Toàn cảnh Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý chủ trì Hội nghị cho biết, Bộ Tư pháp là một trong những Bộ thực hiện rất nghiêm túc, bài bản, khoa học tất cả các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Để thực hiện triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 21/6/2021, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động số 10-CTr/BCS (Chương trình hành động số 10). Đồng thời, Đảng ủy Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng. Cụ thể, ngày 31/5/2021, Đảng ủy Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động số 14-CTr/ĐU thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng và ngày 07/7/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 1116/QĐ-BTP về việc ban hành Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo Chương trình hành động số 10, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã đề ra 43 nhiệm vụ để thực hiện triển khai toàn diện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thay mặt đơn vị đầu mối theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 10, đồng chí Dương Bạch Long, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý báo cáo tổng hợp, tóm tắt và đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp đã thực hiện triển khai nội dung Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo dự thảo Báo cáo tổng kết 04 năm triển khai Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (dự thảo Báo cáo), đến nay, các đơn vị thuộc Bộ đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thực hiện thành công, đạt chất lượng, hiệu quả hầu hết các nhiệm vụ theo đúng kế hoạch đã đặt ra trong Chương trình hành động số 10. Kết quả nhiệm vụ đạt được qua một số mảng công tác chính như sau:
1. Bộ Tư pháp đã thường xuyên tổ chức quán triệt, phổ biến, nghiên cứu, học tập Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII của Đảng; tổ chức phát động và thực hiện các phong trào thi đua nghiên cứu, học tập, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thực chất, thiết thực, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc của Bộ, ngành Tư pháp.
2. Về lĩnh vực xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ về định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; cho ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tại các Phiên họp thường kỳ, Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật từ năm 2021 đến nay. Bộ Tư pháp đã xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình thực hiện các nghị quyết của Đảng, của Chính phủ và chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tư pháp địa phương, tổ chức pháp chế các bộ, ngành tham mưu ban hành và triển khai quyết liệt các kế hoạch công tác tư pháp, pháp chế. Từ năm 2021 đến nay, 100% các nhiệm vụ lập pháp được giao đều được Chính phủ hoàn thành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của kinh tế-xã hội và nhu cầu quản lý của Nhà nước như Luật Thủ đô, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng… Công tác thẩm định đề nghị xây dựng luật, dự án, dự thảo VBQPPL luôn được quan tâm nâng cao chất lượng thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ, góp phần nâng cao chất lượng các VBQPPL, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn xã hội và có tính khả thi cao.
3. Về lĩnh vực tổ chức thi hành pháp luật đã được quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện, góp phần giảm thiểu rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với xã hội, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp, như:
- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được Bộ Tư pháp triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quy định của pháp luật, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn... Nhiều văn bản, kế hoạch, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật đã được ban hành, như Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ… Công tác hướng dẫn thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được Bộ, ngành Tư pháp quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được Bộ Tư pháp, các địa phương chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả, tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV.
Đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được tăng cường thực hiện có hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, bám sát thực tiễn; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, ngăn ngừa, hạn chế các trường hợp ban hành các quy định trái pháp luật, không phù hợp, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống VBQPPL. Công tác pháp điển hệ thống QPPL, xây dựng Bộ pháp điển được Bộ Tư pháp thực hiện, triển khai thành công và đã công bố, đưa vào áp dụng thực hiện trong thực tiễn.
- Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tế. Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2024/NĐ-CP ngày 18/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng thời, Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính và theo dõi, thi hành pháp luật. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính tiếp tục được xây dựng bảo đảm khả thi, hiệu quả, đúng quy định pháp luật về đầu tư công.
4. Về lĩnh vực thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục được hoàn thiện về thể chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả; giảm án tồn đọng, đồng thời, tỷ lệ thi hành xong hoàn toàn về việc và về tiền được nâng cao, rút ngắn thời gian thi hành án dân sự.
5. Về lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được thực hiện, phát triển lên tầm cao mới, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ pháp lý, chất lượng hoạt động của hệ thống tư pháp, tăng cường khả năng tiếp cận công lý của người dân, doanh nghiệp. Công tác trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền tiếp cận pháp lý của các đối tượng yếu thế, tạo bình đẳng trước pháp luật, phòng chống oan sai; góp phần tháo gỡ vướng mắc pháp lý, phục hồi, phát triển kinh tế cho đất nước.
6. Về lĩnh vực hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp đã tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm. Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính tư pháp đã được Bộ Tư pháp thực hiện quyết liệt, với nhiều giải pháp đổi mới và phối hợp kịp thời, chặt chẽ với các cơ quan liên quan để thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của Chính phủ và của đất nước. Đến nay, Bộ Tư pháp đã xây dựng, vận hành đồng bộ, thông suốt một số cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực hành chính tư pháp, như: (i) triển khai Đề án số 06 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện trực tuyến hiệu quả 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông: đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn, liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm ý tế cho trẻ em dưới 06 tuổi, liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí; số hóa sổ hộ tịch được 2.524.892 sổ với hơn 60 triệu dữ liệu, trong đó đã cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên 50 triệu dữ liệu; (ii) thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, năm 2024, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm được vinh danh là một trong 11 cơ quan nhà nước nhận giải thưởng cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc với sản phẩm Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản tại Lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam; tỷ lệ phiếu trực tuyến đạt 87% trên tổng số phiếu đăng ký và phiếu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự; (iii) cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Đối với công tác bồi thường nhà nước tiếp tục được triển khai, tăng cường và thực hiện quyết liệt, bảo đảm chất lượng, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của cơ quan, cá nhân, tổ chức, nhất là là trong hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc, cung cấp thông tin, hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường; tập huấn; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và phối hợp liên ngành thực hiện công tác bồi thường.
