Trong buổi Họp báo, đồng chí Đỗ Đức Hiển đã thông tin về những vấn đề như: Kết quả công tác chủ yếu Quý III và tháng 10/2018; một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm 2018; những nội dung cơ bản trong các văn bản mới được ban hành do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo; một số vấn đề báo chí phản ánh liên quan đến hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp.
Về công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL): Trong quá trình thẩm định các VBQPPL, đặc biệt là các dự án luật được tình Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Bộ Tư pháp đều có ý kiến rõ ràng, cụ thể; Bộ cũng đã ban hành kế hoạch, có công văn đề nghị các bộ, cơ quan, các tỉnh, thành phố xử lý văn bản trái pháp luật, tổ chức đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đánh giá việc xử lý này; Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc việc ban hành văn bản quy định chi tiết và đến nay đã ban hành được 114 văn bản. Đến nay, Bộ Tư pháp không nợ văn bản quy định chi tiết.
Về công tác thi hành án dân sự (THADS), hành chính: Đối với kết quả công tác THADS năm 2018, số việc và số tiền thi hành xong đều tăng so với cùng kỳ năm 2017. Bộ Tư pháp chỉ đạo các địa phương tiếp tục tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp và các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng, thực hiện nghiêm túc các quy định về THADS liên quan đến khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Về công tác thi hành án hành chính, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo hệ thống THADS thường xuyên rà soát, theo dõi việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.
Về công tác hộ tịch, quốc tịch: Để giải quyết vấn đề di cư tự do, quốc tịch, hộ tịch của người dân vùng biên giới giữa Việt Nam và Lào, trong tháng 9/2018, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo thí điểm thành lập Đoàn công tác liên ngành về địa phương, trực tiếp hướng dẫn lập hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (điểm nóng về tình trạng không giấy tờ tùy thân của người di cư tự do Lào sang Việt Nam sinh sống từ nhiều năm nay); đã hoàn tất 114 hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam. Tới đây, trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm đã tiến hành, Bộ sẽ tiếp tục hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị lập hồ sơ xin nhập quốc tịch đối với các trường hợp còn lại, để đề xuất giải quyết dứt điểm trước tháng 6/2019.
Về kết quả công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp: 100% trường hợp cấp Phiếu đúng hoặc sớm hơn thời hạn theo quy định của luật.
Hiện nay, công tác chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam đang được tích cực thực hiện. Dự thảo Điều lệ - Văn kiện quan trọng nhất của Đại hội cũng đã được lấy ý kiến các Hội công chứng viên và các Sở Tư pháp. Dự kiến, Đại hội sẽ được tổ chức trong tháng 12/2018. Bộ cũng đã xây dựng, hoàn thiện Báo cáo về việc rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng hoàn thiện.
Năm 2018 là năm đánh dấu 05 năm triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật trên toàn quốc (2013 - 2018). Để tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm sau 05 năm triển khai Ngày Pháp luật; biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong tổ chức triển khai Ngày Pháp luật và đợt thi đua hưởng ứng Ngày Pháp luật, Bộ Tư pháp dự kiến phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức “Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam”. Buổi Lễ dự kiến được truyền hình, tường thuật trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp đã thông tin thêm một số vấn đề nhằm giải đáp, làm rõ những thắc mắc được các cơ quan báo chí nêu, cụ thể: (i) Về quản lý tài sản ảo, tiền ảo, trong Báo cáo của Bộ Tư pháp, có 03 xu hướng được đề xuất đó là để thả nổi, cấm và cho hoạt động nhưng có kiểm soát. Bộ Tư pháp đã phân tích đầy đủ các ưu, nhược điểm của 03 xu hướng này để Chính phủ xem xét. Đây là một vấn đề rất khó, ngay cả Ngân hàng Thế giới cũng thừa nhận không biết khuyến nghị các nước như thế nào. Tiền ảo, tài sản ảo chứa đựng rủi ro nhưng trong đó cũng có nhiều tiềm năng. Do đó, trong Báo cáo đã lưu ý phải đảm bảo cân bằng giữa rủi ro và tiềm năng, bảo vệ được quyền lợi nhà đầu tư và sự phát triển của công nghệ. Khi Chính phủ có quyết định lựa chọn xu hướng nào, thì các bộ, ngành liên quan sẽ xây dựng các khung pháp lý phù hợp để quản lý tài sản ảo, tiền ảo. (ii) Về chuyển đổi mô hình doanh nghiệp đấu giá tài sản theo Luật Doanh nghiệp sang mô hình theo Luật Đấu giá tài sản, nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề xử lý mã số thuế, tuy nhiên, đây thực chất chỉ là mã số doanh nghiệp, khi chuyển đổi mô hình thì các doanh nghiệp này được cấp mã số mới không ảnh hưởng đến lịch sử hình thành, uy tín, kinh nghiệm… của doanh nghiệp. Các thành quả, uy tín, kinh nghiệm… của doanh nghiệp tiếp tục được kế thừa. (iii) Đối với việc thi hành án các vụ đại án, có rất nhiều khó khăn gây chậm tiến độ thi hành, có thể kể đến như: Số tiền phải thi hành quá lớn, tang tài vật thu được không đủ để thi hành; việc truy tìm tài sản thi hành án rất khó vì hầu hết các đối tượng thi hành án không còn tài sản trực tiếp đứng tên; tài sản thi hành án nằm ở nhiều địa phương khác nhau mà theo quy định pháp luật thì phải xử lý xong tài sản ở địa phương ra quyết định thi hành án thì mới được ủy thác; một số tài sản là cổ phiếu, liên quan đến chứng khoán nên cần sự phối hợp của các cơ quan có liên quan; những vẫn đề phát sinh khi xử lý tài sản chung của vợ chồng cũng là nguyên nhân làm chậm quá trình thi hành án. (iv) Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật không có thẩm quyền đồng ý hay không đồng ý đối với việc ban hành văn bản pháp luật (văn bản cá biệt và văn bản quy phạm) của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và Cục cũng không có thẩm quyền kiểm tra, kết luận về tính hợp pháp của các văn bản pháp luật cá biệt (chỉ có thẩm quyền đối với văn bản quy phạm pháp luật). Ngoài ra, Cục chỉ có thể kết luận về tính hợp pháp của văn bản, còn về tính hợp lý thì chỉ có thể đưa ra ý kiến mang tính tham khảo. (v) Theo rà soát thì có 49 điều kiện kinh doanh cần nghiên cứu cắt hoặc cắt giảm, trong đó, các điều kiện lại chủ yếu nằm trong luật nên muốn thực hiện thì cần có lộ trình sửa đổi luật. (vi) Về mức xử phạt mua bán ngoại tệ trái phép, theo quy định thì hiện nay đang áp dụng mức xử phạt chung, đây được coi là một bất cập, chính vì vậy, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi theo hướng quy định mức phạt khác nhau trên cơ sở giá trị, số lượng ngoại tệ.