Abstract: Interpreting contract is an activity of a competent subject in order to bring out the meaning of unclear contents of a contract. Disputes arising out of contract interpretation become more and more popular in the epoch of current globalization. The setting up institution of contract interpretation will create legal basis in interpretation with a view to protect rights and interests of the concerned parties. This article analyses doctrines of interpreting contract in the world, and from there, relates to the institution of contract interpretation in Vietnamese law.
1.1. Học thuyết ý chí và học thuyết thể hiện ý chí
Ý chí của các bên chính là cái tạo nên hiệu lực hợp đồng, tuy nhiên, việc lựa chọn học thuyết nào cho chế định giải thích hợp đồng của mỗi quốc gia lại dựa vào mục đích của chế định này, các nhà làm luật hướng tới lợi ích của chính các bên tham gia hợp đồng hay lợi ích của giao lưu dân sự nói chung - trật tự công cộng[1]. Những luật gia theo đuổi học thuyết thể hiện ý chí nhằm hướng tới trật tự pháp lý nhằm bảo vệ quan hệ thương mại. Tuy nhiên, hiện nay rất khó tìm thấy dạng thuần khiết của hai trường phái này[2].
Theo học thuyết thể hiện ý chí, bất luận ý chí thực sự của các bên giao kết hợp đồng là thế nào, thì khi giải thích hợp đồng, chủ thể giải thích chỉ chú trọng đến ý chí đã được tuyên bố trong hợp đồng mà thôi. Bởi vì, các luật gia ủng hộ học thuyết thể hiện ý chí cho rằng, giao dịch dân sự chính là hành vi, có nghĩa là hậu quả pháp lý bắt buộc phải gắn liền với sự thể hiện ý chí, nhờ vào đó mà tạo ra sự ổn định cho giao lưu dân sự[3]. Và như vậy, khi có sự mâu thuẫn giữa ý chí thực và ngôn từ trong hợp đồng (thể hiện ý chí) thì chỉ có sự tuyên bố ý chí này có hiệu lực. Pháp luật dân sự Đức, Vương quốc Anh là những đại diện tiêu biểu của việc ưu tiên áp dụng học thuyết thể hiện ý chí trong giải thích hợp đồng. Ngược lại, học thuyết ý chí coi trọng ý chí chung đích thực của các bên tại thời điểm tuyên bố. Chính vì vậy, khi giải thích hợp đồng nhiệm vụ của chủ thể giải thích là đi tìm ý chí chung đích thực của các bên trong hợp đồng; khi có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên và sự thể hiện ý chí trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng. Những nước xây dựng chế định giải thích hợp đồng dựa trên học thuyết ý chí có thể kể đến là Pháp, Bộ nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế năm 2004. Nhìn chung, mỗi học thuyết trên đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng[4].
Học thuyết ý chí cho rằng, ý chí đích thực của các bên mới là cái mà các bên mong muốn đạt được khi tham gia vào hợp đồng. Hay ý chí là cốt lõi của hợp đồng. Học thuyết ý chí trở nên nở rộ và phát triển đầy đủ vào thế kỷ XIX, khi mà các lý thuyết gia về hợp đồng thời kỳ đó đều thừa nhận học thuyết tự do hợp đồng là học thuyết trung tâm của pháp luật về hợp đồng. Kết quả là việc xem hợp đồng như luật giữa các cá nhân. Điều này có nghĩa là họ quan niệm nghĩa vụ hợp đồng phát sinh từ ý chí của chính các cá nhân này. Ý chí chính là yếu tố trung tâm, là trái tim hình thành nên hợp đồng. Ngày nay, người ta đều thừa nhận ý chí của các bên là yếu tố duy nhất hình thành nên hợp đồng và làm phát sinh các hậu quả pháp lý[5]. Vì thế, việc giải thích hợp đồng cần phải tìm hiểu ý đồ thực sự của các bên khi tham gia vào hợp đồng để giải thích. Quan điểm này không phải là không hợp lý, bởi vì suy cho cùng thì hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên (hay sự thể hiện ý chí và thống nhất ý chí của các bên) làm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ. Việc giải thích hợp đồng dựa vào ý chí đích thực của các bên đảm bảo được sự ngay tình, thiện chí cho các bên trong quan hệ hợp đồng, đảm bảo giữ nguyên được triết lý truyền thống trong pháp luật hợp đồng, đó là triết lý về sự tự do ý chí và thống nhất ý chí. Tuy nhiên, nhược điểm của học thuyết ý chí đó là, vì quá đề cao ý chí chung của các bên nên khiến cho các bên không phải chịu trách nhiệm cho những tuyên bố của mình trong hợp đồng. Và trong nhiều trường hợp, khi bên thứ ba tin vào sự thể hiện ý chí của các bên trong hợp đồng mà hành động thì có thể quyền lợi của họ bị ảnh hưởng.
