Toàn cảnh phiên họp
Tham dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về phía khách mời có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng.
Cùng dự có, đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Kiểm toán nhà nước, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp
Tích cực trong chuẩn bị các dự án luật
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết phiên họp thường kỳ tháng 3/20204, phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra trong 3,5 ngày để cho ý kiến và xem xét, quyết định đối với các nội dung quan trọng.
Thứ nhất, về nhóm công tác lập pháp. Chủ tịch Quốc hội cho biết trong phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình và tiếp thu, chỉnh lý đối với 7 dự án luật trước khi trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Cùng với 2 dự án Luật đã được cho ý kiến đối với việc tiếp thu, chỉnh lý trong phiên họp thường kỳ tháng 2/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với 9 dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận tiến độ chuẩn bị các dự án luật của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực và sớm hơn so với các kỳ họp trước đây. Trong các dự án luật trình lần này đều được các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách ngành và lĩnh vực cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra làm việc kỹ lưỡng, nhiều vòng, nhiều lần, tiếp thu một cách tối đa những ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và tiếp tục có những chỉnh lý, sửa đổi bổ sung rất cơ bản so với dự thảo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Trong đó dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định phụ trách lĩnh vực chủ trì họp nhiều lần. Mới đây Đảng đoàn Quốc hội cũng đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Cho đến nay dự án Luật này đã được hoàn thiện thêm một bước rất cơ bản. Tại phiên họp thứ 31 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về bản mới nhất, cả về cấu trúc, nội dung và cũng đã cơ bản tiếp thu tối đa những ý kiến các đại biểu đã nêu.
Nhấn mạnh đây là dự án Luật đặc biệt quan trọng, không chỉ có ý nghĩa đối với phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô mà đối với cả nước, với vị trí Hà Nội là Thủ đô của cả nước, cũng là đầu tàu động lực, không chỉ vùng mà cho cả nước. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến để hoàn thiện cao nhất cho dự án Luật này.
Các khách mời tham dự phiên họp
Đối với dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với đại diện lãnh đạo Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Phó Chủ tịch Trần Quang Phương đã có chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu rất căn cơ đối với dự án Luật này. Theo Chủ tịch Quốc hội, ban hành Luật này là một cơ hội để hoàn thiện thể chế tốt nhất cho lĩnh vực phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp.
Bên cạnh đó, các dự án luật khác đã được chuẩn bị và tiếp thu, chỉnh lý tối đa, trên cơ sở các chính sách đã trình đã có những thay đổi một cách rất sâu sắc cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.
Chỉ rõ những nội dung trọng tâm trong phiên họp tháng 3 này, trong bối cảnh thời gian không có nhiều, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên từng lĩnh vực và những lĩnh vực khác có liên quan tích cực, thảo luận liên tục để đóng góp ý kiến cho chất lượng của các dự án Luật là tốt nhất.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp
Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập, sắp xếp một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc sắp xếp đơn vị hành chính là công tác trọng tâm để thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện. Đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong thời kỳ mới, nước ta đang đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và việc thành lập các đô thị mới, các đơn vị như thị xã, thành phố là hết sức là cần thiết, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cùng với đó, theo công tác thường niên, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến đối với Báo cáo công tác dân nguyện tháng 2 năm 2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và ngoại giao
Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến dành một ngày làm việc, ngày 18/3/2024 để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hai nhóm vấn đề.
Nhóm vấn đề thứ nhất là thuộc lĩnh vực tài chính, tập trung vào các nội dung: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính. Việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng. Về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.
Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực ngoại giao, tập trung các nội dung: Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo. Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới. Công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao, kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Các nội dung chất vấn sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp và có kết nối với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, có sự tham gia của một số Phó Thủ tướng và một số các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan. Dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cùng với Chính phủ tổ chức một cuộc họp để chuẩn bị cho nội dung chất vấn này.
Rà soát kỹ lưỡng, làm rõ sự cần thiết các nội dung bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 7
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trọng tâm các nội dung làm việc tại phiên thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7. Bên cạnh đó, trong tháng 3/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật, cùng với các phiên họp trong thời gian tới, cơ bản hoàn tất các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, với tinh thần đã nêu trong Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu các Ủy ban phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để làm rõ sự cần thiết, tiến độ công tác chuẩn bị để phân loại các nội dung dự kiến bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 7, làm rõ nội dung nào khả thi và cần phải tập trung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, nội dung nào có thể giãn tiến độ để đưa sang Kỳ họp thứ 8, tránh tình trạng trình dồn trong cùng thời điểm nhưng chuẩn bị không đến nơi, đến chốn làm cho kỳ họp quá tải và chuẩn bị cũng không được kỹ lưỡng. Do đó, Chủ tịch Quốc hội để nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội để rà soát kỹ, tối đa những vấn đề gì cấp thiết và đã chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng, đầy đủ, rõ ràng thì cần phải được nghiên cứu một cách tổng thể, kỹ lưỡng. Giải quyết những vấn đề cấp bách nhưng trên tinh thần kỹ lưỡng, đảm bảo được yêu cầu chung của hệ thống pháp luật, quan trọng là phải được chuẩn bị chu đáo, đủ trình tự, thủ tục, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bảo Yến - Phạm Thắng - Nghĩa Đức
(Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam)