Toàn cảnh phiên họp.
Tham dự phiên họp thẩm định có đại diện một số cơ quan: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước…
Tại phiên họp thẩm định, đại diện Bộ Công an báo cáo, qua 05 năm triển khai thực hiện, công tác thi hành án hình sự từng bước đi vào nền nếp, nghiêm minh, chặt chẽ, các quyền và chế độ của người chấp hành án hình sự được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và thể hiện được chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, bất cập cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, phù hợp với điều kiện, tình hình mới như:
Một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị trong công tác thi hành án hình sự trong Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bộc lộ khó khăn, vướng mắc, bất cập chưa đáp ứng yêu cầu công tác thi hành án thời gian qua dẫn đến hạn chế hiệu quả công tác này, ảnh hưởng đến quyền, chế độ của người chấp hành án và thân nhân; đồng thời, chưa đồng bộ với quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan gồm: (i) lực lượng Công an xã thời gian qua đã tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giám sát, giáo dục, quản lý người chấp hành án hình sự ngoài cộng đồng đạt hiệu quả tích cực; tuy nhiên, hiện nay, lực lượng Công an chính quy đã được bố trí tại tất cả các xã, thị trấn trên cả nước và đang tiếp tục được kiện toàn, nâng cao về số lượng và trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ở cơ sở nói chung, bảo đảm trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giám sát, giáo dục, quản lý người chấp hành án hình sự tại cộng đồng nói riêng nhưng chưa được giao chủ trì thực hiện quản lý, giáo dục, giám sát người chấp hành án hình sự ngoài cộng đồng; (ii) chưa có quy định thẩm quyền của trại tạm giam trong trích xuất người đang chấp hành hình phạt tù đang giam giữ tại trại tạm giam đi khám bệnh, chữa bệnh, trích xuất đối với người đang chấp hành hình phạt tù có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam, trại tạm giam đi tiêm chủng; chưa có quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong phối hợp với cơ quan thực hiện thủ tục khai tử để thực hiện khai tử đối với người đang chấp hành hình phạt tù chết và gửi trích lục khai tử cho cơ quan thực hiện thủ tục khai tử; (iii) chưa có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã, đơn vị quân đội trong quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; (iv) chưa quy định thẩm quyền của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong việc ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt người chấp hành án hình sự tại cộng đồng bỏ trốn; (v) chưa có quy định thẩm quyền thu thập thông tin sinh trắc học của người đang chấp hành án hình sự trong trường hợp chưa có thông tin để phục vụ công tác quản lý thi hành án hình sự và phòng, chống tội phạm…
Đại diện Bộ Công an phát biểu tại phiên họp.
Về quyền, nghĩa vụ và chế độ của người chấp hành án còn chưa thực sự đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan, một số quy định đã bộc lộ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện như: (i) chưa có quy định về thời gian thực hiện thăm gặp thân nhân, thời gian thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự bằng hình thức trực tuyến trong trường hợp dịch bệnh phức tạp; chưa có quy định về thời gian thực hiện thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự...; (ii) chưa có quy định đối với trường hợp người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù hết thời hạn hoãn, tạm đình chỉ với lý do bệnh nặng nhưng bệnh án hoặc kết luận giám định y khoa của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang điều trị, bệnh viện cấp quân khu xác định sức khoẻ của họ chưa phục hồi; (iii) Luật chưa đồng bộ với quy định Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; (iv) Luật chưa có quy định về thu thập thông tin về sinh trắc học của người chấp hành án trong trường hợp chưa có thông tin để phục vụ công tác quản lý thi hành án hình sự và phòng, chống tội phạm; (v) chưa có quy định về quyền của người đang chấp hành hình phạt tù được hiến mô, bộ phận cơ thể; (vi) quy định về chế độ của người đang chấp hành hình phạt tù (lao động, ăn, nhận quà, chăm sóc y tế, trích xuất, khen thưởng, xử lý vi phạm...) có một số hạn chế, bất cập; (vii) chưa có quy định về giải quyết trường hợp người chấp hành án hình sự ngoài cộng đồng có nguyện vọng làm việc, học tập ngoài nơi cư trú; (viii) chưa có quy định về nghĩa vụ của người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù...
Về phạm vi điều chỉnh của Luật cơ bản được giữ nguyên so với Luật Thi hành án hình sự năm 2019, trong đó, dự kiến sửa đổi 74/207 điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2019, bổ sung 09 điều; những quy định được sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; giải quyết những tồn tại, khó khăn trong thực tiễn hiện nay và đáp ứng yêu cầu công tác thi hành án hình sự trong thời gian tới.
Dự thảo Luật gồm 03 điều: Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung, thay thế cụm từ, bãi bỏ một số nội dung thuộc 74 điều của Luật thi hành án hình sự hiện hành và bổ sung 09 điều mới; Điều 2 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 68 Bộ luật Hình sự; Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã cho ý kiến về nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự như: (i) bổ sung thêm hai đối tượng là “mẹ kế” và “bố dượng” trong quy định tại dự thảo Luật về thân nhân của người chấp hành án hình sự để phù hợp Luật Hôn nhân và gia đình; (ii) rà soát các quy định của dự thảo Luật này với Luật Tư pháp người chưa thành niên để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các quy định về thi hành án phạt tù, thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên được quy định trong Luật Tư pháp người chưa thành niên và bãi bỏ các quy định về thi hành án phạt tù, thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người dưới 18 tuổi trong Luật Thi hình án hình sự; (iii) nghiên cứu quy định giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định số lượng người chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam phù hợp với đặc thù của quân đội và xây dựng cơ chế, quy định về việc điều chuyển phạm nhân chấp hành thi hành án giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng; (iv) làm rõ sự tương đồng về thông tin sinh trắc học của người chấp hành án phạt trong dự thảo Luật này và Luật Căn cước…
Thay mặt cho Hội đồng thẩm định, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ thẩm định của Bộ Công an đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định để sớm hoàn thiện dự thảo Luật theo quy định./.
Hoàng Trung