Các luật gia ủng hộ học thuyết thể hiện ý chí lại cho rằng, không phải dễ dàng để phát hiện được ý chí đích thực của các bên khi giao kết hợp đồng. Bởi vì trong quan hệ hợp đồng, các bên luôn mong muốn đạt được những lợi ích tốt nhất về phần mình. Và ý chí nếu không được thể hiện ra bên ngoài, thì không tạo ra hậu quả pháp lý. Ý chí chung của các bên chỉ làm hình thành nên hợp đồng khi nó được thể hiện ra bên ngoài dưới một hình thức nhất định. Hay nói cách khác, ý chí là yếu tố quan trọng để tạo ra hợp đồng, nhưng “ý chí mà không được thể hiện ra bên ngoài thì không có giá trị pháp lý”[6]. Chính vì thế, khi giải thích hợp đồng các chủ thể phải dựa vào ngôn từ của hợp đồng (sự thể hiện ý chí). Đây chính là cơ sở triết lý của thuyết thể hiện ý chí. Theo học thuyết này, thì việc giải thích hợp đồng dựa vào sự thể hiện ý chí sẽ đảm bảo được sự ổn định tương đối cho các quan hệ hợp đồng đã được xác lập và tránh được sự tùy tiện của chủ thể giải thích khi giải thích hợp đồng. Giải thích hợp đồng dựa trên cơ sở sự thể hiện ý chí sẽ đảm bảo các chủ thể giải thích không thể áp đặt ý chí của mình để giải thích hợp đồng và bóp méo hay làm sai lệch nội dung của hợp đồng. Hơn nữa, thuyết thể hiện ý chí cũng có lý khi nói rằng, suy cho cùng ý chí của các bên được biểu hiện ra bên ngoài bằng ngôn từ trong hợp đồng, khi giao kết hợp đồng một bên có quyền tin rằng những gì thể hiện trong hợp đồng chính là ý chí đích thực của các bên. Và các bên buộc phải chịu trách nhiệm cho những xử sự của mình khi thể hiện ra bên ngoài bằng hợp đồng và các bên khác có quyền tin vào sự thể hiện ý chí đó.
1.2. Học thuyết trung dung - Sự dung hòa giữa học thuyết ý chí và thể hiện ý chí
Trong Khoa học Luật Dân sự, tồn tại khá nhiều quan điểm khác nhau về mối quan hệ giữa ý chí và thể hiện ý chí. Theo các học giả ủng hộ học thuyết ý chí thì cốt lõi của hợp đồng là ý chí của các bên. Vì thế, trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí và thể hiện ý chí thì ý chí được sử dụng để giải thích hợp đồng chứ không phải là sự thể hiện ý chí[7]. Còn các học giả ủng hộ học thuyết thể hiện ý chí thì ngược lại, theo họ, hợp đồng trước hết là hành vi, có nghĩa là hậu quả pháp lý bắt buộc phải bắt nguồn từ chính sự thể hiện ý chí, và dựa vào đó mà đảm bảo được sự ổn định cho giao lưu dân sự[8].
Theo Medovtsikova, ở các nước theo truyền thống thông luật, thẩm phán giải thích các điều khoản của hợp đồng không bao giờ trượt ra khỏi quy tắc, theo đó, với sự giải thích hợp đồng quan trọng nhất không phải là ý chí của các bên mà là sự thể hiện ra bên ngoài của nó[9]. Học thuyết thể hiện ý chí lại được chia thành hai khuynh hướng, khuynh hướng thứ nhất chỉ giải thích hợp đồng căn cứ vào sự thể hiện ý chí, khuynh hướng thứ hai bổ sung thêm ý chí của các bên cũng có ý nghĩa trong giải thích hợp đồng, nhưng chỉ trong trường hợp sự thể hiện ý chí không cho phép đưa ra kết luận về ý định của các bên[10]. Tuy nhiên, các nước theo truyền thống luật dân sự lại chia hợp đồng thành hai yếu tố tương đương và tất yếu đó là: Ý chí (yếu tố chủ quan) và thể hiện ý chí (yếu tố khách quan). Sự vắng mặt bất kỳ yếu tố nào trong đó đều không hình thành nên hợp đồng. Các học giả theo quan điểm này xem sự thống nhất giữa ý chí và thể hiện ý chí giống như điều kiện bắt buộc để hợp đồng có hiệu lực[11].
Nhấn mạnh tầm quan trọng của cả ý chí và thể hiện ý chí đối với hợp đồng, vào giữa thế kỷ XX, một số học giả đưa ra quan điểm dung hòa hai học thuyết ý chí và thể hiện ý chí, đây được gọi là học thuyết trung dung. Một trong những đại diện tiêu biểu cho học thuyết này chính là GS. Ioffe[12]. A. F. Cherdantsev cũng cho rằng không thể giải thích giải thích các loại hợp đồng khác nhau chỉ dựa trên một học thuyết duy nhất[13]. Vũ Văn Mẫu cũng đề xuất quan điểm dung hòa hợp lý học thuyết ý chí và học thuyết thể hiện ý chí, “có thể nói rằng một giải pháp xác đáng, vừa tôn trọng quyền lợi cá nhân của người kết ước, vừa bảo vệ quyền lợi của người đệ tam, cần phải dung hòa một cách hợp lý hai quan niệm ý chí thực sự và ý chí tuyên bố”[14]. Học thuyết này được vận dụng vào Bộ luật Dân sự Liên bang Nga năm 1994 khi xây dựng chế định giải thích hợp đồng[15] và sau này được khá nhiều học giả Việt Nam ủng hộ. Theo Nguyễn Ngọc Khánh, “về mặt logic, quan điểm của GS. Ioffe có căn cứ và hợp lý, vì xét cho cùng, không nên và không thể chỉ dựa vào một học thuyết để giải thích, mà cần phối hợp nhiều cách tiếp cận khác nhau”[16].
Pháp luật dân sự Liên bang Nga hiện nay xây dựng chế định giải thích hợp đồng dựa vào học thuyết trung dung. Lý giải cho cách quy định này, các học giả Liên bang Nga lập luận rằng, ý chí là yếu tố quan trọng để thiết lập nên hợp đồng. Nhưng ý chí không thể hiện ra bên ngoài thì không có giá trị pháp lý, mà nó phải thể hiện ra bên ngoài để cho chủ thể thứ ba biết được. Vì vậy, “ngôn từ” chính là đối tượng duy nhất mà nghiên cứu nó thì mới cho phép chủ thể giải thích tìm được ý chí nguyên bản của các bên trong hợp đồng. Vấn đề đặt ra chỉ là ưu tiên ý chí hay sự thể hiện ý chí hơn trong việc giải thích hợp đồng. Trả lời cho câu hỏi này, các luật gia Liên bang Nga cho rằng, ý chí thì được che giấu bên trong và cho đến khi nó chưa được thể hiện ra bên ngoài thì nó không tồn tại đối với người thứ ba. Ý chí của các bên trong giao lưu dân sự phải được kiểm tra; chỉ khi ý chí được thể hiện ra bên ngoài thì mới có thể kiểm tra được. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào sự thể hiện ý chí thì sẽ dẫn đến tình trạng quay lại với chủ nghĩa hình thức trong pháp luật trước đây, khi mà mỗi lời tuyên bố chỉ được đánh giá dựa trên nghĩa đen của từ ngữ, mà không quan tâm đến ý định và mong muốn của các bên[17].
