1. Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật trong Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu
Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật là một chỉ số thành phần thuộc Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (tiếng Anh là Global Innovation Index, viết tắt là GII), đánh giá về năng lực của Chính phủ trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, quy định pháp luật nhằm cho phép và thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân.
1.1. Vị trí, ý nghĩa của Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật trong Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu
Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật (tiếng Anh là Regulatory quality[1]) là chỉ số quan trọng thuộc nhóm Chỉ số về môi trường pháp lý, thuộc Trụ cột 1 về thể chế. Chỉ số này tổng hợp ý kiến đánh giá về năng lực của Chính phủ trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, quy định pháp luật nhằm cho phép và thúc đẩy sự phát triển của khu vực sản xuất, kinh doanh. Đây là chỉ số tổng hợp, tức là được tổng hợp từ nhiều chỉ số, nhiều nguồn dữ liệu. Theo đó, giá trị của chỉ số càng cao thì điểm số và thứ hạng trong GII càng cao (thứ hạng của từng năm còn phụ thuộc vào số lượng quốc gia được đánh giá, xếp hạng của năm đó).
Chất lượng các quy định pháp luật có tác động quan trọng đến hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) của các đối tượng liên quan. Quy định pháp luật đầy đủ sẽ tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và hoạt động ĐMST nói riêng diễn ra thuận lợi, theo định hướng của Nhà nước. Nhiều nghiên cứu cho thấy, một nền kinh tế có quá nhiều quy định rườm rà cũng sẽ tạo ra những gánh nặng, là rào cản đối với ĐMST hoặc quy định pháp luật lỗi thời, không bắt kịp sự phát triển của khoa học và công nghệ sẽ kìm hãm ĐMST. Việc cắt giảm những quy định mang tính rào cản, lỗi thời là để cải thiện, nâng cao chất lượng các quy định pháp luật, kịp thời ban hành quy định pháp luật trong những lĩnh vực mới tạo điều kiện cần thiết để khơi dậy và thúc đẩy ĐMST.
1.2. Nội hàm, phương pháp đánh giá Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật
Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật là một trong 06 chỉ số tổng hợp về quản trị toàn cầu (WGI) do Ngân hàng Thế giới (WB) phát triển và được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) sử dụng trong GII. WGI là một dự án nghiên cứu đã thực hiện trong thời gian dài, xây dựng các chỉ số về quản trị nhà nước, bao gồm 06 chỉ số tổng hợp về quản trị, tính toán cho hơn 200 quốc gia từ năm 1996: (i) Tiếng nói và trách nhiệm giải trình; (ii) Ổn định chính trị và không có bạo lực/khủng bố; (iii) Hiệu quả của Chính phủ; (iv) Chất lượng các quy định pháp luật; (v) Nhà nước pháp quyền; (vi) Kiểm soát tham nhũng.
Ngân hàng Thế giới sử dụng hơn 30 nguồn dữ liệu khác nhau để tính toán 06 chỉ số thành phần cho từng quốc gia. Đối với Việt Nam, hiện nay, WB sử dụng 08 nguồn dữ liệu để tính toán Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật[2].
Thứ nhất, chỉ số Bertelsmann Transformation Index (BTI) do Quỹ Bertelsmann Foundation thực hiện[3]:
- Yếu tố liên quan đến chất lượng các quy định pháp luật được tổ chức này đánh giá và WGI sử dụng là các quy định pháp luật về tổ chức thị trường và cạnh tranh, bao gồm: Tổ chức thị trường, chính sách cạnh tranh, tự do hóa ngoại thương, hệ thống ngân hàng.
- Phương pháp đánh giá: Quỹ Bertelsmann thực hiện đánh giá 02 - 03 năm một lần, bắt đầu từ năm 2003 với trên 120 quốc gia/nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Việc đánh giá do các cán bộ của Quỹ Bertelsmann thực hiện theo thang điểm từ 1 - 10. Đánh giá gần nhất của Việt Nam là năm 2022.
