Toàn cảnh cuộc họp
Thay mặt thường trực Tổ biên tập, đồng chí Nguyễn Thắng Lợi, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp báo cáo khái quát những nội dung chính của dự thảo 3 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) (dự thảo Luật). Dự thảo Luật gồm 06 chương, 84 điều đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đối với công tác tư pháp, hoạt động thi hành án dân sự và 05 chính sách trong hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua với nội dung cơ bản sau: (i) thực hiện các chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đổi mới tư duy, quy trình xây dựng Luật: chỉ quy định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội trong dự thảo Luật; quy định những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm theo Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; (ii) quy định cơ cấu tổ chức phù hợp với chủ trương cải cách bộ máy, tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; (iii) đơn giản hóa thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thi hành án, bảo đảm quyền, lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân; (iv) tăng cường phân cấp, phân quyền; tiếp tục xã hội hóa hoạt động thi hành án; (v) khắc phục những tồn tại, hạn chế, sai phạm trong thi hành án dân sự từ kết quả tổng kết 15 năm thi hành Luật.
Đồng chí Nguyễn Thắng Lợi, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp phát biểu tại cuộc họp
Về những nội dung lược bỏ, Quyền Tổng cục trưởng cho biết, thực hiện yêu cầu đổi mới của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác xây dựng pháp luật, căn cứ quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, sau khi rà soát toàn bộ Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), dự thảo Luật đã lược bỏ những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và một số nội dung đã được quy định tại các luật khác. Bên cạnh đó, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng trong công tác tư pháp và thi hành án dân sự, nhất là yêu cầu về cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW), dự thảo Luật đã lược bỏ một số thủ tục về thi hành án.
Đại biểu trao đổi tại cuộc họp
Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo đã trao đổi, thảo luận và cho ý kiến vào nhiều nội dung của dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) như: trình tự, thủ tục về thỏa thuận thi hành án, thông báo thi hành án, đình chỉ thi hành án, một số khoản được ưu tiên thanh toán trước khi chi trả các nghĩa vụ khác theo bản án, khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng văn phòng thừa phát lại, thừa phát lại trong hoạt động thi hành án dân sự; thẩm quyền thi hành án ngoài địa bàn tỉnh nơi văn phòng thừa phát lại đặt trụ sở; phí dịch vụ thi hành án của thừa phát lại; giải quyết khiếu nại đối với hoạt động thi hành án của thừa phát lại; kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự của thừa phát lại... Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật phải bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đặt ra đối với công tác thi hành án dân sự.
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Trưởng Ban soạn thảo phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Trưởng Ban soạn thảo đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật, đồng thời cho biết, nội dung của dự thảo Luật phù hợp với yêu cầu đổi mới của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác xây dựng pháp luật, tuy nhiên, Tổ biên tập cần tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu điều chỉnh một số nội dung, chỉnh sửa kỹ thuật một số câu từ cho phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu kết luận cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đề nghị thường trực Tổ biên tập nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để thực hiện các thủ tục tiếp theo theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và Kế hoạch xây dựng Luật. Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) được xây dựng phải bám sát mục tiêu là thể chế hóa các chủ trương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự; rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí; xã hội hóa một số hoạt động thi hành án dân sự với cơ chế và lộ trình phù hợp; khắc phục những tồn tại, hạn chế từ thực tiễn công tác thi hành án dân sự như tình trạng tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án…
Thùy Dung