Toàn cảnh phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, triển khai các Kết luận số 126-KL/TW, Kết luận số 127-KL/TW và Kết luận số 130-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và có Văn bản số 813/BNV-CQĐP ngày 31/3/2025 (kèm theo Hồ sơ dự án Luật) gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội theo đúng quy định.
Đồng chí Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại phiên họp
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 07 chương, 49 điều, giảm 01 điều so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 65/2025/QH15, trong đó: giữ nguyên 09 điều, bỏ 03 điều; bổ sung mới 02 điều; sửa đổi, bổ sung 38 điều. Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tập trung sửa đổi các điều có liên quan khi xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tập trung vào 03 nội dung cơ bản sau: (i) sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp phù hợp địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo; (ii) phân định thẩm quyền và cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương cấp tỉnh, chính quyền địa phương cấp xã; (iii) thời hạn có hiệu lực và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp.
Theo đó, đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định hiện hành thì dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là việc ban hành các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư của địa phương. Chính quyền địa phương cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên xã, vượt quá năng lực giải quyết của cấp xã, đòi hỏi chuyên môn sâu và bảo đảm tính thống nhất trên toàn cấp tỉnh. Về tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ bản giữ những quy định hiện hành. Dự thảo Luật chỉ tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho phù hợp với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và bổ sung quy định Ủy viên mỗi Ban của Hộ đồng nhân dân cấp tỉnh có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để kế thừa quy định tại các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị.
Đối với chính quyền địa phương cấp xã, là cấp tổ chức thực hiện chính sách từ Trung ương và cấp tỉnh, tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn; các nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp xã. Vì vậy, dự thảo Luật đã quy định chính quyền địa phương cấp xã đảm nhận các nhiệm vụ, quyền hạn của cấp xã và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn, chính quyền địa phương cấp tỉnh đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho chính quyền địa phương cấp xã nhằm nâng cao năng lực quản trị của cấp xã, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Về tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương cấp xã, dự thảo Luật quy định về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân cấp xã và Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, đặc khu) cơ bản thiết kế như đối với Hội đồng nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp huyện (trước khi giải thể) nhưng có quy mô nhỏ hơn.
Bên cạnh đó, một trong những nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đó là quy định về các nội dung chuyển tiếp như: (i) quy định trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, giao Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và các quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương để thống nhất áp dụng trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm tính khả thi cho người dân; (ii) quy định tổ chức chính quyền địa phương ở phường trực thuộc thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng tiếp tục hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường trực thuộc nhiệm kỳ 2026 - 2031 được bầu ra; quy định về hiệu lực và thẩm quyền xử lý các văn bản của chính quyền địa phương cấp huyện (sau khi giải thể) và của các xã, phường, thị trấn (trước khi tổ chức lại) để bảo đảm tính liên tục trong hoạt động quản lý nhà nước; (iii) quy định về thời hạn để các cơ quan của chính quyền địa phương cấp huyện (trước khi giải thể) bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, ngân sách, tài sản; các quy định khác có liên quan nhằm bảo đảm hoạt động liên tục, bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Đại biểu trao đổi tại phiên họp
Tại phiên họp, nhiều đại biểu đánh giá cao, cơ bản nhất trí đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Tuy nhiên, các đại biểu cũng đưa ra một số góp ý để hoàn thiện dự thảo, bảo đảm tính phù hợp, khả thi hơn như: (i) bổ sung thêm quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ về đối ngoại và hội nhập quốc tế theo quy định của pháp luật chuyên ngành; (ii) về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Điều 15) có quy định bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, việc này chưa thống nhất với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; (iii) dự thảo Luật cần có quy định về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính đối với các huyện không có đơn vị hành chính cấp xã nào; (iv) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc điểm a, khoản 4, Điều 48 quy định về hiệu lực thi hành, không bãi bỏ toàn bộ Chương II của Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2024/QH15, Luật số 55/2024/QH15, Luật số 57/2024/QH15 và Luật số 58/2024/QH15 mà chỉ bãi bỏ Điều 8, Điều 11, Điều 12 và Điều 13; (v) một số quy định trong dự thảo Luật cần chỉnh lý để bảo đảm tính thống nhất, như: đề nghị bổ sung thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về đình chỉ việc thi hành văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp và Hội đồng nhân dân cấp xã trong trường hợp cần tạm ngưng, tạm đình chỉ ngay hiệu lực thi hành văn bản trái pháp luật để thống nhất với nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp xã và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (vi) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn về thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn và xử lý các vi phạm trong việc thi hành Hiến pháp, pháp luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên tại địa phương, tuy nhiên, nhiệm vụ này không được quy định ở Ủy ban nhân dân cấp xã; (vii) đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm sự thống nhất giữa quy định của dự thảo Luật với quy định có liên quan trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt cả về chủ thể phân cấp, ủy quyền, đối tượng nhận phân cấp, ủy quyền, phương thức và điều kiện bảo đảm thực hiện; (viii) vấn đề chuyển tiếp khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp là vấn đề rất quan trọng và cần phải được xử lý cẩn trọng, cần có cơ chế chuyển tiếp phù hợp, đồng bộ, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền địa phương…
Đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận phiên họp
Kết luận phiên họp, đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc xây dựng dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Các quy định của dự thảo Luật cơ bản hợp lý về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, cụ thể hóa đầy đủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa các chủ trương, định hướng trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng nhằm tiếp tục đổi mới chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Về tính hợp hiến, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp vơí tinh thần, nội dung các quy định. Bên cạnh đó, Thứ trưởng ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các đại biểu tham dự. Các ý kiến đều thể hiện sự thống nhất cao về sự cần thiết, tính hợp hiến, hợp pháp, cũng như bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi. Dự thảo Luật có các nội dung liên quan đến đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cấp trung ương với địa phương, giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với chính quyền địa phương cấp xã trên cơ sở tiếp thu những quy định về phân cấp, phân quyền tại dự thảo Luật hiện hành. Cơ quan chủ trì thẩm định cơ bản nhất trí với nội dung sửa đổi tổ chức đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và các quy định liên quan đến việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Trung ương với địa phương, cũng như giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh và chính quyền địa phương cấp xã; cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan đến phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương./.
Song An