1. Khái quát về pháp nhân
Pháp nhân là một thực thể pháp lý được pháp luật thừa nhận về khả năng thụ hưởng các quyền năng và buộc gánh chịu những nghĩa vụ, đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử. Nhu cầu tạo ra thực thể pháp lý có tư cách chủ thể độc lập với thể nhân là một tất yếu đối với các hệ thống pháp luật. Jean Claude Ricci, Harold Arthur Jonh Ford đã làm rõ rằng: “Việc hình thành pháp nhân làm cho đời sống pháp luật được đơn giản hóa. Pháp nhân cho phép đơn giản hóa pháp luật. Chúng ta hãy đặt giả thiết là không có pháp nhân mà chỉ có các thể nhân. Khi đó, mỗi thể nhân thành viên đều sẽ phải tham gia vào việc ký kết các giao dịch pháp lý. Hậu quả sẽ rất phức tạp; việc hình thành pháp nhân làm cho đời sống pháp luật được ổn định lâu dài. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng. Người ta thường hay nói rằng, pháp nhân không gặp phải những thay đổi bất ngờ như thể nhân. Thời gian tồn tại của một pháp nhân thường dài hơn cuộc sống của một con người. Và hoạt động của pháp nhân có thể kéo dài, thậm chí rất dài. Pháp nhân không bị ảnh hưởng bởi những biến cố xảy ra đối với thành viên của nó”[1].
Trong bất kỳ hệ thống pháp luật hoàn chỉnh nào cũng có có nhu cầu tạo ra thực thể pháp lý, có thể thụ hưởng các quyền và chịu nghĩa vụ cơ bản giống như con người, thực thể đó được gọi là pháp nhân[2]. Ở Việt Nam, có lẽ pháp nhân được biết đến đầu tiên là khi người Pháp và người Tây Ban Nha được phép kinh doanh tại Việt Nam trên cơ sở Hòa ước năm Nhâm Tuất do nhà Nguyễn, Pháp và Tây Ban Nha ký ngày 09/5/1862, Bộ luật Thương mại (1807), Luật công ty TNHH (1925) của Pháp được các Tòa án Nam kỳ và Tòa án Pháp ở các thành phố thuộc địa áp dụng trực tiếp. Năm 1931, chúng ta có Bộ Dân luật Bắc Kỳ quy định về pháp nhân và đến năm 1975, Nghị định số 54-CP ngày 10/3/1975 của Hội đồng Chính phủ quy định tư cách pháp nhân của các bên ký kết hợp đồng kinh tế.
Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành không có định nghĩa về pháp nhân, mà chỉ đưa ra các điều kiện để công nhận pháp nhân. Về cơ bản, Bộ luật Dân sự năm 1995, năm 2005 và năm 2015 đều không có sự khác biệt lớn về điều kiện công nhận pháp nhân. Khi tham gia các hội thảo góp ý xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015, đã có ý kiến cho rằng: “Chưa có một tài liệu thống kê hay công trình nghiên cứu nào cho thấy, thực tiễn có việc áp dụng điều kiện công nhận pháp nhân theo Bộ luật Dân sự, các quy định về điều kiện công nhận pháp nhân theo Bộ luật Dân sự năm 1995 và năm 2005 có lẽ chưa một lần được áp dụng. Bởi vì, tổ chức nào là pháp nhân thì đã được luật chuyên ngành quy định trực tiếp, không ai căn cứ các điều kiện do Bộ luật Dân sự quy định để bác bỏ hoặc đề nghị công nhận tư cách pháp nhân”. Điều này cho thấy, quy định về điều kiện công nhận pháp nhân theo pháp luật hiện hành chỉ mang tính hiệu lực trên giấy.
Về bản chất pháp lý, pháp nhân được tạo lập nên bởi ý chí của thành viên. Pháp luật của một số nước cũng ghi nhận điều này khi quy định về công ty. Ví dụ: Ở Pháp, trừ công ty do một người thành lập, các công ty khác đều được thành lập trên cơ sở ý chí của thành viên, “công ty do hai hay nhiều người thành lập trên cơ sở thỏa thuận bằng hợp đồng về việc đóng góp, sử dụng tài sản hoặc công sức của họ vào hoạt động kinh doanh chung nhằm chia lãi hoặc thu lợi”[3]; Điều 2247 Bộ luật Dân sự của Italia cũng quy định: Thông qua hợp đồng công ty, hai hay nhiều người góp tài sản hay dịch vụ nhằm thực hiện chung một hoạt động kinh tế với mục đích chia sẻ lợi nhuận kiếm được từ hoạt động đó.
Với bản chất pháp lý như trên, pháp nhân phải được chấm dứt bởi ý chí của thành viên hoặc các thành viên. Đây là quyền tự do kinh doanh, một quyền cơ bản được ghi nhận ở hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, tự do ý chí trong xã hội được quản lý bằng pháp luật thì phải trong khuôn khổ những chuẩn mực đã được thừa nhận và áp dụng trên thực tế. Hơn nữa, những người tạo lập pháp nhân cũng có nhu cầu bảo hộ bởi pháp luật, nên việc pháp luật can thiệp để buộc pháp nhân phải chấm dứt khi có những căn cứ pháp luật nhất định là một tất yếu khách quan. Vậy, Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2105 đã quy định về chấm dứt pháp nhân như thế nào?
2. Chấm dứt pháp nhân
Theo Báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia dự thảo Bộ luật Dân sự của Văn phòng Quốc hội: “Có ý kiến cho rằng, thời điểm chấm dứt tư cách pháp nhân phải là thời điểm sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký chấm dứt pháp nhân và có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận”[4]. Quan điểm này phần nào được tiếp thu khi Điều 96 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về chấm dứt tồn tại pháp nhân: “(1) Pháp nhân chấm dứt tồn tại trong trường hợp sau đây: (a) Hợp nhất, sáp nhập, chia, chuyển đổi hình thức, giải thể pháp nhân theo quy định tại các Điều 88, 89, 90, 92 và 93 của Bộ luật Dân sự; (b) Bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản; (2) Pháp nhân chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm xóa tên trong sổ đăng ký pháp nhân hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (3) Khi pháp nhân chấm dứt tồn tại, tài sản của pháp nhân được giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự, quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Quy định này được đưa ra với cách thức liệt kê các trường hợp, không phản ánh chính xác bản chất pháp lý của chấm dứt pháp nhân. Cụ thể, nhà làm luật liệt kê 6 trường hợp chấm dứt pháp nhân, bao gồm: Hợp nhất, sáp nhập, chia, chuyển đổi hình thức, giải thể và bị tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, pháp nhân là thực thể pháp lý, có đời sống pháp luật ổn định và lâu dài, không bị ảnh hưởng bởi những biến cố xảy ra đối với thành viên của nó. Hơn nữa, tư cách pháp nhân được thể hiện bởi kết cấu pháp lý, do vậy, khi thay đổi vỏ bọc vật chất hay chia tách vỏ bọc đó nó cũng không bị ảnh hưởng. Những đặc điểm này cho thấy, các trường hợp chấm dứt pháp nhân được liệt kê nêu trên có nhiều vấn đề phải làm rõ:
Thứ nhất, đối với trường hợp chuyển đổi hình thức pháp nhân
Chuyển đổi hình thức pháp nhân, về bản chất không phải là thành lập lại pháp nhân trên cơ sở pháp nhân được chuyển đổi. Tức là trước và sau khi chuyển đổi nó vẫn là pháp nhân đó. Pháp nhân chuyển đổi với hình thức kết cấu mới, nhưng sản nghiệp không thay đổi. Hơn nữa, pháp nhân chuyển đổi không bị ảnh hưởng đến quyền yêu cầu cũng như nghĩa vụ; người thứ ba cũng không bị chấm dứt hay thay đổi quyền yêu cầu đối với pháp nhân chuyển đổi. Maurice Cozian và Alain Viandier ví von pháp nhân như cái vỏ ốc và hình thức pháp nhân là con dã tràng sống, trong đó “việc cải hóa thông thường là không cần thiết phải lập ra một pháp nhân mới, cũng như không hề gây ra việc giải thể, thanh toán về phân chia tài sản; xí nghiệp tiếp tục hoạt động trong một bộ khung mới: như hình ảnh một giống dã tràng sống trong vỏ ốc, chui từ vỏ ốc này sang vỏ ốc khác trong quá trình sinh trưởng của mình”[5]. TS. Hoàng Anh Tuấn cho rằng: “Chuyển đổi hình thức công ty là chuyển đổi hình thức kết cấu của thương nhân pháp nhân trên cơ sở lựa chọn hoặc theo quy định của pháp luật, không làm chấm dứt hay thay đổi nghĩa vụ trả nợ của thương nhân đó”6. Ở góc nhìn cụ thể, PGS.TS. Ngô Huy Cương nhấn mạnh: “Vấn đề giống như một người đàn ông chuyển đổi giới tính thành đàn bà, sản nghiệp của người đó không thay đổi. Thay vì gọi người đó là ông, thì nay, người ta gọi người đó là bà...”7. Từ phân tích trên cho thấy việc thay đổi hình thức pháp nhân không chấm dứt pháp nhân.
Thứ hai, đối với trường hợp chia pháp nhân
Khác với chuyển đổi hình thức pháp nhân, về bản chất, việc chia pháp nhân là tạo lập ra nhiều pháp nhân từ pháp nhân bị chia. Điều 192 Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng đề cập đến việc chia doanh nghiệp theo bản chất này: “Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các cổ đông, thành viên và tài sản công ty để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới”. Mặc dù tạo ra nhiều pháp nhân mới từ pháp nhân bị chia, tuy nhiên, về bản chất, hậu quả pháp lý của việc chia pháp nhân không hoàn toàn làm chấm dứt pháp nhân bị chia. Bởi lẽ: (i) Việc chia pháp nhân không làm thay đổi và ảnh hưởng đến quyền yêu cầu của người thứ ba; (ii) Tổng sản nghiệp không có sự thay đổi; (iii) Các pháp nhân hình thành do chia pháp nhân chỉ thực sự chấm dứt liên đới khi hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ của pháp nhân bị chia. Như vậy, quy định chấm dứt đối với trường hợp chia pháp nhân là không phù hợp.
Tóm lại, với cách liệt kê các trường hợp như quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã không làm rõ được khái niệm chấm dứt pháp nhân dựa trên các căn cứ pháp lý để làm chấm dứt thực thể pháp lý này một cách thuyết phục.
[1]. Jean-Claude Ricci, 2001, Introduction à l tude du droit, Hachette, 2001 - 2002 (Bản dịch tiếng Việt, Nhà pháp luật Việt Pháp, 2002. tr.105, 106.
[2]. Harold Arthur Jonh Ford, Principles of Company Law, Butterworths, 1990, p 2.
[3]. Bộ luật Dân sự Pháp, Điều 1832.
[4]. Văn phòng Quốc hội, Báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia dự thảo Bộ luật Dân sự .
[5]. Maurice cozian, Alain Viandier, Tổ chức công ty, tập 1, Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, tháng 12/1989. tr 185.
[6]. Hoàng Anh Tuấn, Chuyển đổi hình thức công ty theo pháp luật Việt Nam, Luận án Tiến sĩ 2012.
[7]. PGS,TS. Ngô Huy Cương, Chế định pháp nhân trong dự thảo BLDS sửa đổi, 2015, tr. 16.