Về Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, nội dung phối hợp bao gồm: Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường; Hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường; Đôn đốc việc giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả; Rà soát, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường; Kiểm tra công tác bồi thường nhà nước; Kiểm tra công tác thi hành án dân sự có liên quan đến công tác bồi thường nhà nước; Thanh tra công tác thi hành án dân sự có liên quan đến công tác bồi thường nhà nước; Phối hợp giải quyết bồi thường trong trường hợp có yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ; Xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ; Xử lý thông tin báo chí theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ; Phối hợp thực hiện các công tác khác có liên quan đến bồi thường nhà nước theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ. Trách nhiệm của Lãnh đạo Bộ Tư pháp trong công tác bồi thường nhà nước cũng được quy định trong Quy chế này (bao gồm trách nhiệm của Lãnh đạo phụ trách công tác bồi thường nhà nước và Lãnh đạo được giao phụ trách các đơn vị chuyên môn).
Về nội dung Thông tư liên tịch số 04/2014, Thông tư này đã hướng dẫn, giải thích cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ. Về phạm vi, đối với hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc xem xét trách nhiệm hoàn trả về cơ bản được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 18/9/2012, chỉ những nội dung chưa được quy định thì mới áp dụng Thông tư số 04/2014; một số thuật ngữ được đã giải thích rõ hơn, như lỗi “cố ý” và lỗi “vô ý”; về xác định mức hoàn trả “không vượt quá số tiền thực tế mà Nhà nước đã chi trả cho người bị thiệt hại”, khắc phục được tình trạng mức hoàn trả nằm trong ngưỡng tối thiểu, tối đa mà Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định, nhưng lại nhiều hơn số tiền thực tế mà Nhà nước đã chi trả cho người bị thiệt hại, như vậy sẽ không hợp lý; bổ sung quy định về cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm báo cáo, theo dõi, đôn đốc việc xem xét trách nhiệm hoàn trả; quy định rõ về trách nhiệm hoàn trả trong một số trường hợp cụ thể (như người có trách nhiệm hoàn trả nghỉ hưu, chuyển công tác, không làm việc trong cơ quan nhà nước, đã chết).
Sau buổi bồi dưỡng, phổ biến, Cục Bồi thường nhà nước mong rằng, tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cần tích cực phối hợp triển khai công tác bồi thường nhà nước, để công tác này đạt hiệu quả tốt.
Ngô Huyền