Abstract: This article focuses on analyzing the term of factors ensuring effect of criminal penalty and some factors ensuring effect of criminal penalty.
Hình phạt tác động tới đời sống xã hội là một quá trình nhiều khâu phức tạp. Trong quá trình đó, hình phạt luôn chịu sự tác động, chi phối bởi các yếu tố xã hội. Những tác động của các yếu tố này, một mặt có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại hình phạt, mặt khác, có thể làm gia tăng, bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho việc đạt được những mục đích xã hội mà hình phạt đề ra.
1. Khái niệm các yếu tố bảo đảm hiệu quả của hình phạt
Cách tiếp cận hệ thống trong nghiên cứu hiệu quả của hình phạt cho thấy có nhiều yếu tố khác nhau có thể bảo đảm việc phát huy tính hiệu quả trong quá trình sử dụng hình phạt. Nếu nhìn từ góc độ lĩnh vực, các yếu tố này được biểu hiện như sau[1]:
Thứ nhất, các yếu tố bảo đảm về chính sách hình phạt: Chính sách hình phạt là tư tưởng chỉ đạo cho việc xây dựng các quy định, thực tiễn áp dụng, thi hành chế tài hình sự này[2].
Thứ hai, các yếu tố bảo đảm về mặt pháp lý: Việc sử dụng hình phạt trong thực tiễn không chỉ trên cơ sở của Bộ luật Hình sự, mà còn dựa vào các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự. Do đó, chất lượng của các đạo luật này là một trong những yếu tố bảo đảm cho việc sử dụng hình phạt có hiệu quả.
Thứ ba, các yếu tố bảo đảm về thiết chế: Hình phạt được áp dụng vào thực tiễn thông qua hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền, của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Vị trí, vai trò, mối liên hệ giữa các chủ thể, cơ quan này góp phần không nhỏ trong việc phát huy tối đa hiệu quả của hình phạt.
Thứ tư, các yếu tố bảo đảm về tổ chức thực hiện: Hiệu quả không chỉ dừng lại ở chất lượng quy định pháp luật hình sự về hình phạt mà còn bao gồm tính hiệu quả của quá trình áp dụng, thi hành hình phạt.
Thứ năm, các yếu tố bảo đảm về con người: Con người chính là chủ thể xây dựng, áp dụng, thi hành và chịu sự tác động trực tiếp của hình phạt. Mỗi con người có những đặc điểm xã hội khác nhau, do đó, khi tham gia ở những vai trò khác nhau trong quá trình hình phạt sẽ có những đóng góp tích cực hay tiêu cực khác nhau trong việc bảo đảm hiệu quả của hình phạt.
Thứ sáu, ý thức và văn hóa pháp luật của người dân: Ý thức và văn hóa pháp luật không chỉ định hình phạt cho hoạt động tuân thủ pháp luật hình sự, thu hút sự quan tâm của người dân vào việc xây dựng đạo luật hình sự, phòng ngừa tội phạm, phản biện xã hội… hay thậm chí là ý thức tự giáo dục, tự cải tạo của người chấp hành án.
2. Hệ thống các yếu tố bảo đảm hiệu quả của hình phạt
2.1. Các yếu tố bảo đảm trong quá trình xây dựng hình phạt
Xây dựng pháp luật là một hoạt động thiết kế xã hội, mà ở đó, trạng thái và các nhu cầu xã hội quyết định sự tìm kiếm và đưa ra các phương án điều chỉnh dưới dạng các quy phạm pháp luật[3]. Như vậy, hoạt động này đòi hỏi việc thu thập một lượng lớn thông tin xã hội có liên quan, phục vụ quá trình thiết kế các điều luật của nhà soạn thảo. Các thông tin này cung cấp cho nhà soạn thảo những hiểu biết về mức độ hiệu quả hiện có của hình phạt, những dự báo, viễn cảnh tương lai có khả năng quyết định các xu hướng phát triển của chế tài hình sự này.
Phân tích các thông tin xã hội giúp nhà soạn thảo làm sáng tỏ các nguyên nhân của sự kém hiệu quả của hệ thống hình phạt hiện có. Việc làm sáng tỏ các nguyên nhân này là điều kiện tiên quyết để nhà soạn thảo tìm kiếm và thiết kế các giải pháp căn cơ để hoàn thiện chúng.
Dự báo những viễn cảnh trong tương lai có khả năng tác động tới hình phạt là một đòi hỏi quan trọng đối với nhà soạn thảo. Điều này bắt buộc nhà soạn thảo phải phân tích, đánh giá các điều kiện xã hội hàm chứa khả năng biến chuyển trong tầm nhìn dài hạn, trung hạn và có nguy cơ ảnh hưởng tới các xu hướng phát triển của tình hình tội phạm, làm thay đổi các lợi ích, nhu cầu của xã hội. Bởi lẽ, “các nhà soạn thảo có nhiều khả năng trong việc dự báo về tương lai bao nhiêu thì đạo luật do họ thông qua sẽ có hiệu lực lâu dài và hiệu quả cao bấy nhiêu”[4].
Nhìn chung, bước đầu có thể chỉ ra một số yếu tố cơ bản bảo đảm chất lượng của hoạt động xây dựng hình phạt như sau:
Một là, sự quan tâm và đóng góp ý kiến của nhân dân: Sự quan tâm của người dân về quá trình xây dựng hình phạt trong đạo luật hình sự càng lớn sẽ huy động một lượng lớn đóng góp các ý kiến phản biện về những phương án thiết kế hình phạt trong dự thảo đạo luật[5].
Hai là, trình độ lập pháp của các nhà soạn thảo: Nhà soạn thảo không chỉ là các đại biểu Quốc hội, mà còn là các cơ quan Chính phủ được giao nhiệm vụ đóng góp ý kiến các phương án thiết kế hình phạt[6].
Ba là, các bước, quá trình thông qua đạo luật: Các quy trình nghiêm ngặt này để bảo đảm các phương án thiết kế hình phạt được kiểm duyệt một cách sát sao[7].
Bốn là, sự ổn định vĩ mô của đời sống xã hội: Đây là điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng và thi hành hình phạt trong cuộc sống có tính ổn định cao, từ đó làm tiền đề quan trọng cho việc thiết kế nội dung hình phạt trong đạo luật hình sự.
2.2. Các yếu tố bảo đảm trong quá trình áp dụng hình phạt
Có rất nhiều yếu tố quyết định đến hiệu quả của quá trình áp dụng pháp luật, do đó, đến lượt mình, hiệu quả của quá trình áp dụng hình phạt được quyết định bởi những yếu tố sau[8]:
(i) Năng lực, thái độ nghề nghiệp và thực tiễn hoạt động của đội ngũ cán bộ thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật[9]. Đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động bảo vệ pháp luật phải có năng lực, được đào tạo bài bản, có phẩm chất đạo đức - nghề nghiệp chuẩn mực, giỏi về nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ, tính cẩn trọng trong xét xử các vụ án hình sự. Hoạt động của mỗi chủ thể này tạo nên chỉnh thể hoạt động áp dụng hình phạt trong thực tiễn xét xử, đến lượt mình, hiệu quả của hoạt động áp dụng hình phạt được quyết định bởi chất lượng thực tiễn hoạt động của các chủ thể nêu trên.
(ii) Các điều kiện xã hội cụ thể trong quá trình áp dụng hình phạt. Yếu tố này đòi hỏi việc xem xét kỹ lưỡng các điều kiện xã hội trong phân tích, đánh giá và tìm kiếm các căn cứ về nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự hợp lý làm căn cứ cho quyết định hình phạt tương xứng với mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.
(iii) Cơ chế tâm lý - xã hội của thẩm phán trong việc đưa ra quyết định hình phạt. Hoạt động xét xử của thẩm phán luôn nằm trong trạng thái bị tác động bởi các yếu tố như mối quan hệ công tác trong ngành, mối quan hệ giữa các bên tham gia tố tụng vụ án hình sự, mối quan hệ với tư cách là một đảng viên… từ đó có ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của hoạt động này.
(iv) Chất lượng của các quy định pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự và chế định hình phạt cũng là một tiêu chí cần được xem xét để bảo đảm hiệu quả của hoạt động áp dụng hình phạt. Thực tiễn cho thấy, nỗ lực của đội ngũ cán bộ bảo vệ pháp luật sẽ là chưa đủ nếu họ thiếu thốn những quy phạm pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, chế định hình phạt có chất lượng tốt.