2. Vận dụng các học thuyết về giải thích hợp đồng trong Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện nay
Ở Việt Nam, những Bộ luật Dân sự ra đời đầu tiên là vào thời kỳ Pháp thuộc, do chịu ảnh hưởng của pháp luật dân sự Pháp nên chế định giải thích hợp đồng được quy định gần như tương tự Bộ luật Dân sự Pháp thời bấy giờ. Theo đó, Bộ Dân luật Bắc kỳ quy định: “Phàm luận giải về hiệp ước nên đồ xét cái ý chung của các người đương sự hơn là để ý về nghĩa đen từng chữ”[18]. Hoàng Việt Trung bộ luật lệ quy định: “Phàm giải nghĩa về hiệp ước, nên tìm xem cái ý chung của các người đương sự hơn là câu nệ về nghĩa đen từng chữ”[19]. Quy định tương tự, Bộ Dân luật giản yếu Nam kỳ khẳng định: “Trong sự giải thích khế ước, cần phải tìm hiểu ý định chung của các bên cộng ước hơn là dựa vào văn từ của khế ước”[20]. Nhìn vào các quy định này có thể thấy, các Bộ dân luật đầu tiên của Việt Nam do chịu ảnh hưởng của truyền thống pháp luật Pháp nên đã xây dựng chế định giải thích hợp đồng dựa chủ yếu trên học thuyết ý chí. Bởi theo triết lý của luật dân sự thì tự do ý chí là nguồn gốc của nghĩa vụ. Luận giải về chế định giải thích hợp đồng trong Bộ Dân luật Bắc kỳ và Bộ Dân luật Trung kỳ, Vũ Văn Mẫu cũng đã chỉ ra rằng, trong sự tìm kiếm ý chí của đương sự, thẩm phán có thể đứng trước hai trường hợp tùy theo văn từ của khế ước có minh bạch hay không? Nếu văn bản của khế ước minh bạch, lẽ dĩ nhiên không có vấn đề phải giải thích, văn bản đó phải được áp dụng. Nếu bản văn của khế ước tối nghĩa hoặc mập mờ, thẩm phán có quyền giải thích. Và nguyên tắc căn bản cho sự giải thích khế ước là sự tìm kiếm ý chí của đương sự, vì ý chí của đương sự là căn cứ làm phát sinh các nghĩa vụ có hiệu lực như những nghĩa vụ pháp định[21]. Như vậy, có thể thấy, các Bộ luật Dân sự thời Pháp thuộc của Việt Nam xây dựng chế định giải thích hợp đồng dựa chủ yếu trên nền tảng của học thuyết ý chí.
