Toàn cảnh Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có: GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS. Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; TS. Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp; TS. Nguyễn Văn Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao và nhiều đại biểu đến từ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, trường đại học, tổ chức hành nghề luật.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Khuê, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cho biết, mục tiêu trọng tâm của Hội thảo nhằm thảo luận sâu rộng về các chính sách và định hướng then chốt, phục vụ cho quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. TS. Nguyễn Minh Khuê tin tưởng với sự tham gia tích cực, tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu tham dự, Hội thảo sẽ thành công tốt đẹp, đóng góp nhiều ý kiến có giá trị, làm cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc cho việc sửa đổi Bộ luật Hình sự trong thời gian tới.
Mở rộng nguồn của pháp luật hình sự là hướng đi tất yếu để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm
Trao đổi về vấn đề mở rộng nguồn của pháp luật hình sự tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc mở rộng nguồn của pháp luật hình sự có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao hiệu quả phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Theo quan điểm cải cách hiện nay, mở rộng nguồn của pháp luật hình sự đồng nghĩa với việc cho phép các quy định về tội phạm, hình phạt và trách nhiệm hình sự không chỉ tồn tại trong Bộ luật Hình sự mà còn có thể được thiết lập trong các văn bản quy phạm pháp luật khác, miễn là các văn bản đó mang tính chất điều chỉnh hình sự và có chứa đựng các quy định cụ thể về tội danh, biện pháp xử lý hình sự. Thực tiễn lập pháp cho thấy, nhiều luật chuyên ngành như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật An toàn thực phẩm... có thể chứa các quy phạm pháp luật hình sự nhằm xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tương ứng. Những quy phạm này, mặc dù không nằm trong Bộ luật Hình sự nhưng vẫn xác định rõ các hành vi phạm tội cũng như biện pháp xử lý hình sự kèm theo. Các quy định đó tạo nên một nguồn bổ sung của pháp luật hình sự được gọi là “luật hình sự phụ”. Bên cạnh đó, xu hướng hiện nay còn mở rộng nguồn của pháp luật hình sự thông qua việc xây dựng các đạo luật riêng lẻ quy định về những nhóm tội cụ thể hoặc chế định pháp lý đặc thù như chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Các đạo luật như vậy mặc dù tách biệt với Bộ luật Hình sự vẫn đóng vai trò là “luật hình sự đơn lẻ” góp phần hoàn thiện toàn diện khung khổ pháp luật hình sự quốc gia. Cả “luật hình sự phụ” và “luật hình sự đơn lẻ” hợp thành một hệ thống luật hình sự mở rộng, thường được gọi chung là “luật hình sự khác”. Việc mở rộng này là cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển của nền lập pháp hiện đại và có tính khả thi cao trong thực tiễn.
GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (trái) phát biểu tại Hội thảo.
Về những yêu cầu đặt ra khi mở rộng nguồn của pháp luật hình sự, GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, khi nguồn của pháp luật hình sự được mở rộng, việc tổ chức và xây dựng hệ thống các văn bản luật, đặc biệt là Bộ luật Hình sự và các đạo luật hình sự khác cần tuân thủ một số yêu cầu quan trọng sau: (i) phần chung của Bộ luật Hình sự phải tiếp tục giữ vai trò là nơi tập hợp tối đa các quy định cơ bản về tội phạm, hình phạt và trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, một số điều chỉnh là cần thiết để phù hợp với mô hình luật hình sự mở rộng; (ii) phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự không nhất thiết phải bao quát toàn bộ các tội danh và hình phạt như trước. Các đạo luật hình sự khác sẽ chia sẻ vai trò này, tạo nên một hệ thống phân tán nhưng liên thông; (iii) việc xây dựng các “luật hình sự phụ” và “luật hình sự đơn lẻ” cần bảo đảm tính kế thừa các nguyên tắc đã định hình trong Bộ luật Hình sự, đồng thời phát huy tính đặc thù và ổn định trong điều chỉnh pháp lý đối với các lĩnh vực chuyên ngành. Các đạo luật này, khi quy định về tội phạm, phải tuân thủ các nguyên tắc và quy phạm chung được thiết lập trong Bộ luật Hình sự. Tính thống nhất về nội dung và kỹ thuật lập pháp giữa Bộ luật Hình sự với “luật hình sự phụ” và “luật hình sự đơn lẻ” là yêu cầu bắt buộc. Điều đó đồng nghĩa rằng, các điều luật trong hệ thống luật hình sự khác phải bảo đảm cả về hình thức lẫn nội dung như được “tách ra” từ chính Bộ luật Hình sự.
Bất cập, hạn chế trong việc quy định tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” và “đã bị xử lý kỷ luật” là dấu hiệu định tội trong Bộ luật Hình sự
Tại Hội thảo, TS. Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, thực tiễn lập pháp hình sự Việt Nam cho thấy, dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” và “đã bị xử lý kỷ luật” không phải là quy định mới mà đã được sử dụng làm dấu hiệu định tội trong nhiều tội danh ngay từ các Bộ luật Hình sự trước đây và tiếp tục được duy trì trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, việc tiếp tục sử dụng các dấu hiệu này là căn cứ để định tội đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, cần được nhìn nhận một cách toàn diện và khách quan như: (i) không phù hợp với khái niệm tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự; (ii) không bảo đảm sự thống nhất trong chính sách xử lý đối với các hành vi vi phạm; (iii) không bảo đảm nguyên tắc một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần; (iv) không bảo đảm bình đẳng trong chính sách xử lý giữa các đối tượng vi phạm; (v) không bảo đảm tính thống nhất với pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
TS. Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp (phải) phát biểu tại Hội thảo.
Với những bất cập, hạn chế được nhận diện qua việc quy định tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị xử lý kỷ luật” là dấu hiệu định tội tại nhiều tội danh trong Bộ luật Hình sự, TS. Lê Thị Vân Anh đề xuất cần rà soát để loại bỏ toàn bộ quy định dấu hiệu nhân thân là tình tiết định tội tại các điều luật của Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể là tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính”, “đã bị xử lý kỷ luật” và “đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Việc Bộ luật Hình sự bỏ dấu hiệu nhân thân người phạm tội trong cấu thành cơ bản của tội phạm sẽ đáp ứng được mục tiêu “xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân” và góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo” mà Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra. Việc bỏ quy định dấu hiệu nhân thân là tình tiết định tội của nhiều tội danh trong Bộ luật Hình sự cũng đáp ứng được yêu cầu tránh hình sự hóa quan hệ hành chính.
Tuy nhiên, TS. Lê Thị Vân Anh nhấn mạnh, việc bỏ quy định dấu hiệu nhân thân là tình tiết định tội của nhiều tội danh trong Bộ luật Hình sự cần được nghiên cứu, thực hiện đồng bộ với những giải pháp khác nhau để vừa bảo đảm xử lý hành vi vi phạm phù hợp với mức độ nguy hiểm của hành vi, vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Cụ thể: (i) cần nghiên cứu quy định dấu hiệu nhân thân “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị xử lý kỷ luật” là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự của một số tội danh cụ thể; (ii) cần nâng cao hiệu quả trong việc xử lý vi phạm hành chính, trong đó tăng cường hơn nữa tính nghiêm minh trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm.
Giải pháp hoàn thiện pháp luật đối với tội phạm mua bán người và tội phạm rửa tiền trong Bộ luật Hình sự
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao đã chia sẻ về một số hạn chế, bất cập về tội phạm mua bán người và tội phạm về rửa tiền trong Bộ luật Hình sự.
Theo TS. Nguyễn Văn Tùng, tội phạm mua bán người hiện nay đang có xu hướng lợi dụng công nghệ cao, môi trường mạng để thực hiện hành vi phạm tội một cách ẩn danh và khó phát hiện. Các đường dây thường có sự liên kết với các loại tội phạm khác như di cư trái phép, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản… làm phức tạp thêm quá trình điều tra. Đáng chú ý, loại tội phạm này mang tính quốc tế hóa rất cao, không chỉ giới hạn trong khu vực Trung Quốc như trước đây mà đã lan rộng sang các quốc gia ASEAN, Trung Đông, châu Phi và châu Âu. Trong khi đó, thông tin và tài liệu để xác định nạn nhân thường hạn chế, không đầy đủ, gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ và xử lý hình sự. Một trong những trở ngại lớn là việc xử lý hình sự đối với những nạn nhân bị mua bán nhưng lại có hành vi vi phạm pháp luật như sử dụng giấy tờ giả, ở lại nước ngoài trái phép, đánh bạc, sử dụng ma túy... Bên cạnh đó, việc chứng minh mục đích và hành vi phạm tội trong các vụ án mua bán người, đặc biệt trong trường hợp môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài cũng là thách thức lớn cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Hoạt động thu thập chứng cứ điện tử và xác định nạn nhân khi họ không hợp tác hoặc vụ việc xảy ra ở nước ngoài càng làm tăng mức độ phức tạp. Tình trạng thiếu thống nhất trong xác định người bị hại, nhất là trong các vụ án chưa tìm được nạn nhân, cũng tạo ra những khoảng trống pháp lý đáng kể. Ngoài ra, các đối tượng phạm tội thường sử dụng tên giả, giấy tờ giả, sim rác, khiến việc điều tra trở nên khó khăn. Công tác quản lý xuất nhập cảnh, kiểm soát biên giới còn tồn tại nhiều sơ hở, đặc biệt tại các lối mòn, tiểu ngạch.
Đối với tội phạm rửa tiền, TS. Nguyễn Văn Tùng cho biết, tội phạm rửa tiền thường gắn với các loại tội phạm nguồn như tham nhũng, lừa đảo, tổ chức đánh bạc… và có mối liên hệ chằng chịt, diễn ra trong thời gian dài, liên quan đến nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp, đất đai. Đặc biệt, nhiều bị cáo có kiến thức chuyên môn cao, được bảo vệ bởi các luật sư giỏi và thu hút sự quan tâm lớn của truyền thông trong và ngoài nước đặt ra áp lực không nhỏ cho hoạt động xét xử. Việc xác định đồng phạm, phân hóa vai trò, định tội danh chính xác và áp dụng đúng quy định pháp luật là vấn đề không hề đơn giản. Không ít vụ án có yếu tố nước ngoài, đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp quốc tế. Điều này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do khác biệt về pháp luật, thủ tục, rào cản ngoại giao.
TS. Nguyễn Văn Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao (phải) phát biểu tại Hội thảo.
Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, TS. Nguyễn Văn Tùng đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật như sau:
Đối với các tội phạm mua bán người: (i) cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người, đặc biệt là quy định về xác định, giải cứu, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự cần bảo đảm sự thống nhất với Luật Phòng, chống mua bán người, đặc biệt về độ tuổi nạn nhân và khái niệm hành vi; (ii) ban hành nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về các tội liên quan đến mua bán người nhằm thống nhất nhận thức và thực tiễn xét xử.
Đối với tội phạm về rửa tiền: (i) cần tăng cường hợp tác quốc tế, đàm phán ký kết hiệp định về phòng, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; đẩy mạnh trao đổi thông tin tình báo, kinh nghiệm điều tra, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực; (ii) nâng cao năng lực điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản trong các vụ án rửa tiền, nhất là đối với tội phạm nguồn có nguy cơ cao, đồng thời triển khai quy trình điều tra tài chính song song với xử lý hình sự; (iii) rà soát lại phạm vi áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu tài sản quy định tại Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để phù hợp với tính chất nghiêm khắc của hình phạt, tránh lạm dụng; (iv) tăng cường trách nhiệm cơ quan điều tra trong kê khai tài sản, có cơ chế thanh tra, kiểm tra tài sản để Tòa án có căn cứ áp dụng hình phạt tịch thu; (v) ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết cấu thành tội phạm, hành vi khách quan của các tội liên quan đến rửa tiền nhằm bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo, dễ nhầm lẫn khi định tội danh; (vi) sửa đổi, bổ sung các nghị quyết hướng dẫn đã hết hiệu lực hoặc còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tiễn xét xử, để nâng cao hiệu quả áp dụng Bộ luật Hình sự trong bối cảnh mới.
TS. Nguyễn Minh Khuê, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý phát biểu bế mạc Hội thảo.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Khuê, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý trân trọng cảm ơn sự hiện diện và những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu tại Hội thảo. Hội thảo đã diễn ra sôi nổi, tập trung vào những vấn đề căn cơ và có ý nghĩa lớn trong lĩnh vực hình sự. TS. Nguyễn Minh Khuê thay mặt Ban tổ chức ghi nhận sâu sắc những ý kiến, những đề xuất giá trị mà các đại biểu đã đưa ra, bao gồm cả những vấn đề đang được Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý nghiên cứu và sẽ tiếp tục được làm rõ. Những kết quả nghiên cứu tại Hội thảo sẽ được đưa vào báo cáo tổng kết và trình cấp có thẩm quyền phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật hình sự trong thời gian tới./.
Hoàng Trung