và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán tại Nghị quyết 03 [4] nói trên khi nạn nhân bị thương tật, người gây thiệt hại cũng phải bồi thường các chi phí cứu chữa, chăm sóc, thu nhập thực tế bị mất của nạn nhân trong thời gian điều trị và trường hợp nạn nhân chết cũng phải bồi thường tương tự. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi nạn nhân bị thương tật thì thời gian nạn nhân được hưởng bồi thường kéo dài hơn so với khi nạn nhân bị chết rất nhiều, thậm chí là suốt đời nếu như nạn nhân đó bị mất hoàn toàn khả năng lao động. Trong khi đó, trường hợp nạn nhân bị chết mặc dù có thêm khoản tiền mai táng phí nhưng so với khi nạn nhân bị thương thì thời gian hưởng bồi thường, mức bồi thường thấp hơn rất nhiều lần. Thứ hai: Từ kẽ hở nêu trên, nên xảy ra hiện tượng với các lái xe ô tô hiện nay… các tài xế sau khi đã đâm vào nạn nhân làm cho nạn nhân bị thương nhưng đã cho xe cán qua người nạn nhân để nạn nhân chết luôn” [5].
Do đó, cần có cách giải thích đúng đắn quy định về “thiệt hại” trong mối quan hệ với “quyền và lợi ích bị xâm phạm” để xác định một cách chính xác và hợp lý các khoản thiệt hại phải bồi thường và xem xét tính hợp lý và công bằng của việc đưa thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại về tính mạng vào các khoản thiệt hại được bồi thường. Liên quan đến vấn đề này, tác giả xin được đưa ra 03 căn cứ dưới đây làm nền tảng cho quan điểm khẳng định sự đúng đắn của việc thừa nhận thu nhập của người chết là khoản thiệt hại phải được bồi thường.
Thứ nhất, so sánh hai hoàn cảnh trước và sau khi quyền và lợi ích bị xâm phạm để xác định thiệt hại nhằm bảo đảm mục đích của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Đối với trường hợp thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, dựa trên định nghĩa về thiệt hại tích cực như đã đề cập, “là lợi ích mà người bị xâm phạm lẽ ra sẽ có được trong tương lai nhưng do bị thiệt hại nên những lợi ích đó cũng mất đi”, cần thiết phải xem xét đến hoàn cảnh nếu không bị xâm phạm về tính mạng. Nếu không có sự kiện chết thì người bị thiệt hại sẽ sống và làm việc như bình thường. Mức thu nhập mà họ sẽ nhận được ít nhất là ngang bằng với thu nhập ngay trước khi qua đời. Nhưng vì tử vong nên người bị thiệt hại bị mất thu nhập đó. Khoản thu nhập bị mất chính là khoản chênh lệch giữa hai hoàn cảnh: Bị mất tính mạng và nếu không bị mất tính mạng.
Có một vài ý kiến của các học giả Việt Nam cho rằng, người đã chết thì sẽ không thể đi làm được nên không có thu nhập và không phải bồi thường đối với khoản thu nhập mà họ có thể nhận được nếu còn sống. Quan điểm này chỉ nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại (người bị thiệt hại đã chết) mà không đặt trong sự so sánh hai hoàn cảnh trước khi bị xâm phạm và sau khi bị xâm phạm. Đồng thời, việc xử lý bồi thường như vậy vô hình trung đã xa rời mục đích, vai trò của chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là khôi phục lại nguyên trạng đối với quyền và lợi ích bị xâm phạm. Một điều không ai có thể phủ định đó là nếu người bị thiệt hại không mất đi tính mạng thì họ nhất định có thu nhập thông qua lao động. Nếu khoản thu nhập đó không được bồi thường thì làm sao có thể đạt được mục đích khôi phục nguyên trạng quyền và lợi ích lẽ ra người bị thiệt hại sẽ được hưởng.
Thứ hai, mối tương quan giữa “thiệt hại” với “quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm”
Trong khi đó, theo cách giải thích của Điều 606 và Điều 607 Dự thảo thì khi một ai đó bị xâm phạm về sức khỏe và thu nhập thực tế mất hoặc bị giảm sẽ được bồi thường khoản thiệt hại đó. Tuy nhiên, khi một ai đó bị xâm phạm tính mạng thì lại có vẻ không được bồi thường về thu nhập thực tế lẽ ra sẽ có được nếu không bị mất đi tính mạng. Giống như những gì đã đề cập, “tính mạng” là giá trị cao cả được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ và “sức khỏe” chỉ là nền tảng của “tính mạng”. Nên không có lý do nào mà ý nghĩa và giá trị của “tính mạng” lại bị coi thường hoặc rẻ mạt hơn so với “sức khỏe”.
