Toàn cảnh phiên họp.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo về sự cần thiết phải ban hành Luật Cấp, thoát nước, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, điều chỉnh hoạt động cấp nước sạch, thoát nước (bao gồm thoát nước mưa, thoát nước thải và xử lý nước thải) chưa được quy định trong các văn bản luật hiện hành, chỉ được quy định bằng văn bản dưới luật là các nghị định (quy định trực tiếp).
Quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, bất cập cần phải nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện như: (i) pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực cấp, thoát nước chưa tương xứng với vai trò, tầm quan trọng của dịch vụ cung cấp nước sạch và thoát nước, xử lý nước thải; (ii) quy hoạch cấp, thoát nước chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chất lượng dự báo còn hạn chế gây khó khăn cho việc định hướng, đầu tư xây dựng phát triển hệ thống cấp, thoát nước; (iii) hoạt động đầu tư phát triển cấp, thoát nước chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đặc biệt là cấp nước, thu gom, xử lý nước thải vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; (iv) hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải chưa đầy đủ, khó khăn trong việc đánh giá tình hình, lập quy hoạch, định hướng, đầu tư và quản lý nhà nước; (v) công trình cấp, thoát nước thiếu bền vững, hiệu quả, chất lượng dịch vụ, công tác quản lý vận hành còn nhiều hạn chế; (vi) việc ban hành giá nước sạch gặp nhiều khó khăn; giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải còn thấp, hạn chế huy động nguồn lực đầu tư; (vii) quản lý nhà nước về cấp, thoát nước còn chồng chéo, chưa thống nhất; (viii) một số quy định đặc thù trong lĩnh vực cấp, thoát nước chưa thống nhất hoặc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần phải rà soát bổ sung, điều chỉnh.
Luật Cấp, thoát nước được ban hành nhằm mục đích cung cấp nước sạch ổn định, bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn nước sạch của người dân, thu gom và xử lý nước thải đồng bộ với mục đích bảo vệ môi trường, thoát nước mưa chống ngập gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe con người, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó là hướng tới quản lý phát triển cấp, thoát nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất cơ sở dữ liệu tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp, thoát nước, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa. Đồng thời kết hợp hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng nước, hộ thoát nước, của các tổ chức, cá nhân đầu tư, vận hành công trình cấp, thoát nước và Nhà nước. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư và vận hành công trình cấp, thoát nước; hỗ trợ đầu tư công trình cấp, thoát nước nông thôn, các khu vực khó khăn về nguồn nước, dân cư phân tán.
Đại diện Bộ Xây dựng phát biểu tại phiên họp.
Dự thảo Luật Cấp, thoát nước gồm 08 chương, 65 điều, bố cục như sau: Chương I: Những quy định chung (gồm 11 điều, từ Điều 1 đến Điều 11); Chương II: Chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển cấp, thoát nước (gồm 09 điều, từ Điều 12 đến Điều 20): quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, thoát nước; chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển cấp, thoát nước; Chương III: Đầu tư phát triển hệ thống cấp, thoát nước (gồm 07 điều, từ Điều 21 đến Điều 27): quy định về đầu tư phát triển hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước; Chương IV: Quản lý vận hành và khai thác hệ thống cấp, thoát nước (gồm 15 điều, từ Điều 28 đến Điều 42): quy định về quản lý vận hành và khai thác hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước; Chương V: Dịch vụ cấp, thoát nước (gồm 08 điều, từ Điều 43 đến Điều 50): quy định về dịch vụ cấp nước, dịch vụ thoát nước; Chương VI: Giá nước sạch và giá dịch vụ thoát nước (gồm 08 điều, từ Điều 51 đến Điều 59): quy định về giá nước sạch và giá dịch vụ thoát nước; Chương VII: Trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp, thoát nước (gồm 03 điều, từ Điều 60 đến Điều 62); Chương VIII: Điều khoản thi hành (gồm 03 điều, từ Điều 63 đến Điều 65).
Trao đổi, thảo luận tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ nội dung về miễn, giảm trong phương án giá nước sạch của tài sản công trình cấp nước đầu tư. Đại biểu cho rằng, trên thực tế chỉ miễn, giảm trên giá nước sạch chứ không miễn, giảm trên dự án đầu tư có nguồn vốn nhà nước. Đối với khoản 7 Điều 32 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị sửa nội dung “Việc quản lý tài sản công trình cấp nước là tài sản công được thực hiện theo quy định của Luật này và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công” thành “Việc quản lý tài sản công trình cấp nước là tài sản công được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công” sẽ bao quát đầy đủ hơn bởi ngoài Luật này, Bộ Tài chính còn có Thông tư số 73/2022/TT-BTC ngày 15/12/2022 quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch và Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/05/2013 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.
Về dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, điểm c khoản 2 Điều 23 dự thảo Luật có nội dung: “Các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất hạn chế đầu tư xây dựng mới công trình nhà máy nước, ưu tiên sử dụng nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung trong vùng cấp nước” là chưa phù hợp. Bởi lẽ, hiện nay có rất nhiều công cụ về mặt quy hoạch và cấp phép khai thác nước ngầm để quản lý nội dung của điều khoản này nên nếu sử dụng từ “hạn chế” trong nội dung này sẽ gây khó hiểu cho các doanh nghiệp triển khai trong thực tiễn vì “hạn chế” thì có bị cấm hay không hoặc nếu được làm thì trình tự, thủ tục có gì khó khăn hơn các trường hợp được quy định bình thường không? Vì vậy, đại diện VCCI đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc làm rõ điểm này trong dự thảo Luật để tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong thực tiễn thi hành. Bên cạnh đó, đại diện VCCI cũng đề nghị làm rõ hơn về quy định hình thức đầu tư theo đối tác công tư trong dự thảo Luật mới chỉ áp dụng cho công trình thoát nước mà chưa quy định liệu có đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với công trình cấp nước.
