Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, đồng chí Trần Văn Lợi, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giới thiệu những điểm mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và Nghị định số 78/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 78/2025/NĐ-CP).
Đồng chí Trần Văn Lợi, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Trần Văn Lợi cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 có nhiều điểm mới về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: (i) bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã để thể chế hóa ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 119-KL/TW ngày 20/01/2025 của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, đồng thời bảo đảm sự phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; (ii) thay đổi hình thức quyết định Tổng Kiểm toán nhà nước sang hình thức thông tư để bảo đảm tương đồng, thống nhất với hình thức văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành; (iii) bổ sung hình thức nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 bổ sung một số nguyên tắc quan trọng như: (i) bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc; kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phòng, chống lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; (ii) tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; (iii) bảo đảm việc thực hiện chủ trương phân quyền, phân cấp; kịp thời giải quyết vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn; vấn đề mới, xu hướng mới; yêu cầu quản lý nhà nước và khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị định số 78/2025/NĐ-CP có nhiều nội dung đổi mới căn bản trong quy trình xây dựng chính sách và soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, với một số điểm mới đáng chú ý như sau: (i) quy định cụ thể trách nhiệm tham vấn và lấy ý kiến các Bộ, ngành, trong đó, quy định cụ thể thành phần lấy ý kiến cố định là 06 bộ (Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp), đi kèm với yêu cầu trách nhiệm góp ý theo từng khía cạnh chuyên môn; (ii) bổ sung quy định nhằm nâng cao trách nhiệm, chất lượng thẩm định chính sách, điểm nổi bật là quy định rõ trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng thẩm định cả về nội dung và thời hạn gửi ý kiến, đồng thời gắn trách nhiệm cụ thể với từng Bộ về các tiêu chí đánh giá (quốc phòng, an ninh, nguồn lực…); (iii) bổ sung quy trình Chính phủ thông qua chính sách, trong đó quy định rõ quy trình họp Chính phủ, trách nhiệm giải trình của Bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo, phát biểu của Bộ Tư pháp và vai trò của Văn phòng Chính phủ.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính giới thiệu những quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, Nghị định số 79/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 79/2025/NĐ-CP)và Nghị định số 80/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 80/2025/NĐ-CP).
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hòe nhấn mạnh, Điều 63 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 quy định trách nhiệm tự kiểm tra văn bản của một số chủ thể mới so với trước đây, đó là: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc liên tịch ban hành; quy định cụ thể căn cứ thực hiện tự kiểm tra văn bản, kiểm tra văn bản theo thẩm quyền; quy định bổ sung và cụ thể đối tượng văn bản được kiểm tra: văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, văn bản hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.
Nghị định số 79/2025/NĐ-CP có một số điểm mới cơ bản như sau: sửa đổi, hoàn thiện các quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan, người ban hành văn bản được kiểm tra, chế độ báo cáo, kinh phí và các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; xác định rõ 02 hình thức xử lý văn bản trái pháp luật là đình chỉ việc thi hành văn bản và bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản (Điều 23 Nghị định số 79/2025/NĐ-CP), đồng thời dẫn chiếu việc xử lý theo quy định tại Nghị định số 78/2025/NĐ-CP; quy định hình thức xử lý văn bản trái pháp luật là văn bản hành chính để bảo đảm tính kịp thời trong xử lý văn bản trái pháp luật; bổ sung nguyên tắc kiểm tra văn bản: việc kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước (khoản 5 Điều 3 Nghị định số 79/2025/NĐ-CP) và các hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật (khoản 6 Điều 3 Nghị định số 79/2025/NĐ-CP).
Nghị định số 80/2025/NĐ-CP có một số điểm mới cơ bản như: quy định 05 nguyên tắc tổ chức thi hành pháp luật; quy định chi tiết trình tự, thời hạn thực hiện tiếp nhận và xử lý đề nghị, kiến nghị hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm đăng tải văn bản hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng, Trang thông tin điện tử của cơ quan hướng dẫn áp dụng hoặc trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; quy định cụ thể việc tiếp nhận và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc công khai kết quả hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng, Trang thông tin điện tử của cơ quan mình hoặc bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Đồng chí Lê Thị Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu về sự cần thiết xây dựng các văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế hiện nay, đồng chí Lê Thị Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính cho biết, để bảo đảm kịp thời tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, với mục tiêu “trong năm 2025 phải cơ bản tháo gỡ hết những rào cản, khó khăn, vướng mắc về thể chế” thì các cơ quan, Bộ, ngành cần phải chủ động, quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật. Trong bối cảnh hết sức khẩn trương và số lượng văn bản cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới rất nhiều, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, mâu thuẫn hoặc khoảng trống pháp lý, cần nghiên cứu áp dụng hình thức một văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản. Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đề xuất xây dựng các văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản trong các lĩnh vực: để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; để thực hiện các chủ trương, chính sách đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, cải cách thủ tục hành chính.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và góp ý một số vấn đề liên quan đến những điểm mới nổi bật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, Nghị định số 78/2025/NĐ-CP, Nghị định số 79/2025/NĐ-CP và Nghị định số 80/2025/NĐ-CP cũng như sự cần thiết xây dựng các văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Vụ trưởng Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phát biểu kết luận Hội nghị
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Vụ trưởng Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc tham gia góp ý và phối hợp trong quá trình trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là những nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị. Về thời hạn đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật, cần lưu ý đến thời hạn đăng tải theo quy định, trừ trường hợp các văn bản có liên quan đến các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác, một số lĩnh vực có quy định riêng về thời gian đăng tải cần thực hiện theo đúng quy định. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải có trách nhiệm truyền thông, phổ biến chính sách trong quá trình xây dựng soạn thảo và ban hành./.
Song An