Toàn cảnh phiên họp
Trình bày sự cần thiết phải ban hành Nghị định thay thế, đồng chí Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp cho biết, ngày 29/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp (Nghị định số 98/2022/NĐ-CP). Nghị định số 98/2022/NĐ-CP đã cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh mới, yêu cầu mới và nhằm thực hiện Kế hoạch số 04-KH/BCĐ ngày 13/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 06/12/2014 của Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, việc sửa đổi Nghị định số 98/2022/NĐ-CP là cần thiết.
Dự thảo Nghị định gồm 06 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị định số 98/2022/NĐ-CP và cập nhật, bổ sung các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và các văn bản pháp luật chuyên ngành, điều chỉnh lại bố cục quy định về chức năng, nhiệm vụ theo hướng quy định ngắn gọn, bảo đảm khái quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Bộ; chỉnh lý quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp phù hợp với phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ.
Đại biểu thảo luận tại phiên họp
Tại phiên họp, các thành viên của Hội đồng thẩm định đã trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo Nghị định như: sự cần thiết ban hành nghị định thay thế; sự phù hợp của dự thảo Nghị định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Nghị định với hệ thống pháp luật; ngôn ngữ, thể thức và kỹ thuật soạn thảo; tính tương thích của dự thảo Nghị định với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên...
Phát biểu kết luận phiên họp thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ của cơ quan chủ trì soạn thảo và ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định. Theo Thứ trưởng, dự thảo Nghị định đã bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, xây dựng hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên họp
Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu cơ quan soạn thảo cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định để chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị định; đồng thời, cần lưu ý một số nội dung sau: không nên đưa vào dự thảo nghị định những vấn đề quá cụ thể; cần quy định khái quát các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp bảo đảm không trùng lắp với các bộ, ngành khác; nghiên cứu, sắp xếp lại vị trí nội dung dự thảo Nghị định theo hướng quy định những nội dung quan trọng trước...
Thùy Dung