Để cụ thể hóa nội dung Hiến định nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao đã Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trình ra Quốc hội khóa XIII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (dự thảo lần thứ 3) và theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội thì Dự án Luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào cuối năm nay.
Trong phần quy định về Hội thẩm tại Chương VIII, Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã luật hóa một số quy định tương ứng của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002. Theo đó, cơ chế quản lý đối với Hội thẩm nhân dân cơ bản vẫn được giữ nguyên. Cụ thể là:
- “Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Toà án nhân dân sơ thẩm, Toà án quân sự quân khu hoặc tương đương, Toà án quân sự khu vực có trách nhiệm quản lý Hội thẩm theo Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm” (khoản 1 Điều 74 Dự thảo Luật giữ nguyên Điều 40 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002); và:
- “Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo đề nghị của Chánh án Toà án nơi mình được bầu làm Hội thẩm nhân dân” (khoản 2 Điều 67 Dự thảo Luật, sửa đổi khoản 1 Điều 32 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002).
Chúng tôi cho rằng nếu tại kỳ họp thứ 8 sắp đến Quốc hội vẫn thông qua cơ chế quản lý và phân công xét xử đối với Hội thẩm nhân dân như nội dung được trích dẫn trên đây thì rất khó bảo đảm được nguyên tắc Hiến định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” trên thực tế, trong tương lai.
Bởi lẽ, nếu Toà án nhân dân được giao trách nhiệm quản lý Hội thẩm nhân dân thì Hội thẩm nhân dân trở thành “người nhà” của Tòa án nhân dân; cùng với mối quan hệ phụ thuộc được hình thành do Hội thẩm nhân dân muốn thực hiện nhiệm vụ xét xử phải theo đề nghị của Chánh án nơi mình được bầu, thì tính “độc lập” của Hội thẩm nhân dân sẽ rất khó thực hiện.
Dù là ai cũng vậy, đã là Hội thẩm nhân dân thì ai cũng muốn được tham gia xét xử, mà muốn được tham gia xét xử thì phải được Chánh án Tòa án đề nghị (hay phân công cũng vậy); để được Chánh án Tòa án đề nghị thì phải do Thẩm phán thụ lý vụ án đề xuất, nhưng để được Thẩm phán đề xuất thì Hội thẩm nhân dân phải “biết nghe lời”. Cả một chuỗi dài các mắt xích có quan hệ chặt chẽ với nhau như vậy, cuối cùng đã tạo kẽ hở dẫn đến tình trạng “chạy án” gây bức xúc dư luận trong thời gian qua và hiện nay vẫn chưa ngăn chặn được tận gốc, bởi theo chúng tôi một trong những “cái gốc” của nó chính là chỗ này.
Công bằng mà nói, Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) cũng có đưa ra cơ chế nhằm bảo đảm sự khách quan, vô tư của Chánh án Tòa án khi đề nghị Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử, như việc quy định Chánh án Toà án nhân dân xác định và đề nghị Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử từng vụ án cụ thể bằng cách “lựa chọn ngẫu nhiên” trong danh sách Hội thẩm của Toà án (khoản 2 Điều 74). Và tại khoản 5 Điều 67 Dự thảo Luật này cũng có quy định: “Trong một năm mà Hội thẩm không được Chánh án Toà án đề nghị làm nhiệm vụ xét xử thì có quyền yêu cầu Chánh án Toà án cho biết lý do”; nhằm bảo đảm cho Chánh án Tòa án không được “bỏ quên” Hội thẩm nhân dân quá một năm mà không đề nghị tham gia xét xử.
Về cơ chế “lựa chọn ngẫu nhiên”, chúng ta có thể thấy ngay sự bất cập và mâu thuẫn của nó với các quy định khác của Dự thảo. Giả sử nếu như trong một vụ án cụ thể xét xử về tội phạm có liên quan đến công nghệ cao mà Chánh án Tòa án “lựa chọn ngẫu nhiên” được vị Hội thẩm nhân dân hoàn toàn không có chuyên môn gì về khoa học - công nghệ, thì chất lượng xét xử của Tòa án tại phiên tòa đó sẽ như thế nào? Mặt khác, cơ chế “lựa chọn ngẫu nhiên” này, xét cho cùng, nó mâu thuẫn với cơ chế về “cơ cấu thành phần” Hội thẩm do Tòa án nhân dân lập kế hoạch đề xuất để Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lựa chọn nhân sự và đề nghị Hội đồng nhân dân bầu (khoản 1 Điều 69). Và nó cũng mâu thuẫn với cả cơ chế “chất vấn lại” của Hội thẩm nhân dân đối với Chánh án Tòa án khi đã qua một năm mà mình không được đề nghị thực hiện nhiệm vụ xét xử, bởi vì cơ chế “lựa chọn ngẫu nhiên” có thể dẫn đến tình trạng “ngẫu nhiên” làm cho Hội thẩm không được lựa chọn tham gia xét xử, không chỉ trong một năm mà còn có thể cả nhiệm kỳ.