Thứ hai, đánh giá do Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU)[4] thực hiện:
- Yếu tố liên quan đến chất lượng các quy định pháp luật được tổ chức này đánh giá và WGI sử dụng gồm các quy định pháp luật về: Cạnh tranh không lành mạnh, kiểm soát giá, phân biệt đối xử trong các rào cản thương mại, bảo hộ quá mức, phân biệt đối xử trong thuế quan.
- Phương pháp đánh giá: Các yếu tố này được đánh giá dựa trên ý kiến của mạng lưới 500 chuyên gia trên toàn thế giới của EIU, sau đó được các chuyên gia khu vực kiểm tra tính thống nhất. Các yếu tố được chuyên gia đánh giá theo điểm từ 1 - 4, sau đó được chia trung bình. Thông tin được thu thập và cập nhật hàng tháng, từ năm 1997 đến nay có khoảng 180 quốc gia/nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Đánh giá gần nhất của Việt Nam là năm 2022.
Thứ ba, đánh giá về hoạt động của khu vực nông thôn do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) thực hiện:
- Đánh giá của IFAD liên quan tới chất lượng của các quy định pháp luật được WGI sử dụng gồm các quy định pháp luật về: Tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ tài chính nông thôn, môi trường đầu tư cho doanh nghiệp nông thôn, tiếp cận thị trường đầu vào và thị trường nông sản, chính sách thương mại.
- Phương pháp đánh giá: Các nội dung này được đánh giá bởi chuyên gia của IFAD tại hơn 100 quốc gia/nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. IFAD đánh giá 12 khía cạnh của môi trường chính sách nông thôn trên thang điểm 6. Hiện nay, IFAD thực hiện đánh giá theo chu kỳ 03 năm/lần. Đánh giá gần nhất của Việt Nam là năm 2021.
Thứ tư, chỉ số tổng hợp về tự do kinh tế do Quỹ Heritage Foundation thực hiện[5]:
- Đánh giá của Quỹ Heritage liên quan đến chất lượng của các quy định pháp luật được WGI sử dụng gồm các quy định pháp luật về: Tự do đầu tư và tự do tài chính.
- Phương pháp đánh giá: Chỉ số này có 10 chỉ số thành phần. 03 chỉ số thành phần được đánh giá dựa trên ý kiến chủ quan của nhân viên Quỹ Heritage và được so sánh theo thời gian là tự do đầu tư, tự do tài chính và quyền sở hữu. Các chỉ số thành phần này được đánh giá trên thang điểm 100. Đánh giá gần nhất của Việt Nam là năm 2022.
Thứ năm, đánh giá về điều kiện và rủi ro kinh doanh - Global Insight Business Risk and Conditions (WMO) do tổ chức IHS Markit[6] thực hiện:
- Đánh giá này phản ánh đánh giá của các nhà phân tích về chất lượng và sự ổn định của các khía cạnh khác nhau của môi trường kinh doanh, trong đó có vấn đề về chất lượng các quy định pháp luật. 04 yếu tố liên quan đến các quy định pháp luật được xem xét bao gồm: Hiệu quả về thuế, pháp luật, gánh nặng quy định, sự không nhất quán về thuế.
- Phương pháp đánh giá: Các thông tin này được thu thập hàng năm và cập nhật trực tuyến hàng ngày từ hơn 200 quốc gia/nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Đánh giá gần nhất của Việt Nam là năm 2022.
Thứ sáu, đánh giá về các rủi ro chính trị do tổ chức Political Risk Services (PRS)[7] thực hiện:
- Tổ chức này đánh giá 12 yếu tố khác nhau của môi trường chính trị và kinh doanh mà các công ty đang hoạt động trong một quốc gia. WGI sử dụng đánh giá về các vấn đề liên quan tới các quy định pháp luật về đầu tư để tính toán Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật từ nguồn dữ liệu này.
