Phát biểu khai mạc Lớp bồi dưỡng, ông Trần Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho biết, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật có vai trò quan trọng, ý nghĩa lớn trong việc đưa các quy định của pháp luật được thực thi hiệu quả trong đời sống xã hội, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong đời sống kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Lớp bồi dưỡng được tổ chức nhằm bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ này tại các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp; Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cục trưởng mong muốn, các đại biểu tham dự và các báo cáo viên sẽ cùng nhau trao đổi về kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc và phương hướng khắc phục.
Tại Lớp bồi dưỡng, các đại biểu tham dự được nghe các báo cáo viên chia sẻ về một số nội dung: (i) vấn đề chung về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; (ii) xem xét, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết và tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật; (iii) xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Trao đổi về trách nhiệm quản lý nhà nước về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, ông Trần Quốc Hoàn cho biết, trách nhiệm quản lý nhà nước về theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp được quy định tập trung trong Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp và Điều 15, 16 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 32/2020/NĐ-CP). Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Bộ Tư pháp có trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước và trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về theo dõi tình hình thi hành pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được quy định tại các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề này được quy định rõ tại Điều 16 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 32/2020/NĐ-CP) và một số điều khoản khác của Nghị định. Cụ thể: bộ, cơ quan ngang bộ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan thuộc Chính phủ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công. Tổ chức pháp chế ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công.
Tại địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công.
Trao đổi về nội dung “xem xét, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết và tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật”, ông Lê Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho biết, việc xem xét, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết cũng như việc xem xét, đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện ở tất cả các khâu đoạn trong chu trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật, từ khi văn bản được xây dựng, ban hành cho đến khi văn bản đó được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ. Bên cạnh đó, tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất là biểu hiện của nguyên tắc pháp quyền - một nguyên tắc hiến định. Tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật thể hiện tính hiệu quả cao nhất về kinh tế, chính trị, xã hội, tuy nhiên tính khả thi cũng phần nào hàm chứa biểu hiện của tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất. Sức sống và khả năng tồn tại của các văn bản quy phạm pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào tính khả thi của nó. Văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành chỉ có thể trở thành bộ phận hữu cơ của cơ chế điều chỉnh pháp luật và có hiệu quả khi nội dung và hình thức của chúng bảo đảm cả tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất và tính khả thi.
Trao đổi tại Lớp Bồi dưỡng, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho biết, xây dựng kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật có ý nghĩa quan trọng, giúp xác định mục tiêu cần đạt được của hoạt động và cách thức tổ chức, huy động các nguồn lực và tổ chức thực hiện các công việc để đạt được mục tiêu đề ra; giúp cơ quan, đơn vị sử dụng hiệu quả các nguồn lực thông qua việc lựa chọn phương án bố trí, sử dụng và phối hợp các nguồn lực một cách hợp lý và hiệu quả vào việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, giảm thiểu sự trùng lắp, chồng chéo, lãng phí; giúp xác định được trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ, từ đó giúp đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng chủ thể; là công cụ hỗ trợ hữu hiệu để kiểm soát, đánh giá tiến độ thực hiện, chất lượng và kết quả thực hiện công việc, giúp đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các mục tiêu; ghi nhận kết quả triển khai và thực hiện công tác quản lý nhà nước khi được đưa vào tiêu chí chấm điểm cải cách hành chính và trong việc đánh giá xếp loại Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với hoạt động xác định chỉ số cải cách hành chính, tuy không trực tiếp chấm điểm xây dựng kế hoạch, nhưng hoạt động xây dựng kế hoạch là căn cứ để chấm điểm việc thực hiện hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, do đó, người làm công tác theo dõi thi hành pháp luật cần tập trung, trú trọng vào xây dựng kế hoạch, sẽ là tiền đề để triển khai công tác này hiệu quả trên thực tiễn.
Cũng tại Lớp bồi dưỡng, các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được thực thi có hiệu quả như: (i) cần nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác tổ chức và theo dõi tình hình thi hành pháp luật; (ii) tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về lý luận đối với những vấn đề trực tiếp liên quan đến tổ chức thi hành pháp luật và đẩy mạnh hoàn thiện thể chế theo dõi tình hình thi hành pháp luật; (iii) tiếp tục kiện toàn và đổi mới về tổ chức, bộ máy, biên chế, tăng cường năng lực đội ngũ làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; (iv) đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Minh Trí