Cùng với sự phát triển của đất nước, các chính sách, pháp luật của dân tộc và miền núi là một trong những vấn đề cấp bách được ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Có thể thấy, mặc dù cho đến nay, chính sách, pháp luật về dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt khu vực miền núi nơi có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú, nhưng vẫn mang tính cào bằng, tư duy nhiệm kỳ trong việc ban hành chính sách, pháp luật, chồng chéo về nội dung, địa bàn và đối tượng thụ hưởng… Vì vậy, việc nghiên cứu những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của của Việt Nam về dân tộc thiểu số và miền núi có vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu những vấn đề như quan niệm, một số nội dung cơ bản, thành tựu, hạn chế và đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách, pháp luật của Việt Nam về dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong những năm gần đây, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTSVMN) đã từng bước nỗ lực phát triển về mặt kinh tế - xã hội nhưng chủ yếu mới đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, hỗ trợ đến sự phát triển, hội nhập của đồng bào DTTSVMN thông qua các chính sách, pháp luật.
1. Quan niệm về chính sách, pháp luật về dân tộc thiểu số và miền núi
Có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau về chính sách, pháp luật của DTTSVMN. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng đã thường xuyên ban hành mới, hoặc sửa đổi, bổ sung những quy định về chính sách, pháp luật về DTTSVMN, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật rất lớn, trong đó, có những văn bản có phạm vi điều chỉnh và áp dụng đối với các DTTSVMN và cả những văn bản quy phạm pháp luật áp dụng cho đối với các chủ thể là người Việt Nam, các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó có những quy định riêng về việc áp dụng đối với DTTSVMN.
Qua nghiên cứu, phân tích, tác giả đưa ra quan niệm: Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Việt Nam về DTTSVMN giai đoạn 1986 - 2012 bao gồm hệ thống chính sách về chính trị, kinh tế, giáo dục, bảo tồn và phát triển văn hóa, y tế, thể dục, thể thao, du lịch, thông tin - truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, bảo vệ môi trường, sinh thái, quốc phòng, an ninh vùng dân tộc thiểu số, cán bộ người dân tộc thiểu số và người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số có quan hệ hữu cơ với nhau, tác động qua lại với nhau hợp thành một thể thống nhất vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, thể hiện nguyên tắc và mục tiêu phát triển bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc; đảm bảo sự thống nhất của quốc gia và dân tộc; giao lưu, hội nhập quốc tế.
2. Một số nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Việt Nam về dân tộc thiểu số và miền núi
Về chính trị: Chính sách, pháp luật về chính trị đối với đồng bào DTTSVMN là một trong những vấn đề mang tính chiến lược về cơ bản, lâu dài, đồng thời là nhiệm vụ cấp bách trong mọi thời kỳ. Hiến pháp năm 2013, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014… đã quy định tăng cường tính đại diện của các DTTSVMN trong các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Đồng bào DTTSVMN được đảm bảo quyền bầu cử, quyền ứng cử tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước.
Về kinh tế: Đảng và Nhà nước đã đưa ra các chủ trương, chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTSVMN như Chương trình 135; Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường cho khu vực nông thôn, miền núi… Đảng và Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung phát triển rừng, tăng độ che phủ của rừng; lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đặc thù ở từng địa phương, phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, khôi phục các ngành nghề thủ công truyền thống của đồng bào DTTSVMN; ưu tiên thực sự cho vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, biên giới, vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn như vùng Tây Nguyên, vùng miền núi phía Bắc, vùng duyên hải miền trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nam bộ…
Về giáo dục: Hiến pháp năm 2013, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Thanh niên… đã có những quy định về chính sách hỗ trợ chế độ cử tuyển, miễn giảm học phí và một số chính sách khác cho thanh niên dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội học tập. Nội dung chủ yếu của chính sách, pháp luật đối với dân tộc thiểu số tập trung vào vấn đề phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số theo chương trình chung quốc gia; phát triển trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dạy nghề… hỗ trợ nhà ở cho giáo viên đến công tác tại các xã đặc biệt khó khăn; tăng cường luân chuyển giáo viên từ các trường trung tâm về công tác tại địa bàn các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; thực hiện dạy tiếng dân tộc cho học sinh các cấp phù hợp với đặc thù từng vùng, bên cạnh đó, dạy tiếng dân tộc cho giáo viên.
