Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu quy định về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác, từ đó, nêu ra những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về những vấn đề này.
Abstract: Within the scope of this article, the author focuses on researching regulations on the protection of crime whistleblowers, witnesses, victims and other participants in legal proceedings, thereby highlighting difficulties, obstacles and makes proposals to improve the Criminal Procedure Code of 2015 on these issues.
1. Dẫn nhập
Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự (VAHS), bị hại, người làm chứng, người tố giác tội phạm là những người tham gia tố tụng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chứng minh sự thật khách quan của VAHS, vì lời khai của họ chính là nguồn chứng cứ quan trọng trong vụ án, nhiều vụ án nhanh chóng được điều tra làm rõ chính là nhờ nguồn chứng cứ này. Chính vì vậy, họ là những người dễ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản trong quá trình tham gia tố tụng. Hiện nay, một số nhóm tội danh xâm hại về tính mạng, sức khỏe, về ma túy, tham nhũng, những đối tượng thực hiện loại tội phạm này rất tinh vi, manh động, sẵn sàng xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người tố giác tội phạm, người bị hại, người làm chứng khi họ cung cấp thông tin cho cơ quan tố tụng.
Hiến pháp năm 2013 dành riêng Chương II quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chế độ chính trị… được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14); “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” (Điều 19); “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm…” (khoản 1 Điều 20); “Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo…” (khoản 3 Điều 30). Việc quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Chương II ngay sau chương chế độ chính trị cho thấy quan điểm của Đảng, Nhà nước đánh giá tầm quan trọng về quyền con người cần được pháp luật bảo vệ.
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về cơ chế bảo vệ người tham gia tố tụng và bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp năm 2013, để bảo vệ người tham gia tố tụng khỏi sự xâm hại hoặc đe dọa xâm hại do họ tham gia tố tụng, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã chính thức ghi nhận chế định bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác.
2. Nội dung của chế định bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác
Thứ nhất, đối tượng được bảo vệ
Theo quy định tại Điều 484 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, chủ thể sau được áp dụng biện pháp bảo vệ: Người tố giác tội phạm; người làm chứng; bị hại; người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại.
Thứ hai, căn cứ đề nghị, yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo vệ
Khi tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố giác tội phạm; người làm chứng; bị hại; người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại thì họ có quyền yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ.
Hình thức có thể làm văn bản đề nghị hoặc trường hợp khẩn cấp, người được bảo vệ đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc thông qua phương tiện liên lạc nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản đề nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự[1].
Khi nhận được yêu cầu bảo vệ, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải đánh giá, xem xét yêu cầu của họ có tính xác thực và có căn cứ hay không, nếu xét thấy yêu cầu của họ không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ thì phải giải thích rõ lý do cho người đã yêu cầu, đề nghị biết.
Thứ ba, biện pháp bảo vệ
Các biện pháp bảo vệ được quy định tại Điều 486 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bao gồm: (i) Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ; (ii) Hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ để bảo đảm an toàn cho họ; (iii) Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ; (iv) Di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng của người được bảo vệ, nếu được họ đồng ý; (v) Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật; (vi) Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, cơ quan, người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ
- Cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ gồm: Cơ quan điều tra của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân.
- Người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ gồm:
+ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra của Công an nhân dân có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ trong các vụ việc, vụ án hình sự do cơ quan mình thụ lý, giải quyết, điều tra hoặc theo đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp; đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
+ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ trong các vụ việc, vụ án hình sự do cơ quan mình thụ lý, giải quyết, điều tra hoặc theo đề nghị của Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự cùng cấp; đề nghị của Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ của Viện kiểm sát và Tòa án. Viện kiểm sát và Tòa án xét thấy cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ thì có văn bản đề nghị cơ quan điều tra trực tiếp thụ lý vụ án trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ[2].
Thứ năm, quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ
Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ gồm các nội dung chính như: Số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định; chức vụ của người ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người được bảo vệ; biện pháp bảo vệ và thời gian bắt đầu thực hiện biện pháp bảo vệ.
Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng có thể thay đổi, bổ sung biện pháp bảo vệ trong quá trình bảo vệ nếu xét thấy cần thiết[3].
Thứ sáu, chấm dứt việc bảo vệ
Khi xét thấy căn cứ xâm hại hoặc đe dọa xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ không còn, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ phải ra quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ.
Quyết định chấm dứt áp dụng các biện pháp bảo vệ phải được gửi cho người được bảo vệ, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến việc bảo vệ[4].
Thứ bảy, hồ sơ bảo vệ
Khi cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ thì phải lập hồ sơ bảo vệ riêng thể hiện quá trình áp dụng biện pháp bảo vệ. Điều 490 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định hồ sơ bảo vệ gồm: (i) Văn bản đề nghị, yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ; biên bản về việc đề nghị, yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ; (ii) Kết quả xác minh về hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ; (iii) Tài liệu về hậu quả thiệt hại đã xảy ra (nếu có) và việc xử lý của cơ quan có thẩm quyền; (iv) Văn bản yêu cầu, đề nghị thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp bảo vệ; (v) Quyết định áp dụng, thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp bảo vệ; (vi) Tài liệu phản ánh diễn biến quá trình áp dụng biện pháp bảo vệ; (vii) Văn bản yêu cầu, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp bảo vệ; (viii) Báo cáo kết quả thực hiện biện pháp bảo vệ; (ix) Quyết định chấm dứt biện pháp bảo vệ; (x) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan đến việc bảo vệ.
3. Một số khó khăn, vướng mắc
Một là, về kỹ thuật lập pháp: Theo quy định tại Chương XXXIV Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì chế định bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác có chủ thể được bảo vệ là người tham gia tố tụng nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 484 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì chủ thể được bảo vệ bao gồm cả người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại không phải là người tham gia tố tụng, chính điều này không bảo đảm sự đồng bộ giữa tên Chương với đối tượng bảo vệ trong Điều 484.
Hai là, Điều 484 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 giới hạn các chủ thể được áp dụng biện pháp bảo vệ bao gồm: Người tố giác tội phạm; người làm chứng; bị hại; người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại. Việc thực thi quy định này có một số khó khăn, vướng mắc sau:
(i) Theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”. Như vậy, bị hại không chỉ là người mà còn có cả pháp nhân, do đó, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị thiệt hại khi bị đe dọa xâm hại đến tính mạng yêu cầu được bảo vệ thì không áp dụng được vì căn cứ áp dụng biện pháp bảo vệ được quy định tại khoản 1 Điều 486: “Khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ bị xâm hại…”.
(ii) Theo quy định tại khoản 3 Điều 67, khoản 2 Điều 70 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về quyền của người chứng kiến và người phiên dịch, người dịch thuật thì những chủ thể này cũng có quyền được đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa nhưng theo nội dung Điều 484 thì họ lại không nằm trong nhóm chủ thể được áp dụng các biện pháp bảo vệ, trong khi đó, tên Chương XXXIV Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 xác định phạm vi áp dụng bao gồm người tham gia tố tụng khác[5].
Ba là, về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp bảo vệ, Chương XXXIV Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 mới chỉ quy định chung nhất về thẩm quyền, biện pháp áp dụng biện pháp bảo vệ mà chưa có những hướng dẫn cụ thể về quy trình áp dụng như thế nào dẫn đến khó khăn khi áp dụng, cụ thể, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Vậy vấn đề đặt ra là, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra sẽ huy động lực lượng nào để áp dụng các biện pháp bảo vệ, vì rõ ràng, điều tra viên và cán bộ điều tra hiện nay rất thiếu không thể huy động để áp dụng biện pháp bảo vệ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Bốn là, về phạm vi chủ thể có thẩm quyền đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ, theo quy định tại Điều 487 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì chỉ người được bảo vệ mới có quyền làm văn bản đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ, vậy trường hợp người dưới 18 tuổi thì người đại diện theo pháp luật của họ có quyền đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ hay không? Trong khi đó, vai trò của họ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự cũng quan trọng trong việc bảo đảm tính hợp pháp của chứng cứ trong quá trình tiến hành lấy lời khai hoặc đề nghị khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại.
Năm là, một số nội dung khác trong Chương XXXIV Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn vướng mắc khi áp dụng như: Một số từ ngữ chưa có giải thích như các biện pháp bảo vệ khác được quy định tại điểm e Điều 486 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là những biện pháp nào hoặc khoản 4 Điều 488 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng có thể thay đổi, bổ sung biện pháp bảo vệ trong quá trình bảo vệ nếu xét thấy “cần thiết” hoặc thời hạn đánh giá căn cứ để có quyết định bảo vệ là bao lâu hiện nay chưa có quy định.
4. Kiến nghị, đề xuất
Thứ nhất, bổ sung diện những người cần được áp dụng biện pháp bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều 484 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để bảo đảm tính logíc, chặt chẽ về hình thức và nội dung trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể như sau:
“Điều 484. Người được bảo vệ
Những người được bảo vệ gồm:
a) Người tố giác tội phạm;
b) Người làm chứng;
c) Bị hại;
d) Người thân thích của người tố giác, báo tin về tội phạm, người làm chứng, bị hại, người chứng kiến, người phiên dịch, người dịch thuật;
đ) Người chứng kiến;
e) Người phiên dịch, người dịch thuật”.
Thứ hai, liên Ngành Tư pháp Trung ương cần nghiên cứu xây dựng thông tư hướng dẫn áp dụng chế định bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác. Theo đó, thông tư cần tập trung hướng dẫn những vấn đề cụ thể về các biện pháp bảo vệ như: Trình tự, thủ tục áp dụng, chủ thể có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ và mối quan hệ giữa các chủ thể này khi áp dụng các biện pháp bảo vệ như thế nào. Ngoài ra, trong thông tư cần quy định thống nhất về thời hạn gửi quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ cho người được bảo vệ và hướng dẫn cụ thể các cụm từ mang tính tùy nghi, trừu tượng như “cần thiết” tại Điều 488 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Thứ ba, trước khi có văn bản hướng dẫn áp dụng chế định bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra cần chủ động nghiên cứu và phối hợp với Viện kiểm sát trong việc áp dụng một số biện pháp bảo vệ cụ thể như: Hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ để bảo đảm an toàn cho họ; giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ; răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật…
Thứ tư, bổ sung một số chủ thể theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được hưởng các biện pháp bảo vệ như người chứng kiến, người phiên dịch, người dịch thuật và người thân thích của họ để đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như tính phù hợp của các quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ghi nhận chế định bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người tham gia tố tụng khác đã thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ quyền con người trong quá trình tham gia tố tụng, quy định này làm cho nhân dân tin tưởng, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả hơn. Đồng thời, xác định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng là phải bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người tham gia tố tụng khác trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Khoản 1 Điều 487 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[2]. Điều 485 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[3]. Điều 488 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[4]. Điều 489 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[5]. Phùng Văn Hoàng, Kiến nghị hoàn thiện quy định về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác, https://tapchitoaan.vn › bai-viet › xay-dung-phat-luat, truy cập ngày 01/10/2021.