7. Về lĩnh vực pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã tăng cường vai trò, giúp Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý quốc tế phát sinh từ quá trình hội nhập; chủ động, tích cực và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.
Đồng chí Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp.
8. Về lĩnh vực xây dựng Bộ, ngành, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học pháp lý đã đạt được những kết quả quan trọng nhất là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức có trình độ chuyên sâu về pháp luật, đang từng bước hình thành đội ngũ chuyên gia, cán bộ chủ chốt trong các lĩnh vực công tác trọng yếu của Bộ, ngành; triển khai quyết liệt, hiệu quả các Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật” và Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, theo Chương trình hành động số 10, có 02 (hai) nhiệm vụ[1], [2] đã được đưa ra khỏi Chương trình vì Chính phủ đã giao cho cơ quan khác hoặc đã được thực hiện bởi cơ quan khác. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công kết quả đã đạt được, dự thảo Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện triển khai Chương trình hành động số 10 như một số nhiệm vụ thực hiện còn chậm hơn so với kế hoạch; kết quả đạt được chưa đạt được như kỳ vọng, mong muốn của Ban Cán sự Đảng; việc tăng cường cơ sở vật chất, năng lực làm việc cho công chức, viên chức nói chung và một số các đơn vị nói riêng chưa đáp ứng được so với nhu cầu giải quyết công việc; việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp còn khó khăn[3], chưa được thực hiện đồng bộ, chưa đạt được như mong muốn, kế hoạch đặt ra.
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã đánh giá cao dự thảo Báo cáo tổng kết 04 năm thực hiện Chương trình hành động số 10 do Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý xây dựng. Dự thảo Báo cáo đã cơ bản phản ánh đầy đủ các kết quả hoạt động của các đơn vị, các nhiệm vụ, hoạt động đã được Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đề ra trong Chương trình hành động số 10 cũng như thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, một số đơn vị đề nghị Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cần bổ sung và cập nhật thêm các kết quả hoạt động cho đến thời điểm báo cáo vì nhiều thông tin, số liệu trong dự thảo Báo cáo đã cũ, còn thiếu.
Đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đề nghị cần bổ sung thêm nội dung đánh giá kết quả sơ kết Đề án số 407, việc ban hành Đề án Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân theo Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đồng chí Phan Hồng Nguyên đề nghị thủ trưởng các đơn vị cần phải chủ động, tăng cường thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách liên quan đến hoạt động quản lý do đơn vị chủ trì thực hiện. Về các nhiệm vụ cần phải triển khai trong thời gian tới, đề nghị đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong Thông báo số 108-TB/VPTW ngày 18/11/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng về Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp.
Đồng chí Nhâm Ngọc Hiển, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đề nghị dự thảo Báo cáo nên chỉnh sửa lại để trình bày thống nhất các mảng công tác của Bộ như thống kê, cập nhật số liệu về lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, hộ tịch, quốc tịch… và đánh giá chất lượng, hiệu quả của từng mảng công tác.
Đồng chí Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp đề nghị dự thảo Báo cáo bổ sung thêm nội dung về kết quả học tập các nghị quyết của Đảng, công tác phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ giữa các đơn vị thuộc Bộ.
Đồng chí Trần Anh Tuấn, Vụ Pháp luật quốc tế, đề nghị dự thảo Báo cáo bổ sung thêm kết quả đào tạo chuyên gia pháp lý cho Chính phủ. Đồng thời, dự thảo Báo cáo chưa phản ánh được kết quả về việc các chuyên gia Việt Nam tham gia các định chế, tổ chức quốc tế, tham gia đàm phán các hiệp định quốc tế; tham gia xử lý, giải quyết các vấn đề pháp lý quốc tế, các tranh chấp đầu tư quốc tế; việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/BCSĐ ngày 14/4/2022 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về những định hướng lớn về công tác tư pháp quốc tế của Bộ Tư pháp đến năm 2030. Vì vậy, đề nghị dự thảo Báo cáo cần bổ sung thêm những nội dung này.
Đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đề nghị dự thảo Báo cáo cần chỉnh sửa cho thống nhất đồng bộ về cách thức trình bày, lược bỏ những nội dung không cần thiết, số liệu nên để trong phụ lục. Đặc biệt, dự thảo Báo cáo cần cập nhật số liệu liên quan đến hoạt động của các đơn vị, nhất là của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam như số lượng xuất bản các ấn phẩm khoa học, số lượng tin bài tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong 04 năm vừa qua. Kết quả hoạt động của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như các hoạt động, công tác của Bộ, ngành Tư pháp.
Đồng thời, đồng chí Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội và đại diện một số đơn vị của Bộ phát biểu đề nghị cập nhật lại các số liệu về hoạt động của các đơn vị đại diện cho các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp.
Đồng chí Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý đã ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến phát biểu của đại diện các đơn vị. Đồng chí đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, cập nhật và bổ sung thêm các số liệu cho dự thảo Báo cáo. Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý chịu trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đơn vị để hoàn thiện dự thảo Báo cáo trình Ban Cán sự Đảng. Đặc biệt, đồng chí đề nghị các đơn vị tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện các công việc, nhiệm vụ để Bộ, ngành Tư pháp thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã được đề ra trong Chương trình hành động số 10./.
PV
[1] Nhiệm vụ: Nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên đã được Tòa án nhân dân tối cao thực hiện.
[2] Nhiệm vụ: Nghiên cứu khả năng xây dựng Luật Các tình trạng khẩn cấp, đã giao Bộ Quốc phòng thực hiện theo Công văn số 9211/VP-QHĐP ngày 17/12/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 41/2021/QH15, Thủ tướng Chính phủ chủ trì nhiệm vụ.
[3] Báo cáo của Cục Hộ tịch, quốc tịch, công chứng; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.