Về văn hóa: Đảng và Nhà nước khuyến khích phát triển, sưu tầm, nghiên cứu và phát huy những hoạt động văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTSVMN nhằm bảo tồn và chấn hưng văn hóa cho từng vùng, từng dân tộc. Cụ thể, Tây Nguyên có giá trị văn hóa như Luật tục, nhà rông, nhà mồ và tượng nhà mồ, không gian âm nhạc cồng chiêng là văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, sử thi; chú trọng đào tạo, hỗ trợ giữ gìn và phát triển chữ viết của dân tộc thiểu số có chữ viết riêng như Thái, Tày, Chăm; đưa sách, báo đến đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, tăng thời lượng chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng DTTSVMN.
Về y tế: Các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế đối với đồng bào DTTSVMN tập trung ở những văn bản như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Người cao tuổi, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân…, theo đó, đã đưa ra quy định, Nhà nước dành ngân sách thích đáng để củng cố, mở rộng mạng lưới y tế khám bệnh, chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là y tế cơ sở ở vùng cao, vùng xa xôi, hẻo lánh. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh ở đồng bào DTTSVMN, hỗ trợ phụ nữ khám bệnh định kỳ ở các cơ sở y tế, hỗ trợ khám chữa bệnh, hỗ trợ tiền ăn, đi lại. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển y học cổ truyền, kinh nghiệm chữa bệnh bằng những bài thuốc dân gian có giá trị của đồng bào các DTTSVMN.
Về phát triển thể dục, thể thao vùng dân tộc thiểu số: Đảng và Nhà nước có chính sách, pháp luật bảo tồn và phát huy các môn thể dục, thể thao truyền thống của các dân tộc thiểu số như ném còn, tu lu, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ... Tổ chức các hoạt động, phong trào thể dục, thể thao của đồng bào DTTSVMN trong dịp lễ hội và các hội thi của các địa phương như Lạng Sơn, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu… Các địa phương có chính sách đầu tư xây dựng sân vận động, nhà thi đấu, trung tâm tập luyện thể dục, thể thao ở vùng dân tộc thiểu số.
Về du lịch: Ưu tiên, hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch; khai thác hợp lý các tiềm năng, danh lam thắng cảnh, phát triển du lịch; lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng dân tộc thiểu số; phát triển mô hình du lịch miền núi có sự tham gia của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Ưu tiên hỗ trợ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch tại đồng bào DTTSVMN; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, sử dụng nhân lực du lịch là DTTSVMN.
Về thông tin, truyền thông: Đầu tư phát triển hệ thống thông tin, truyền thông đối với đồng bào DTTSVMN. Khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin, tăng cường ưu tiên áp dụng sử dụng các ngôn ngữ của đồng bào dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng như ti vi, đài, loa phát thanh… Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thiên tai, lũ lụt ở vùng DTTSVMN.
Về chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý: Có chế độ hỗ trợ, ưu tiên các địa phương xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng và vùng đồng bào DTTSVMN, đặc biệt là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật. Thực hiện chính sách, pháp luật đa dạng về các nội dung như Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới…
Về chính sách bảo vệ môi trường, sinh thái: Sử dụng, khai thác và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường, sinh thái vùng dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật. Bảo vệ, cải tạo và đảm bảo cho vùng có tài nguyên được đầu tư trở lại phù hợp. Tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào ở vùng có tài nguyên để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học.
Về quốc phòng, an ninh: Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chính sách, pháp luật về DTTSVMN đó là Luật Quốc phòng, Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh Dân quân tự vệ... Xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh ở các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và giữ vững trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số. Có chính sách, pháp luật tổ chức vận động già làng, trưởng thôn, buôn và người có uy tín phát huy vai trò bảo đảm trật tự an ninh quốc phòng địa bàn sinh sống của DTTSVMN.