Các pháp lệnh về hợp đồng được xây dựng sau này bao gồm Pháp lệnh Hợp đồng dân sự, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế, không dành sự quan tâm đến chế định giải thích hợp đồng. Chính vì vậy, trong các văn bản này không có quy định về giải thích hợp đồng. Khi xây dựng Bộ luật Dân sự, các nhà làm luật Việt Nam khi xây dựng chế định giải thích hợp đồng đã dựa trên nền tảng của học thuyết trung dung nhưng ưu tiên học thuyết ý chí hơn. Bộ luật Dân sự năm 1995 lần đầu tiên ghi nhận chế định giải thích hợp đồng tại Điều 408, dựa trên cả học thuyết ý chí và thể hiện ý chí. Mặc dù vậy, Bộ luật Dân sự năm 1995 chưa giải quyết được vấn đề ưu tiên học thuyết ý chí hay thể hiện ý chí hơn khi có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên và ngôn từ của hợp đồng. Bộ luật Dân sự năm 2005 cơ bản vẫn giữ nguyên quy định của Điều 408 Bộ luật Dân sự năm 1995 nhưng bổ sung thêm một căn cứ giải thích đối với hợp đồng theo mẫu và quan trọng hơn đã thể hiện rõ sự ưu tiên áp dụng học thuyết ý chí để giải thích hợp đồng khi có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ của hợp đồng[22]. Mặc dù có vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế, nhưng Bộ luật Dân sự năm 2005 đã thể hiện rõ về mặt chủ thuyết khi xây dựng chế định giải thích hợp đồng.
Đến Bộ luật Dân sự năm 2015, về mặt chủ thuyết, chế định giải thích hợp đồng trong Bộ luật này gần như vẫn giữ nguyên so với Bộ luật Dân sự năm 2005. Khoản 1 Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập hợp đồng, thực hiện hợp đồng” và “trong trường hợp có mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung được dùng để giải thích hợp đồng”. Quy định này cho thấy, căn cứ đầu tiên và quan trọng nhất trong việc giải thích hợp đồng là ý chí của các bên. Điều này có nghĩa là ý chí của mỗi bên trong hợp đồng được dùng như là căn cứ quan trọng nhất để xác định ý chí chung của các bên, từ đó làm rõ nội dung của hợp đồng. Tuy nhiên, không phải các nhà lập pháp không quan tâm đến học thuyết thể hiện ý chí để giải thích hợp đồng mà theo khoản 1 Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khi giải thích hợp đồng “không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng”, có nghĩa là ngôn từ của hợp đồng cũng là một căn cứ giải thích hợp đồng. Mặc dù vậy, với cách diễn đạt của Điều 404, các chủ thể giải thích hợp đồng chỉ sử dụng ngôn từ của hợp đồng như một căn cứ nhằm xác định ý chí chung đích thực của các bên trong hợp đồng. Như vậy, có thể khẳng định, với quy định tại Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì ý chí của mỗi bên và ngôn từ của hợp đồng được coi là hai căn cứ quan trọng nhất để giải thích hợp đồng.
Khẳng định ưu tiên căn cứ ý chí chung của các bên hơn ngôn từ của hợp đồng đối với việc giải thích hợp đồng, khoản 5 Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng”. Quy định này của Bộ luật Dân sự năm 2015 kế thừa quy định tại Khoản 6 Điều 409 Bộ luật Dân sự năm 2005. Bộ luật Dân sự năm 1995 không có quy định này, dẫn đến chủ thể giải thích thiếu căn cứ pháp lý để giải thích hợp đồng khi trong hợp đồng có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ thể hiện. Tuy nhiên, với quy định này, Nguyễn Ngọc Khánh nhận định, Bộ luật Dân sự năm 2005 mới chỉ giải quyết được một vấn đề là khi đã xác định được ý chí chung của các bên và ý chí chung đó sự mâu thuẫn với ngôn từ được sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung được dùng để giải thích hợp đồng. Vậy trong trường hợp không xác định được ý chí chung của các bên thì ngôn từ của hợp đồng có được dùng để giải thích hợp đồng hay không[23]?
