Toàn cảnh phiên họp
Phiên họp có sự tham gia của đồng chí Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật và Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Lê Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật và Tư pháp, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cùng các đồng chí đại diện Lãnh đạo các đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp.
Thực hiện nhiệm vụ theo quy định và phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 23/4/2025, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo Tờ trình số 216/TTr-CP ngày 16/4/2025 của Chính phủ.
Theo Chương trình Phiên họp thứ 44, sáng ngày 26/4/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
Do đó, chiều ngày 26/4/2025, Bộ Tư pháp đã thống nhất, tiếp tục chỉnh lý một số nội dung của dự thảo Luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định mới trong các luật được sửa đổi, bổ sung, ban hành tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội để các cơ quan sau sắp xếp vận hành thông suốt, hiệu quả.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung về hiệu lực của văn bản quy định chi tiết, quy định biện pháp cụ thể để tổ chức, hướng dẫn thi hành, theo đó, văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần do có văn bản quy phạm pháp luật khác thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì văn bản quy định chi tiết, quy định biện pháp cụ thể để tổ chức, hướng dẫn thi hành văn bản đó hết hiệu lực, trừ trường hợp được công bố tiếp tục có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần. Văn bản công bố là văn bản hành chính và được đăng tải trên công báo điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Quy định này nhằm giảm tải cho công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, quy định biện pháp cụ thể để tổ chức, hướng dẫn thi hành, bảo đảm tính ổn định trong áp dụng văn bản quy định chi tiết, không gây xáo trộn trong việc theo dõi, áp dụng văn bản.
Về thẩm quyền ban hành văn bản của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã, dự thảo Luật bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện thay thế bằng thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã; sửa đổi quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định về chính sách, biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương… Ngoài ra, về việc bổ sung nội dung phân cấp, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu để quy định phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi trong Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sắp tới.
Quy định hiệu lực về không gian, dự thảo Luật đã quy định rõ văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính cấp nào thì có hiệu lực trong phạm vi đơn vị hành chính cấp đó và phải được quy định cụ thể ngay trong văn bản đó. Trường hợp nhiều đơn vị hành chính được nhập thành một đơn vị hành chính mới cùng cấp thì Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính mới quyết định việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính được nhập hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính mới ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính để bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đơn vị hành chính được nhập.
Về định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, dự thảo Luật sửa đổi như sau: Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp với Chính phủ xây dựng Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, hoàn thành trước ngày 01/6 của năm đầu tiên nhiệm kỳ Quốc hội, để trình cơ quan có thẩm quyền của Đảng phê duyệt; Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình đề xuất nhiệm vụ lập pháp; Chủ tịch nước, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội gửi đề xuất nhiệm vụ lập pháp đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 01/5 của năm đầu tiên nhiệm kỳ Quốc hội để xem xét đưa vào Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tiếp tục trao đổi, góp ý để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về việc quy định văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, vấn đề phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp xã còn nhiều vướng mắc, cần bổ sung điều khoản chuyển tiếp để xử lý đối với văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp huyện trong việc tổ chức sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương theo 02 cấp…
Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục phối hợp với các đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ nghiên cứu, rà soát kỹ các ý kiến góp ý tại phiên họp để thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Song An