Về cán bộ dân tộc và người có uy tín: Đảng và Nhà nước ta đã đề ra các chính sách, pháp luật đối với đồng bào DTTSVMN nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở miền núi vững mạnh về chuyên môn, có đủ số lượng và chất lượng, phát huy quyền chủ động ở cơ sở, góp phần xây dựng nền kinh tế - xã hội ở địa phương. Quan tâm, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ DTTSVMN; nâng cao tỷ lệ người DTTSVMN trong các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước, đặc biệt trong số đại biểu dân cử các cấp; tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách và có chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng miền núi, biên giới, vùng DTTSVMN.
3. Đánh giá về những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Việt Nam về dân tộc thiểu số và miền núi
3.1. Những thành tựu
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều quyết sách về dân tộc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và kiên định đường lối lãnh đạo đoàn kết, bình đẳng, hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc. Chính sách, pháp luật về dân tộc đã khá toàn diện, đầy đủ các lĩnh vực, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt khu vực miền núi nơi có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú.
Về kinh tế, chính sách, pháp luật xóa đói, giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam đã giảm được tỷ lệ đói nghèo của người DTTSVMN nhanh hơn những nước khác ở trình độ phát triển kinh tế - xã hội tương tự. Tạo được sự phấn khởi, tin tưởng của đồng bào DTTSVMN vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến các địa phương, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. Chương trình phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ về căn bản đã được hoàn thành. Hệ thống y tế về cơ bản đã xuống cơ sở, các loại dịch bệnh như sốt rét, bướu cổ được đẩy lùi. Việc đào tạo cho đội ngũ bác sĩ, y tá… là người dân tộc thiểu số trong ngành y tế được chú trọng.
Các chính sách, pháp luật về văn hóa đối với đồng bào DTTSVMN đã tạo nên không gian văn hóa vùng miền, môi trường văn hóa trong hệ thống chính trị, nhà trường, gia đình và cộng đồng. Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng những chủ trương, chính sách, pháp luật đúng đắn mà rất nhiều di tích lịch sử văn hóa được trùng tu, tôn tạo, hàng trăm lễ hội truyền thống được phục hồi, phục hồi các truyền thuyết, các bộ sử thi…; các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận. Như vậy, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng, đầu tư và phát triển, bảo tồn, khẳng định giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
3.2. Hạn chế
Chính sách, pháp luật đối với đồng bào DTTSVMN ở nước ta vẫn chưa quan tâm đến vùng dân tộc biên giới và một số nhóm yếu thế của đồng bào DTTSVMN. Các chính sách về DTTSVMN còn tình trạng ban hành manh mún, chồng chéo về nội dung, trùng lặp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng; việc chi trả, hỗ trợ đôi lúc còn chưa kịp thời, vẫn chưa có luật DTTSVMN, hay luật ưu đãi các DTTSVMN.
Tỷ lệ nghèo đói của đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm hơn những giai đoạn trước, nhưng nhìn chung vẫn còn cao so với mặt bằng chung của cả nước. Sự tiến bộ về giảm nghèo vẫn hạn chế đối với đồng bào DTTSVMN, tỷ lệ tái đói nghèo còn cao[1]. Về giáo dục, cơ sở vật chất của các trường học tại vùng DTTSVMN còn nghèo nàn, lạc hậu, thiếu dụng cụ học tập; còn tình trạng thiếu giáo viên là người dân tộc thiểu số. Việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Tồn tại những kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá cách mạng. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc ở nước ta tuy nhiều nhưng người DTTSVMN vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ. Một số cán bộ, công chức là người Kinh không biết tiếng dân tộc. Các chính sách, pháp luật về vấn đề văn hóa chưa bao quát hết phạm vi rộng lớn, tính đa dạng, phong phú của văn hóa, chưa thấu hiểu được những giá trị đặc thù. Nội hàm khái niệm “tiên tiến”, “đậm đà bản sắc dân tộc” còn nhiều bất cập, khó triển khai trên thực tiễn[2]. Nhiều giá trị đạo đức, quan hệ xã hội rường cột, di sản văn hóa truyền thống của gia đình, cộng đồng bị xói mòn, xóa bỏ[3].