2.3. Các yếu tố bảo đảm trong quá trình thi hành hình phạt
Thi hành các loại hình phạt khác nhau có những yếu tố bảo đảm hiệu quả khác nhau, do đó, cần phân tích mang tính khu biệt hóa về các yếu tố bảo đảm hiệu quả trong quá trình thi hành hình phạt tù và các hình phạt không tước tự do.
Đối với hình phạt tù, chế độ giam giữ là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả thi hành, bao gồm các yếu tố sau:
Thứ nhất, chế độ lao động của phạm nhân: Chế độ lao động phải căn cứ, dựa trên các yếu tố: (i) Năng lực lao động của phạm nhân; (ii) Cho phép phạm nhân thụ hưởng thành quả lao động; (iii) Lao động là biện pháp giáo dục, cải tạo trong thi hành hình phạt tù.
Thứ hai, chế độ học tập, học nghề: Chế độ học tập, học nghề nhằm hướng tới các mục đích: (i) Bù đắp sự gián đoạn học tập, làm việc, lao động do chấp hành án; (ii) Trang bị tri thức, kiến thức, tay nghề; (iii) Bảo đảm khả năng tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành án.
Thứ ba, chế độ sinh hoạt của phạm nhân: Chế độ sinh hoạt nhằm duy trì tối thiểu những điều kiện sinh hoạt cơ bản cho phạm nhân như: Chế độ ăn, ở; mặc và tư trang; hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; gặp thân nhân, nhận quà; liên lạc; chăm sóc y tế[10].
Thứ tư, trách nhiệm của quản giáo, giám thị trại giam: Thái độ, cư xử của quản giáo, giám thị trại giam có những tác động quan trọng tới quá trình giáo dục, cải tạo của phạm nhân. Sự hiện diện của họ có vai trò duy trì trật tự kỷ luật trong trại giam nhằm bảo đảm các phạm nhân triệt để tuân thủ; giám sát, theo dõi quá trình tiến bộ của mỗi phạm nhân để có cách tác động, cư xử phù hợp…
Thứ năm, trách nhiệm của thân nhân người phạm tội: Thân nhân đóng vai trò là động lực tinh thần (ủng hộ, tha thứ, tin tưởng, đón chờ…) để phạm nhân tự giáo dục, tự cải tạo nhằm sớm trở về gia đình.
Thứ sáu, môi trường trại giam: Môi trường trại giam có những mặt tích cực và tiêu cực riêng của nó. Nếu trại giam được tổ chức và quản lý nghiêm ngặt, các cơ chế lao động, học tập, dạy nghề, sinh hoạt được triển khai có hiệu quả sẽ thiết lập nên một môi trường lành mạnh, đóng vai trò tích cực cho phạm nhân yên tâm và có điều kiện tự cải tạo. Mặt khác, nếu không đáp ứng những yếu tố cơ bản nêu trên, trại giam sẽ trở thành một xã hội phức tạp “thu nhỏ” gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình tự giáo dục, cải tạo của phạm nhân[11].
Đối với các hình phạt không tước tự do[12], những yếu tố có ý nghĩa bảo đảm hiệu quả của việc thi hành những hình phạt này bao gồm: (i) Vai trò chủ động và trách nhiệm của cơ quan thi hành án và cơ quan quản lý nhà nước[13]; (ii) Chính sách, thiết chế, cơ chế pháp lý của hoạt động thi hành án hình sự[14]; (iii) Sự tham gia của toàn thể xã hội trong giám sát, tạo điều kiện thuận lợi trong thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế.
Nghiên cứu các vấn đề lý luận căn bản về yếu tố bảo đảm hiệu quả của hình phạt có ý nghĩa trong việc định hình một số hướng nghiên cứu. Các hướng nghiên cứu có thể tiếp cận các yếu tố bảo đảm hiệu quả của từng loại hình phạt, các yếu tố bảo đảm hiệu quả của từng loại hình phạt đối với từng loại tội phạm, các yếu tố bảo đảm hiệu quả theo quá trình hình phạt, các yếu tố độc lập bảo đảm hiệu quả của hình phạt… Hiện nay, Bộ luật Hình sự hiện hành đã thiết kế hệ thống hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Thiết nghĩ việc nghiên cứu các yếu tố bảo đảm hiệu quả của các loại hình phạt áp dụng đối với loại chủ thể tội phạm này sẽ sớm thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học pháp lý.
Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam
[1]. Các yếu tố được nhận diện ở đây trên cơ sở phân tích các điều kiện chung về kinh tế, chính trị, tư tưởng, xã hội và điều kiện pháp lý (sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật thực định, sự hoàn thiện của cơ chế thực hiện và áp dụng pháp luật, ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý trong xã hội). Xem thêm: Nguyễn Minh Đoan (2012), Hiệu quả của pháp luật - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 69 - 99.
[2]. Có thể kể đến nhiệm vụ cải cách tư pháp về hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp được ghi nhận trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ: “… đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm”. Tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị là cơ sở xây dựng chính sách hình phạt ở nước ta trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh xây dựng và thực thi Bộ luật Hình sự mới.
[3]. Võ Khánh Vinh (2012), Xã hội học pháp luật - những vấn đề cơ bản, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 261 - 266.
[4]. Võ Khánh Vinh (2012), Xã hội học pháp luật - những vấn đề cơ bản, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 263.
[5]. Trong quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ Tư pháp đã nhận được 119 báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân, ước tính có khoảng 07 triệu lượt ý kiến của nhân dân tham gia góp ý cho dự thảo.
[6]. Ban soạn thảo Bộ luật Hình sự năm 2015 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Trưởng ban, thành phần gồm lãnh đạo của 16 bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam theo Nghị quyết số 433/NQ-UBTVQH13 ngày 30/12/2011.
[7]. Sự kiện Bộ luật Hình sự năm 2015 phải lùi thời điểm có hiệu lực là một minh chứng cụ thể cho thấy tầm quan trọng của quy trình ban hành một đạo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thừa nhận sai sót trong Bộ luật Hình sự và thẳng thắn chỉ ra một trong những nguyên nhân là quy trình kiểm duyệt đạo luật này có một số điểm hạn chế.
[8]. Trong cuốn Xã hội học pháp luật - những vấn đề cơ bản, tác giả Võ Khánh Vinh đã chỉ ra một số nhân tố xã hội và pháp lý có ảnh hưởng lớn đến hoạt động áp dụng pháp luật: (1) đội ngũ cán bộ áp dụng pháp luật; (2) các điều kiện lịch sử - xã hội cụ thể của áp dụng pháp luật; (3) cơ chế tâm lý – xã hội của việc thông qua quyết định; (4) hoạt động thực tế của những người áp dụng pháp luật; (5) chất lượng của văn bản áp dụng quy phạm pháp luật. Xem: Võ Khánh Vinh (2012), Xã hội học pháp luật - những vấn đề cơ bản, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 299.
[9]. Các cơ quan bảo vệ pháp luật bao gồm các cơ quan thuộc hệ thống Tòa án, hệ thống Viện kiểm sát, tổ chức hành nghề luật sư. Trong trường hợp này, tác giả bài viết chỉ đề cập đến đội ngũ cán bộ là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên - những người tham gia sâu sát vào quá trình áp dụng hình phạt trong các vụ án hình sự.
[10]. Võ Khánh Vinh, Cao Thị Oanh (đồng chủ biên, 2013), Luật Thi hành án hình sự, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 109 - 117.
[11]. Dù không thể phủ nhận những hiệu quả hiện hữu trước mắt của hình phạt tù trong việc cách ly tội phạm để nhằm ổn định xã hội, nhưng cần nhìn nhận khách quan rằng, trại giam là môi trường xã hội vô cùng phức tạp khi có sự tập trung của các phạm nhân là những người phạm tội. Thực tiễn hiện nay có sự tồn tại của tình hình tội phạm trong trại giam và sự diễn biến của nó rất khó lường.
[12]. Tác giả chỉ đề cập đến các hình phạt không tước tự do áp dụng đối với người phạm tội.
[13]. Các hình phạt không tước tự do đặt trọng tâm vào sự răn đe, giáo dục hơn là cải tạo, bởi lẽ vì không tước tự do để chủ động cải tạo, nên vai trò chủ động, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan là vô cùng cần thiết.
[14]. Hoạt động thi hành án hình sự cần bảo đảm sự phối hợp giữa các Tòa án nhân dân các cấp, cơ quan quản lý thi hành án hình sự và cơ quan thi hành án hình sự của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Công an các cấp theo địa phương, hệ thống trại giam, trại tạm giam, Ủy ban nhân dân cấp xã… Hiện nay, mô hình thi hành án hình sự ở Việt Nam được thể hiện rõ nét trong Luật Thi hành án hình sự năm 2010.