Tại buổi làm việc, thay mặt Tiểu ban Truyền thông, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam đã báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch hoạt động hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI tập trung vào 13 nhiệm vụ, bao gồm: (i) Việc xây dựng và triển khai Kế hoạch truyền thông; (ii) Tổ chức Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất; (iii) Chương trình Vinh danh “Gương sáng pháp luật” lần thứ 3 năm 2025; (iv) Biên soạn Sách “Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp Việt Nam” giai đoạn từ năm 2016 - 2025; (v) Tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ thống pháp luật Việt Nam - 80 năm xây dựng và hoàn thiện”; (vi) Xây dựng các văn kiện phục vụ tổ chức Lễ Kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam; (vii) Xây dựng chuyên mục hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI; (viii) Biên soạn Sách điện tử “Ngành Tư pháp Việt Nam - 80 năm xây dựng và trưởng thành”; (ix) Tổ chức triển lãm tư liệu, hiện vật công tác tư pháp và thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; (x) Xuất bản Tạp chí chuyên đề về ngành Tư pháp Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025; (xi) Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu trực tuyến về ngành Tư pháp; (xii) Cập nhật tư liệu, nghiên cứu chuyển đổi số Phòng Truyền thống Bộ Tư pháp; (xiii) Thiết kế, xây dựng banner, chỉnh lý, bổ sung mới một số chuyên mục.
Trên cơ sở nội dung báo cáo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, góp ý đối với từng nhiệm vụ, đề nghị Tiểu ban Truyền thông nghiên cứu như: Cần “nâng cấp” một số nội dung trong nhiệm vụ “Xây dựng và triển khai Kế hoạch truyền thông” do còn mang tính nội bộ, chưa bao phủ được toàn ngành Tư pháp; nghiên cứu, bổ sung đối với nội dung về “tăng cường lòng yêu ngành, yêu nghề trong cán bộ, công chức, viên chức của ngành Tư pháp” vào mục đích của Kế hoạch truyền thông; ngoài các cơ quan báo chí thuộc Bộ Tư pháp, cần bổ sung một số cơ quan báo chí khác vào nội dung đơn vị phối hợp; cần điều chỉnh những nội dung liên quan đến thiết kế logo, băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền... về Hội thi trong Kế hoạch truyền thông để phù hợp đối với tuyên truyền, phổ biến trực tuyến; cần bổ sung đội ngũ hòa giải viên cơ sở là đối tượng được biểu dương, tôn vinh trong chuyên mục “Gương sáng pháp luật”...
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao sự chuẩn bị lỹ lưỡng, trách nhiệm của Tiểu ban Truyền thông trong việc xây dựng Kế hoạch hoạt động hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI. Bên cạnh đó, Tiểu ban Truyền thông cũng cần lưu ý một số nội dung trước khi trình xin ý kiến của Bộ trưởng như: Việc xây dựng Báo cáo phải cô đọng, xúc tích, đầy đủ, rõ ràng các nội dung; cần bổ sung phụ lục về việc triển khai cụ thể các nội dung liên quan đến hoạt động truyền thông; nội dung xin ý kiến cần tập trung vào Kế hoạch của Tiểu ban, việc thành lập Ban Tổ chức giải báo chí, tổ chức Lễ phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp gắn với hưởng ứng ngày pháp luật... Đối với nội dung Kế hoạch truyền thông, Thứ trưởng yêu cầu Tiểu ban Truyền thông rà soát, chỉnh sửa các lỗi về thể thức, từ ngữ, lưu ý về thời gian, thành phần Ban Tổ chức giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp; bổ sung các hoạt động thông tin truyền thông của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành Tư pháp; cân nhắc sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ bảo đảm tính hợp lý; rà soát, bổ sung cụm từ “hướng tới” vào trước “Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI”; làm rõ vai trò, trách nhiệm của các đơn vị chủ trì, phối hợp tổ chức kế hoạch và nguồn lực thực hiện...
Thùy Dung