- Phương pháp đánh giá: Nội dung liên quan đến quy định pháp luật về đầu tư được các chuyên gia của PRS đánh giá, sau đó được chuyên gia khu vực rà soát lại. Thông tin đánh giá được thực hiện hàng tháng từ năm 1984 cho khoảng 140 quốc gia/nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Đánh giá gần nhất của Việt Nam là năm 2022.
Thứ bảy, đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về môi trường kinh doanh (khảo sát năng lực cạnh tranh toàn cầu):
- Khảo sát của WEF có câu hỏi được WGI sử dụng tính toán Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật như sau: Gánh nặng của các quy định nhà nước; tác động của thuế đến động lực làm việc, động lực đầu tư; rào cản thương mại; cạnh tranh trong nước; chính sách chống độc quyền; mức độ thuận lợi trong khởi sự kinh doanh; các quy định về môi trường đầu tư.
- Phương pháp đánh giá: Thông qua khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước về một loạt các vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh (khảo sát năng lực cạnh tranh toàn cầu). Thông tin được thu thập từ khảo sát ý kiến doanh nghiệp hàng năm, từ năm 1996 đến nay của hơn 130 quốc gia/nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Đánh giá gần nhất của Việt Nam là năm 2022.
Thứ tám, chỉ số quy định pháp luật do dự án World Justice Project Rule of Law Index (WJP)[8] thực hiện:
- Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật, WGI sử dụng kết quả đánh giá về việc thực thi các quy định pháp luật của WJP.
- Phương pháp đánh giá: Tổ chức này xếp hạng các tiểu hợp phần về luật pháp dựa trên hơn 500 câu hỏi khảo sát, kết hợp đánh giá của chuyên gia và thăm dò ý kiến công chúng. Một số nội dung khảo sát được thực hiện với các chuyên gia hàng năm; một số nội dung được thực hiện thông qua khảo sát người dân 03 năm một lần. Khảo sát được thực hiện tại hơn 100 quốc gia/nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Đánh giá gần nhất của Việt Nam là năm 2022.
1.3. Phương pháp tổng hợp đánh giá của WB và WIPO đối với Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật trong GII
1.3.1. Phương pháp tính toán của WB
Như đã nêu ở trên, WGI là chỉ số tổng hợp bao gồm 06 thước đo về quản trị tương ứng với 06 chỉ số tổng hợp. Các chỉ số này được tổng hợp từ hàng trăm chỉ số thành phần thu thập từ hơn 30 nguồn dữ liệu khác nhau, là kết quả của các cuộc khảo sát ý kiến, cảm nhận và đánh giá của người dân, chuyên gia, cán bộ chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ... về hoạt động quản trị của Chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới.
Mỗi thước đo về quản trị của WGI được xây dựng bằng cách lấy trung bình có trọng số giá trị dữ liệu từ các nguồn cơ bản tương ứng với khái niệm quản trị được đo lường. Quy trình này được thực hiện theo 03 bước:
Bước 1: Gán dữ liệu từ các nguồn riêng lẻ cho 06 chỉ số tổng hợp. Các câu hỏi riêng lẻ từ các nguồn dữ liệu được gán cho từng chỉ số trong 06 chỉ số tổng hợp. Ví dụ, câu hỏi khảo sát doanh nghiệp về môi trường pháp lý sẽ được gán cho chỉ số tổng hợp “Chất lượng quy định pháp luật” hoặc câu hỏi về tự do báo chí được gán cho chỉ số tổng hợp “Tiếng nói và trách nhiệm giải trình”. Không phải tất cả các nguồn dữ liệu đều bao phủ tất cả các quốc gia trên thế giới, do đó, WGI phải sử dụng các bộ dữ liệu khác nhau cho các quốc gia khác nhau.
