Toàn cảnh Tọa đàm
Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Huyên - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và bà Đặng Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cùng chủ trì Tọa đàm. Tham dự tọa đàm có đại diện một số Bộ, ngành, Sở Tư pháp, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư một số tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Về phía Liên bang Nga, Tọa đàm có sự tham gia của đại diện Bộ Tư pháp Liên bang Nga, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Huyên cho biết, Luật Luật sư được ban hành lần đầu năm 2006, sau đó được sửa đổi năm 2012, đến nay trải qua hơn 17 năm thi hành đã bộc lộ những điểm hạn chế nhất định cần được hoàn thiện. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tích cực chuẩn bị hồ sơ trình dự án Luật Luật sư mới thay thế Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012). Tham khảo kinh nghiệm pháp luật nước ngoài, Vụ trưởng Nguyễn Hữu Huyên khẳng định Liên bang Nga luôn là địa chỉ tin cậy đối với Việt Nam vì hệ thống luật hai nước có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt, Việt Nam có rất nhiều chuyên gia pháp luật hàng đầu đã từng tham gia học tập, tu nghiệp tại Liên bang Nga. Tại buổi Tọa đàm, Vụ trưởng mong muốn và đề nghị hai bên tích cực cùng chia sẻ kinh nghiệm về thể chế cũng như thực tiễn thực thi pháp luật liên quan đến hành nghề luật sư, góp phần giúp Việt Nam hoàn thiện pháp luật luật sư trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hữu Huyên - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu khai mạc Tọa đàm
Chia sẻ về nội dung quản lý tổ chức và hoạt động luật sư tại Việt Nam, bà Dương Thu Phương, Trưởng Phòng Quản lý luật sư, tư vấn pháp luật, Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, các luật sư hành nghề chủ yếu thông qua các Văn phòng luật sư, Công ty luật hoặc số ít hành nghề với tư cách cá nhân tại các cơ quan, tổ chức, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc hành nghề luật sư, trong đó đề cao tính độc lập, trung thực, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư. Ở Việt Nam, quản lý đối với tổ chức, hoạt động luật sư được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư. Ở Trung ương, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan; ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện quản lý tổ chức, hoạt động luật sư. Hành nghề luật sư là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, cá nhân và tổ chức muốn hành nghề phải đáp ứng một số tiêu chuẩn, điều kiện nhất định về chứng chỉ hành nghề, điều kiện hành nghề, đăng ký hoạt động tại cơ quan có thẩm quyền. Việc triển khai đầy đủ, trách nhiệm các văn bản pháp luật, Đề án, Chiến lược phát triển đội ngũ luật sư, nghề luật sư đã góp phần thúc đẩy hoạt động hành nghề luật sư cũng như tính chuyên nghiệp về dịch vụ pháp lý của luật sư tại Việt Nam. Tính đến tháng 10/2024, Việt Nam có khoảng 19.200 luật sư, hơn 5.900 tổ chức hành nghề luật sư. Số lượng tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam là hơn 90 công ty/chi nhánh, với khoảng 300 luật sư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Bà Dương Thu Phương, Trưởng Phòng Quản lý luật sư, tư vấn pháp luật, Cục Bổ trợ tư pháp chia sẻ tại Tọa đàm
Về yêu cầu sửa đổi Luật Luật sư và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bà Dương Thu Phương nhấn mạnh, trong tiến trình cải cách tư pháp cũng như hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hỗ trợ các dịch vụ, trong đó có dịch vụ pháp lý thì yêu cầu sửa đổi toàn diện Luật Luật sư nhằm đáp ứng những điều kiện trong tình hình mới là rất cần thiết. Bà Phương cho biết thêm, một trong những định hướng lớn khi sửa đổi Luật Luật sư là bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật liên quan đến luật sư và hành nghề luật sư; kế thừa, phát triển những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phù hợp; đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định để phù hợp với thực tiễn hoạt động luật sư và hành nghề luật sư nhằm phát triển nghề luật sư chất lượng, bền vững, với đội ngũ luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức tốt, bản lĩnh vững vàng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hành nghề, phát triển thị trường dịch vụ pháp lý lành mạnh; nâng cao trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư; tăng cường vai trò quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm
Trao đổi tại Tọa đàm, đại diện Bộ Tư pháp Liên bang Nga cũng chia sẻ một số vấn đề nổi bật trong lĩnh vực hành nghề luật sư tại Nga. Trước hết, về văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động luật sư, Luật Luật sư của Nga được thông qua năm 2002 đến nay tròn 22 năm; từ đó đến nay, không có nhiều thay đổi, chỉ có 02 lần sửa đổi lớn vào năm 2019 và tháng 4/2024. Bên cạnh Luật Luật sư, một trong những văn bản quan trọng điều chỉnh hoạt động luật sư là Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư được thông qua năm 2003. Bộ Quy tắc này đặt ra các quy định bắt buộc đối với từng luật sư về hành vi khi thực hiện hoạt động, dựa trên các tiêu chí đạo đức và truyền thống nghề nghiệp, các tiêu chuẩn quốc tế và quy tắc của nghề luật sư cũng như cơ sở và trình tự xử lý kỷ luật đối với luật sư.
