1. Đặt vấn đề
Một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp là đẩy mạnh công tác xã hội hóa thi hành án dân sự. Chế định Thừa phát lại được khôi phục với kỳ vọng tạo sự chuyển biến trong công tác thi hành án dân sự. Trên thực tế, hoạt động của Thừa phát lại đã góp phần quan trọng, trong việc giảm bớt án tồn đọng và số lượng công việc của các cơ quan thi hành án dân sự. Từ đó, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện nay về Thừa phát lại vẫn đang tồn tại một số hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, hoạt động của Thừa phát lại vẫn chưa thật sự hiệu quả.
Hiện nay, nhằm tạo điều kiện cho mọi cá nhân, tổ chức tham gia vào các hoạt động thi hành án dân sự, công tác xã hội hóa thi hành án dân sự vẫn đang diễn ra rất mạnh mẽ. Trong đó, để cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa thi hành án dân sự của Đảng và Nhà nước, chế định pháp luật về Thừa phát lại (thừa hành viên) đã được khôi phục. Các văn phòng Thừa phát lại được thành lập tại một số địa bàn và ngày càng mở rộng trên khắp cả nước, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thi hành án dân sự. Đồng thời, góp phần nhanh chóng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động hiện nay của Thừa phát lại vẫn đang gặp phải không ít khó khăn, hạn chế. Bởi vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu các quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động hiện nay của Thừa phát lại góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện luật về Thừa phát lại trong thời gian tới.
2. Bản chất và vai trò của Thừa phát lại trong thi hành án dân sự
Chế định Thừa phát lại đã hình thành, tồn tại ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến năm 1950 và sau đó còn tiếp tục tồn tại dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975)[1]. Tại Việt Nam, Thừa phát lại đã từng tồn tại dưới nhiều tên gọi như: “Chưởng Tòa (miền Bắc); Mõ Tòa (miền Trung) và Thừa phát lại (miền Nam)”[2]. Trong đó, “Thừa phát lại còn gọi lầm là Trưởng Tòa, tuy nhiên, đáng lẽ phải nói là Chưởng Tòa: chưởng là giữ, Huis là cửa, Huissier - người gác cửa, Chưởng Tòa - viên chức giữ cửa phòng xử”[3]. Xét về mặt lịch sử thì Thừa phát lại không xa lạ gì với người dân Việt Nam. Bởi vậy, năm 2009, Nhà nước chủ trương khôi phục lại chế định Thừa phát lại và tiến hành thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh[4]. Sau đó, năm 2012, tiếp tục thực hiện thí điểm và mở rộng việc thực hiện chế định Thừa phát lại ra một số tỉnh, thành phố trên cả nước[5]. Đến cuối năm 2015, Quốc hội khóa XIII chính thức thông qua Nghị quyết về việc chấm dứt thực hiện thí điểm và cho phép thực hiện chế định Thừa phát lại trên phạm vi cả nước kể từ ngày 01/01/2016[6].
