Toàn cảnh phiên họp
Tham dự phiên họp có các thành viên là đại diện của một số bộ, ngành liên quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Về sự cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành năm 2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Luật đã tạo dựng hành lang pháp lý, tháo gỡ rào cản, cụ thể hóa các quy định về biện pháp quản lý, kỹ thuật và chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn bộ hoạt động sản xuất công nghệ, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng dân dụng, chiếu sáng và sinh hoạt của cộng đồng, tạo điều kiện triển khai đồng bộ hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bền vững của đất nước. Tuy nhiên, sau hơn 13 năm triển khai thi hành, đến nay, Luật đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, do đó, cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện, sử dụng năng lượng, đáp ứng bối cảnh thay đổi của thế giới và hội nhập quốc tế.
Đại diện Bộ Công Thương trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết thêm, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gồm 02 điều, được xây dựng trên cơ sở 05 nhóm chính sách lớn gồm: (i) nhóm chính sách liên quan đến quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng; (ii) nhóm chính sách khuyến khích, thúc đẩy mô hình công ty tư vấn dịch vụ năng lượng (ESCO), nâng cao chất lượng kiểm toán năng lượng và phát triển mạng lưới các tổ chức tư vấn dịch vụ năng lượng, phát triển nguồn lực; (iii) nhóm chính sách về xây dựng hành lang pháp lý, phát triển các công cụ tài chính, thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng; (iv) nhóm chính sách chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng; (v) tổ chức triển khai thực hiện và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, trên cơ sở Đề cương Luật, các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi, thảo luận và đưa ra một số góp ý, cụ thể:
Liên quan đến nội dung thành lập quỹ tài chính, quỹ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, việc thành lập quỹ được quy định trong Đề cương Luật chưa rõ ràng về mục đích, cơ sở thành lập, quy chế vận hành và nguồn của các quỹ này. Do vậy, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc, nghiên cứu bổ sung các nội dung trên vào Dự thảo Luật. Đồng thời, bổ sung, làm rõ các quy định về hỗ trợ tài chính đầu tư cho hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật và Đề cương Luật.
Theo đại biểu đại diện Bộ Xây dựng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung thuật ngữ “vật liệu xây dựng” vào khoản 5 Điều 5 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện hành (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Đề cương Luật) nhằm bảo đảm sự phù hợp với đối tượng áp dụng trong Luật hiện nay là vật liệu có tính cách nhiệt tốt và khoản 7 Điều 3 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện hành quy định về nhãn năng lượng; cần làm rõ quy định về “dán nhãn cho vật liệu xây dựng” quy định tại khoản 4 Điều 1 Đề cương Luật tương ứng với khoản 4 Điều 16 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát biểu tại phiên họp
Trao đổi tại phiên họp, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung một quy định riêng về tiết kiệm điện vào Dự thảo Luật. Lý giải về đề xuất này, đại biểu đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, nhu cầu về năng lượng hiện nay đang có xu hướng chuyển dịch về sử dụng điện. Trong tương lai, việc sử dụng điện có thể sẽ càng ngày càng cao. Thực tế, tình trạng thiếu điện đã từng xảy ra vào năm 2023 làm một số tỉnh phía Bắc bị cắt điện thường xuyên. Do vậy, theo đại biểu, cần thiết phải đưa nội dung này vào Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, việc thực thi tiêu thụ điện của nhóm cơ quan hành chính sự nghiệp còn gặp phải một số khó khăn trong việc phân bổ ngân sách, kinh phí để thực hiện các chương trình sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả tại đơn vị; thực hiện các mô hình lắp đặt điện mặt trời tại nhà, mô hình sử dụng năng lượng theo mô hình ESCO... Theo đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung các cơ chế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị hành chính sự nghiệp trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhất trí việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo Thứ trưởng việc sửa đổi này là cần thiết, nhằm thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô lâm về đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cam kết của Việt Nam về đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Về Đề cương Luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ quy định trong Dự thảo Luật những nội dung mang tính khung, nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội và giao cho Chính phủ quy định các nội dung chi tiết, để kịp thời đáp ứng nhu cầu và sự thay đổi của xã hội. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần cân nhắc gộp Chính sách 1 và Chính sách 5 của Báo cáo đánh giá tác động do có nhiều điểm trùng lặp; đồng thời, rà soát tính liên quan của các quy định với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Thứ trưởng nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu đề ra, các chính sách được đề xuất phải quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá, vừa bảo đảm yếu tố kinh tế, vừa bảo đảm phát triển môi trường bền vững. Do đó, Thứ trưởng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ xây dựng khung ưu đãi, tiêu chuẩn đồng bộ, để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng xanh, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường./.
Thùy Dung