Về điều kiện trở thành luật sư, theo Luật Luật sư, những người có quyền nhận tư cách luật sư ở Liên bang Nga bao gồm: (i) có bằng đại học ngành luật hoặc luật học; (ii) có ít nhất 02 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực pháp lý hoặc hoàn thành chương trình thực tập tại tổ chức hành nghề luật sư; (iii) thông qua kỳ thi chuyên môn, bao gồm phần kiểm tra viết và phỏng vấn trực tiếp; kể từ ngày 01/3/2022, việc kiểm tra chỉ được thực hiện thông qua hệ thống thông tin tự động hóa thống nhất, giúp thực hiện việc kiểm tra kết quả một cách tự động và ẩn danh. Sau khi cơ quan địa phương ghi nhận thông tin về việc cấp tư cách luật sư vào Sổ đăng ký quốc gia về luật sư, luật sư sẽ được cấp chứng chỉ, đây là tài liệu duy nhất xác nhận tư cách luật sư, khi đó, luật sư mới được hành nghề. Chứng chỉ này xác nhận quyền của luật sư được tự do ra, vào các Tòa án bất kỳ để thực hiện hoạt động nghề nghiệp. Sau khi nhận được chứng chỉ, các luật sư vẫn cần phải tiếp tục nâng cao trình độ hàng năm và được chứng nhận. Hiện nay, các lớp học này được thực hiện trực tuyến và miễn phí.
Về việc kỷ luật luật sư, khi đơn được gửi đến, Ủy ban chuyên môn sẽ xem xét xử lý trong thời hạn 02 tháng và chuyển kết luận cho Hội đồng đoàn luật sư. Sau đó, Hội đồng đoàn luật sư xem xét trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra kết luận. Hội đồng đoàn luật sư ra quyết định cuối cùng về việc áp dụng biện pháp lỷ luật. Quyết định của Hội đồng đoàn luật sư về việc chấm dứt tư cách luật sư có thể bị kháng cáo tại Tòa án hoặc Hội đồng luật sư Liên bang trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày luật sư biết hoặc phải biết về quyết định này. Dựa trên kết quả xem xét, Hội đồng luật sư Liên bang có thể giữ nguyên hoặc thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định kỷ luật và đưa ra quyết định mới.
Về cơ cấu tổ chức, mỗi địa phương, có 01 Đoàn luật sư được thành lập, hiện có khoảng 89 đoàn. Các Đoàn luật sư được liên kết bởi Đoàn luật sư Liên bang.
Các cơ quan địa phương có 01 danh sách phê duyệt đăng ký luật sư ở nước ngoài hành nghề tại Liên bang Nga. Hiện Liên bang Nga có khoảng 265 luật sư nước ngoài trong danh sách này. Nếu không có trong danh sách, những luật sư nước ngoài không được hành nghề tại Nga. Các luật sư nước ngoài phải chứng minh được tài liệu, chứng chỉ luật sư từ nước của họ.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đến từ hai nước đã tích cực trao đổi, làm rõ một số vấn đề giống nhau và khác nhau trong các quy định hiện hành về luật sư, hành nghề luật sư.
Kết thúc Tọa đàm, bà Đặng Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp khẳng định phía Bộ Tư pháp Việt Nam đã nhận được những chia sẻ rất quý giá từ các chuyên gia, đồng nghiệp của Liên bang Nga liên quan đến nội dung về tiêu chuẩn trở thành luật sư, việc tổ chức kỳ thi để trở thành luật sư, quản lý nhà nước và nhiệm vụ của các hội nghề nghiệp luật sư ở Liên bang Nga. Những chia sẻ đó rất hữu dụng cho quá trình sửa đổi Luật Luật sư của Việt Nam trong thời gian tới. Thay mặt Bộ Tư pháp, Phó Cục trưởng Đặng Kim Hoa trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Bộ Tư pháp Liên bang Nga, đồng thời cảm ơn tất cả các đại biểu tham dự, chia sẻ, đóng góp ý kiến cho sự thành công của Tọa đàm.
Uyên Nhi