Thừa phát lại là người đáp ứng đủ các điều kiện pháp luật để có thể hành nghề trong một số công việc thuộc lĩnh vực thi hành án dân sự. Thừa phát lại khá giống với luật sư khi mặc dù hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến pháp luật nhưng lại không thuộc biên chế của Nhà nước và được khách hàng lựa chọn thường dựa trên sự tín nhiệm, đồng thời chịu trách nhiệm trước khách hàng. Muốn được thực hiện các quyền hạn của mình, Thừa phát lại phải làm việc trong các văn phòng Thừa phát lại. Về bản chất thì tổ chức Thừa phát lại là tổ chức tư nhân, được thành lập theo quy định của pháp luật, để thực hiện một số công việc, nhiệm vụ về thi hành án dân sự. Hay nói cách khác, Thừa phát lại là tổ chức thi hành án dân sự tư nhân. Thừa phát lại là tổ chức xã hội - nghề nghiệp và hoạt động Thừa phát lại là hoạt động dịch vụ. Một tổ chức Thừa phát lại phải có các Thừa phát lại. Tổ chức Thừa phát lại thực hiện một số công việc, nhiệm vụ liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự trên cơ sở các quy định của pháp luật và phải chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong quá trình thực hiện các hoạt động thi hành án dân sự, Thừa phát lại vừa là đại diện cho Nhà nước thực hiện việc thi hành án dân sự nhưng cũng vừa đại diện cho chính đương sự, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Ngoài ra, chính vì tổ chức Thừa phát lại không phải là cơ quan, đơn vị thuộc biên chế Nhà nước, nên các Thừa phát lại đều không phải là công chức tư pháp, không hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước và hoạt động cũng không theo chế độ công vụ. Còn pháp luật thời kỳ trước tại Việt Nam quy định, “Thừa phát lại (huissier) thuộc một nghề tư pháp gọi là công lại (officiers ministériels) nghĩa là những nhân viên có độc quyền hành một nghề do chính phủ tổ chức và kiểm soát để giúp công lý, mở cho các người đủ điều kiện và năng lực chuyên môn nhưng không có quyền từ chối trợ hiệp mỗi khi dân chúng cần đến”[7]. Hiện nay, Thừa phát lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm khi có đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Đồng thời, Thừa phát lại hành nghề thông qua văn phòng Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại do Thừa phát lại thành lập. Theo quy định hiện nay, văn phòng Thừa phát lại do một Thừa phát lại thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân; văn phòng Thừa phát lại do hai Thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Trưởng văn phòng Thừa phát lại phải là Thừa phát lại[8].
Về vai trò của Thừa phát lại thì có thể thấy rằng, “hoạt động của tổ chức Thừa phát lại góp phần giảm bớt công việc của các cơ quan thi hành án dân sự và án tồn đọng từ đó, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức thi hành án dân sự”[9]. Với sự ra đời của Thừa phát lại, người dân có quyền lựa chọn dịch vụ thi hành án phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc thực thi bản án, quyết định của Tòa án một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời. Thừa phát lại được kỳ vọng như một lực lượng mới, có thể sẻ chia trách nhiệm với hệ thống cơ quan thi hành án hiện hành, gánh vác một phần trách nhiệm về tổ chức thi hành án[10]. Trên thực tế, thi hành án dân sự là một quá trình khó khăn, phức tạp bởi thường xuyên gặp phải sự chống đối, cản trở của người phải thi hành án cũng như từ phía gia đình của người phải thi hành án. Ngoài ra, các yếu tố như người phải thi hành án không có tài sản để thực hiện nghĩa vụ thi hành án của họ, đều gây khó khăn và làm kéo dài quá trình tổ chức thi hành án của các cơ quan thi hành án dân sự. Vì vậy, nhiều vụ việc thi hành án phải chờ đợi rất lâu mới có thể thi hành xong. Mặt khác, số lượng các tranh chấp phát sinh trong đời sống kinh tế, xã hội, ngày càng có xu hướng gia tăng, nên từ đó, nhu cầu thi hành án lại càng nặng nề hơn trước. Đối với cơ quan thi hành án dân sự, mặc dù các cơ quan này đã rất cố gắng nhưng cũng không thể đáp ứng kịp với yêu cầu, đòi hỏi của các đương sự có nhu cầu thi hành án. Việc cho phép Thừa phát lại tham gia một số hoạt động của thi hành án dân sự, có thể góp phần giúp cho quá trình thực hiện các bản án, quyết định được nhanh chóng và thuận tiện hơn. Thừa phát lại hưởng phí dịch vụ từ phía khách hàng, nên đòi hỏi phải chuyên tâm và luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó, quyền và lợi ích của khách hàng luôn được nhanh chóng thực hiện. Mặt khác, Thừa phát lại cũng góp phần giảm tải áp lực, công việc cho các cơ quan thi hành án dân sự. Bởi vậy, trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay thì Thừa phát lại được coi là một nội dung quan trọng[11].
