Báo cáo tại cuộc họp Hội đồng thẩm định, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, là diễn đàn của nhân dân. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chỉ đạo nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác báo chí trong tình hình mới, hướng tới xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; tiếp tục bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa của con người, công dân; tạo điều kiện để báo chí phát triển phù hợp với xu hướng phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, truyền thông hiện đại.
Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chú trọng, chủ động xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hoặc hướng dẫn hoạt động báo chí trên khắp cả nước. Đến nay, thể chế về hoạt động báo chí cơ bản đã được ban hành đầy đủ, cao nhất là Luật Báo chí, tiếp đó là các văn bản quy định chi tiết thi hành, bao gồm 02 nghị định và 04 thông tư (03 thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông, 01 thông tư của Bộ Tài chính). Tại thời điểm ban hành, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; đồng thời nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn vừa qua; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Luật Báo chí quy định khá đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên.
Tuy nhiên, sau hơn 06 năm thi hành một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí liên quan đến chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương, thực hiện phân cấp một số thủ tục hành chính cho địa phương; chính sách của Nhà nước phát triển báo chí, nhiệm vụ quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam; hoạt động báo chí trên môi trường số, phát triển mô hình phù hợp thực tiễn để thúc đẩy báo chí phát triển; phạm vi hoạt động, tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí; đối tượng thành lập và hoạt động tạp chí khoa học; điều kiện cấp phép hoạt động báo chí, nhất là đối với các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động báo chí khi không đủ điều kiện hoạt động; điều kiện cấp thẻ lần đầu, trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ nhà báo; lãnh đạo cơ quan báo chí và điều kiện, tiêu chuẩn lãnh đạo cơ quan báo chí; hoạt động tác nghiệp của những người hoạt động báo chí nhưng chưa được cấp thẻ nhà báo; văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; xuất, nhập khẩu báo chí; liên kết trong hoạt động báo chí; lưu chiểu sản phẩm có tính chất báo chí; tên miền của báo điện tử, tạp chí điện tử; giải thích các khái niệm và những nội dung khác…
Với những hạn chế, bất cập nêu trên và trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại đã dẫn đến những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực báo chí, cần phải hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp. Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng đây là thời gian phù hợp để sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá thêm về các nội dung thẩm định được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như sự cần thiết, cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí (về chính trị, pháp lý, thực tế…), tính hợp lý; sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật và tính khả thi của nội dung chính sách… Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, đảm bảo các chính sách đề xuất cần phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí; phát huy tối đa những mặt tích cực, khắc phục tối đa những thiếu sót, khuyết điểm trong hoạt động báo chí; phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt báo chí.
Phát biểu thẩm định, đồng chí Nguyễn Duy Tiến, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội nhất trí về sự cần thiết của việc xây dựng Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì lập đề nghị cân nhắc rà soát các chính sách đảm bảo phù hợp về mặt thẩm quyền, phân cấp, ủy quyền phù hợp; rà soát phạm vi, các nội dung sửa đổi để đảm bảo tính bao quát, toàn diện. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì lập đề nghị lưu ý về mặt tiến độ trình dự án Luật để kịp báo cáo Quốc hội thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV (tháng 5/2024).
Tham gia ý kiến về Đề nghị xây dựng Luật, đại diện Văn phòng Chính phủ bày tỏ sự băn khoăn đối với chính sách “Phát triển mô hình tập đoàn báo chí”, theo đó, đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở, cơ chế, tiêu chí đề xuất, thẩm quyền cho phép phát triển mô hình tập đoàn báo chí có thể là đơn vị sự nghiệp công lập có cơ chế quản lý, hoạt động như doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100%. Bên cạnh đó, đại diện Văn phòng Chính phủ đề nghị rà soát kỹ, đánh giá tác động về mặt chính sách và làm rõ hơn các quy định về điều kiện cấp phép hoạt động báo chí, nhất là đối với các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động báo chí khi không đủ điều kiện hoạt động; điều kiện cấp thẻ lần đầu, trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ nhà báo; lãnh đạo cơ quan báo chí và điều kiện, tiêu chuẩn lãnh đạo cơ quan báo chí…
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện tham dự đề nghị làm rõ hơn đối với chính sách hoàn thiện quy định đối với hoạt động nhập khẩu báo in, tạp chí in và làm rõ mục tiêu, nội dung của chính sách để quy định phù hợp. Về các điều kiện kinh doanh đối với cơ sở xuất, nhập khẩu báo chí, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần được quy định tại văn bản luật theo đúng quy định, đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định về điều khoản chuyển tiếp tại dự thảo Luật.
Phát biểu tại cuộc họp thẩm định, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhất trí với các ý kiến của đại diện các Bộ, ngành. Đồng thời, đại biểu bày tỏ sự nhất trí đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và kịp thời giải quyết các vướng mắc, tồn tại, hạn chế đã nêu. Tuy nhiên, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát thể hiện lại hoặc bổ sung thêm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển báo chí để đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, việc xuất khẩu báo chí ra nước ngoài là vấn đề tất yếu khách quan trong bối cảnh hiện nay, do đó, bên cạnh khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển, quảng bá văn hóa, báo chí, cũng cần nghiên cứu quy định về cơ chế giám sát để đảm bảo hoạt động xuất khẩu báo chí ra nước ngoài theo đúng quy định.
Đại diện Bộ Công an đánh giá chính sách phát triển tập đoàn báo chí là vấn đề mới, cần được nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và cơ sở pháp lý. Về phía Bộ Quốc phòng, đại diện tham dự bày tỏ sự nhất trí cao với đa số ý kiến của các đại biểu tham dự Hội đồng thẩm định về tên gọi của Đề nghị xây dựng Luật; việc lựa chọn mô hình và phát triển tập đoàn báo chí.
Tham dự cuộc họp Hội đồng thẩm định, các đại biểu đến từ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã có nhiều ý kiến liên quan đến việc rà soát và đánh giá thủ tục hành chính, bổ sung báo cáo đánh giá tác động chính sách. Đối với các nội dung cụ thể, các đơn vị đề nghị cần cân nhắc kỹ đề xuất phát triển tập đoàn báo chí; quản lý thu hồi giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí không đảm bảo điều kiện; nghiên cứu bổ sung quy định các hình thức xử lý khác trước khi thu hồi giấy phép hoạt động; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ và đạo đức người làm báo; rà soát, gộp các chính sách thành các vấn đề lớn, mang tính bao quát hơn. Cân nhắc xây dựng 01 chính sách riêng về chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí để thể chế hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngoài ra, các đại biểu tham dự cũng đề nghị cơ quan chủ trì lập đề nghị rà soát các quy định, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định tại các luật chuyên ngành như: Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và công nghệ… ; rà soát tính tương thích giữa các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các quy định liên quan đến quyền tự do ngôn luận của các cơ quan, tổ chức để phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị…
Thay mặt các cơ quan báo chí - đối tượng chịu tác động của dự án Luật, bà Vũ Hồng Thúy, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đánh giá cao sự chuẩn bị và hồ sơ dự thảo Đề nghị xây dựng Luật do Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị. Các hồ sơ đã được thể hiện đầy đủ, chi tiết, có đánh giá kỹ lưỡng. Tuy nhiên, đại diện Báo Pháp luật Việt Nam cũng đề nghị cần nghiên cứu các cơ chế để duy trì và phát triển các cơ quan báo chí, bài toán kinh tế, chi trả lương cho người lao động và vận hành đối với các cơ quan báo chí hiện nay.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cảm ơn những góp ý cụ thể, hữu ích, xác đáng của các thành viên tham dự. Thứ trưởng giao các đơn vị Bộ Thông tin và truyền thông tham dự tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các nội dung chính sách, thiết kế thành các nhóm chính sách lớn theo hướng khái quát, toàn diện hơn đồng thời nghiên cứu bổ sung chính sách về phát triển không gian số trong lĩnh vực báo chí, nghiên cứu hình thái phát triển của các tổ chức báo chí. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của các thành viên, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ nghiên cứu, tiếp thu và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật trước khi trình Chính phủ.
