Tại buổi lễ công bố, ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp giới thiệu về Website, theo đó, Website được thực hiện bằng cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh tương ứng với 02 tên miền. Website có hình logo rất đặc trưng của Hội thảo bằng tiếng Anh “Law&Industrial Revolution 4.0” trong đó có các biểu tượng của Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng hình ảnh cán cân công lý đặt trên cuốn Hiến pháp, tượng trưng cho các công việc liên quan tới tư pháp và pháp luật.
Website gồm 06 phần chính: (1) Phần giới thiệu về Hội thảo; (2) Phần chương trình làm việc chính thức của Hội thảo; (3) Phần nội dung thảo luận của Hội thảo; (4) Phần danh sách diễn giả; (5) Phần nhà tài trợ và đối tác; (6) Phần thông tin khác. Hiện tại, Website đang tiếp tục hoàn thiện và sẽ được liên tục cập nhật thông tin về quá trình chuẩn bị tổ chức Hội thảo, nhất là khi danh tính của các diễn giả tham dự Hội thảo, các nhà tài trợ cũng như các tổ chức, cá nhân chính thức đăng ký tham dự các hoạt động của Hội thảo được xác định cụ thể.
Dự kiến, Hội thảo sẽ được tổ chức vào tháng 6/2019 tại Hà Nội, với sự hiện diện của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và cộng đồng doanh nghiệp... đây cũng là dịp để các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách... về các vấn đề liên quan đến chính sách pháp luật đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay và khi bước vào thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia này sẽ là một diễn đàn thảo luận, trao đổi, hiến kế và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học, trong đó tập trung vào các giải pháp chính sách, thiết kế quy định pháp luật phù hợp, khả thi để Việt Nam có thể tận dụng tốt các cơ hội, đồng thời vượt qua các thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.