Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
Chất lượng chính sách sẽ quyết định đến chất lượng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
Về vấn đề tham vấn chính sách, các đại biểu Quốc hội tập trung vào 03 vấn đề liên quan đến tham vấn chính sách là sự cần thiết quy định về tham vấn chính sách; làm rõ sự khác biệt giữa tham vấn chính sách và lấy ý kiến góp ý; việc đề nghị cơ quan chủ trì đề xuất chính sách chủ trì việc tổ chức hội nghị tham vấn chính sách chứ không phải là Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội. Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, theo dự thảo Luật, chính sách đóng vai trò rất quan trọng, là cơ sở để quy phạm hóa chính sách, hay nói cách khác là căn cứ để dịch từ chính sách sang ngôn ngữ pháp lý là dự thảo luật. Chất lượng chính sách sẽ quyết định đến chất lượng của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Việc bổ sung các quy định này là rất cần thiết nhằm mục đích thể chế hóa ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 119-KL/TW ngày 20/01/2025 và của Tổng Bí thư tại Thông báo số 108-TB/VPTW về việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, chính sách phải cụ thể, rõ ràng, đánh giá tác động phải thực chất; để khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay trong quy trình xây dựng pháp luật và để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các tổ chức, cá nhân có liên quan tiếp cận “từ sớm, từ xa” đối với các chính sách do Chính phủ quyết định.
Về phân biệt giữa tham vấn chính sách và lấy ý kiến góp ý, qua tham khảo kinh nghiệm của một số nước, Bộ trưởng chỉ ra nhiều nước đã sử dụng thuật ngữ “tham vấn chính sách”, bản chất của tham vấn chính sách cũng là việc lấy ý kiến. Tuy nhiên, có sự khác biệt về đối tượng, nội dung, phương thức, tùy thuộc vào từng hệ thống pháp luật và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng nước. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước và từ điều kiện cụ thể của nước ta, bên cạnh quy định việc lấy ý kiến, dự thảo Luật lần này bổ sung quy định về khái niệm tham vấn chính sách và các quy định cụ thể về tham vấn chính sách tại Điều 30, Điều 68. Bộ trưởng cũng làm rõ sự khác nhau giữa tham vấn chính sách và lấy ý kiến góp ý, thể hiện ở 3 tiêu chí cơ bản về đối tượng lấy ý kiến, nội dung lấy ý kiến và phương thức lấy ý kiến.
Về ý kiến của một số đại biểu đề nghị phải “đổi vai”, trong dự thảo Luật quy định Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ trì tổ chức hội nghị tham vấn, Bộ trưởng lý giải, với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, Bộ Tư pháp cùng với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã dự kiến tiếp thu điều này với “vai” là cơ quan đề xuất chính sách sẽ chủ trì việc tham vấn chính sách đối với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan đề xuất chính sách mời các đối tượng có liên quan đến để bảo đảm hội nghị tham vấn này thực chất và cũng bỏ quy định trong thời hạn 20 ngày Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phải gửi văn bản tham vấn tới cơ quan đề xuất tham vấn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh tiếp thu, giải trình tại phiên họp.
Dự thảo luật không đủ điều kiện để thông qua tại một kỳ họp thì vẫn có thể thông qua tại các kỳ tiếp theo
Đối với quy định luật thông qua tại một kỳ họp, theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, quy trình trong dự thảo Luật xác định Chính phủ là cơ quan quyết định chính sách để làm cơ sở xây dựng dự thảo luật để trình Quốc hội, “vai” của Chính phủ bây giờ là chịu trách nhiệm đến cùng, do vậy Chính phủ thấy khi nào đủ điều kiện, đủ chất lượng thì trình ra Quốc hội. Trong trường hợp dự thảo luật đưa ra Quốc hội mà Quốc hội thấy không đủ điều kiện để thông qua thì vẫn có thể thông qua tại các kỳ tiếp theo như quy định của dự thảo Luật, tức là về nguyên tắc thì có thể thông qua một kỳ nhưng không đủ chất lượng thì vẫn có thể thông qua kỳ tiếp theo.
Liên quan đến hướng dẫn văn bản áp dụng pháp luật, Bộ trưởng khẳng định, đây là vấn đề mới nhằm thể chế hóa ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 119-KL/TW và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Thông báo số 108-TB/VPTW. Theo Bộ trưởng, hiện nay Hiến pháp quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền giải thích luật và nghị quyết. Nhưng với văn bản dưới luật, đang có “khoảng trống” do chúng ta chưa quy định về việc này, trong khi thực tiễn đặt ra đối với những văn bản có nội dung dẫn đến cách hiểu khác nhau thì người dân, doanh nghiệp và kể cả chính quyền địa phương thường gửi văn bản lên Trung ương.
“Tôi đã làm ở địa phương nên biết khi gửi lên Trung ương cũng có những Bộ giải thích và hướng dẫn rất cụ thể nhưng cũng có những cơ quan, những Bộ chỉ liệt kê tất cả văn bản, nói rằng làm theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật và chịu trách nhiệm toàn diện về việc đấy. Như vậy, thì không giải quyết được vấn đề”, Bộ trưởng chia sẻ và cho biết, kinh nghiệm quốc tế và Công ước Vienna về các luật, điều ước quốc tế năm 1969, dự thảo Luật tại Điều 31, 32 đã quy định các quy tắc chung về giải thích và giải thích các điều ước.
Trường hợp có hình thức bằng văn bản hành chính trái pháp luật, Bộ trưởng cho hay, nếu cơ quan có thẩm quyền phát hiện hoặc tự phát hiện văn bản của mình trái thì có quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản đó hoặc khi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức doanh nghiệp, các đối tượng có quyền khởi kiện hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Cần quan tâm, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động liên quan đến dự thảo luật
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại phiên họp.
Về nội dung mới của dự thảo Luật là bổ sung quy định về tham vấn chính sách các cơ quan, đối tượng chịu sự tác động, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình xây dựng dự án luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nhận thấy, đây là quy định rất cần thiết. Sự tham gia từ sớm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sẽ góp phần hoàn thiện dự thảo ngay từ khâu xây dựng hồ sơ, dự thảo của Chính phủ; thể hiện sự đồng hành, vào cuộc và trách nhiệm của Quốc hội từ sớm trong quá trình xây dựng Luật. Đặc biệt, việc tham vấn ý kiến các đối tượng tác động là vô cùng quan trọng, đồng thời, cũng là hình thức tuyên truyền cho Nhân dân, các đối tượng chịu tác động trực tiếp về các quan điểm, chính sách mới sắp được ban hành.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) việc tham vấn chính sách cực kỳ quan trọng để trước khi cơ quan trình hoặc cơ quan thẩm tra lấy ý kiến của các ngành, những người có liên quan, đặc biệt là những đối tượng chịu sự tác động của chính sách. Cho nên, việc họp tham vấn chính sách, đề nghị các cơ quan soạn thảo phải lưu ý cần lấy ý kiến rộng rãi, đặt mục tiêu doanh nghiệp và người dân là trên hết, đặc biệt là những đối tượng chịu tác động liên quan đến dự thảo luật cần lấy ý kiến. Đối với các đại biểu Quốc hội, cũng cần nhưng không nhất thiết phải lấy nhiều, vì các đại biểu Quốc hội sẽ tham gia thảo luận ở hội trường, ở tổ.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc quy định tham vấn là cần thiết, nhưng đó là tham vấn với các chuyên gia, với các nhà khoa học, với các cá nhân đại biểu Quốc hội, thậm chí với từng thành viên Ủy ban. Theo đại biểu, tham vấn phải đúng đối tượng, đúng bản chất và việc áp dụng đúng bản chất sẽ bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt, phù hợp với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị cũng như phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm yêu cầu, đúng “vai”, thuộc bài theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Tiếp cận ở góc độ khác về phản biện xã hội và tham vấn chính sách, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nhận thấy, các nội dung thiết kế của Điều 6 dự thảo Luật tập trung quy định về việc phản biện xã hội và tham vấn chính sách, các văn bản do Quốc hội và các cơ quan Trung ương ban hành. Nêu ví dụ, nội dung quy định tại khoản 2 hoặc tại khoản 3 Điều 6 quy định về sự tham gia của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ đó, đại biểu đề nghị làm rõ phạm vi lấy ý kiến của VCCI. Nếu xác định Điều 6 là quy định chung, có nghĩa văn bản của địa phương cũng phải lấy ý kiến của VCCI. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, hiện nay VCCI chỉ có trụ sở chi nhánh và văn phòng đại diện tại một số địa phương nên cần đánh giá thêm về việc lấy ý kiến của VCCI đối với văn bản quy phạm pháp luật của địa phương để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong việc áp dụng. Trường hợp quy định này chỉ áp dụng đối với quá trình xây dựng văn bản của Trung ương thì cần quy định cụ thể để tránh “lúng túng” cho địa phương khi thực hiện.
Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết trong một kỳ họp là “một sự thay đổi rất lớn và bứt phá”
Đại biểu Trần Văn Khải phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) quan tâm đến việc Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết trong một kỳ họp, thay vì hai kỳ họp như trước đây, trừ một số trường hợp đặc biệt. Theo đại biểu, đây là sự thay đổi rất lớn và bứt phá, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng pháp luật, phù hợp với yêu cầu cải cách lập pháp và hành chính và thực hiện nghiêm chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong việc đổi mới tư duy trong công tác lập pháp của Quốc hội.
Theo đại biểu, quy trình lập pháp rút gọn (thông qua trong một kỳ họp) quy định tại dự thảo Luật nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường này sẽ tạo ra 4 thách thức và chúng ta phải có phương án xử lý hiệu quả những thách thức này. Thách thức về chất lượng lập pháp có nguy cơ giảm do rút ngắn thời gian thì cần xây dựng quy trình thẩm định nghiêm ngặt trước khi trình Quốc hội; tăng cường vai trò của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra nội dung dự thảo. Với thách thức thiếu thời gian phản biện và lấy ý kiến xã hội, cần bổ sung quy trình tham vấn từ sớm, ngay từ khi xây dựng chính sách; yêu cầu bắt buộc tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi trong ít nhất 60 ngày. Về thách thức tạo áp lực lớn lên các cơ quan lập pháp, cần tăng cường năng lực tài chính và nhân sự cho cơ quan soạn thảo và thẩm định, thẩm tra luật; xây dựng cơ chế hỗ trợ kỹ thuật như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu pháp luật. Liên quan tới nguy cơ không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cần xây dựng cơ sở dữ liệu liên kết giữa các bộ luật để tránh mâu thuẫn, chồng chéo; Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm chính trong việc rà soát dự thảo trước khi trình Quốc hội.
Đại biểu Trần Văn Khải cũng đề xuất quy định rõ tiêu chí nào thì được áp dụng quy trình một kỳ họp; tăng cường trách nhiệm của cơ quan soạn thảo và thẩm định, trong đó Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm chính trong việc rà soát, đánh giá tác động; ứng dụng công nghệ trong lập pháp, sử dụng dữ liệu lớn để phân tích, đối chiếu các dự án luật, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường giám sát sau ban hành; có cơ chế điều chỉnh kịp thời nếu phát hiện sai sót trong thực thi./.
PV
Ảnh: quochoi.vn