Bước 2: Chuẩn hóa giá trị dữ liệu từ các nguồn riêng lẻ theo thang đo từ 0 - 1. Đánh giá của các tổ chức quốc tế khác nhau sử dụng phương pháp khác nhau và các tính toán cho ra các giá trị khác nhau (ví dụ, có tổ chức sử dụng thang điểm từ 1 - 4 để đánh giá, có tổ chức sử dụng thang điểm từ 1 - 7...). Để có thể tổng hợp, tính toán kết quả đánh giá từ các nguồn đa dạng, cần phải đưa các kết quả về cùng một thang đo. Do vậy, WB đã chuẩn hóa dữ liệu từ các nguồn riêng lẻ về thang đo từ 0 - 1, trong đó, giá trị càng cao tương ứng với kết quả càng tốt (dữ liệu được chuẩn hóa lại theo thang đo từ 0 - 1 từ các nguồn dữ liệu có thể truy cập trực tuyến thông qua trang thông tin điện tử chính thức của WGI[9]).
Bước 3: Sử dụng Mô hình các thành phần không được quan sát (UCM) để tổng hợp giá trị trung bình cộng có trọng số của các chỉ số riêng lẻ cho từng nguồn. WB sử dụng công cụ thống kê UCM để các dữ liệu đã được chuẩn hóa theo thang đo từ 0 - 1 có thể sử dụng được nhằm so sánh giữa các nguồn riêng lẻ, sau đó xây dựng giá trị trung bình có trọng số của dữ liệu từ mỗi nguồn cho mỗi quốc gia/nền kinh tế. UCM giả định rằng, dữ liệu được quan sát từ mỗi nguồn có thể biểu thị bằng một hàm tuyến tính của cấp độ quản trị không được quan sát và một biến sai số. Hàm tuyến tính này là khác nhau đối với các nguồn dữ liệu khác nhau, do đó sẽ giải quyết được vấn đề tồn tại về tính không thể so sánh của các đơn vị dữ liệu đã được chuẩn hóa thang đo ở trên. Các ước tính về kết quả quản trị là giá trị trung bình có trọng số của dữ liệu từ mỗi nguồn, với trọng số phản ánh mối tương quan giữa các nguồn dữ liệu.
UCM gán trọng số lớn hơn cho các nguồn dữ liệu có xu hướng tương quan chặt chẽ hơn với nhau. Trọng số này cải thiện độ chính xác thống kê của các chỉ số tổng hợp nhưng thường không ảnh hưởng nhiều đến thứ hạng của các quốc gia trong các chỉ số tổng hợp. Các thước đo tổng hợp về quản trị do UCM tạo ra được tính bằng đơn vị của phân phối chuẩn, với giá trị trung bình bằng 0, độ lệch chuẩn là 1 và các kết quả phân bổ từ khoảng -2,5 đến 2,5, với giá trị cao hơn tương ứng với quản trị tốt hơn.
Trên cơ sở phương pháp này, Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật được WB báo cáo theo 02 cách: (i) Điểm quản trị: Theo giá trị tiêu chuẩn, dao động trong khoảng từ -2,5 đến 2,5; (ii) Xếp hạng phần trăm: Theo thứ hạng phần trăm từ 0 - 100, với giá trị cao hơn tương ứng với kết quả tốt hơn.
Với phương pháp tính toán này, điểm Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật của Việt Nam trong WGI do WB đánh giá năm 2021 là -0,40 điểm, năm 2022 là -0,43 điểm (kết quả năm 2022 mới được WB cập nhật, hiện chưa có kết quả đánh giá cho năm 2023).
1.3.2. Phương pháp tính toán của WIPO
Trên cơ sở kết quả tính toán Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật của WGI do WB thực hiện (kết quả tính toán phân bổ trong khoảng điểm từ -2,5 đến 2,5), WIPO tiếp tục chuẩn hóa điểm giá trị theo thang đo từ 0 - 100 (đây là thang điểm được WIPO áp dụng với toàn bộ 80 chỉ số thành phần của GII), với phương pháp min - max.
Điểm số của Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật của quốc gia A = (điểm giá trị của quốc gia A - điểm giá trị nhỏ nhất của Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật) *100/(điểm giá trị lớn nhất của Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật - điểm giá trị nhỏ nhất của Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật).
Việc chuẩn hóa này bảo đảm tất cả các chỉ số đều có cùng thang đo, giúp thể hiện được đóng góp của từng chỉ số vào điểm của chỉ số tổng hợp.
Trên cơ sở điểm số WGI do WB đánh giá năm 2021, WIPO đã tính toán, chuẩn hóa điểm số của Việt Nam đối với Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật trong GII năm 2023 theo thang điểm 0 - 100 là 31,8 điểm. Điểm số WGI năm 2022 của WB sẽ được WIPO sử dụng trong GII năm 2024 và công bố vào tháng 9/2024.
2. Áp dụng Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật trong điều kiện Việt Nam
2.1. Sự phù hợp của Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật trong điều kiện Việt Nam
Thứ nhất, phù hợp với đặc điểm, mục tiêu phát triển nền kinh tế.
Xem xét các đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam, có thể thấy, GII có cách tiếp cận và các chỉ số được lựa chọn sử dụng đều khá phù hợp. GII không sử dụng trọng số cho bất kì chỉ số hay nhóm chỉ số, trụ cột nào bao gồm cả Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật. Việc sử dụng các chỉ số tính theo GDP hoặc sức mua tương đương và quy mô dân số giúp bảo đảm được tính công bằng trong việc đánh giá, xếp hạng giữa các quốc gia/nền kinh tế.
Hiện nay, Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật được đánh giá từ 08 nguồn dữ liệu với cách thức thu thập thông tin khác nhau và đều tính tới các đặc điểm kinh tế - xã hội của các quốc gia/nền kinh tế. Như vậy, Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật phù hợp và bao trùm các yếu tố về đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, phù hợp với mục tiêu cải thiện chất lượng quy định pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật là thước đo khả năng của Chính phủ trong việc xây dựng và thực thi các chính sách, quy định hợp lý cho phép và thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân. Qua kết quả đánh giá của các tổ chức quốc tế đã cho thấy phần nào thực trạng chất lượng quy định pháp luật trong các lĩnh vực được đánh giá, từ đó đề xuất các giải pháp để cải thiện chất lượng quy định pháp luật. Theo đó, mục tiêu đánh giá Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật phù hợp với mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện chất lượng các quy định pháp luật của Việt Nam nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, nội luật hóa các điều ước, cam kết quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, đưa các quy định pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế[10].
2.2. Một số điểm chưa phù hợp của Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật nếu áp dụng ở Việt Nam
Thứ nhất, GII đo lường hệ thống ĐMST quốc gia, trong đó có trụ cột thể chế trên 03 phương diện: Môi trường thể chế, môi trường pháp lý và môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh lại trụ cột thể chế trong báo cáo của WIPO tập trung vào các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ĐMST mà không phải tất cả các quy định pháp luật nói chung. Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật là thước đo khả năng của Chính phủ trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách, quy định hợp lý cho phép và thúc đẩy phát triển khu vực sản xuất, kinh doanh. Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật trong Bộ WGI và được WIPO sử dụng chủ yếu đánh giá các quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và môi trường kinh doanh. Điều này làm cho việc áp dụng Chỉ số này trong điều kiện Việt Nam là chưa toàn diện và bao quát.
