Để hoàn thiện hệ thống pháp lý khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngày 14/6/2005, Quốc hội thông qua Luật Thương mại gồm 09 chương, 324 điều thay thế Luật Thương mại năm 1997. Luật Thương mại năm 2005 có nhiều điểm mới so với Luật Thương mại năm 1997, trong đó có các quy định về chế tài thương mại. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các bên giải quyết các xung đột phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại. Sau đó, Luật Thương mại năm 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 (sau đây gọi là Luật Thương mại). Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy, một số quy định tại mục 1 Chương VII của Luật Thương mại về chế tài trong thương mại không còn đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Thứ nhất, về tên gọi của mục 1 Chương VII “Chế tài trong thương mại”
Trong khoa học pháp lý, thuật ngữ “chế tài” bắt nguồn từ tiếng La tinh là Sanctio (phán quyết nghiêm khắc nhất), theo nghĩa nguyên thủy là hình thức trừng phạt nghiêm khắc nhất dành cho những người vi phạm luật lệ. Ngày nay, thuật ngữ “chế tài” được sử dụng rộng rãi trong khoa học pháp lý và thường được sử dụng trong các văn bản pháp luật như hình sự, hành chính… mang tính chất áp đặt, mệnh lệnh của quyền lực nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm xâm phạm đến các quan hệ, trật tự xã hội do Nhà nước quản lý. Trong tiếng Anh, thuật ngữ “chế tài thương mại” có tên gọi là “Trade sanctions”. Với cách hiểu như trên, thì chế tài trong thương mại là hình thức cưỡng chế của Nhà nước đối với người có hành vi vi phạm pháp luật thương mại. Chế tài thương mại xác định hậu quả pháp lý bất lợi ngoài mong muốn được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật thương mại khi họ không thực hiện, thực hiện không đúng các nghĩa vụ phát sinh từ hoạt động thương mại.
Luật Thương mại không đưa ra giải thích từ ngữ “chế tài trong thương mại” nhưng tại Điều 292 liệt kê các loại chế tài trong thương mại như: Buộc thực hiện đúng hợp đồng; phạt vi phạm; buộc bồi thường thiệt hại; tạm ngừng thực hiện hợp đồng; đình chỉ thực hiện hợp đồng; hủy bỏ hợp đồng; các biện pháp khác do các bên thỏa thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế. Theo khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại, “vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này”.
Theo các quy định trên, khi một bên vi phạm hợp đồng thì sẽ bị áp dụng một trong những chế tài thương mại quy định tại Điều 292 Luật Thương mại. Tuy nhiên, trong quy định của Điều 292 Luật Thương mại, có nhiều chế tài không phải do Nhà nước thực hiện áp đặt, cưỡng chế đối với bên vi phạm hợp đồng mà có thể do bên có quyền lợi bị vi phạm áp dụng đối với bên vi phạm hợp đồng.
Bộ luật Dân sự năm 2015 khi quy định chế định hợp đồng cũng đưa ra các biện pháp xử lý khi khi một bên vi phạm hợp đồng như hủy hợp đồng, bồi thường thiệt hại, thỏa thuận phạt vi phạm. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 không xem xét dưới góc độ là chế tài mà quy định dưới hình thức xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Tác giả cho rằng, tên gọi “Chế tài trong thương mại” còn mang nặng tính can thiệp của quyền lực nhà nước và mang tính áp đặt cho quan hệ thương mại. Trong khi việc xử lý các tình huống phát sinh khi một bên vi phạm hợp đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng chủ yếu do các bên trong hợp đồng thương mại thực hiện. Tính quyền lực hay Nhà nước chỉ can thiệp khi các bên khởi kiện ra Tòa án hoặc trọng tài thương mại. Do đó, theo tác giả, cần sửa đổi tên gọi của mục 1 Chương VII thành “Các biện pháp bảo đảm thực hiện trong thương mại” hoặc “Thực hiện hợp đồng thương mại” để phù hợp với tính chất của quan hệ thương mại.
Thứ hai, về mức phạt vi phạm tại Điều 301 Luật Thương mại
Khoản 2 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Điều 301 Luật Thương mại quy định, mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.
Theo quy định trên, mức phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm trừ trường hợp phạt vi phạm trong trường hợp kết quả giám định sai quy định tại Điều 266 Luật Thương mại.
Qua rà soát, tác giả nhận thấy, khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014 về phạt hợp đồng xây dựng quy định mức phạt cho phép không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm đối với công trình xây dựng sử dụng vố nhà nước mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác.
Đối với nội dung này, tại mục 7 phần III Hướng dẫn số 20/HD-VKSTC ngày 23/02/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về hoạt động phát biểu của kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã hướng dẫn: “Khi xem xét mức phạt do vi phạm hợp đồng trong lĩnh vực xây dựng cần lưu ý áp dụng luật chuyên ngành là Luật Xây dựng năm 2014 (khoản 2 Điều 146) và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng có mức phạt vi phạm tối đa không quá 12% giá trị vi phạm.
Việc áp dụng pháp luật khi phát biểu, kiểm sát viên phải lưu ý áp dụng luật chuyên ngành là Luật Xây dựng, các văn bản hướng dẫn thi hành (nay là Luật Xây dựng năm 2014, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng...) và các luật chuyên ngành về giám định”.
Tác giả đồng ý với hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao dựa trên nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khi sửa đổi Luật Thương mại cần sửa đổi quy định về mức phạt để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và các trường hợp khác phát sinh có thể xảy ra.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng cần xem xét, đánh giá tác động về việc đưa ra cơ sở khoa học, thực tiễn về giới hạn không được vượt quá 8% để phù hợp thực tiễn và bảo đảm được nguyên tắc tự do thỏa thuật, định đoạt trong quan hệ hợp đồng như Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015; đồng thời xử lý trường hợp các bên có thỏa thuận về mức phạt vi phạm trong hợp đồng nhưng vượt quá mức phạt pháp luật quy định để tránh cách hiểu, cách áp dụng không thống nhất về thỏa thuận vô hiệu hoặc vô hiệu một phần đối với mức phạt vi phạm vượt quá mức pháp luật quy định như thời gian qua. Quy định về mức phạt vi phạm phải bảo đảm nguyên tắc từ do thỏa thuận, tự do định đoạt. Nhà nước không can thiệp vào mức phạt vi phạm vì sẽ không bảo đảm, bảo vệ được lợi ích chính đáng của các bên và sự công bằng trong quan hệ thương mại. Theo đó, Luật Thương mại cũng chỉ quy định mang tính nguyên tắc như Bộ luật Dân sự để bảo đảm nguyên tắc này và chỉ những trường hợp đặc biệt (như trường hợp hợp đồng xây dựng sử dụng vốn nhà nước) mà Nhà nước thấy cần thiết, cần can thiệp để giới hạn mức phạt vi phạm thì luật chuyên ngành sẽ quy định điều này.
Thứ ba, về áp dụng chế tài thương mại đối với vi phạm không cơ bản tại Điều 293 Luật Thương mại
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thương mại, vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này (khoản 12); vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng (khoản 13). Điều 293 Luật Thương mại quy định, trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên bị vi phạm không được áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng đối với vi phạm không cơ bản.
Theo quy định trên, khi một bên có hành vi vi phạm gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng thì có thể áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ thực hiện hợp đồng.
Theo Báo cáo số 151/BC-BTP ngày 15/7/2013 của Bộ Tư pháp[1] về tình hình xử lý vi phạm hợp đồng có nêu: Thực tế hiện nay cho thấy, rất nhiều hợp đồng dễ dàng bị một trong các bên tuyên bố huỷ bỏ hoặc đơn phương chấm dứt chỉ vì bên kia vi phạm một điều khoản nào đó của hợp đồng. Điều này gây nên sự bất ổn định cho các giao dịch và tốn kém khi mà một bên có thể sử dụng sự vi phạm không đáng kể của phía bên kia để chấm dứt hợp đồng. Do đó, Bộ luật Dân sự cần phải quy định rõ chỉ khi có những vi phạm nghiêm trọng, làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng không đạt được thì hợp đồng mới bị chấm dứt.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 423 Bộ luật Dân sự năm 2015, vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Theo đó, chỉ cần một bên không thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng thì một bên có quyền chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng. Tuy nhiên, nếu căn cứ khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại, thì khi phát sinh hậu quả “gây thiệt hại” cho bên kia, bên còn lại mới có quyền chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng về những thiệt hại mà hành vi vi phạm đó gây ra.
Tác giả cho rằng, Luật Thương mại cần sử dụng thuật ngữ thống nhất với Bộ luật Dân sự năm 2015 và quy định theo hướng nguyên tắc khi hành vi vi phạm làm mục đích giao kết hợp đồng không đạt được thì chấp nhận hướng xử lý hủy, chấm dứt hợp đồng mà không cần phải chứng minh những thiệt hại do hành vi vi phạm đó gây ra.
NCS. Phạm Văn Bằng
Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan
Ảnh: internet