Nhận định về Bộ luật Dân sự năm 2015, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, Bộ luật đã có nhiều nội dung mới, nhiều điểm sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Một số nội dung mới nổi bật được đề cập tại Tọa đàm có thể kể đến như: Không trao đặc quyền cho Nhà nước, mà chỉ còn là lợi ích của quốc gia, dân tộc; bổ sung các công cụ pháp lý giúp Tòa án giải quyết vụ việc; chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân, pháp nhân, còn các chủ thể khác tham gia quan hệ thông qua các thành viên hoặc đại diện; về chế định tài sản và quyền sở hữu, Bộ luật quy định rõ quyền sử dụng đất là quyền tài sản, đây là điều chưa được khẳng định tại Hiến pháp cũng như các văn bản luật khác; bổ sung quyền với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt.
Ông Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế đánh giá tầm quan trọng của quyền tự do kinh doanh trong việc xác lập và phát triển nền kinh tế thị trường. Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015 là hai văn bản pháp lý quan trọng nhất trong bảo đảm quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi nhận quyền bình đẳng của mọi chủ sở hữu, trong khi Hiến pháp năm 2013 chỉ mới ghi nhận bình đẳng giữa các doanh nghiệp với tư cách là chủ thể kinh doanh; tăng cường cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền tự do hợp đồng (hạn chế tình trạng đơn phương chấm dứt hợp đồng, ghi nhận rõ ràng tư cách luật chung nếu có sự khác nhau thì ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành, hạn chế các trường hợp hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu do vi phạm hình thức, dễ dàng và thuận lợi hơn trong giao kết và thực hiện hợp đồng); tăng cường cơ chế bảo vệ quyền dân sự (quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng, điều này rất quan trọng, tạo sự yên tâm cho các doanh nghiệp lựa chọn, mở rộng kinh doanh mà không lo ngại việc không có cơ chế bảo vệ quyền lợi cho mình; các quyết định hành chính có thể được đưa ra xem xét tại các cơ quan tư pháp; được sửa đổi và hủy bỏ hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản để khắc phục bất công vì nhiều biến đổi không thể lường trước của nền kinh tế thị trường).
Chế định đại diện trong Bộ luật Dân sự năm 2015 được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hội nhập nhanh hơn, tận dụng được mọi cơ hội kinh doanh, có thể mở rộng hoạt động thông qua đại diện. Những sửa đổi quan trọng như: Quy định minh thị người đại diện có thể là cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể gồm nhiều người, hiệu lực của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập thực hiện phải phù hợp với phạm vi đại diện, không phủ nhận tuyệt đối các giao dịch do người đại diện xác lập và thực hiện với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là đại diện. Khi vượt quá phạm vi đại diện thì Bộ luật mới quy định giao dịch được công nhận khi người được đại diện đã công nhận giao dịch thay vì quy định buộc người thứ ba phải thông báo cho người được đại diện hoặc người được đại diện để trả lời trong thời hạn ấn định như trước đây.
Nhiều sửa đổi, bổ sung khác cũng có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh như: Điều kiện giao dịch chung, thỏa thuận bồi thường, phạt vi phạm hợp đồng, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ… Hầu hết các đại biểu tham dự tọa đàm đều cho rằng, việc thông qua Bộ luật Dân sự năm 2015 đã khẳng định một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý mới thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Uyên Nhi