Theo báo cáo tại cuộc họp, Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV vừa qua đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo và UBND TP Hà Nội nghiên cứu ý kiến của các đại biểu QH, ý kiến của cơ quan thẩm tra, đề xuất phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô để báo cáo Ủy ban Thường vụ QH. Đồng thời, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cử đại diện tham gia phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội trong việc nghiên cứu, đề xuất phương án và tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về một số nội dung của dự thảo Luật để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn, phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cũng đã chủ trì cuộc họp nghe các cơ quan báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các đại biểu QH tại Kỳ họp thứ 6. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch QH, nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Đoàn đại biểu QH, HĐND và UBND TP Hà Nội, các cơ quan hữu quan nghiên cứu ý kiến của các đại biểu QH, tổ chức các cuộc làm việc để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Qua đó, nhóm nghiên cứu đã rà soát, chỉnh lý và dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau chỉnh lý gồm 8 chương, 57 điều (tăng 1 chương, giảm 2 điều so với dự thảo Luật trình QH).
Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15) thì việc công nhận đô thị loại đặc biệt phải đáp ứng các tiêu chí, điều kiện nhất định và thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, việc dự thảo Luật quy định Thủ đô “là đô thị loại đặc biệt” là để ghi nhận thực tế hiện nay và để bảo đảm thực hiện ổn định các cơ chế, chính sách đang được áp dụng cho Hà Nội, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn. Đồng thời, Chính phủ và chính quyền TP Hà Nội cần tích cực rà soát, đánh giá, tập trung nguồn lực để đầu tư, phát triển, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nâng cao chất lượng đô thị theo Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Các đại biểu cũng đã thảo luận về một số nội dung lớn, quan trọng hoặc còn có ý kiến khác nhau trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) như về áp dụng Luật Thủ đô; về mô hình tổ chức chính quyền, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan; về phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND; về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô và các biện pháp bảo đảm quy hoạch; về quản lý, sử dụng đất đai và phát triển nhà ở; về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); về liên kết, phát triển vùng Thủ đô…; đồng thời thống nhất một số nội dung sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH và Đảng đoàn QH.
Tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nêu ý kiến với một số nội dung về vị trí, vai trò của Thủ đô; về thu nhập tăng thêm; về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, về phát triển nhà ở liên quan đến xây dựng lại nhà chung cư khi Hà Nội có số lượng nhà chung cư cũ nhiều nhất cả nước nhưng chưa có cơ chế để cải tạo, xây dựng lại… trên tinh thần cần quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô.
Trong đó, về quản lý không gian ngầm - một nội dung khó, liên quan đến nhiều lĩnh vực và được điều chỉnh ở nhiều luật khác nhau, cần có quy định nguyên tắc quản lý, sử dụng không gian ngầm, phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm. Về cơ chế tài chính, dự thảo Luật đã kế thừa, tiếp thu phát triển Nghị định số 63/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội…