Toàn cảnh phiên họp
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo về sự cần thiết phải xây dựng Luật. Theo đó, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008, là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Qua hơn 17 năm thực hiện, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được xây dựng với bố cục gồm 04 điều và được đánh giá tác động đối với 04 nhóm chính sách gồm: (i) Chính sách 1: đổi mới việc xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa; (ii) Chính sách 2: ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Chính sách 3: phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; (iv) Chính sách 4: tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Trao đổi về nội dung dự thảo Luật, đại diện Bộ Công Thương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu một số nội dung sau: bổ sung khái niệm và phân loại hàng hóa là điện và năng lượng được giao dịch trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam; xem xét, bổ sung nội dung về đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng các chuyên gia giám sát chất lượng điện năng và giám sát thị trường điện vào điểm b khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật; xem xét, bổ sung nội dung về tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về các sản phẩm hướng đến chuyển dịch năng lượng, tiêu dùng điện sạch và mua sắm, đầu tư công nghệ cho phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo vào điểm c khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật; cân nhắc bổ sung thêm đánh giá về khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quy định về mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong việc cắt giảm thủ tục hành chính tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài.
Đại diện Bộ Quốc phòng phát biểu tại phiên họp
Trao đổi về danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, sản phẩm, hàng hóa đặc thù quân sự, quốc phòng là hàng hóa nhóm 2 gồm: tổ hợp vũ khí, vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ... có khả năng gây mất an toàn chỉ nhằm mục đích phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và không kinh doanh trên thị trường, mặt khác, sản phẩm, hàng hóa đặc thù quân sự, quốc phòng đều thuộc bí mật nhà nước, bí mật quân sự, do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung “trừ danh mục sản phẩm, hàng hóa do Bộ Quốc phòng quản lý” vào điểm b khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật.
Đại diện Bộ Công an cho biết, tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định về khái niệm sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 trên cơ sở xác định khả năng gây mất an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường, an toàn, bảo mật thông tin. Tuy nhiên, đối với những loại sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 mà Bộ Công an đang được giao trách nhiệm quản lý như thiết bị phòng cháy, chữa cháy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cũng có khả năng gây mất an ninh, trật tự. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý điểm c, điểm d khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật theo hướng bổ sung cụm từ “an ninh, trật tự” vào trước cụm từ “an toàn” để bảo đảm quy định bao quát các yếu tố có thể bị tác động bởi sản phẩm, hàng hóa.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, điểm đ khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật quy định: “chất lượng sản phẩm, hàng hóa là mức độ của các đặc tính, an toàn, kiểm dịch của sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng”. Theo đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ nghĩa cụm từ “an toàn” và xác định cụm từ này có bao gồm “an toàn thực phẩm” không, vì lĩnh vực an toàn thực phẩm đã được điều chỉnh bởi luật chuyên ngành.
Đồng chí Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo và ý kiến đóng góp của các bộ, ngành. Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại nội dung dự thảo Luật bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ các nội dung và chính sách đã thông qua; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, chuyên gia, người làm thực tiễn rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Thùy Dung