Phát biểu khai mạc Lớp bồi dưỡng, đồng chí Đỗ Đức Hiển khẳng định, để phục vụ công tác chỉ đạo của Ngành, của Lãnh đạo Bộ, kết quả của việc tổng hợp, xử lý các thông tin báo chí phản ánh của các đơn vị thuộc Bộ được báo cáo định kỳ tại giao ban Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được thì công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ vẫn còn những tồn tại hạn chế: Trong quá trình thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí còn lúng túng, thiếu chủ động; việc thực hiện công tác báo chí theo quy chế trong hệ thống thi hành án dân sự chưa có chiều sâu nên hiệu quả truyền thông chưa cao. Một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hạn chế này là do hầu hết nhân lực làm công tác báo chí hiện nay đều là kiêm nhiệm, chưa có chuyên môn sâu liên quan đến công tác báo chí nên hiệu quả công tác này chưa cao. Chính vì vậy, để tăng cường hơn nữa công tác thông tin truyền thông về các hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp, phát huy hiệu quả công cụ truyền thông báo chí trong việc cung cấp thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là với những vấn đề phức tạp, “nhạy cảm liên quan đến hoạt động của Bộ, Ngành, cùng với việc tiếp tục phổ biến, quán” triệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc tập huấn kiến thức, kỹ năng về báo chí cũng như công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ là hết sức cần thiết.
Đề cập đến một số vấn đề về tình hình báo chí ở Việt Nam hiện nay, đồng chí Vũ Đình Thường cho biết, từ năm 1986 đến nay là thời điểm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện theo tinh thần của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, hiện nay, lĩnh vực báo chí nước ta đang phát triển về số lượng (khoảng 1.000 cơ quan báo chí), đội ngũ và loại hình; bám sát tôn chỉ, mục đích; đổi mới nội dung, đa chiều, phản biện, tiên phong chống tiêu cực; tiến bộ về hình thức; từng bước thích ứng với cơ chế thị trường... Để đạt được những thành tích, ưu điểm đó là nhờ công tác chỉ đạo của Đảng, nhất là trong việc định hướng thông tin các vấn đề quan trọng, phức tạp, “nhạy cảm”; sự quản lý của Nhà nước; chất lượng cán bộ với phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn cao; tư duy báo chí thay đổi thể hiện bằng việc đổi mới nội dung (đa chiều, phản biện, chủ động định hướng thông tin). Bên cạnh đó, tình hình báo chí hiện nay ở nước ta vẫn còn tồn tại những hạn chế, thiếu sót như: Khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, thiếu nhạy cảm chính trị, xã hội, kinh tế; thông tin không chuẩn xác; tổ chức, quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên của một số cơ quan báo chí còn “lỏng lẻo”… Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này là do công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn chậm trễ; cơ quan chủ quản không làm hết trách nhiệm; công tác quản lý còn bất cập; xử lý vi phạm thiếu kiên quyết; công tác chỉ đạo thiếu chủ động...
Trao đổi về kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; các biện pháp phòng ngừa và xử lý khủng khoảng truyền thông, đồng chí Nguyễn Thành Lợi chia sẻ, báo chí được coi là “quyền lực thứ tư”, có ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị, xã hội và đặc biệt là nhận thức của công chúng; là phương tiện truyền tải thông tin nhanh, có uy tín và thường xuyên với mục tiêu nằm ở ba tầng khác nhau gồm: Thay đổi chính sách; tập trung vào lĩnh vực doanh nghiệp, tổ chức quan tâm; thay đổi nhận thức của công chúng về hình ảnh của tổ chức đối với một vấn đề liên quan. Bên cạnh đó, đồng chí cũng nhấn mạnh, trả lời phỏng vấn báo chí cũng là một kỹ năng, theo đó, cần đảm bảo những nguyên tắc khi trả lời phỏng vấn: Chính danh, chân thành và cởi mở, tự chủ trong giao tiếp, nên dùng đúng thời điểm và không nói “off- the-record” (ngoài lề)...
Tại Lớp bồi dưỡng, các đại biểu tham gia đã cùng nhau thảo luận và có những trao đổi thẳng thắn về các vấn đề còn vướng mắc trên thực tiễn, qua đó tích lũy thêm những kiến thức, kỹ năng phục vụ công tác thông tin báo chí của Bộ và của đơn vị mình như: Các phương thức xử lý khi có những thông tin báo chí trái chiều, số liệu thông tin thiếu minh bạch; xác định người phát ngôn chính thức của một cơ quan, đơn vị cụ thể; hạn chế tâm lý e ngại khi tiếp xúc với báo chí...