Về hoạt động tổ chức thực hiện điều tra cơ bản, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đầu tư công không quy định việc sử dụng vốn chi đầu tư phát triển để thực hiện hoạt động cấp thoát nước, vì vậy, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát cân nhắc về việc quy định hoạt động này trong dự thảo Luật bởi nếu quy định sẽ phải chỉnh sửa rất nhiều luật có liên quan đến nội dung này. Về quy hoạch quản lý cấp thoát nước trong vùng quy hoạch đô thị và nông thôn, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hầu hết các quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh mà trong dự thảo Luật vẫn quy định một số nội dung đối với các hoạt động quy hoạch cấp, thoát nước trong quy hoạch vùng, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại nội dung này có cần thiết phải quy định trong Luật Cấp, thoát nước hay không, nếu quy định trong Luật này thì sẽ phải thay đổi lại các quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Liên quan đến kế hoạch phát triển cấp thoát nước cấp tỉnh, trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gặp vướng mắc như kế hoạch phát triển nhà, kế hoạch thực hiện các chủ trương đầu tư, vì vậy, nếu kế hoạch này chỉ đưa ra nhằm thực hiện có giai đoạn, có mục tiêu, có định hướng để thực hiện trong giai đoạn nhất định thì phải xem xét sao cho đơn giản nhất có thể. Nếu đưa vào trong Luật Cấp, thoát nước thì những dự án liên quan đến đầu tư cấp, thoát nước mà phải đánh giá sự phù hợp này sẽ khiến không phù hợp với nội dung về chấp thuận chủ trương đầu tư trong Luật Đầu tư. Vì vậy, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát đối với nội dung này. Về nội dung quản lý đầu tư phát triển hệ thống cấp thoát nước, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư đối với nhà máy cấp thoát nước, hiện nay dự thảo Luật đang nêu những vấn đề quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với dự án cấp, thoát nước thì Luật Đầu tư hiện hành đã quy định trình tự, thủ tục và thẩm quyền rồi. vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát và xem xét có nên quy định những nội dung này trong dự thảo Luật nữa hay không.
Tại phiên họp, góp ý đối với dự thảo Luật Cấp, thoát nước, đại diện Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, đối với nội dung “dịch vụ cấp, thoát nước” trong phần giải thích từ ngữ thì cần bổ sung theo hướng “dịch vụ cấp, thoát, tái sử dụng nước” để phù hợp với xu thế của thế giới. Đối với nội dung “cấp nước trong tình thế cấp thiết” tại khoản 6 Điều 2 dự thảo Luật nên sửa đổi theo hướng “cấp, thoát nước trong tình thế cấp thiết”. Tại khoản 7 Điều 2, đại diện Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, “nước thô” là một loại nước rất quan trọng trong các công trình cấp nước, vì vậy, cần phải ghi rõ nguồn nước đã được quy định trong Luật Tài nguyên nước.
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Ngoại giao đề nghị cần nhấn mạnh trong Tờ trình và cả trong dự thảo Luật về tầm quan trọng của nước sạch vì nó liên quan tới người dân, an sinh xã hội, chỉ số phát triển con người, sức khỏe thậm chí là cả an ninh, chính trị, để thống nhất về nhận thức của toàn xã hội về nguồn nước, bên cạnh đó, cần bổ sung điều khoản về tiết kiệm nước. Đại diện Bộ Ngoại giao cũng đề nghị bổ sung điều khoản về giá nước trong dự thảo Luật, cần bảo đảm cơ chế khuyến khích đầu tư nhưng cũng cần bảo đảm đời sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công an cho biết, khoản 4 Điều 25 đã quy định về quản lý đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước có nội dung “Dự án khu đô thị mới, khu chức năng phải có công trình điều hòa nước mưa bảo đảm thoát nước mưa chống ngập trong phạm vi của dự án”, đại diện Bộ Công an đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các công trình điều hòa nước mưa tại các khu đô thị mới. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần chỉnh lý tiêu chí xác định công trình cấp, thoát nước đặc biệt quan trọng từ quy mô công suất 100.000 mét khối/ngày lên 300.000 mét khối/ngày bảo đảm xác định đúng với tính chất đặc biệt quan trọng của công trình cấp thoát nước, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực.
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận phiên họp.
Kết luận phiên họp, đồng chí Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao Bộ Xây dựng trong việc xây dựng Luật Cấp, thoát nước. Luật Cấp, thoát nước rất phù hợp với chủ trương mới trong xây dựng pháp luật là phạm vi cụ thể và không cần quá rộng. Thứ trưởng nhấn mạnh, Luật Cấp, thoát nước là luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, bên cạnh đó, còn tác động đến an ninh nguồn nước, chính vì vậy, với tư duy xây dựng pháp luật mới của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Thứ trưởng đề nghị cần cân nhắc thêm nội dung trong Luật nhằm kiến tạo phát triển và giải phóng nguồn lực để có cơ chế thu hút đầu tư đặc biệt và có cơ chế hỗ trợ cho người yếu thế, đồng bào vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn để người dân những vùng này có nước sạch phục vụ cho đời sống. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị cần đưa thêm một số quy định liên quan đến việc tuyên truyền tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước; cần quan tâm đến vấn đề xử lý nước thải; đơn giản hóa các thủ tục đầu tư dự án liên quan tới quy hoạch cấp, thoát nước./.
Hoàng Trung