Toàn cảnh phiên họp Hội đồng thẩm định.
Tham dự phiên họp thẩm định còn có đại diện của các cơ quan: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng; Bộ Ngoại giao; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel; Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia…
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, đồng chí Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, trong thời gian gần đây, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, trong đó đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính cách mạng để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nhiều cơ chế, chính sách đột phá, quan trọng với mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Thông qua rà soát các chủ trương, đường lối của Đảng trong các văn bản, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thấy có nhiều nội dung chưa phù hợp hoặc chưa được thể chế hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, trong bối cảnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy lĩnh vực này là yêu cầu cấp thiết.
Quá trình triển khai thi hành pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn một số nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn nhằm phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể: (i) nền kinh tế của Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với mô hình tăng trưởng dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao và yếu tố động lực của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng rõ nét đòi hỏi cần có các cơ chế, chính sách phục vụ cho mục đích này. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định đầy đủ cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực phục vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (ii) các tác động của hội nhập sâu rộng và toàn diện của Việt Nam trong một thế giới phát triển mạnh mẽ, đột biến, nhất là về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đòi hỏi các hành lang pháp lý; cơ chế chính sách phải được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn; (iii) nhiều vướng mắc xuất phát từ tình hình thực tiễn hoặc những quy định pháp luật không phù hợp, thiếu tính khả thi, là rào cản cho sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì xây dựng dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 05/2025. Tuy nhiên, căn cứ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý (liên quan đến Nghị quyết số 57-NQ/TW) và cơ sở thực tiễn nêu trên, một số cơ chế, chính sách cần phải được thể chế hóa, thi hành ngay để tháo gỡ ngay lập tức các vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Một số chính sách khác của Nghị quyết số 57-NQ/TW và các bất cập khác trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ được thể chế hóa đầy đủ, xử lý trong Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất cần thiết.
Dự thảo Nghị quyết được bố cục thành 32 điều với các nội dung cơ bản như: (i) về tổ chức, nhân lực khoa học và công nghệ; (ii) về đầu tư, tài chính cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (iii) về tài sản, kết quả hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ; (iv) thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và phát triển thị trường; (v) về hoạt động chuyển đổi số quốc gia bao gồm: đầu tư, mua sắm, đấu thầu phục vụ hoạt động chuyển đổi số; phát triển nhanh hạ tầng mạng 5G; phát triển các tuyến cáp viễn thông trên biển; đánh giá hoạt động và xếp loại doanh nghiệp tham gia phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số quốc gia; phát triển dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh tầm thấp; chính sách ưu đãi đặc biệt phát triển công nghiệp công nghệ số; đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ số chiến lược; chính sách hỗ trợ một số dự án công nghệ số có tính chất đặc biệt; cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số.
Tại phiên họp thẩm định, cho ý kiến đối với Chương I và Chương II dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (dự thảo Nghị quyết), đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định về giải thích từ ngữ về đối tượng liên quan trực tiếp đến chính sách là các tổ chức khoa học và công nghệ, đặc biệt là khoa học công nghệ công lập. Do đó, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị có thể bổ sung thêm một vài thuật ngữ cần được giải thích trong điều này như thuật ngữ về khoa học công nghệ, hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đối với Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị bổ sung cụm từ “Chính phủ quy định chi tiết” vào Điều này để Chính phủ quy định cụ thể hơn đối với cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Đối với khoản 1 Điều 6 dự thảo Nghị quyết quy định về áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng cơ quan chủ trì soạn thảo nên cân nhắc bổ sung vào cuối khoản 1 một điểm quy định về tổ chức khoa học công nghệ công lập thì việc khoán chi các nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ để có căn cứ cơ sở pháp lý thực hiện. Đối với Điều 11 dự thảo Nghị quyết quy định về ưu đãi đối với nhân lực khoa học và công nghệ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng nội dung của điều này chủ yếu nói đến ưu đãi đối với nhân lực khoa học và công nghệ là người nước ngoài và thiếu một phần quy định về các ưu đãi đối với nhân lực khoa học công nghệ là người Việt Nam, trong đó có cả người Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm nội dung quy định về ưu đãi đối với nhân lực khoa học công nghệ là người Việt Nam nói chung, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài. Về tuyển dụng, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng nên bổ sung ưu đãi, ưu tiên việc tuyển dụng, sử dụng đối với công dân Việt Nam “tài năng”; đối với tiêu chí “tài năng” thì để Chính phủ quy định chi tiết. Về vấn đề sử dụng nhân lực khoa học và công nghệ, cần có những ưu đãi về xếp lương, quy hoạch, bổ nhiệm, điều kiện làm việc. Tại khoản 3 Điều 11 quy định về người nước ngoài, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, hiện nay, có một hạn chế giữa quy định về giấy phép lao động với việc nhập cảnh cũng như thời gian cư trú tại Việt Nam có sự không thống nhất giữa Bộ luật Lao động và Luật Xuất nhập cảnh. Do đó, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị cần có quy định về thời gian và giấy phép, cũng như xây dựng các điều kiện cụ thể. Đối với một số đối tượng nên miễn giấy phép lao động với thời hạn dưới 03 tháng. Ví dụ, không áp dụng chế độ xin giấy phép lao động đối với những người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài đến hướng dẫn việc sử dụng và vận hành máy móc, thiết bị công nghệ hoặc xử lý các sự cố, tình huống kỹ thuật, các công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh mà các chuyên gia người Việt Nam hoặc chuyên gia nước ngoài đang công tác tại Việt Nam không thực hiện được hoặc không xử lý được, hoặc không áp dụng chế độ xin giấy phép lao động đối với những người thực hiện các đề tài ứng dụng mà không chỉ là những nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt hay nhiệm vụ trọng điểm cấp quốc gia về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hay phát triển khoa học công nghệ và những đề tài nói chung. Nếu các cơ quan chủ trì thấy rằng cần có sự tham gia của người nước ngoài thì họ sẽ chịu trách nhiệm đối với chuyên gia của mình mà không cần giấy phép trong thời gian quy định. Bên cạnh đó, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc để bảo đảm sự thuận lợi trong việc cho phép họ cư trú lâu dài. Ví dụ, việc cho phép nhập quốc tịch đối với những người nước ngoài có trình độ cao hoặc cấp các thị thực dài hạn cho chuyên gia khoa học công nghệ người nước ngoài làm việc lâu dài tại Việt Nam. Ngoài ra, cần có những quyền ưu đãi liên quan đến môi trường làm việc, quyền đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ và các chế độ hỗ trợ như nhà ở, phương tiện đi lại, bảo hiểm y tế và giáo dục đối với thân nhân của những người này để có chính sách thu hút người nước ngoài có trình độ cao. Về ưu đãi đối với nhân lực khoa học công nghệ là người Việt Nam, cần có ưu đãi liên quan đến việc kéo dài thời gian công tác cho những cá nhân có năng lực vượt trội, có các công trình hay sản phẩm, thành tích cống hiến thiết thực và có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngoài các ưu đãi được quy định tại Điều 23 dự thảo Nghị quyết, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung quy định ưu đãi các tổ chức khoa học công nghệ công lập được phép cử viên chức tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục theo tỷ lệ. Quy định này sẽ khai thác tốt hơn chất xám của các nhà khoa học. Bên cạnh đó cũng cần bổ sung quy định về thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới dưới sự giám sát của Nhà nước, cùng với chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới hoặc mô hình kinh doanh mới mà gây thiệt hại về kinh tế do những nguyên nhân khách quan.
Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu tại phiên họp.
Liên quan đến quản lý tài sản, đặc biệt, liên quan đến tài sản hình thành qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, thực tiễn triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sẽ phát sinh những vấn đề, như các đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thường sẽ có đơn vị phối hợp thì tài sản được hình thành qua quá trình thực hiện nhiệm vụ mà chưa chuyển giao cho đơn vị nghiệm thu và để cho đơn vị phối hợp sử dụng. Sau khi kết thúc nhiệm vụ mới tháo dỡ và mang về cho đơn vị chủ trì quản lý thì sẽ gây ra lãng phí lớn. Chính vì vậy, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thêm nội dung về quản lý tài sản đó là đơn vị phối hợp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quyền sử dụng tài sản hình thành thông qua vụ nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo như thỏa thuận trong thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tránh việc tài sản sau khi hình thành phải tháo dỡ để mang về cơ quan chủ trì. Liên quan đến việc chi ngân sách tại điểm a khoản 1 Điều 6 dự thảo Nghị quyết, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định công lao động trực tiếp được phép sử dụng để chi cho ký hợp đồng lao động và trả lương, đóng bảo hiểm cho những người tham gia thực hiện đề tài.
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel phát biểu tại phiên họp.
Cho ý kiến đối với nội dung dự thảo Nghị quyết, đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đề nghị bổ sung vào Điều 14 nội dung doanh nghiệp nhà nước được sử dụng quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp để thực hiện dự án các nhóm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và không đánh giá hiệu quả đối với những dự án này. Bên cạnh đó, đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel cũng đề nghị bổ sung vào Điều 7 nội dung hỗ trợ nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và các quỹ như Quỹ phát triển về khoa học công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển về khoa học công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia vào Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước để thực hiện hoạt động khoa học công nghệ của doanh nghiệp nhà nước để thực hiện phát triển công nghệ, chiến lược, sản phẩm công nghệ chiến lược và sản phẩm quốc gia. Bên cạnh đó, đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel cũng đề xuất được sử dụng một phần Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước để lập Quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm thực hiện các dự án đầu tư, mua bán, sáp nhập vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Về sản phẩm đầu ra cho việc nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đề xuất bổ sung thêm điều mới về Quỹ mua sản phẩm công nghiệp chiến lược, Chính phủ hình thành Quỹ mua sản phẩm công nghệ chiến lược từ ngân sách nhà nước để thúc đẩy phát triển công nghệ đổi mới sáng tạo thông qua việc mua sắm sản phẩm có nguồn gốc, kết quả khoa học công nghệ của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có ưu tiên cho sản phẩm công nghệ chiến lược và doanh nghiệp được đàm phán trực tiếp với sự tham gia của các cơ quan chức năng nhà nước để mua các công nghệ công nghiệp chiến lược thuộc bí mật quốc gia trên thị trường xuất khẩu như máy móc thiết kế và sản xuất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, vệ tinh, lượng tử…
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại phiên họp.
Về vấn đề đấu thầu tại dự thảo Nghị quyết, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khoản 1 Điều 14 dự thảo Nghị quyết quy định các trường hợp mua sắm hàng hóa, dịch vụ thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ không phải áp dụng quy định của Luật Đấu thầu do bản chất đã được quy định tại các khoản 3, 4, 5 Điều 134 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Vì vậy, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc về việc quy định nội dung này tại dự thảo Nghị quyết, Báo cáo đánh giá tác động chính sách và Báo cáo rà soát văn bản pháp luật để tránh gây mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình triển khai. Đối với khoản 2 Điều 14 về ưu đãi đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước, ưu đãi đối với nhà thầu trong nước sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam đã được quy định cụ thể tại điểm c, điểm g khoản 1 Điều 10 Luật Đấu thầu và Điều 8, Điều 9 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, do vậy, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc sự cần thiết quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết. Đối với các đối tượng được hưởng ưu đãi bổ sung trong dự thảo Nghị quyết là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, tổ chức khoa học và công nghệ, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung các khái niệm, tiêu chí xác định và chính sách ưu đãi cụ thể đối với các đối tượng này, đồng thời, đánh giá đầy đủ tác động của chính sách, rà soát hệ thống pháp luật để tránh khoảng trống pháp lý trong triển khai thực hiện.
Về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết, đại diện Bộ Tài chính cho rằng điều này cơ bản là trích dẫn các nội dung hiện hành về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và không có nội dung gì mới. Vì thế, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, quy định rõ hơn các chính sách mang tính đột phá về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập. Về vấn đề xử lý tài sản là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ của cơ quan nhà nước, khoản 2, khoản 3 Điều 5 dự thảo Nghị quyết có sự trùng lắp trong việc xác định chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Ví dụ, trường hợp nhiệm vụ khoa học công nghệ do Nhà nước đầu tư và sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng tổ chức chủ trì thực hiện dịch vụ là công ty, đơn vị ngoài nhà nước, trong trường hợp này, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 dự thảo Nghị quyết thì Nhà nước sẽ là chủ sở hữu. Tuy nhiên, nếu theo quy định tại khoản 3 Điều 5 dự thảo Nghị quyết thì tổ chức chủ trì sẽ là đơn vị sở hữu. Do vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát nội dung tại khoản 2, khoản 3 Điều 5 dự thảo Nghị quyết này để tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo và trùng lắp. Đồng thời, quy định rõ thời điểm xác lập quyền sở hữu ngay từ khi thực hiện nhiệm vụ hay khi kết thúc nhiệm vụ và thủ tục thực hiện nếu có. Trường hợp không phải thực hiện các thủ tục bàn giao tài sản thì cần quy định rõ tại khoản 2, khoản 3 Điều 5 dự thảo Nghị quyết để làm cơ sở thực hiện. Ngoài ra, đề nghị bổ sung thêm quy định tại dự thảo Nghị quyết đối với trường hợp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có nguồn ngân sách nhà nước hoặc do nhiều chủ thể thực hiện đầu tư tài chính, cơ sở vật chất cho nhiệm vụ. Về cơ chế khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước thì nội dung tại Điều 6 dự thảo Nghị quyết cũng đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, để bảo đảm thể chế hóa nội dung về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thêm các nội dung khoán chi mới để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Về các quy định liên quan đến quỹ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tại khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị quyết, đại diện Bộ Tài chính đề nghị bỏ cụm từ “nguồn chi thường xuyên” dành cho phát triển khoa học và công nghệ vì trước cụm từ này đã có cụm từ “kinh phí cấp bổ sung hàng năm từ ngân sách nhà nước”. Tại khoản 2 Điều 7 dự thảo Nghị quyết, đề nghị sửa cụm từ “kinh phí cấp bổ sung hàng năm về nguồn chi thường xuyên của ngân sách nhà nước dành cho các viện khoa học công nghệ” bằng cụm từ “kinh phí cấp bổ sung hàng năm từ ngân sách nhà nước” để thống nhất với nội dung tại khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị quyết. Về nội dung chi cho ngân sách về khoa học và công nghệ tại Điều 8 dự thảo Nghị quyết, đại diện Bộ Tài chính đề nghị bỏ nội dung khoản 1 “các quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không phải là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách” vì không liên quan đến nội dung và tiêu đề của Điều 8. Mặt khác, nếu không quy định là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, thì cần phải quy định cụ thể mô hình của quỹ này để bảo đảm khả thi vì hiện nay, chỉ có quy định quỹ ngân sách và quỹ ngoài ngân sách, khoa học và công nghệ chỉ có một quy định về khoa học và công nghệ. Về khoản 4 Điều 8 dự thảo Nghị quyết, đại diện Bộ Tài chính cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc để bảo đảm có đủ nguồn lực cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ thì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần có mục tiêu cụ thể và nhu cầu kinh phí khác nhau. Ngoài ra, căn cứ vào quy định tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, để bảo đảm nguồn lực cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Tài chính cũng đã có ý kiến tham gia về Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ Tài chính cũng đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc cân đối, bảo đảm nguồn lực cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc rà soát nhiệm vụ, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học, công nghệ, bảo đảm mục tiêu theo Nghị quyết số 57-NQ/TW, chịu trách nhiệm giải trình với cơ quan của Quốc hội và Chính phủ về việc phân bổ nguồn lực, tiến độ giải ngân kinh phí và hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ. Tại Điều 10 dự thảo Nghị quyết quy định viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ được góp vốn tham gia điều hành doanh nghiệp khởi nguồn. Các quy định đối với viên chức trong việc góp vốn thành lập và điều hành quản lý doanh nghiệp đang thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng. Do đó, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo là rà soát, bổ sung, bảo đảm có sự thống nhất các nội dung tại dự thảo Nghị quyết với các luật trên, đồng thời, cũng bổ sung quy định làm rõ khái niệm doanh nghiệp khởi nguồn để có đầy đủ cơ sở pháp lý thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Cho ý kiến tại phiên họp Hội đồng thẩm định, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát các nội dung trong dự thảo Nghị quyết để dự thảo Nghị quyết chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, những quy định còn vướng mắc mà thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì không đưa vào dự thảo Nghị quyết. Đối với vấn đề về đấu thầu tại Điều 14 dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng cho rằng có một số điểm không áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu là chưa rõ ràng và ảnh hưởng đến việc thực hiện Nghị quyết vì Luật Đấu thầu hiện hành đưa ra những cơ chế rất thông thoáng về những nhóm lĩnh vực về hoạt động mua sắm, đầu tư và quy định rõ trường hợp nào được miễn đấu thầu và trường hợp nào được chỉ định thầu. Chính vì vậy, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nếu quy định thì cần quy định giới hạn phạm vi không áp dụng Luật Đấu thầu đối với những trường hợp cụ thể có tính chất thực sự cần thiết. Đối với hoạt động mua sắm mà không thực hiện Luật Đấu thầu thì cần có tiêu chí áp dụng và xác định trách nhiệm của cơ quan áp dụng quy định để bảo đảm lợi ích của Nhà nước. Về quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 dự thảo Nghị quyết quy định nhà thầu trong nước cung cấp dịch vụ, sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam phù hợp với hồ sơ mời thầu, Thứ trưởng cho rằng quy định này còn quá rộng, nhà thầu cần phải có năng lực nổi trội để được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu và quy định này nên giao cho Chính phủ để quy định chặt chẽ hơn. Đối với Điều 24 dự thảo Nghị quyết quy định về đầu tư, mua sắm, đấu thầu phục vụ hoạt động chuyển đổi số, người đứng đầu bộ, ngành, địa phương được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu để lựa chọn doanh nghiệp thực hiện, Thứ trưởng đề nghị nên giới hạn phạm vi và quy định rõ tiêu chí trường hợp nào được chọn trúng thầu. Về sử dụng kết quả khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng yêu cầu cần quy định rõ ràng, dễ hiểu hơn; đồng thời, đề xuất hình thành cơ chế áp dụng phương thức hợp đồng nghiên cứu, sử dụng, phát triển ứng dụng sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung một số điều khoản về tổ chức thực hiện. Đây là lĩnh vực mang tính đặc thù nên cần được quản lý theo phương thức đặc thù. Cụ thể, cần có quy định về trách nhiệm của tổ chức khoa học công nghệ và cơ quan chủ quản của tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước; quy định về trách nhiệm hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thực hiện các cơ chế đó./.
Hoàng Trung