Toàn cảnh phiên họp
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo thống kê đến tháng 01/2024, cấp tiểu học và trung học cơ sở thiếu 6.334 giáo viên môn Tin học, 8.567 giáo viên môn Tiếng Anh, 2.985 giáo viên môn Mỹ thuật và 2.814 giáo viên môn âm nhạc. Đây là các môn học có tính đặc thù, thiếu nguồn tuyển dụng mặc dù số lượng sinh viên được đào tạo trình độ đại học tương đối lớn. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo là do những sinh viên có trình độ đại học các môn này có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, thường có xu hướng làm các công việc khác có thu nhập cao hơn hoặc do những môn học này đòi hỏi người học phải có năng khiếu nhất định, số lượng các khoa đào tạo các môn nghệ thuật ở các trường đại học không nhiều nên số lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm không đủ nguồn dẫn đến khó khăn trong tuyển dụng giảng viên có trình độ đại học cho các môn này.
Để bảo đảm số lượng giáo viên tham gia giảng dạy một số môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, việc đề xuất xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép những địa phương thiếu giáo viên được tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy học một số môn như Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật là cần thiết nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương khi triển khai thực hiện quy định về chuẩn trình độ đào tạo tại Luật Giáo dục năm 2019. Việc ban hành chính sách này còn góp phần mở rộng nguồn tuyển, là một trong số các giải pháp khắc phục thừa - thiếu giáo viên, dần bảo đảm đủ số lượng giáo viên triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở một số môn học, khuyến khích, thu hút những người được đào tạo, yêu quý nghề nhà giáo vào ngành - Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Tham gia Hội đồng thẩm định có đại diện các bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Hội Khuyến học, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp... Các đại biểu tham gia Hội đồng thẩm định cơ bản nhất trí với sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc như đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu ở trên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phát biểu bày tỏ sự băn khoăn về đề xuất tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; tập trung đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý, làm rõ lý do chỉ lựa chọn 03 môn Tiếng Anh, Tin học và Nghệ thuật là môn học mới? Căn cứ pháp lý để hạ chuẩn tuyển dụng giáo viên từ trình độ đại học xuống trình độ cao đẳng? Làm rõ giới hạn về thời gian, địa bàn thực hiện thí điểm Nghị quyết để đảm bảo thực hiện hiệu quả, khả thi.
Về sự cần thiết ban hành và phạm vi điều chỉnh Nghị quyết, các đại biểu đề nghị cơ quan lập đề nghị làm rõ Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ “nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”. Trong khi đó, tại Hồ sơ Đề nghị xây dựng, cơ quan chủ trì lập đề nghị chưa đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo việc tuyển dụng giáo viên đối với môn học Tin học, Ngoại ngữ đạt trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019 mà đề xuất hạ chuẩn trình độ đào tạo là chưa đảm bảo với yêu cầu tại Nghị quyết số 75/2022/QH15.
Phát biểu tại Hội đồng thẩm định, đại diện Văn phòng Quốc hội cơ bản nhất trí với đề nghị xây dựng Nghị quyết của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm giải quyết các yêu cầu cấp bách của thực tiễn và là điều kiện quan trọng để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là những môn học mới như Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật. Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ nội hàm các khái niệm môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 75/2022/QH15 và đề xuất chỉ tuyển dụng đối với một số môn học mới như dự thảo Nghị quyết. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì lập đề nghị rà soát, đảm bảo hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện của Bộ đánh giá cao việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá được số lượng, tình hình thực tiễn và dự toán kinh phí đào tạo cho việc nâng chuẩn trình độ cao đẳng lên đại học. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì lập đề nghị giải trình, làm rõ nét hơn nữa tại Tờ trình Chính phủ và báo cáo đánh giá tác động về cơ sở, lý do chỉ đề xuất lựa chọn các môn học Tiếng anh, Tin học và Nghệ thuật ở cấp trung học cơ sở và tiểu học mà chưa đề xuất các môn học khác. Cùng với đó, để có cơ sở đánh giá một cách toàn diện và bao quát hết nhu cầu của các cấp học, hệ thống cơ sở đào tạo cần bóc tách số liệu nhu cầu giữa các cấp học, giữa cơ sở đào tạo công lập và các cơ sở đào tạo tư thục; cân nhắc nghiên cứu, đề xuất áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút giáo viên có trình độ đại học tham gia giảng dạy thay vì đề xuất hạ chuẩn tuyển giáo viên có trình độ đại học xuống trình độ cao đẳng để tuyển đủ giáo viên - đại diện Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đề nghị.
Về các giải pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách dự kiến trong Đề nghị xây dựng, các đại biểu cho rằng, Tờ trình số 699/TTr-BGDĐT ngày 11/6/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết, trong đó đã nêu mức tăng thêm ngân sách nhà nước dự kiến chi cho các hoạt động... Tuy nhiên, cơ quan chủ trì lập Đề nghị chưa đánh giá được tính khả thi của việc tăng nguồn chi ngân sách, nguồn lực tài chính (bao gồm trung ương và địa phương) để bảo đảm thực hiện các chính sách sau khi được ban hành. Đề nghị làm rõ nội dung này tại báo cáo đánh giá tác động và Tờ trình Chính phủ để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phát biểu tại Hội đồng thẩm định, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cơ bản nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Tuy nhiên, cũng như đánh giá của các đại biểu, đại diện các đơn vị đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng để đề xuất các giải pháp mang tính căn cơ nhằm giải quyết trình trạng thiếu giáo viên có trình độ cử nhân giảng dạy hiện nay; cần đánh giá cụ thể, chỉ áp dụng đối với các địa bàn thực sự thiếu, không thể tuyển dụng được giáo viên có trình độ cử nhân thì mới tuyển giáo viên có trình độ cao đẳng để tránh lạm dụng, trục lợi chính sách trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, qua rà soát, các đại biểu cho rằng hiện chưa có điều ước quốc tế quy định trực tiếp về trình độ chuẩn của nhà giáo và giáo viên phổ thông. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì lập đề nghị rà soát, đánh giá tính tương thích giữa các quy định tại Nghị quyết với các điều ước liên quan về quyền tiếp cận với giáo dục được quy định tại Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (CESCR) năm 1966 và Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC) năm 1989, Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên hợp quốc để đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận tại Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhất trí về sự cần thiết xây dựng Nghị quyết. Thứ trưởng chia sẻ với những khó khăn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tuyển dụng đội ngũ giáo viên có trình độ cử nhân tham gia giảng dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay. Tuy nhiên, để đề xuất các giải pháp căn cơ, giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc trong tuyển dụng giáo viên hiện nay, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến phát biểu tại Hội đồng thẩm định để hoàn thiện hồ sơ. Trong đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan lập đề nghị nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 75/2022/QH15 từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp, đúng thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội; làm rõ cơ sở chỉ lựa chọn, đề xuất 03 môn học mới như trong dự thảo Nghị quyết. Cùng với đó đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, đánh giá kỹ tác động của chính sách, cân nhắc giới hạn thời gian, phạm vi, địa bàn thực hiện Nghị quyết mà không áp dụng đại trà, tránh trục lợi chính sách trong quá trình triển khai.
Về Hồ sơ Đề nghị xây dựng Nghị quyết, Thứ trưởng cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ theo quy định của Điều 37 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ Đề nghị xây dựng Nghị quyết, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì lập Đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện Tờ trình Chính phủ, Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách đề xuất theo đúng quy định của Luật này.