Toàn cảnh phiên họp
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận lần đầu đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và thảo luận lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo dự kiến, cả 3 dự án Luật này đều sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) tới. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết tại nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến về các dự án luật này, nhiều chuyên gia và đại diện các cơ quan, hiệp hội cho rằng đây là cơ hội ngàn năm có một, bởi vì không phải lúc nào Quốc hội cũng sửa cùng một lúc 3 luật có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Trong thực tiễn do thời điểm thông qua luật khác nhau nên có những quy định không thống nhất. Điều này một mặt sẽ tạo ra những vướng mắc khi áp dụng luật, xảy ra tình trạng áp dụng luật này thì đúng nhưng luật kia lại sai dẫn đến rủi ro cho chính các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện pháp luật. Mặt khác sự thiếu thống nhất trong các quy định pháp luật sẽ làm cản trở sự phát triển. Bởi nếu các quy định được thống nhất, thông suốt thì sẽ thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện nhiệm, triển khai các hoạt động, dự án, phát huy được nguồn lực từ xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhất là việc thực hiện các dự án về phát triển nhà ở, dự án bất động sản vừa góp phần triển kinh tế - xã hội vừa đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi các vấn đề này có khúc mắc, ách tắc, không triển khai được thì các cơ quan làm luật cũng phải có trách nhiệm phải tháo gỡ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp
Nhấn mạnh việc sửa cả 3 luật cùng thời điểm là cơ hội để nhìn một cách đồng bộ, nhận diện còn lại những quy định nào không thống nhất phải đặt lên bàn để trao đổi, thảo luận để tìm phương án xử lý, đảm bảo tính thống nhất giữa 3 luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng đây là yêu cầu tối thiểu phải đáp ứng. Ngoài ra, các quy định còn phải phù hợp với chủ trương của Đảng, phải khơi thông nguồn lực để huy động được nguồn lực trong xã hội đóng góp vào phát triển.
Qua nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với Thường trực Ủy ban Kinh tế cho thấy đến nay còn 11 nội dung lớn chưa đảm bảo tính thống nhìn từ góc độ Luật Nhà ở với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, ngoài ra một số nội dung liên quan đến Luật Đầu tư hiện hành. Trong đó liên quan đến Luật Đất đai, tập trung vào vấn đề về hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; các dự án nhà ở khác phải thu hồi đất; các trường hợp được miễn giảm tiền sử dụng đất và tiền thuê đất; về sở hữu nhà của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.
Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật tham dự phiên họp
Nhóm nội dung liên quan đến Luật Kinh doanh bất động sản gồm thời hạn để chủ đầu tư nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cho người mua, người thuê mua, chứng nhận quyền sở hữu nhà; thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở.
Nhóm nội dung liên quan đến Luật Đầu tư hiện hành gồm chấp thuận nhà đầu tư; công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở; trình tự, thủ tục đầu tư dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư; vấn đề xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, những trình tự, thủ tục đang trùng lặp, vướng mắc trong thực hiện dự án vừa lãng phí thời gian, vừa mất thêm chi phí tuân thủ, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải sửa đổi để cải tiến, đổi mới quy trình, tạo thông thoáng, đồng thời vẫn đảm bảo chặt chẽ, không trùng lặp giữa các luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trao đổi tại buổi làm việc
Nhấn mạnh tinh thần làm việc thẳng thắn, cầu thị, xây dựng, vì một mục tiêu chung là đảm bảo tính thống nhất của các dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị có trao đổi thẳng thắn, làm rõ những lý lẽ, lập luận trong từng phương án thiết kế quy định để đi đến thống nhất các nội dung. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng trong quá trình này cần có sự cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, tính thống nhất hệ thống pháp luật, tiếp tục hoàn thiện về mặt quy trình xây dựng pháp luật, đề cao trách nhiệm của các cơ quan, cùng nhau giải quyết, xử lý những nội dung còn ý kiến khác nhau bảo đảm chất lượng tốt nhất của các dự án Luật.
Dự kiến tại đợt 2 của phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý các dự án luật này.
Bảo Yến
(Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam)