Toàn cảnh phiên họp
Tham dự phiên họp có các thành viên đại diện một số bộ, ngành: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ Nội vụ; Bộ Ngoại giao; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông… và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện Bộ Tài chính đã báo cáo về sự cần thiết phải xây dựng Luật. Theo đó, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 26/11/2013, có hiệu lực ngày 01/7/2014. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và Nhân dân trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên thực tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế, làm suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên... Từ đó cho thấy, việc xây dựng và ban hành Luật Tiết kiệm, chống lãng phí là cần thiết nhằm xây dựng khung khổ pháp lý rõ ràng, hiệu quả, bảo đảm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước nhận thức rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của công tác tiết kiệm, chống lãng phí.
Đại diện Bộ Tài chính phát biểu tại phiên họp
Dự thảo Luật Tiết kiệm, chống lãng phí gồm 05 chương, 39 điều, được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn phù hợp với thực tiễn; đồng thời, sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất và loại bỏ những quy định không còn phù hợp, chồng chéo, vướng mắc. Dự thảo Luật dự kiến áp dụng đối với các nhóm đối tượng sau: (i) cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, vốn đầu tư công, tài sản công, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; (ii) cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên và các nguồn lực khác của nền kinh tế; (iii) tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, vốn đầu tư công, tài sản công, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên.
Trao đổi tại phiên họp, đại diện Bộ Nội vụ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành sau khi Luật được thông qua không làm tăng thêm đầu mối tổ chức và biên chế theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, rà soát, đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật chuyên ngành như: Luật Cán bộ, công chức; Luật Thi đua, khen thưởng; Luật Ngân sách nhà nước...
Đại biểu trao đổi tại phiên họp
Đại diện Bộ Công an cho biết, mỗi chính sách tại dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách đều xây dựng 02 giải pháp để giải quyết vấn đề bất cập, vướng mắc. Tuy nhiên, tại phương án 1 của các chính sách chỉ đánh giá chung về tác động tích cực và tiêu cực là chưa phù hợp, do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý nội dung phương án 1 tại các chính sách theo hướng đánh giá cụ thể tác động về kinh tế, xã hội, tác động về giới, tác động về thủ tục hành chính và tác động đối với hệ thống pháp luật.
Theo đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu xem xét quy định báo cáo theo năm đối với giải pháp thực hiện của Chính sách 5 để bảo đảm tính tương thích khi xây dựng các chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp với các chỉ tiêu kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù, có tính chất thời vụ.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu thể chế hóa nhiệm vụ “hoàn thiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng lấy tiết kiệm là mục tiêu, chống lãng phí là nhiệm vụ” được quy định tại Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về công tác phòng, chống lãng phí; bổ sung cơ chế kiểm soát, xử lý đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm trong tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí; ngoài doanh nghiệp nhà nước, cần nghiên cứu mở rộng đối tượng áp dụng của Luật đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước; bổ sung cơ chế quản lý tài sản công...
Thùy Dung