3. Một số gợi mở về mặt lý thuyết cho việc hoàn thiện chế định giải thích hợp đồng trong pháp luật Việt Nam
Để có thể được thiết kế một cách hợp lý, lô gíc và có sức sống lâu dài thì mỗi chế định pháp luật phải được xây dựng dựa trên một nền tảng của một chủ thuyết phù hợp. Có thể thấy, trên thế giới có nhiều học thuyết khác nhau về giải thích hợp đồng và như đã phân tích, mỗi học thuyết đều có những ưu điểm, hạn chế nhất định. Ở mỗi quốc gia khác nhau, dựa trên các hoàn cảnh thực tế khác nhau và nhằm hướng tới những mục đích khác nhau thì việc lựa chọn học thuyết nền tảng để giải thích hợp đồng là khác nhau. Ở Việt Nam hiện nay, việc lựa chọn học thuyết trung dung là học thuyết chủ đạo vẫn được coi là hợp lý hơn cả. Bởi vì, học thuyết này vừa đảm bảo bản chất của hợp đồng chính là sự tự do ý chí, cũng như sự thiện chí của các bên, vừa đảm bảo các bên phải chịu trách nhiệm cho sự thể hiện ý chí của mình và tránh sự tùy tiện của chủ thể giải thích làm thay đổi nội dung của hợp đồng. Mặt khác, vừa đảm bảo được mục đích tạo sự ổn định cho giao lưu dân sự, vừa đảm bảo được trật tự công cộng. Quan điểm này cũng được rất nhiều luật gia trong và ngoài nước ủng hộ.
Tuy vậy, với quy định tại khoản 1 Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập hợp đồng, thực hiện hợp đồng”, chế định giải thích hợp đồng vẫn còn thể hiện những điểm hạn chế nhất định:
Thứ nhất, cách quy định này dẫn đến chủ thể giải thích khi giải thích hợp đồng rất khó phân biệt ý chí chung của các bên trong hợp đồng là căn cứ để giải thích hợp đồng hay mục đích của giải thích hợp đồng. Cần phải hiểu rằng, mục đích của việc giải thích hợp đồng là xác định ý chí chung đích thực của các bên tham gia giao kết hợp đồng dựa trên những căn cứ luật định. Bởi vì ý chí chung của các bên chính là yếu tố căn bản hình thành nên hợp đồng. Nhiệm vụ của chế định giải thích hợp đồng là xây dựng hệ thống căn cứ để chủ thể giải thích dựa vào đó để xác định ý chí chung của các bên. Vì vậy, phải xác định rằng, ý chí của mỗi bên trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm giao kết hợp đồng và sau khi giao kết hợp đồng là căn cứ để xác định ý chí chung của các bên (ý chí thống nhất của các bên). Bên cạnh ý chí của mỗi bên thì ngôn từ của hợp đồng cũng là một căn cứ để giải thích hợp đồng. Mặt khác, trong mọi quy định của văn bản quy phạm pháp luật, cần hạn chế tối đa việc sử dụng các cặp liên từ “không chỉ” - “mà còn”, vì sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và quan trọng hơn là chủ thể áp dụng pháp luật sẽ gặp khó khăn khi phải xác định thứ tự ưu tiên.
Thứ hai, về mặt chủ thuyết, các nhà làm luật Việt Nam lựa chọn học thuyết trung dung, nhưng ưu tiên học thuyết ý chí hơn để giải thích hợp đồng. Chính vì vậy, ý chí của mỗi bên là căn cứ quan trọng nhất để giải thích hợp đồng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp căn cứ vào ý chí của mỗi bên vẫn chưa xác định được ý chí chung của các bên. Cho nên, cần phải căn cứ vào yếu tố thứ hai để giải thích hợp đồng, đó là ngôn từ của hợp đồng. Cách diễn đạt của khoản 1 Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa cho người đọc thấy được điều đó. Để khắc phục những hạn chế này, khoản 1 và khoản 5 Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên thiết kế lại như sau:
- Đối với khoản 1: Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì chủ thể giải thích phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập hợp đồng, thực hiện hợp đồng để giải thích hợp đồng.
Khi căn cứ vào ý chí của mỗi bên vẫn không thể giải thích được thì hợp đồng phải được giải thích dựa vào ngôn từ của nó.
