Toàn cảnh buổi làm việc
Báo cáo kết quả công tác Quý I/2025 và nhiệm vụ trọng tâm Quý II/2025, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính cho biết, Cục đã tiếp nhận, phân loại đối với 393 văn bản gồm 33 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 360 văn bản của địa phương; kết luận, kiến nghị xử lý đối với 32 văn bản có quy định trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Bên cạnh đó, Cục đã thực hiện đôn đốc và tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp đôn đốc cơ quan ban hành văn bản hoàn thành việc xử lý đối với 73 văn bản có quy định trái pháp luật gồm 01 văn bản đã được kết luận trong năm 2023 và 72 văn bản đã được kết luận trong năm 2024. Hiện, Cục đang tổ chức, triển khai thực hiện việc kiểm tra văn bản do các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền cấp tỉnh ban hành theo 03 chuyên đề, cụ thể: (i) văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; (ii) văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phục vụ mục tiêu phát triển nguồn nhân lực; (iii) văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Đối với công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Cục đã tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 15/01/2025 ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2025. Theo đó, các lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành pháp luật trọng tâm, liên ngành năm 2025 gồm: (i) theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực thủy sản; (ii) theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường; (iii) theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp;(iv) theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy; (v) theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực an sinh xã hội.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc
Trong Quý II/2025, Cục sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: (i) hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính; hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; (ii) tham gia nghiên cứu, đề xuất nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật; (iii) thực hiện công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; theo dõi, đôn đốc và kiến nghị xử lý triệt để các văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật đã được kết luận, kiến nghị; (iv) tổng hợp kết quả do các bộ, ngành chủ trì rà soát các quy định để tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn phục vụ hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xây dựng, sửa đổi, bổ sung; (v) tiếp tục theo dõi, đôn đốc, phối hợp các bộ, ngành thực hiện pháp điển các đề mục, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật theo quy định...
Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ đều đánh giá cao những kết quả công tác mà Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính đã đạt được trong Quý I/2025 và nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác Quý II/2025. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị Cục cần khẩn trương đẩy nhanh việc thực hiện đề án tiếp nhận cơ sở dữ liệu, phần mềm tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân trong công tác giải quyết vướng mắc, mâu thuẫn của hệ thống pháp luật và các hoạt động quản lý nhà nước; đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan trong khối xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật đánh giá lại các nhiệm vụ về xây dựng các kênh để tiếp nhận phản ánh của người dân; xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật khai thác cơ sở dữu liệu về pháp luật, trong đó có cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật, dữ liệu về vướng mắc pháp lý của các doanh nghiệp, dữ liệu về bản án, quyết định của Tòa án, trọng tài thương mại, xử lý vi phạm hành chính, dữ liệu về văn bản trả lời của các cơ quan nhà nước đối với vướng mắc của doanh nghiệp, dữ liệu về văn bản tư vấn của mạng lưới tư vấn viên; xây dựng chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có các hoạt động cung cấp thông tin pháp luật trong nước, quốc tế, cảnh báo rủi ro trong lĩnh vực quản lý của ngành Tư pháp tác động đến doanh nghiệp...
Đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính cần tập trung đẩy mạnh việc thực hiện 03 trụ cột cơ bản gồm: (i) công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; (ii) xử lý vi phạm hành chính; (iii) tổ chức thi hành pháp luật, đồng thời, rà soát lại trên cơ sở thực tiễn quản lý nhà nước đối với các công tác này để hoàn thiện thể chế. Bên cạnh đó, Cục cần phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn tăng cường, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức thi hành pháp luật thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như kiểm tra, rà soát, pháp điển, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Về công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, Cục cần lưu tâm tới tất cả các cơ sở dữ liệu hiện nay, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính, trong đó, cần lưu ý hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện chuẩn cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính, đồng thời, tham khảo mô hình cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính của Bộ Công an. Đối với nội dung này, Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là vấn đề trọng tâm, cần sự đầu tư lớn, vì vậy, Cục cần phối hợp chặt chẽ với Cục Kế hoạch - Tài chính, Cục Công nghệ thông tin và bộ, ngành, địa phương để có hướng dẫn và triển khai sau này./.
Thùy Dung