Thứ hai, Chỉ số này được đánh giá bởi các tổ chức nước ngoài độc lập. Điều này bảo đảm các thông tin được thu thập, đánh giá và báo cáo là khách quan, trung thực. Tuy nhiên, đánh giá được thực hiện bởi các tổ chức nước ngoài cũng có những hạn chế như không có thông tin đối chứng, kiểm định để bảo đảm tính đại diện, kết quả phản ánh đúng thực tế. Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật của Việt Nam được WB sử dụng từ 08 nguồn dữ liệu mềm (khảo sát ý kiến các đối tượng khác nhau), trong khi đó, trong nước không có các khảo sát, đánh giá tương tự để đối chiếu, so sánh. Một số đánh giá có tính tương đồng như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR Index) nhưng phương pháp, cách tiếp cận khác nhau nên khó tiến hành so sánh. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam không có cơ hội, điều kiện để có thể cung cấp thông tin, phản biện lại các đánh giá của các tổ chức quốc tế.
Thứ ba, phương pháp đánh giá của các tổ chức quốc tế chủ yếu dựa trên cảm nhận, đánh giá về quản trị theo ý kiến của những người tham gia khảo sát (người dân, doanh nghiệp, cán bộ sứ quán, cán bộ của các cơ quan, tổ chức ở khu vực công và khu vực tư...). Do đó, việc đánh giá có thể mang tính chủ quan nhất định (vì nắm bắt cảm nhận) nên ở góc độ nào đó không phản ánh hết được chất lượng của quy định pháp luật. Bên cạnh đó, đối tượng tham gia khảo sát, đánh giá trong một số trường hợp có thể không bảo đảm tính đại diện.
Thứ tư, theo Báo cáo Nghiên cứu sự phù hợp và những hạn chế của GII áp dụng trong điều kiện Việt Nam (năm 2023) cho thấy, Chỉ số được đánh giá tốt chưa chắc đã phản ánh năng lực thực sự của quốc gia đó ở nội dung tương ứng. Ngược lại, kết quả GII kém ở nội dung nào đó chưa chắc đã là điểm yếu của quốc gia này. Điều này có thể đến từ nguyên nhân như năm dữ liệu được sử dụng để đánh giá. Năm dữ liệu gần nhất được sử dụng đánh giá cho Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật trong Báo cáo GII năm 2023 là năm 2021, như vậy có độ trễ 02 năm so với thực tế.
Nhìn chung, Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật khi áp dụng vào điều kiện Việt Nam còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định về mặt dữ liệu và tính bao trùm. Điều này có thể dẫn đến Chỉ số này không đưa ra được đánh giá bao quát và toàn diện nhất trong bối cảnh của Việt Nam.
Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật là một chỉ số quan trọng trong GII. Việc cải thiện chất lượng các quy định pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục để tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định, thuận lợi, hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nâng tầm hình ảnh và vị thế đất nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới./.
Nguyễn Hồng Tuyến
Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ
Nguyễn Thị Phương Mai
Học viện Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và công nghệ
[1]. Tại Phụ lục IV Nghị quyết 19/2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ, Chỉ số này được dịch sang tiếng Việt là “Cải thiện chất lượng các quy định pháp luật”.
[2]. Tổng hợp thông tin tại địa chỉ: http://info.worldbank.org/governance/wgi/index.aspx#home.
[3]. Tổ chức phi Chính phủ có trụ sở chính ở Đức thực hiện, với mục tiêu nghiên cứu các thách thức, vấn đề xã hội và đề xuất giải pháp.
[4]. Tổ chức chuyên cung cấp thông tin, có trụ sở chính ở London, Anh.
[5]. Tổ chức phi Chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ.
[6]. Tổ chức tư vấn, thực hiện các đánh giá về thị trường nhằm cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư.
[7]. Tổ chức có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ, chuyên cung cấp dịch vụ đánh giá các rủi ro về chính trị tại các thị trường (quốc gia/nền kinh tế) nhằm phục vụ các nhà đầu tư.
[8]. Tổ chức phi Chính phủ có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ.
[9]. https://www.worldbank.org/en/publication/worldwide-governance-indicators/interactive-data-access.
[10]. Báo cáo số 415/BC-BTP ngày 15/12/2023 của Bộ Tư pháp về tình hình triển khai thực hiện Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật năm 2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 408), tháng 7/2024)