3. Hoạt động của Thừa phát lại
Nhiệm vụ chính của Thừa phát lại là tổ chức thi hành án dân sự. Bên cạnh quyền hạn này và khác với các cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước, Thừa phát lại còn được pháp luật cho phép hoạt động trong một số lĩnh vực cụ thể của công tác thi hành án dân sự. Theo đó, hiện nay, Thừa phát lại được thực hiện các quyền hạn như: Tống đạt văn bản của cơ quan thi hành án dân sự và của Tòa án; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án dân sự; và trực tiếp thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự.
Đối với quyền hạn tống đạt văn bản của cơ quan thi hành án dân sự và của Tòa án: Về bản chất, tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của cơ quan thi hành án dân sự và của Tòa án, do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật. Văn phòng Thừa phát lại được quyền thỏa thuận để tống đạt văn bản của cơ quan thi hành án dân sự và của Tòa án trên địa bàn nơi đặt văn phòng Thừa phát lại. Các quy định về tống đạt được quy định từ Điều 21 đến Điều 24 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 và các khoản 6, 7 của Điều 2 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013. Trên thực tế, so với các hoạt động còn lại thì tống đạt và lập vi bằng, là hai hoạt động chủ yếu hiện nay của các văn phòng Thừa phát lại. Theo số liệu thống kê các văn phòng Thừa phát lại trên cả nước, “tính đến ngày 30/9/2015, trong các mảng công việc, hoạt động tống đạt chiếm tỷ trọng lớn với 939.544 văn bản được tống đạt và doanh thu gần 70 tỷ đồng (chiếm 51 % tổng doanh thu); kế đến là hoạt động lập vi bằng với 42.911 vi bằng được lập và doanh thu gần 59 tỷ đồng (chiếm 43 % tổng doanh thu). Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án chiếm tỷ trọng nhỏ với 885 việc xác minh và 378 vụ việc trực tiếp tổ chức thi hành án, doanh thu của 02 loại công việc trên mới đạt gần 8 tỷ đồng (chiếm 6% tổng doanh thu)”[12]. Hoạt động tống đạt được giao cho Thư ký Thừa phát lại tiến hành. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong công tác tống đạt cho thấy, “thủ tục tống đạt đối với Tòa án vẫn chưa có sự thống nhất về việc tống đạt, mỗi Tòa có một yêu cầu khác nhau cho cùng một trường hợp tống đạt, gây khó khăn rất nhiều cho Văn phòng Thừa phát lại khi thực hiện”[13].
Đối với quyền hạn lập vi bằng của Thừa phát lại: Đây là hoạt động “độc quyền” của riêng Thừa phát lại. Bởi hiện nay, pháp luật quy định chỉ Thừa phát lại mới có quyền lập vi bằng. Về bản chất thì vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Hay nói cách khác, vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Vì vậy, nội dung vi bằng thể hiện sự phong phú trên khá nhiều lĩnh vực khác nhau. Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ trường hợp các việc mà Thừa phát lại không được làm, các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, xâm phạm đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm; hoặc các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng, thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp hoặc các trường hợp khác do pháp luật quy định. Vi bằng sau khi được lập phải được đăng ký tại Sở Tư pháp thì mới được coi là hợp lệ. Các quy định về lập vi bằng của Thừa phát lại được quy định từ Điều 25 đến Điều 29 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và các khoản 8, 9 của Điều 2 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP. Trên thực tế, lập vi bằng là hoạt động chính và là nguồn thu chủ yếu của văn phòng Thừa phát lại. Tuy nhiên, khó khăn trong công tác lập vi bằng hiện nay chính là việc một số Sở Tư pháp “căn cứ vào Công văn số 1128/BTP-TCTHADS ngày 18/4/2014 của Bộ Tư pháp (về việc tổ chức thực hiện thí điểm Thừa phát lại) từ chối đăng ký các vi bằng có nội dung ghi nhận sự kiện các bên ký tên vào văn bản (hợp đồng, giao dịch không bắt buộc phải công chứng, hoặc các tờ khai, cam kết, xác nhận, trình bày…) với lý do là thuộc lĩnh vực công chứng, chứng thực. Thực chất, các văn phòng Thừa phát lại chỉ lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi, chứ không chứng nhận nội dung hợp đồng, giao dịch hay chứng thực chữ ký. Việc từ chối đăng ký một số vi bằng nêu trên, gây khó khăn rất nhiều cho các văn phòng Thừa phát lại trong quá trình hoạt động”[14].
Đối với hoạt động xác minh điều kiện thi hành án dân sự: Bản chất của xác minh điều kiện thi hành án chính là tìm kiếm thông tin liên quan đến điều kiện tài sản của đương sự. Thừa phát lại tiến hành xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của khách hàng. Bởi trong thi hành án dân sự, về nguyên tắc, người được thi hành án phải cung cấp cho cơ quan thi hành án dân sự các thông tin về điều kiện tài sản của người phải thi hành án. Khi xác minh điều kiện thi hành án, Thừa phát lại có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin tương tự thẩm quyền của chấp hành viên. Hiện nay, các quy định về xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại được quy định từ Điều 30 đến Điều 33 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và các khoản 10, 11 của Điều 2 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, công tác xác minh điều kiện thi hành án do Thừa phát lại tiến hành hiện đang gặp khá nhiều khó khăn, như có trường hợp, cơ quan thuế, các tổ chức tín dụng và một số cơ quan đăng ký tài sản từ chối cung cấp thông tin phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại. Các cơ quan này đưa ra lý do, luật chuyên ngành không quy định Thừa phát lại là đối tượng được cung cấp thông tin. Ngoài ra, cũng có khá nhiều trường hợp, các cơ quan này khi cung cấp thông tin thì thường cung cấp thông tin rất chậm trễ (hay xảy ra tại một số văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất). Hoặc có trường hợp, “nhiều cơ quan, tổ chức không hợp tác với Thừa phát lại trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án vì cho rằng Thừa phát lại không phải là cơ quan nhà nước”[15].
Đối với quyền hạn trực tiếp thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự: Căn cứ Điều 34 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và khoản 12 Điều 2 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP thì Thừa phát lại được quyền trực tiếp tổ chức thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự trong một số trường hợp do pháp luật quy định. Với quy định này, Thừa phát lại không được tổ chức thi hành các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án. Để thi hành án thì Thừa phát lại phải có những quyền hạn giống chấp hành viên. Mặc dù vậy, do đây là hoạt động phức tạp, dễ phát sinh nhiều hậu quả nghiêm trọng, nên pháp luật quy định Thừa phát lại chỉ có một số quyền hạn như của chấp hành viên[16]. Tuy nhiên, so với chấp hành viên thì một số quyền hạn mà Thừa phát lại không có gồm: Không được sử dụng các công cụ, hỗ trợ khi thi hành án, phải thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và Thừa phát lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thi hành những vụ việc cần huy động lực lượng tham gia cưỡng chế thì văn phòng Thừa phát lại phải lập kế hoạch cưỡng chế và gửi đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, để Thủ trưởng cơ quan thi hành dân sự xem xét, ra quyết định cưỡng chế thi hành án và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế thi hành án[17]. Trên thực tế, vấn đề này hiện đang gây khá nhiều khó khăn cho cả cơ quan thi hành án dân sự và Thừa phát lại. Bởi vẫn chưa có quy định pháp luật điều chỉnh về cơ chế chịu trách nhiệm hay hậu quả phát sinh trong quá trình giao Thừa phát lại thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế huy động lực lượng. Vấn đề này đã từng được báo chí phản ánh trong thời gian qua nhưng đến nay, vẫn chưa có quy định pháp luật điều chỉnh[18].
