Tại buổi họp báo, các đại biểu đã lắng nghe Báo cáo kết quả công tác của Bộ, Ngành Tư pháp 09 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm 2014. Theo đó, trong Quý III năm 2014, Bộ Tư pháp đã triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ và đã đạt được một số kết quả chính trong các lĩnh vực như: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (đã ban hành 103/124 văn bản quy định chi tiết thi hành 41 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, còn nợ 22 văn bản chiếm 17,7%); Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (9 tháng đầu năm đã kiểm tra 1.746 văn bản quy phạm pháp luật, phát hiệu 561 văn bản có dấu hiệu vi phạm theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP); Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật thi hành Hiến pháp (có 92.140 văn bản bước đầu được đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, dừng thi hành); Công tác kiểm soát thủ tục hành chính (hoàn thành việc đơn giản hóa 115 thủ tục hành chính, nâng tổng số thủ tục hành chính đã hoàn thành thực thi phương án đơn giản hóa lên 4.169/4.712 thủ tục hành chính); Công tác thi hành án dân sự (về việc đã thi hành xong 531.095/600.297 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 88,47%, vượt 0,47% so với chỉ tiêu Quốc hội giao); Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch (tổ chức mô hình thí điểm một cửa liên thông 03 thủ tục “đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú/tạm trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế” và liên thông 03 thủ tục “đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú/tạm trú”); Công tác nuôi con nuôi (09 tháng đầu năm 2014 đã giải quyết 340 trường hợp người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi);...
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp còn chủ trì xây dựng các dự án luật đó là: Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Hộ tịch;… Kế hoạch tổ chức Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2014 và cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp năm 2013 cũng đã được triển khai thực hiện.
Sau khi nghe đồng chí Trần Tiến Dũng báo cáo kết quả công tác tư pháp 09 tháng đầu năm 2014, các phóng viên báo chí đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh một số vấn đề như: Tỷ lệ văn bản có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 3 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP có cao quá không? Những loại giấy tờ nào được đơn giản hóa khi Luật Hộ tịch được thông qua? Nguyên nhân của việc tiếp tục duy trì cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh? Trách nhiệm hoàn trả của cán bộ, công chức được quy định cụ thể như thế nào? Vấn đề “quyền im lặng” có được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) hay không? Việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại tiếp tục được triển khai có mang lại hiệu quả không?…
Hầu hết các câu hỏi của các phóng viên báo chí đều đã được đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp giải đáp thỏa đáng. Kết thúc buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng cũng mong rằng phía báo chí trong thời gian tới tiếp tục có nhiều bài viết phản ánh đa dạng, sinh động các thông tin hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp nói chung, góp phần chung tay xây dựng Ngành Tư pháp Việt Nam vững mạnh.
Như Quỳnh