Trong quá trình xây dựng Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện và sau khi khởi kiện. Tuy nhiên, đa số các ý kiến cho rằng việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện chưa thuộc quy trình tố tụng dân sự, vì vậy, vấn đề này cần được điều chỉnh bởi một văn bản quy phạm pháp luật khác. Vì vậy, tại Nghị quyết số 22/2016/QH14 ngày 22/7/2016 của Quốc hội về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, dự thảo Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện (sau đây gọi tắt là dự thảo Luật) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba. Hiện nay, dự án Luật đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Trong quá trình nghiên cứu, tác giả nhất trí với sự cần thiết ban hành dự thảo Luật này, tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo thêm một bước, trong phạm vi bài viết này, tác giả bình luận về một số quy định trong dự thảo lần 2 của Luật và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.
Đối chiếu với Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, cho thấy, so với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã bổ sung thêm một số các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong đó có biện pháp bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án. Trước khi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được ban hành, các biện pháp bắt giữ tàu bay, tàu biển đã được quy định trong Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển năm 2008 và Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay năm 2010. Tuy nhiên, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật; vì vậy, để bảo đảm giá trị pháp lý của các quy định về bắt giữ tàu bay, tàu biển theo quy định của Hiến pháp năm 2013, hai biện pháp này đã được đưa vào các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, có ý kiến khác nhau về tên gọi của dự thảo Luật, vì vậy, tại dự thảo lần 2 cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo đã đổi tên dự án thành “Luật Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện; thủ tục bắt giữ tàu biển, tàu bay”, với lý do việc bắt giữ tài biển, tàu bay thực chất cũng là biện pháp khẩn cấp tạm thời. Về vấn đề này, tác giả cho rằng, hai biện pháp bắt giữ tàu biển và tàu bay là một trong số các biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, do đó, không nên thay đổi tên gọi của dự thảo Luật mà thay vào đó, nên giữ nguyên tên gọi là “Luật Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện” đã được nêu tại Nghị quyết số 22/2016/QH14 ngày 22/7/2016 của Quốc hội.
Thứ hai, về trách nhiệm bồi thường của Tòa án do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, bắt giữ tàu biển, tàu bay không đúng
Khoản 3 Điều 6 dự thảo Luật quy định: Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, bắt giữ tàu biển, tàu bay không đúng mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 113 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện kháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì Tòa án phải bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Do đó, để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý lại theo hướng quy định cụ thể việc bồi thường trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 6 dự thảo Luật được thực hiện theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định Tòa án trong trường hợp ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, bắt giữ tàu biển, tàu bay không đúng mà gây thiệt hại thì phải bổi thường. Tuy nhiên, trường hợp có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện nhưng Thẩm phán được phân công giải quyết không ra quyết định hoặc chậm ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện mà gây thiệt hại cho người yêu cầu thì Tòa án có trách nhiệm bồi thường hay không?
Điều 28 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 và Điều 19 dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) mà Chính phủ trình Quốc hội theo Tờ trình số 336/TTr-CP ngày 23/9/2016 quy định Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người tiến hành tố tụng dân sự gây ra trong các trường hợp:
“1. Tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trái pháp luật.
2. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu.
3. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cá nhân, tổ chức.
4. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng.
5. Ra bản án, quyết định trái pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc.”
Do đó, để bảo đảm tính thống nhất cũng như bao quát đầy đủ các trường hợp phát sinh trong thực tiễn, cần nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo về trách nhiệm bồi thường của Tòa án trong trường hợp không ra quyết định hoặc chậm ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện mà gây thiệt hại cho người yêu cầu.
Thứ ba, về thời hạn xử lý đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện
Khoản 2 Điều 29 dự thảo Luật quy định: “Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, Thẩm phán phải xem xét đơn và ra một trong các quyết định...”. Về vấn đề này, tác giả cho rằng cần cân nhắc về tính khả thi của quy định này. Cụ thể, Luật này được ban hành để giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc để đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, đối với một số biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, như phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ (khoản 6 Điều 4 dự thảo Luật) hoặc phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước, phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ (khoản 5 Điều 4 dự thảo Luật) thì 48 giờ là quá dài để trong thời gian đó đương sự có thể tẩu tán tài sản, lẩn tránh nghĩa vụ thi hành án. Bên cạnh đó, có trường hợp người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện nộp đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án vào chiều thứ sáu thì sau 48 giờ, nghĩa là đến chủ nhật, thẩm phán được phân công giải quyết đơn có ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện được không? Do đó, cần nghiên cứu về tính khả thi của quy định tại Điều 2 Điều 29 dự thảo Luật. Trường hợp giữ nguyên như dự thảo thì cần thiết phải bổ sung quy định về cơ chế thực hiện để bảo đảm tính khả thi của quy định.