Sau những phút giây hân hoan của đông đảo người dân, (vì như vậy, không xây một sân lòng chảo đua xe đạp thì số tiền đó có thể làm được hơn 7.000 chiếc cầu treo cho những vùng xa xôi hẻo lánh), nhưng hệ lụy của việc rút đăng cai cần được bàn đến, chẳng hạn Việt Nam có thể bị phạt đến 1 triệu đôla. Ở một chiều hướng khác, chưa từng có tiền lệ, TS. Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã lên tiếng yêu cầu phải xử lý nghiêm khắc những người có trách nhiệm đã tham mưu cho Chính phủ vận động và khởi động chiến dịch đăng cai tốn kém này và để lại hậu quả xấu. Đây chính là dịp để xem xét, đo đếm cái tâm và cái tầm của cán bộ lãnh đạo cấp bộ trưởng.
Cũng liên quan đến cái tâm và cái tầm của cán bộ lãnh đạo, một sự kiện phủ bóng u ám lên tiết Thanh minh trong sáng là hàng trăm trẻ em chết vì bệnh sởi mà các động thái của Bộ Y tế tỏ ra hết sức thụ động, nhiều ý kiến đòi Bộ trưởng Bộ Y tế nên từ chức. Sự kiện này cũng xuất hiện vai trò của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thông qua thông tin trên mạng, ông biết những gì đang xảy ra tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ông lập tức đến kiểm tra tình hình và sau đó thì người đứng đầu của Ngành Y tế mới xuất hiện với phát ngôn nổi tiếng: “Ở địa vị chúng tôi mà có con cháu mắc sởi, không bao giờ dại cho vào đây”. Rất nhiều bà mẹ đã dại mà không biết mình dại (vì khuyến cáo của bà Bộ trưởng đưa ra quá muộn), đưa con vào đây để vĩnh viễn giã biệt con ở đó! Việc không công bố dịch sởi là theo luật thì thẩm quyền đó thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chứ Ngành Y tế không liên quan. Dư luận lại càng phẫn nộ hơn khi biết rằng, cam kết của Ngành Y tế với Chính phủ và với quốc tế thông qua Chương trình mục tiêu Y tế năm 2012 – 2015 với chi phí là 13.000 tỷ đồng, trong đó có việc “loại trừ bệnh sởi vào năm 2012 và giảm tỷ lệ dưới 1/1.000.000 người mắc bệnh”. Về dịch sởi này, rất lạ là không một vị đại biểu Quốc hội nào lên tiếng xem cách hành xử của Bộ Y tế đã đúng chưa, mà chỉ có tiếng kêu gào phẫn nộ hoặc ai oán từ các cơ quan truyền thông.
Lại thêm một minh chứng nữa cho cái tâm và cái tầm của cán bộ lãnh đạo, ấy là khi dự án thay mới sách giáo khoa với kinh phí 34.000 tỷ đồng. Dư luận phản đối ầm ầm vì cái giá quá đắt cho một sự cải cách chưa biết hiệu quả ra sao, cho rằng đó là một hành vi đốt tiền của Nhà nước. Trấn an dư luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng đàn và tự bản thân ông cũng cho rằng con số này là “phi lý”, do cấp dưới dự toán mà thôi, không có chuyện ấy trong văn bản gửi Chính phủ để trình ra Quốc hội, đáng tiếc là trong cuộc họp xuất hiện con số ấy, ông đang bận công tác nước ngoài nên không có mặt và không biết(?!). Chương trình đổi mới sách giáo khoa mà Bộ trưởng ví như “một trận đánh lớn” chưa kịp xuất binh đã có nguy cơ vỡ trận, vì vị “tư lệnh ngành” không nắm chắc được diễn biến và hành xử của “kiêu binh” cấp dưới!
Não trạng của những người quản lý hành chính của nước ta là có việc gì dù lớn hay nhỏ, phức tạp và vướng mắc đều trình và đợi xin ý kiến của Thủ tướng. Những việc lớn, tày trời như thế này rất cần đến quyết định của Thủ tướng, như là Thủ tướng đã quyết định việc ngừng đăng cai ASIAD vừa qua.
Bình Sơn