Còn tồn tại tình trạng chủ thể thụ hưởng chính sách, pháp luật đối với đồng bào DTTSVMN là người dân tộc thiểu số chưa nỗ lực tự vươn lên thoát nghèo, tâm lý tự ti, mặc cảm, ỷ lại, trông chờ vào sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương. Thực tế, rất nhiều chính sách, pháp luật đã hết thời gian thực hiện nhưng mục tiêu chưa đạt được. Việc triển khai chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc lớn chưa hiệu quả, quy mô hỗ trợ nhỏ lẻ (mỗi hộ được hỗ trợ 1 lần, 1 con), chất lượng con giống, phòng dịch chưa được quan tâm đúng mức. Chương trình 135 giai đoạn I tuy có nhiều thành tựu song vẫn còn dang dở, đồng bào miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, phải đến khi tiếp tục xây dựng Chương trình 135 giai đoạn II mới có những bước tiến đáng kể...[4].
Khi ban hành chính sách còn chưa tính tới sự khác biệt về địa bàn cư trú, đặc điểm về văn hóa của từng dân tộc thiểu số, vẫn mang tính cào bằng, chưa có sự phân biệt giữa nhóm dân tộc thiểu số có mặt bằng phát triển cao như Mường, Thái… với nhóm dân tộc ít người như Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu… Chính sách, pháp luật vẫn chưa tính đến sự ưu tiên đối với những nhóm yếu thế như trẻ em, người già, phụ nữ và người khuyết tật.
3.3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chính sách, pháp luật của Việt Nam về dân tộc thiểu số và miền núi
Thứ nhất, xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về DTTSVMN phải thực thi một cách đồng bộ, toàn diện các chương trình, chính sách phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa… Đảm bảo tính thống nhất giữa hệ thống pháp luật, chính sách của Việt Nam đối với mọi chủ thể nói chung và của nhóm đồng bào DTTSVMN nói riêng. Tạo nên sự bình đẳng của người Kinh và người dân tộc thiểu số, không có sự phân biệt đối xử trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Thứ hai, nên chuyển đổi từ thụ động thực hiện chính sách, pháp luật của đồng bào DTTSVMN sang chủ động thực hiện bằng hình thức cụ thể là chuyển từ “cho” thành “cho vay” trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, giáo dục, y tế… đối với đồng bào DTTSVMN.
Thứ ba, tăng cường việc rà soát các văn bản về chính sách, pháp luật đối với đồng bào DTTSVMN, đổi mới các quy định chính trị nhằm tăng cường quyền lực chính trị của người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan quyền lực của Nhà nước; bổ sung chính sách, pháp luật về quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức người DTTSVMN; đổi mới chính sách, pháp luật về cử tuyển; đổi mới chế độ tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức là người đồng bào DTTSVMN; xây dựng chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe nhân dân, vùng núi, vùng sâu, vùng xa…
Thứ tư, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về DTTSVMN. Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan và các địa phương tích cực phối hợp xây dựng chính sách, pháp luật về DTTSVMN với mục tiêu đã đề ra nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và các vùng miền, phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc xây dựng chính sách, pháp luật đối với đồng bào DTTSVMN. Tăng cường sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc thực thi các chính sách, pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Tóm lại, cần phát triển mọi mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn dân tộc, miền núi, gắn tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển giáo dục, đào tạo, y tế; an ninh quốc phòng được vững mạnh; giữ gìn, phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; chính sách, pháp luật phải gắn với kế hoạch phát triển chung của cả nước nhằm phát huy các thế mạnh của các dân tộc về các mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, đảm bảo tôn trọng quyền con người, quyền công dân của đồng bào DTTSVMN. Do vậy, việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về DTTSVMN phải thực thi một cách đồng bộ, toàn diện các chương trình, chính sách phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về DTTSVMN nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Học viện Hành chính Quốc gia
[1]. Hoàng Minh Đạo (Chủ biên) (2005), Thực trạng đói nghèo và một số giải pháp xóa đói giảm nghèo đối với các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 78.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 1998, tr. 55 - 56.
[3]. Việt Nam sau 30 năm đổi mới: Thành tựu và triển vọng, Nxb. Hồng Đức, năm 2016, tr. 114.
[4]. Ngọc Oanh, Chính sách dân tộc của Đảng cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 11(84) - 2014, tr. 70.