Thứ ba, giải thích về quy định của Điều 607 Dự thảo
Như đã trình bày, thiệt hại là sự so sánh hai hoàn cảnh: Nếu còn sống và khi chết. Khi đặt phép trừ cho hai hoàn cảnh này thì đương nhiên sẽ nhận được kết quả là thu nhập thực tế lẽ ra thu được trong tương lai của người bị thiệt hại. Nhưng Điều 607 Dự thảo có vẻ chưa liệt kê về khoản thu nhập này. Tại sao lại như vậy? Theo tác giả, cần phải hiểu Điều 607 Dự thảo là danh sách liệt kê mở và khoản thu nhập thực tế của người chết vốn dĩ đã bao hàm trong đó.
Xem xét cấu trúc các điều luật trong Chương XIX của Dự thảo có thể thấy: Trong Chương XIX “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, Mục 1 “Quy định chung”, Điều 600 được bố trí đầu tiên làm nền tảng cho toàn bộ chế định. Mục 2 “Xác định thiệt hại” được thiết kế với 05 điều luật từ Điều 605 đến Điều 609, đây là những quy định liệt kê cụ thể dựa trên quan điểm chỉ đạo của Điều 600. Do đó, khi áp dụng và giải thích các quy định từ Điều 605 đến Điều 609 phải đặt trong sự phù hợp với bản chất của Điều 600. Nói cách khác, Điều 600 sẽ quyết định cách giải thích và áp dụng các điều trên. Theo đó, Điều 600 về mối quan hệ giữa “quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm” với “thiệt hại” thì “thiệt hại” chính là biểu hiện của “quyền và lợi ích bị xâm phạm” và “thiệt hại” được tính toán dựa trên sự so sánh hai hoàn cảnh trước và sau khi “quyền và lợi ích bị xâm phạm”. Dựa trên quan điểm chỉ đạo này, mọi “quyền và lợi ích bị xâm phạm” được biểu hiện thông qua thiệt hại trên thực tế đều là đối tượng được bồi thường. Đây là nguyên tắc chung và các quy định từ Điều 605 đến Điều 609 (trong đó có Điều 607) chỉ là các danh sách liệt kê mang tính đại diện đối với các thiệt hại khó nhận biết nếu nhìn từ Điều 600. Theo đó, nó không có ý nghĩa thay thế cho quy định nền tảng tại Điều 600. Do vậy, khi quy định tại Điều 605 đến Điều 609 liệt kê không đầy đủ các thiệt hại thì sẽ dựa trên Điều 600 để xác định thiệt hại.
Như vậy, xét trên cả phương diện lý luận về mục đích của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và cách giải nghĩa quy định của Bộ luật Dân sự thì khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại về tính mạng thuộc thiệt hại tiêu cực và phải được bồi thường. Nếu như không thừa nhận thiệt hại lớn nhất của người bị xâm phạm tính mạng là thu nhập của người đó, cộng với những phân tích trên đây về sự bất hợp lý trong các khoản thiệt hại được liệt kê trong Điều 607, việc không thừa nhận này sẽ đồng nghĩa với việc Bộ luật Dân sự Việt Nam không truy cứu trách nhiệm dân sự của người đã “tước đoạt tính mạng” trái luật.
Tham khảo pháp luật Nhật Bản về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
Như trình bày trên, thiệt hại về vật chất có hai loại là thiệt hại tích cực và thiệt hại tiêu cực, khi tính mạng bị xâm phạm thì sẽ phát sinh cả hai khoản thiệt hại đó. Trong đó, thiệt hại tiêu cực chiếm phần lớn là thu nhập lẽ ra thu được mà không thu được của người chết. Khoản thu nhập này được tính như sau:
(i) Đối với những người đang hưởng lương hoặc có thu nhập sẽ được tính toán trên cơ sở của thu nhập ngay khi sự cố xảy ra. Trong trường hợp này, phía người bị hại phải chứng minh thu nhập thực tế đang được hưởng.