4. Một vài kiến nghị
Trước đây, đương sự chỉ có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành các bản án, quyết định thì nay, đương sự có thêm lựa chọn khi có thể yêu cầu văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án[19]. Có thể nói, hoạt động của tổ chức Thừa phát lại, đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự. Đồng thời, đây cũng là lực lượng trợ giúp các cơ quan thi hành án dân sự, trong quá trình tổ chức các hoạt động thi hành án dân sự. Tuy nhiên, hoạt động thi hành án dân sự của Thừa phát lại hiện đang gặp không ít khó khăn, hạn chế. Một phần xuất phát từ các quy định của pháp luật về Thừa phát lại vẫn chưa thực sự đầy đủ, hoàn thiện. Chính vì vậy, để hoạt động thi hành án dân sự của Thừa phát lại được hiệu quả hơn, cần thiết xem xét các giải pháp sau:
Thứ nhất, đối với công tác tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng của Thừa phát lại: Sau một thời gian thực hiện cho thấy, vai trò của Thừa phát lại trong tổ chức thi hành các bản án, quyết định khá mờ nhạt. Trên thực tế, quá trình tổ chức thi hành án thường rất khó khăn, phức tạp và nhiều khi gặp sự chống đối quyết liệt của chủ thể phải thi hành án. Để có thể thi hành được thì trong nhiều vụ việc, buộc Thừa phát lại phải tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì pháp luật quy định văn phòng Thừa phát lại phải lập kế hoạch và gửi đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự để xem xét, ra quyết định cưỡng chế thi hành án và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế thi hành án. Nói cách khác, Thừa phát lại chưa có quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Đây lại chính là vấn đề phát sinh vướng mắc, bởi hiện chưa có quy định pháp luật nào liên quan đến vấn đề giải quyết hậu quả phát sinh hay cơ chế chịu trách nhiệm khi Thừa phát lại thực hiện tổ chức thi hành án sử dụng lực lượng tham gia cưỡng chế. Bởi văn phòng Thừa phát lại bản chất là thi hành án dân sự mang tính tư nhân. Nên nếu phát sinh hậu quả khi tổ chức cưỡng chế thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự có phải chịu trách nhiệm cùng với Thừa phát lại hay không? Vì chính cơ quan thi hành án dân sự lại là nơi phê duyệt kế hoạch cưỡng chế thi hành án của Thừa phát lại. Bởi vậy, trên thực tế, cơ quan thi hành án dân sự thường khá e ngại khi quyết định phê duyệt kế hoạch cưỡng chế thi hành án để cho phép Thừa phát lại đứng ra tổ chức thi hành. Đây là sự khó khăn, bất cập, rào cản trong công tác tổ chức thi hành án có sử dụng lực lượng tham gia cưỡng chế của Thừa phát lại.
Trước đây, có quan điểm cho rằng, để thực hiện triệt để chủ trương xã hội hóa thi hành án mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, đồng thời tạo sự bình đẳng giữa chấp hành viên và Thừa phát lại và bảo đảm cho hoạt động của Thừa phát lại có hiệu quả thì Thừa phát lại cần phải có đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn giống như chấp hành viên, kể cả việc ra quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự[20]. Mặt khác, Thừa phát lại cũng giống như luật sư vì đều là các hoạt động độc lập, hành nghề tự do và tự chịu trách nhiệm nên họ có thể tự mình đảm nhiệm công việc tham gia. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, để Thừa phát lại thực hiện tốt chức năng tổ chức thi hành án trong trường hợp cưỡng chế huy động lực lượng thì cần thiết phải xây dựng những quy định pháp lý riêng cho Thừa phát lại. Trong quá trình xây dựng luật về Thừa phát lại thì cần thiết nghiên cứu quy định theo hướng cho phép văn phòng Thừa phát lại tự tổ chức thi hành án và tự huy động lực lượng tham gia cưỡng chế. Theo đó, trưởng văn phòng Thừa phát lại có quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành án và nếu phát sinh hậu quả thì trưởng văn phòng Thừa phát lại và Thừa phát lại chịu trách nhiệm tổ chức thi hành án sẽ phải cùng chịu trách nhiệm. Có như vậy, hoạt động tổ chức thi hành án dân sự của Thừa phát lại mới đơn giản và nhanh chóng được thực hiện. Qua đó, kịp thời bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự. Đồng thời, còn góp phần “xóa bỏ sự lệ thuộc của văn phòng Thừa phát lại đối với cơ quan thi hành án dân sự”[21].
Thứ hai, đối với công tác ủy thác giữa các văn phòng Thừa phát lại. Hiện nay, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, chỉ quy định ủy thác thi hành án giữa các cơ quan thi hành án dân sự với nhau[22]. Đồng thời, các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của Thừa phát lại hiện nay, cũng chưa có quy định về ủy thác giữa các văn phòng Thừa phát lại. Điều này gây khá nhiều khó khăn cho các văn phòng Thừa phát lại. Bởi trên thực tế, nhiều trường hợp, các văn phòng Thừa phát lại cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, để thực hiện được vụ việc đang tiến hành thi hành án. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, để tổ chức tốt các hoạt động thi hành án dân sự của văn phòng Thừa phát lại trên khắp cả nước thì về lâu dài, nên xây dựng quy định về cơ chế ủy thác giữa các văn phòng Thừa phát lại với nhau trên cơ sở thỏa thuận, hợp tác giữa các văn phòng này. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả thi hành án của Thừa phát lại và cũng đồng thời giảm bớt một phần việc cho các cơ quan thi hành án dân sự thì cần có cơ chế ủy thác thi hành án từ cơ quan thi hành án dân sự cho văn phòng Thừa phát lại hoặc ngược lại. Cơ sở của việc ủy thác có thể dựa trên yêu cầu của người được thi hành án hoặc theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự. Thiết nghĩ, với xu hướng phát triển của các văn phòng Thừa phát lại trong thời gian tới thì việc quy định cơ chế ủy thác càng trở nên cấp bách và quan trọng.
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
[1]. Học viện Tư pháp (2010), Giáo trình Kỹ năng thi hành án dân sự (phần chung), Nxb. Tư pháp, tr. 13.
[2]. Tổng cục Thi hành án dân sự (2010), Sổ tay Thừa phát lại, Nxb. Thời đại, tr. 18.
[3]. Nguyên Huy Đấu (1962), Luật Dân sự tố tụng Việt Nam, xuất bản dưới sự bảo trợ của Bộ Tư pháp, tr. 213.
[4]. Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 19/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh”.
[5]. Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.
[6]. Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 về thực hiện chế định Thừa phát lại.
[7]. Nguyên Huy Đấu (1962), Luật Dân sự tố tụng Việt Nam, sđd, tr. 212.
[8]. Khoản 3 và khoản 4 Điều 1 Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 19/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh”.
[9]. Trường Đại học Luật Hà Nội (2013), Giáo trình Luật Thi hành án dân sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, tr. 110.
[10]. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (2016), Thực tiễn hoạt động Thừa phát lại quận Bình Thạnh, nguồn truy cập: http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=124 , ngày 19/12/2016.
[11]. Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh (2015), Nghị quyết 107/2015/QH13 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại - một nội dung quan trọng trong Chiến lược cải cách tư pháp, nguồn truy cập: http://www.sotuphap.hochiminhcity.gov.vn/to-chuc-hanh-nghe-cc/Lists/Posts/Post.aspx?List=083510bd-ad39-4456-867f-91341c25f78f&ID=142 ,ngày 19/10/2016.
[12]. Báo cáo số 538/BC-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ về “Tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội”, tr. 9.
[13]. Tạp chí Dân chủ và pháp luật (2016), Thực tiễn hoạt động Thừa phát lại quận Bình Thạnh,.
[14]. Tạp chí Dân chủ và pháp luật (2016), Thực tiễn hoạt động Thừa phát lại quận Bình Thạnh.
[15]. Báo điện tử Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (2015), Tăng quyền thi hành án cho Thừa phát lại, nguồn: http://plo.vn/phap-luat/tang-yen-thi-hanh-an-cho-thua-phat-lai-578498.html , truy cập 19/10/2016.
[16]. Điều 20 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
[17]. Khoản 1 Điều 40 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.
[18]. Báo điện tử Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (2015), Tăng quyền thi hành án cho Thừa phát lại.
[19]. Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.
[20]. Trường Đại học Luật Hà Nội (2013), Giáo trình Luật thi hành án dân sự Việt Nam, tr. 111- 112.
[21]. Phạm Phúc Thịnh (2014), Thừa phát lại trong thi hành án dân sự, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 86.
[22]. Các điều 55, 56 và 57 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và Điều 16 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.