- Đối với khoản 5: Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên thì với ngôn từ của hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng.
Bên cạnh đó, Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015 còn đề cập đến một loạt các căn cứ giải thích hợp đồng nữa tại các khoản 2, 3, 4, 6, tuy nhiên, chúng tôi sẽ bình luận về vấn đề này trong những bài viết khác.
Khoa Luật, Đại học Vinh
[1]. Stepanov N. V. (2014), Толькование граждаско – правового договора: проблемы теории и практики, Nxb Nauchnaya Musl, Moskva, tr.57.
[2]. Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình Pháp luật hợp đồng – Phần chung, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 380.
[3]. Novitsky B. (1954), Cделки. Исковая давность, Nxb Gociurizdat, Moskva, tr. 88.
[4]. Tuy vậy, như đã nói, ngày nay rất khó để tìm thấy dạng thuần khiết của hai học thuyết này ở pháp luật của các nước. Bởi vì hầu hết các nước đều có sự vận dụng cả hai học thuyết ý chí và thể hiện ý chí vào chế định giải thích hợp đồng nhưng ở mức độ khác nhau. Một số nước ưu tiên áp dụng học thuyết ý chí thực, một số nước còn lại lại ưu tiên áp dụng học thuyết ý chí thể hiện hơn.
[5]. Boris Starck (1989), Droit Civil, Obligation, 2.Contrat, Troisième édition, Litec, tr.4.
[6]. Novitski I. B. (1997), Римское Право, Nxb Knorus, Moskva, tr. 131.
[7]. Rabinovich N. V. (1960), Недействительность сделок и её последствия, Nxb Đại học Quốc gia Leningrad, Leningrad, tr.7.
[8]. Novitsky I. B. (1954), Cделки. Исковая давность, sđd, tr. 22
[9]. Medovtsikova E. O. (2002), Толкование гражданско – правового договора, Цивилистические записки: Межвузовский сборник научных трудов, Nxb Status, Moskva, 2001, tr. 127.
[10]. Stepanov N. V. (2014), Толкование гражданско – правового договора: проблемы теории и практика, Nxb Prospest, Moskva, tr. 62.
[11]. Ioffe O. C. (2004), Обязательство право, Nxb Juridichecky Centr Precc, Cant Peterburg, tr. 271.
[12]. Nguyễn Ngọc Khánh (2004), Giải thích hợp đồng dân sự: So sánh nước ngoài và kiên hệ Điều 408, Bộ luật Dân sự, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 10/2004.
[13]. Cherdantsev A. F. (2003), Толкование права и договора, nhà xuất bản Yuniti – daha, Moskva, tr. 366.
[14]. Vũ Văn Mẫu (1963), Việt Nam dân luật lược khảo, Quyển II: Nghĩa vụ và khế ước, sđd, tr. 89.
[15]. Bộ luật Dân sự Liên Bang Nga, Điều 431.
[16]. Nguyễn Ngọc Khánh (2004), Giải thích hợp đồng dân sự: So sánh nước ngoài và kiên hệ Điều 408, Bộ luật Dân sự, sđd.
[17]. Stepanov I. E. (2014), Толкование гражданско – правового договора: проблемы теории и практика, Nxb Nauchnaya Musl, Moskva, tr.62.
[18]. Điều 691 Bộ Dân luật Bắc kỳ.
[19]. Điều 732 Bộ Dân luật Trung kỳ.
[20]. Điều 708 Bộ Dân luật giản yếu Nam kỳ.
[21]. Vũ Văn Mẫu (1963), Việt Nam dân luật lược khảo, Quyển II: Nghĩa vụ và khế ước, sđd, tr. 261.
[22]. Khoản 6 Điều 409 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên và ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng”.
[23]. Nguyễn Ngọc Khánh (2007), Chế định giải thích hợp đồng trong Bộ luật Dân sự Việt Nam, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr. 266.