Kết luận tại cuộc họp Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao và chia sẻ những nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc nghiên cứu, đề xuất và xây dựng cơ chế chính sách sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí. Thứ trưởng nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, đồng thời việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động báo chí. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa Đề nghị xây dựng Luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định để tiếp tục hoàn thiện các nội dung chính sách đề xuất, trong đó lưu ý đánh giá kỹ tính khả thi, bảo đảm sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước có liên quan đến việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với hoạt động báo chí để nghiên cứu cụ thể hóa thành các nội dung chính sách phù hợp; làm rõ tính hợp lý, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật…
Đối với các chính sách và phạm vi sửa đổi, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì lập đề nghị rà soát, gộp thành nhóm các chính sách lớn để đảm bảo tính bao quát, toàn diện; nghiên cứu xác định tên gọi Đề nghị Luật để phù hợp với phạm vi sửa đổi. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu để đảm bảo tính thống nhất giữa tờ trình và báo cáo đánh giá tác động chính sách; bổ sung đầy đủ bản tiếp thu, giải trình ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và thực hiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.
Hiên Lê
Đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí sẽ tập trung giải quyết 07 nhóm chính sách, cụ thể như sau: Nhóm chính sách 1: Phát triển mô hình tập đoàn báo chí Hình thành tập đoàn báo chí, theo đó tập đoàn báo có thể là đơn vị sự nghiệp công lập có cơ chế quản lý, hoạt động như doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100%, trong đó có một cơ quan báo chí giữ vai trò như cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí, doanh nghiệp trực thuộc. Nhân sự lãnh đạo và hoạt động báo chí của tập đoàn thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật về báo chí. Hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường nguồn lực, bổ trợ cho hoạt động báo chí theo quy định của Luật doanh nghiệp và pháp luật liên quan. Nhóm chính sách 2: Hoàn thiện các quy định về phạm vi thông tin của cơ quan báo chí góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động báo chí và đảm bảo thực hiện theo tôn chỉ, mục đích. Tạo thêm không gian hoạt động cho các cơ quan báo nhằm thu hút bạn đọc, định hướng dư luận xã hội, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách, tăng nguồn thu để hoạt động. Đồng thời, lan toả thông tin trên các nền tảng, tăng tính cạnh tranh của báo chí với các nền tảng truyền thông, cả trong nước lẫn xuyên biên giới. Cơ quan quản lý nhà nước có công cụ để giám sát, đánh giá. Nhóm chính sách 3: Thu hẹp đối tượng thành lập để tạp chí khoa học hoạt động đúng tính chất, phát triển lành mạnh. Thu hẹp đối tượng được phép thành lập tạp chí khoa học, thu hẹp đối tượng cấp thẻ nhà báo (không gồm những người tại tạp chí khoa học) và tạp chí khoa học không mở văn phòng đại diện tại các địa phương. Nhóm chính sách 4: Bổ sung quy định về thu hồi giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí không đảm bảo điều kiện Quy định rõ các trường hợp cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép khi không đảm bảo các điều kiện. Nhóm chính sách 5: Hoàn thiện điều kiện cấp thẻ nhà báo nhằm nâng cao chất lượng người làm báo. Bổ sung yêu cầu về bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo trước khi cấp thẻ nhà báo lần đầu. Nhóm chính sách 6: Hoàn thiện quy định đối với hoạt động nhập khẩu báo in, tạp chí in. Quy định về điều kiện cấp phép đối với cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu báo chí (trong đó có cả tiêu chuẩn của người đứng đầu cơ sở) và cho phép cơ quan báo được nhập khẩu báo in, tạp chí in; đồng thời, yêu cầu nghĩa vụ báo cáo của cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu báo chí. Nhóm chính sách 7: Xuất khẩu nội dung báo nói, báo hình Bổ sung quy định về việc xuất khẩu sản phẩm báo nói, báo hình để có cơ chế thực hiện. |