Cùng dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Nội chính Trung ương, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Tư pháp, Ban Công tác đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp, thành viên Tổ biên tập là chuyên gia, các nhà khoa học và cán bộ ở các cơ quan hữu quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án bày tỏ vui mừng khi nhận thấy trong thời gian qua thực hiện sự phân công của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội thực hiện rất nghiêm túc, khẩn trương trách nhiệm bài bản, khoa học, xây dựng 4 chuyên đề quan trọng có ý nghĩa nền tảng cho việc xây dựng Đề án; cũng như phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương triển khai các công việc chung của Ban Chỉ đạo. Bốn chuyên đề đó là: Chuyên đề số 9 về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Chuyên đề số 10 về Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Chuyên đề số 11 về Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Chuyên đề số 12 về Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Đánh giá cao chất lượng các chuyên đề do Đảng đoàn Quốc hội đã trình Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập 4 Tiểu ban do Chủ tịch Quốc hội hoặc các Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng Tiểu ban để trực tiếp chỉ đạo xây dựng từng chuyên đề rất công phu, chặt chẽ. Lãnh đạo Quốc hội và các Tiểu ban đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm, tổ chức xin ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan. Đặc biệt có chuyên đề rất cầu thị, tổ chức xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Quốc hội như Chuyên đề số 11 về đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, 4 chuyên đề do Đảng đoàn Quốc hội chủ trì là nền tảng vì nghĩa lớn lao và vai trò Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã rất tâm huyết, trách nhiệm, đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ là Phó Trưởng Ban chỉ đạo có nhiều ý kiến tham gia góp ý kiến về vấn đề lớn của Đề án. Tổ biên tập đã nghiêm túc tiếp thu rất nhiều các ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, thành viên Ban Chỉ đạo trong bản dự thảo Đề án lần thứ 3.
Qua theo dõi hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội các nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chủ tịch nước ghi nhận, Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội đã chỉ đạo kịp thời, thiết thực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế, chính sách tài khóa và những nội dung giám sát tối cao, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, đặc biệt là những tháo gỡ những thể chế làm chậm quá trình phát triển. “Tất cả chúng ta đang triển khai tinh thần “Ý Đảng, lòng dân” mà đồng chí Vương Đình Huệ đã phát biểu tại Phú Thọ”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong hơn 1 năm qua, Ban Chỉ đạo đã triển khai thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Đó là nghiên cứu rất nhiều tài liệu trong và ngoài nước, xây dựng 27 báo cáo chuyên đề rất công phu, có chất lượng, trong đó có 4 chuyên đề lớn của Quốc hội. Đã trưng tập nhiều chuyên gia, nhiều nhà khoa học pháp lý đầu ngành làm việc tập trung trong nhiều ngày để xây dựng dự thảo đề án. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, trong đó có 3 cuộc hội thảo quốc gia, 6 cuộc tọa đàm, mới đây đã tổ chức thành công tốt đẹp 3 hội nghị lấy ý kiến của 63 Tỉnh ủy, Thành ủy trong cả nước.
Ban Chỉ đạo cũng đã tổ chức 3 phiên họp toàn thể và một số cuộc họp thường trực để nghe tổ biên tập báo cáo và cho ý kiến vào dự thảo đề án. Đến nay, công việc của Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập đã đi gần hết thời gian dự kiến theo kế hoạch. Đến trung tuần tháng 8, Bộ Chính trị sẽ nghe Đề án này để trình Ban Chấp hành Trung ương thông qua.
Để chuẩn bị cho Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo đã có 6 buổi làm việc thành công rất tốt đẹp với các cơ quan. Nhiều vấn đề trong 15 vấn đề còn có ý kiến khác nhau đã đạt được sự đồng thuận cao. Còn một số vấn đề còn cần được tiếp tục nghiên cứu để có cơ sở lý luận, chính trị, thực tiễn vững chắc, thuyết phục hơn, cần làm rõ những thuận lợi, khó khăn khi triển khai thực hiện đề án.
Chủ tịch nước Nguyên Xuân Phúc đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về 13 nội dung liên quan đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Một là về nhận thức nội hàm “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”. Hai là về đổi mới Quốc hội theo hướng Quốc hội hoạt động thường xuyên. Ba là về đổi mới, pháp luật về bầu cử. Bốn là về thành lập thiết chế bảo vệ Hiến pháp. Năm là về hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền trưng cầu ý dân và quyền phúc quyết Hiến pháp. Sáu là thành lập Ủy ban Quốc gia về quyền con người. Bảy là thể chế hóa cụ thể hơn về vị trí, vai trò của Chủ tịch nước. Tám là thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia. Chín là tổ chức Tòa án, thẩm quyền xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Mười là về đổi mới tổ chức hoạt động của Viện kiểm sát. Mười một là về tiếp tục thu gọn đầu mối cơ quan điều tra. Mười hai là tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của cơ quan thi hành án. Mười ba là về đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền trong bộ máy nhà nước.
Tại hội nghị, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu đã nghe Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải báo cáo về một số nội dung của Đề án liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo về những nội dung liên quan đến ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội về dự thảo Đề án và tiến hành thảo luận về 13 nội dung liên quan đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.