Về cơ chế “chất vấn lại” của Hội thẩm nhân dân đối với Chánh án Tòa án, chúng ta thử hỏi, sẽ có bao nhiêu vị Hội thẩm nhân dân dám hỏi Chánh án vì sao không đề nghị mình tham gia xét xử? Mà nếu có vị Hội thẩm nào đó lên tiếng hỏi Chánh án, thì chẳng mấy khó khăn để Chánh án đưa ra một câu trả lời với một lý do nào đó, điển hình như lý do “lựa chọn ngẫu nhiên” hoặc lịch sự hơn là một lời nhận thiếu sót là xong. Có thể nói cơ chế “chất vấn lại” của Hội thẩm nhân dân đối với Chánh án Tòa án khi đã qua một năm mà mình không được đề nghị thực hiện nhiệm vụ xét xử, như đã ghi nhận trong Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) hiện nay là cơ chế không đủ mạnh và sẽ thiếu tính khả thi trong tương lai.
Để giải quyết vấn đề trên đây, thiết nghĩ cũng cần phải làm rõ vai trò của Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử sơ thẩm các vụ án (trừ thủ tục rút gọn) có ý nghĩa gì? Vấn đề này đã có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tựu trung lại vẫn là: (1) Đưa tiếng nói của đại diện nhân dân vào quá trình xét xử để thể hiện tính chất dân chủ trong hoạt động tư pháp của Tòa án mang tên là Tòa án nhân dân; (2) Người đại diện của nhân dân (Hội thẩm nhân dân) có mặt tại phiên tòa sơ thẩm không chỉ là để xét xử mà còn là để giám sát trực tiếp hoạt động của Thẩm phán nói riêng và của Tòa án nhân dân nói chung; (3) Người đại diện của nhân dân có mặt tại phiên tòa sơ thẩm không chỉ là để kết án đối với người có tội mà quan trọng hơn là còn để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả những người có liên quan trong vụ án, tại phiên tòa…
Vì những lý do nêu trên, chúng tôi cho rằng, Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) cần phải có một cơ chế hữu hiệu và đủ mạnh để có thể bảo đảm cho Hội thẩm nhân dân thực sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi tham gia xét xử tại các phiên tòa sơ thẩm, nhằm góp phần ngăn chặn, hạn chế tối đa tình trạng “chạy án”, đó cũng chính là góp phần làm trong sạch hoạt động xét xử của Tòa án.
Như vậy, cơ chế hữu hiệu hơn phương án được ghi trong Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) vừa trình Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 cho ý kiến là gì? Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng tôi thống nhất với cơ chế bầu, cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân như Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Nhưng về cơ chế quản lý đối với Hội thẩm nhân dân, chúng tôi xin đề nghị nên theo hướng không giao cho Tòa án quản lý đội ngũ này mà nên giao cho Hội đồng nhân dân bầu ra họ quản lý. Theo đó, Hội thẩm nhân dân được tổ chức thành đoàn, gọi là “Hội thẩm đoàn” hoặc “Đoàn Hội thẩm” thuộc Hội đồng nhân dân do Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân trực tiếp quản lý. Để đồng bộ với cơ chế này cũng nên xây dựng cơ chế phân công Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử theo hướng không để Chánh án Tòa án “lựa chọn ngẫu nhiên” như Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Thay vào đó là cơ chế căn cứ vào yêu cầu xét xử đối với từng vụ án sơ thẩm cụ thể, Chánh án Tòa án nhân dân có văn bản gửi Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp đề nghị cử Hội thẩm nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ xét xử.
Với cơ chế như chúng tôi đề xuất, Hội thẩm nhân dân sẽ không còn phải lo chuyện bị Chánh án Tòa án “bỏ quên” không mời tham gia xét xử nữa, do đó tính “độc lập” trong khi tham gia xét xử của họ cũng sẽ được nâng cao hơn. Và như vậy tính chất khách quan, vô tư, tinh thần dũng cảm bảo vệ công lý của Hội thẩm nhân dân khi đưa ra quan điểm của mình trong quá trình nghị án cũng như khi biểu quyết để thông qua các quyết định của Tòa án cũng sẽ có chất lượng hơn.
Vấn đề cuối cùng cũng cần phải nói là có người còn băn khoăn rằng, trong điều kiện hiện nay khi mà trình độ chuyên môn của Hội thẩm nhân dân còn thấp hơn Thẩm phán rất nhiều, trong khi họ chiếm đa số trong Hội đồng xét xử, nếu để họ “độc lập” quá thì sẽ dễ dẫn đến việc án được tuyên không đúng pháp luật. Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng, trước hết Hiến pháp – văn bản pháp luật có hiệu lực cao nhất, đã hiến định nguyên tắc bảo đảm tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Hội thẩm nhân dân trong khi xét xử thì Luật Tổ chức Tòa án nhân dân phải có cơ chế bảo đảm nguyên tắc này. Mặt khác, theo nguyên tắc xét xử hai cấp thì ở cấp phúc thẩm, Tòa án còn có một Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán. Với Hội đồng xét xử ở cấp phúc thẩm như vậy, Tòa án cấp trên hoàn toàn có đủ điều kiện để sửa sai hoặc loại bỏ các yếu tố vi phạm pháp luật ra khỏi bản án của Tòa án cấp sơ thẩm, nếu có; đó là chưa nói đến các hoạt động giám đốc án của các cấp Tòa án có thẩm quyền.
Thái Nguyên Đại
Sở Tư pháp Quảng Nam