(ii) Đối với những người không hưởng lương hoặc không có thu nhập đều đặn như trẻ em, học sinh, sinh viên, những người nội trợ không đi làm hay những người thất nghiệp thì sẽ căn cứ theo thu nhập bình quân của thống kê thu nhập cả nước cũng như thu nhập bình quân theo trình độ học vấn.
Sau khi tính thu nhập của người chết bằng cách trên, thì nhân thời gian có thể làm việc được để tính ra tổng thu nhập mà người chết có thể thu được nếu sống bình thường. Thời gian có thể làm việc được cũng sẽ tính dựa vào tuổi thọ của người chết, tình hình sức khỏe trước khi chết và tính chất nghề nghiệp của người chết. Nguyên tắc là cao nhất là 67 tuổi [6]. Tuy nhiên, cũng có trường hợp khi một người sức khỏe tốt làm nghề giặt ủi chết lúc 60 tuổi thì bản án đã tuyên là người này có thể làm việc đến 74 tuổi [7].
Khoản thu nhập theo tháng nhân với thời gian có thể làm việc sẽ thành tổng thu nhập của người chết. Tuy nhiên, tính ra như vậy vẫn chưa đủ vì thông thường có thu nhập thì sẽ phải bỏ ra các chi phí cho cuộc sống nên phải khấu trừ đi chi phí sinh hoạt. Vì thế theo cách thức tính và án lệ của Nhật Bản thì thiệt hại chính đáng của người chết là tổng thu nhập trừ đi tổng chi phí sinh hoạt. Theo thực tiễn xét xử cũng như xử lý bảo hiểm nhân thọ đối với tai nạn giao thông hiện nay của Nhật Bản, nếu như trường hợp người chết là trụ cột trong gia đình hoặc nữ giới thì 30% đến 40% của tổng thu nhập, trường hợp nam giới độc thân hoặc trẻ em nam thì 50% tổng thu nhập được coi là chuẩn mực chi phí sinh hoạt để khấu trừ [8]. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn có một loại khấu trừ khác là khấu trừ chiết khấu lãi suất trung gian (bởi vì thu nhập bình thường được chi trả định kỳ theo tháng, năm trong khi đó, khi bồi thường thì được trả một lần cho tất cả thu nhập trong tương lai, vì thế cần chiết khấu lãi suất trung gian đối với phần thu nhập tương lai).
Như vậy, theo pháp luật Nhật Bản, thu nhập của người chết là nội dung, khoản được bồi thường đối với thiệt hại xâm phạm tính mạng. Khi tính toán tiền được bồi thường đối với khoản thiệt hại này thì thực tiễn của Nhật Bản cho thấy: Nguyên tắc là tất cả tiền thu nhập của người chết sẽ tính theo thực tế của người chết được phía người bị hại chứng minh, còn đối với phần nào mà phía người bị xâm phạm không thể chứng minh được một số yếu tố như thu nhập của trẻ em, học sinh, sinh viên, những người nội trợ không đi làm hay những người thất nghiệp thì tuy không có tài liệu để chứng minh thu nhập cố hữu của những người bị xâm phạm hoặc cơ sở tính toán chính xác thu nhập này, nhưng dựa theo các tài liệu khách quan như tài liệu thống kê về thu nhập và tiêu chí đánh giá về khả năng và thời gian có thể làm việc để đưa ra mức thiệt hại tương đối khiêm tốn cho người bị xâm phạm.
Trên đây là những phân tích liên quan đến việc xác định thiệt hại khi tính mạng bị xâm phạm trong Dự thảo, đồng thời, tác giả xem xét cách tính thu nhập của người chết với ý nghĩa là một tài liệu tham khảo. Trong bài viết này, tác giả đã tập trung nhấn mạnh về bản chất của thiệt hại. Đó chính là sự liên quan mật thiết của thiệt hại với giá trị trừu tượng của “quyền và lợi ích bị xâm phạm”. Điều này rất quan trọng để bảo đảm chức năng của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là “đền bù những thiệt hại gây ra để khôi phục nguyên trạng, bảo vệ quyền và lợi ích được pháp luật quy định và bảo vệ”. Mong rằng, Dự thảo sẽ cân nhắc về vấn đề này sao cho phù hợp với công lý phổ thông và nguyên tắc tối cao mà Hiến pháp quy định.
Fushihara Hirota