Thành công của phiên họp chuyên đề pháp luật góp phần quan trọng thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 4 ngày làm việc liên tục với tinh thần khẩn trương, tập trung và trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ các nội dung về chương trình của phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của tháng 8.
Tại phiên họp chuyên đề lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 8 dự án luật và 1 dự án nghị quyết. Trong đó có 5 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và sẽ trình với Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Đó là, các dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến đối với 3 dự án luật khác. Bao gồm dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); dự án Luật Phòng thủ dân sự; dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, đối với dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) tuy là trình lần đầu ở Kỳ họp thứ 4 nhưng dự kiến cũng trình với Quốc hội xem xét để biểu quyết ban hành trong một kỳ họp.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về Nội quy kỳ họp (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc bổ sung dự án Nghị quyết này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2022. Ngay trong sáng 18/8, Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết này, Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét và thông qua theo thẩm quyền: Thứ nhất là Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Thứ hai là Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Nhấn mạnh đây là hai văn bản rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các cơ quan chủ trì thẩm tra và chủ trì soạn thảo đã phối hợp cơ bản hoàn thành xong dự thảo để có thể sớm ký ban hành.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị cho phiên họp lần này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các nội dung tại phiên họp đều nhận được sự tán thành cao và cơ bản đều nhất trí. Các dự án trình ra đều được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, có chất lượng rất cao và có sự đồng thuận cao. Chủ tịch Quốc hội biểu dương các cơ quan và cho biết có được sự đồng thuận cao trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về các nội dung một phần là nhờ Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, ngành trong việc chuẩn bị các nội dung trình và đặc biệt Bộ Tư pháp trong công tác thẩm định kỹ lưỡng và tham gia họp đầy đủ, tham gia phát biểu ý kiến với tính xây dựng và trách nhiệm cao, đeo bám đến cùng.
Về phía các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các cơ quan chủ trì thẩm tra các dự án luật, cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, trách nhiệm cao. Nhờ đó công việc hanh thông, thông suốt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu kỹ lưỡng và cho ý kiến vào các nội dung, góp phần vào thành công của phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thành công của phiên họp lần này có hai ý nghĩa. Một là bước rất quan trọng để thực hiện thông báo Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV. Hai là bước rất quan trọng để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 sắp tới.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dù chỉ còn 2 phiên họp nữa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV nhưng với tiến độ và chất lượng như hiện nay thì có thể yên tâm về những nội dung của kỳ họp đảm bảo được tiến độ và chất lượng theo yêu cầu đề ra.
Chuẩn bị sớm các nội dung của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và các phiên họp với chất lượng cao nhất
Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ nay đến Kỳ họp thứ 4 còn có Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, dự kiến tổ chức vào tháng 9/2022. Chủ tịch Quốc hội nêu yêu cầu để đảm bảo chất lượng ở mức cao nhất đòi hỏi các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội, cơ quan hữu quan cần phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, nhưng lắng nghe lẫn nhau với tinh thần cầu thị trong quá trình chuẩn bị này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này dự kiến được tổ chức trong 2 ngày. Trong đó, một phần thời gian để cho ý kiến về những vấn đề chung các đại biểu Quốc hội quan tâm. Thời gian còn lại sẽ có 2 hội trường để cho ý kiến vào một số các dự án luật trên cơ sở phân nhóm nội dung. Từ đó có thể có được nhiều nhất ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm. Do đó Chủ tịch Quốc hội để nghị Tổng Thư ký Quốc hội sớm tổng hợp đề nghị của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan về các dự án luật, nội dung lấy ý kiến để sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp tục rà soát lại nội dung để ban hành ngay thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như các dự thảo nghị quyết, pháp lệnh để sớm ban hành theo quy định.
Liên quan đến phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2022, Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 6 dự án luật. Trong đó có nhiều dự án luật khó như Luật Phòng thủ dân sự, Luật Đất đai (sửa đổi) hay Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Do đó, “phải chuẩn bị ngay từ bây giờ và không được để công việc của tháng 9 dồn sang tháng 10”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ./.
(Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội)