Cho ý kiến về Kỳ họp trọng tâm trong xây dựng pháp luật
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo chương trình công tác, trong tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 2 phiên là phiên họp thường kỳ tháng 4/2023 và phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.
Dự kiến phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 22 sẽ được tổ chức trong 2 ngày với một số nhóm nội dung cơ bản. Nhóm thứ nhất là Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Khóa này công tác lập pháp được tiến hành hệ thống, bài bản trên cơ sở Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong 137 nhiệm vụ lập pháp trong kế hoạch đã thực hiện xong 111 nhiệm vụ, với 24 nhiệm vụ lập pháp đã được chuyển thành đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua. Nhiều nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát thì sẽ được tiếp tục đề xuất trong thời gian tới.
Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về về Báo cáo của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về chuyên đề “Việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và việc thực hiện chính sách pháp về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Đồng thời, cũng trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để trình với Quốc hội lựa chọn quyết định các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2024.
Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 4 và việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Kỳ họp thứ 5 là kỳ họp hết sức quan trọng, trọng tâm của công tác lập pháp. Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến với tổng số 20 dự án luật và dự thảo nghị quyết, số lượng gấp đôi so với những kỳ họp bình thường. Chủ tịch Quốc hội cho biết trong số những nội dung này có 6 dự án luật đã được Quốc hội đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và vừa qua được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách về cơ bản cũng đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội chuyên trách đánh giá cao.
Đặc biệt tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội lưu ý đối với các cơ quan liên quan về vấn đề tiến độ chuẩn bị và gửi hồ sơ các dự án.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá bổ sung thì tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, kết quả sơ bộ và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Nêu rõ dự kiến thời gian của Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khá dài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cụ thể về cách bố trí thời gian, cách thức tổ chức Kỳ họp để có được kết quả tốt nhất.
Nhóm vấn đề thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Cụ thể là xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; cho ý kiến về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; xem xét, quyết định phương án phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đồng thời, theo thường lệ tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét công tác dân nguyện của Quốc hội.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều sự quan tâm cho công tác thể chế
Ngay sau phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV của Chủ tịch Quốc hội, sáng 10/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (gọi tắt là Chương trình) năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023.
Trình bày Tờ trình Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023 tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 16/24 dự án, dự thảo (12 luật, 4 nghị quyết); cho ý kiến 8/24 dự án luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội, trong năm 2023 Chính phủ phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 14 dự án luật. Sau khi điều chỉnh Chương trình thì tổng số là 15 dự án. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 dự án, theo đó, Chính phủ tiếp tục phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 14 dự án…
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều sự quan tâm cho công tác thể chế. Ngoài các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; quy trình cho ý kiến các dự án luật được Chính phủ xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn; các dự án khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều được Chính phủ xem xét, thông qua bằng nghị quyết.
Các bộ, cơ quan đã cố gắng, đầu tư thời gian, nguồn lực hơn cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, công tác xây dựng pháp luật được bảo đảm liên tục, hiệu quả; chương trình xây dựng pháp luật được triển khai thực hiện nghiêm túc, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất…
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình năm 2022 và 2023 còn một số điểm tồn tại, hạn chế như một số dự án luật hoặc đề nghị xây dựng luật chưa đảm bảo chất lượng nên chưa được thông qua theo Chương trình hoặc chưa được bổ sung vào Chương trình… Những hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do công tác tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở các nguyên tắc lập đề nghị Chương trình, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 đối với 13 dự án. Cụ thể, với Chương trình Kỳ họp thứ 5, bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với 2 dự án, dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh; trình Quốc hội cho ý kiến đối với 6 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đường bộ...
Đồng thời, với Chương trình Kỳ họp thứ 6, bổ sung trình Quốc hội thông qua 6 dự án là các dự án đang đề nghị bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 như trên; trình Quốc hội cho ý kiến đối với 3 dự án: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Thủ đô (sửa đổi)…
Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2024 gồm 14 dự án. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 7, trình Quốc hội thông qua 5 dự án là các dự án Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, gồm 2 dự án đã có trong Chương trình theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội; 3 dự án, đang được đề nghị bổ sung vào Chương trình theo Tờ trình này…
Còn tại Kỳ họp thứ 8, trình Quốc hội thông qua 7 dự án là các dự án được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7; trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án (Luật Dân số (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi).
Cũng tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình tóm tắt đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Pháp lệnh chi phí tố tụng; Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trình bày Tờ trình về Luật Bản dạng giới; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi).
Trình bày tóm tắt thẩm tra về Chương trình năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với đánh giá về những mặt tích cực cũng như tồn tại, hạn chế (bao gồm cả nguyên nhân) của công tác lập, triển khai thực hiện Chương trình trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 như được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.
Đối với đề nghị các dự án cụ thể trong Chương trình, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, trong tổng số 25 dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, có 20/25 dự án là kết quả của 20 nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, 5 dự án còn lại được các cơ quan đề xuất để đáp ứng yêu cầu mới trong nghị quyết, kết luận của Đảng và yêu cầu thực tiễn./.
T.Quyên
(Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp)